Search
Friday 29 March 2024
  • :
  • :

7 Điều Con Của Một Mục Sư Cần Từ Bố Mình

Chăn bầy là công việc nhiều đòi hỏi, và những đòi hỏi ấy tạo nhiều áp lực trên gia đình của bạn. Vợ mục sư mang nhiều gánh nặng, nhưng thường thì các bà vợ mục sư đã có sự sẵn sàng để thực hiện chức vụ. Con của mục sư, tuy nhiên, thường thì bị sự kêu gọi của bố mẹ cuốn theo. Do vậy, sự thiếu thận trọng của bố mẹ có thể khiến cuộc sống của các con trở nên rất khó khăn với nhiều nhu cầu không được đáp ứng. Bài viết sau của một người xuất thân là con mục sư sẽ ích lợi không chỉ cho các mục sư, mà tất cả những người hầu việc Chúa.

Nói thế này không phải để đổ tội cho các mục sư về tất cả những vấn đề của con cái họ. Nhưng sự thật là các mục sư cần làm việc để trở thành những người bố tốt. Bố tôi đã hết sức cố gắng trong chuyện này. Ông cũng có những điểm yếu và thiếu sót, và chúng đã là nguyên nhân cho sự căng thẳng giữa bố và tôi. Nhưng cho đến thời điểm này, sau hơn 33 năm làm mục sư, bố tôi chưa bao giờ dừng cố gắng để trở thành một người bố tốt hơn. Khi viết những điều này, tôi nghĩ về những thất bại của bố tôi, nhưng tôi cũng nghĩ về rất nhiều thành công của ông nữa. Tôi cũng nghĩ về những cuộc nói chuyện với hàng chục những người cũng là con của các mục sư, vì vậy những gì tôi viết đây không phải ra từ lòng cay đăng hay ước muốn phơi bày thiếu sót của người khác. Không, tôi rất yêu bố tôi, và ước muốn của tôi là để góp phần giúp những người làm con của các mục sư tránh được những tranh chiến không cần thiết và được chiến thắng.Dưới đây là 7 điều quan trọng nhất mà một mục sư có thể làm để trở thành một ông bố tốt cho các con mình. Hỡi các mục sư, con cái của quý vị cần… 

1. Một ông bố, không phải ông mục sư.

Tất nhiên là bạn được kêu gọi là mục sư cho gia đình của bạn, nhưng các con bạn còn cần một người bố – một người chơi với chúng, bảo vệ chúng, khiến chúng cười, yêu mẹ  chúng, ôm ấp chúng, quan tâm đến chúng, dạy chúng cách tiêu tiền, cách thay dầu cho xe máy… Chúng tôi cần tình yêu, sự cam kết và sự ấm áp. Chúng tôi cần một ông bố không phải là người “nghiện việc” (chỉ biết đến công việc). Thật là đạo đức giả khi kêu gọi hội thánh sống yêu thương, hy sinh, sống theo Phúc âm, trong khi chính chúng ta lại bỏ bê gia đình mình. Nếu một nhân viên bán hàng hoặc một công nhân mà làm việc 60 tiếng một tuần mà là quá nhiều thì đối với các mục sư cũng vậy. Hãy có thời gian dành cho con cái. Con cái của bạn sẽ coi thường chức vụ mục sư của bạn nếu bạn coi nhẹ chức năng làm bố của mình.

2) Trò chuyện, không phải thuyết giảng.

Giảng luận là một cách hiệu quả để truyền đạt lẽ thật Kinh thánh cho hội chúng, nhưng không phải cho các con (và vợ) của bạn. Thuyết giảng cho các con sẽ làm chúng mất hứng với Kinh thánh và sẽ dập tắt sự đam mê mà bạn đang cố gắng khơi lên. Hãy trò chuyện VỚI các con của bạn về Kinh thánh trong cách thức thú vị, dễ áp dụng và đối thoại. Hãy giúp chúng thấy Kinh thánh như một phần tất yếu của cuộc sống. Thay vì dạy thành bài, hãy dằm thấm những cuộc trò chuyện của bạn với con cái trong cách nhìn của Kinh thánh để giúp các con định hình cái nhìn của chúng. Điều đó sẽ giúp các con thấy rằng chính chúng cũng có thể tương tác với cuốn sách quan trọng này. Ở nhà mà cũng thuyết giảng ám chỉ rằng chỉ có những người có học mới hiểu được Kinh thánh và khiến các con bạn bị ngăn trở với Kinh thánh.

3) Hãy quan tâm đến sở thích của con.

Mỗi đứa trẻ có sở thích khác nhau, đứa thích ô tô, đứa thích búp bê. Sở thích là của riêng mỗi người, nhưng việc bạn quan tâm đến sở thích của các con nói cho chúng biết rằng bạn yêu chúng và điều đó thật quan trọng với chúng.

4) Hãy tìm hiểu con cái.

Khi các con đã lớn, việc thực sự ở bên các con trở nên khó khăn hơn. Do đó, hãy chăm chỉ tìm hiểu chúng như bạn nghiên cứu từ vựng Hy lạp vậy. Sự thật là trong hai điều đó thì các con bạn quan trọng hơn đấy. Đứa con trai đang học cấp ba của bạn có muốn đi ăn cùng bạn hoặc muốn bạn xem trận bóng đá mà nó tham gia không? Đứa con gái đang tuổi vị thành niên có muốn bạn cùng đi siêu thị hoặc uống cà phê không? Hãy tìm hiểu các con của mình, cùng học hỏi những thứ ấy với chúng. Trẻ vị thành niên là lứa tuổi khó khăn, nhiều khi chúng coi bố mẹ là những ông bà già chả biết gì. Nhưng những cố gắng của bạn sẽ khiến chúng muốn chia sẻ cùng bạn.

5) Sự nhất quán.

Không ai nhanh chóng nhận ra sự giả hình của bạn bằng con cái (và vợ) của bạn, và chẳng có gì có thể nhanh chóng hạ thấp vai trò của bạn trong gia đình bằng sự giả hình. Nếu bạn đứng trước bục giảng vào chủ nhật và nói về ân điển trong khi hà khắc với gia đình vào thứ sáu và thứ bảy thì thứ ân điển mà bạn đang nói tới sẽ rất rẻ rúng và kém hấp dẫn đối với con cái của bạn. Ngược lại, nếu bạn cho thấy bạn cũng cần ân điển và sự tha thứ của con đối với thái độ không ra gì của bạn thì điều đó có thể mở cửa đến với ân điển của Chúa.

Nếu trên bục giảng bạn là người chăn hiền lành nhưng ở nhà bạn là kẻ chăn thuê thì các con bạn sẽ thấy hội thánh là nơi giả tạo vì bạn đang giả tạo. Nếu bạn hô hào một cuộc sống vui mừng và hy sinh trong khi bạn suốt ngày càu nhàu hoặc lười biếng thì người phát hiện ra điều đó nhanh nhất là gia đình của bạn. Đối với những người nhà của bạn, cách bạn đối xử với Chúa và với họ quan trọng hơn nhiều bài giảng mà bạn trình bày vào ngày chủ nhật.

6) Ân điển khi thất bại.

Các mục sư nói nhiều về ân điển. Ân điển là cơ sở cho sự cứu rỗi và là nguồn hy vọng của chúng ta. Nhưng điểm mấu chốt là bạn có “ân điển” đủ với con bạn không? Con của các mục sư thường cảm thấy áp lực lớn phải đủ “tốt” và “đúng Kinh thánh”. Nhưng thực tế là chúng cũng có xu hướng phạm tội và nghi ngờ như những người khác. Đáng tiếc là khi chúng sa ngã, con đường phục hồi và hòa giải thường như không thể vượt qua. Chúng ta có đủ ân điển cho chúng, khi chúng thất bại hoặc nghi ngờ không?

7) Một tiêu chuẩn đạo đức chung.

Rất nhiều con cái của các mục sư chịu áp lực vì nghề nghiệp của bố. Tiêu chuẩn cho các mục sư và chấp sự trong thư 1 Ti-mô-thê và Tít nghe như một lời đe dọa: “Nếu con không đáp ứng những tiêu chuẩn đó, bố con sẽ mất mặt (và có thể “mất việc”). Nhưng những tiêu chuẩn đó là dành cho mọi Cơ đốc nhân (ngoại trừ khả năng dạy dỗ). Chẳng có ông bố nào bị đe dọa mất việc nếu con hư, nhưng bố tôi (làm mục sư) thì bị thế đấy. Thêm áp lực giữ tiêu chuẩn đạo đức cao chẳng giúp gì cho tấm lòng tôi, ngược lại, chúng khiến tôi càng bị cám dỗ nổi loạn hoặc đạo đức giả. Chúng tôi đã nghe rằng con cái của mục sư phải thánh khiết hơn bè bạn, rằng bố mẹ chúng phải dạy dỗ chúng tốt hơn, nhưng Chúa Giê-su nói với tất cả chúng ta: “Hãy nên thánh, vì Ta là thánh.” Và cần phải như thế!

Tác giả: Barnabas Piper, hiện đang làm việc cho nhà xuất bản Cơ đốc Moody Publishers. Ông là con trai của mục sư nổi tiếng người Mỹ, John Piper.




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.