Search
Thursday 18 April 2024
  • :
  • :

Nữ Giáo Sĩ William C. Cadman

 “Tôi là người Việt Nam, nước Việt Nam là Tổ quốc thứ hai của tôi”.

Để đặt một nền móng vững chắc xây dựng nên Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, Đức Chúa Trời đã dùng người của Ngài một cách đúng việc, đúng giờ và hữu hiệu. William Charlies và phu nhân là bà Grace Hazenber Cadman là hai nhà truyền giáo của hội  truyền giáo Phúc âm Liên  hiệp đi đầu trong việc giúp đỡ thành lập Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, đóng góp to lớn trong  việc đào tạo những người hầu việc Chúa, dịch Kinh Thánh sang Việt ngữ và soạn thảo tài  liệu học Kinh Thánh cho các Hội thánh Chúa khắp Đông Dương.

Giáo sĩ William Charlies Cadman sinh ngày 04/04/1883 tại Rotherhithe một vùng ngoại ô Luân Đôn, nước Anh, ông lớn lên trong một gia đình ngoại đạo. Sau này ông trở thành chủ nhà in chuyên nghiệp, nhà xất bản của Hội truyền giáo, ông đồng thời cũng là một doanh nhân.

Năm 1914, Chúa gọi ông W. C. Cadman và ông vâng lệnh Ngài lên đường đến Việt Nam phục vụ. Tại đây ông gặp người bạn đồng tâm chí là cô Grace Hazenberg, hai người làm lễ thành hôn vào ngày 27/07/1915, tại Vân Nam, Trung Hoa.

Bà giáo sĩ  Cadman, nhũ danh Grace Hazenberg, sinh ngày 27/09/1876 tại Fulton, một vùng nhỏ tại tiểu bang Illinois, nằm bên bờ sông Mississippi, về phía bắc thành phố Davenport. Lúc nhỏ, bà theo gia đình đi truyền giáo ở Nam Phi cho người Afrikaners (Nam châu Phi). Bà đi học ở Nam Phi và đậu bằng cử nhân. Chúa muốn dọn đường cho công việc truyền giáo của bà qua sự huấn luyện và học tập nên đã gọi bà về Toronto, Canada để học tiếp và tốt nghiệp bậc cao học chuyên nghành nghên cứu tiếng Hi-Lạp và tiếng Hi-Bá-Lai, mở đường cho bà dấn thân vào việc  phiên dịch Kinh Thánh sau này.

Năm 1913, bà là một trong 6 người đầu tiên được ban chấp hành Hội truyền giáo ở New York cử đến Tourane (Đà Nẵng). Khi thế chiến thứ nhất bùng nổ năm 1914, bà là người duy nhất ở lại để tiếp tục duy trì và phát triển cơ sở truyền giáo mới này. Đây là giai đoạn đầy cam go và thử thách. Hầu hết các giáo sĩ đều phải dời Việt Nam vì chính quyền không cho phép họ rao giảng đạo Chúa. Người dạy Việt ngữ cho bà lúc này là bà Võ Thị Thu, một phụ nữ quyền quý trong giới Nho học, về sau đã tin nhận Chúa.

Sau khi kết hôn, bà cùng chồng thiết lập địa điểm truyền giáo đầu tiên tại Đông Nam Á ở Tourane (Đà Nẵng). Năm 1919, họ xây  dựng nhà thờ Hội Thánh Tin Lành Hà Nội, năm 1920, lập cơ sở ấn loát văn phẩm Tin lành.

Dù bị bắt bớ và thử thách nhưng ông bà William Charles Cadman vẫn hết lòng yêu thương những linh hồn tội nhân, năng nổ cộng tác với các giáo sĩ và  truyền bá đạo Chúa cho người Việt. Bàn chân của  người truyền đạo ngày đêm không mệt mỏi đã in dấu khắp Việt Nam hình ảnh một đôi vợ chồng đầy tình yêu thương, tinh thần tận tụy, trang phục đơn giản, ăn uống kham khổ, đi trên chiếc xe hơi cũ kỹ, ngủ trên các băng ghế nhà thờ… Tình trạng vật chất thiếu thốn nhưng dường như được tình yêu chan chứa dành cho người Việt che lấp, khiến cho ông bà không còn thời gian nghĩ đến những khó khăn mà chỉ biết quên mình khiêm nhường phục vụ.

Năm 1928 dù bắt bớ dữ dội, nhưng noi gương tinh thần của Phi-e-rơ và các sứ đồ “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta” (Công  vụ 5:29), hai ông bà vẫn cương quyết  bám chặt vào đất Việt với mong ước cứu thêm người cho Chúa.

Thành quả lớn nhất của bà là việc dịch toàn bộ cuốn Kinh Thánh ra tiếng Việt và là bản được hầu hết các tín hữu Việt Nam sử dụng mấy mươi năm qua. Sự ra đời của bản Kinh Thánh Việt ngữ cũng góp phần trong quá trình phát triển chữ quốc ngữ khi hệ chữ này được chính phủ chính thức thừ nhận những năm cuối thập niên 1910, và đến nay Kinh Thánh Bản truyền thống vẫn là một tác phẩm văn chương lỗi lạc được nhiều học giả khen ngợi. Chính nhà văn Phan Khôi, người đồng biên dịch và lo về lối hành văn cũng đánh giá cao vai trò của bà Cadman trong công tác biên dịch này. Ông nói:“Tôi đã từng dịch kinh điển đạo Cơ Đốc từ tiếng Pháp và tiếng Tàu ra tiếng Việt Nam. Hồi đó tôi làm việc ấy dưới quyền hai ông bà Mục sư W. Cadman. Tuy họ coi tôi là người trọng yếu lắm trong việc dịch, nhưng hầu đến một câu trong đó họ cũng không để toàn quyền về tôi. Gặp câu nào nghĩa hơi khó một chút thì bà Cadman đem nhiều bổn sách ra mà đối chiếu, – vì bà biết đến 13 thứ tiếng – để chọn lấy nghĩa nào đúng nhứt. Phần chúng tôi dịch chỉ có bộ Tân ước và một phần ba Cựu ước thôi, song mất đến 5 năm mới thành. Tôi kể việc ấy vào đây để cho thấy người ngoại quốc làm việc dịch kinh, coi là việc trọng đại lắm, không dám cẩu thả”.

Bà Grace Cadman đang cầm trên tay bản dịch Kinh Thánh Tân-Cựu Ước bằng tiếng Việt đầu tiên tại Hội đồng các Giáo sĩ năm 1926

Bà đã dùng ngòi bút và công sức của mình để phục vụ Chúa và đồng loạt qua việc dịch và xuất bản rất nhiều văn phẩm Cơ Đốc. Quả thật, cơ sở ấn loát này đã góp phần đắc lực vào việc rao truyền lời Chúa, mang sự cứu rỗi đến cho vô số linh hồn tại bán đảo Đông Dương.

Khi bị người Nhật lưu giữ và giam cầm tại Mỹ Tho, bà Cadman đã 66 tuổi, bị tai biến, từ đó sức khỏe bị yếu dần. Ngày 26/04/1946 bà về với Chúa, và được an táng ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, Sài Gòn, hưởng  thọ 69 tuổi. Trong điện tín đánh về Mỹ báo tin buồn, chồng bà đã vết: “Grace Cadman trung tín cho đến chết”. Thật vậy, bà đã trung tín với Chúa, trung tín trong chức vụ và trung tín với chồng để làm vinh hiển danh Đức Chúa Trời.

Là Cơ đốc nhân Việt Nam, chúng ta biết ơn ông bà về những công lao to lớn trong việc đem Phúc âm cứu rỗi của Cứu Chúa Jêsus phổ biến rộng rãi cho người Việt.

– Hà Giang lược trích (nguồn Tuyển tập lịch sử NGƯỜI PHỤC CHÚA, Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Nam, nxb. Phương Đông) –

 




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.