Search
Thursday 25 April 2024
  • :
  • :

Sự Kiện Chúa Giê-su Về Trời Và Tuôn Đổ Đức Thánh Linh (kỷ niệm Lễ Ngũ Tuần 2013)

Loisusong.net – Những ngày này nhiều tín hữu kỷ niệm lễ Chúa thăng thiên1 và Lễ Ngũ tuần (Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống2). Dù tinh thần của Tân ước không phải ở việc “giữ ngày, tháng, mùa, năm” (Ga-la-ti 4:10; Cô-lô-se 2:16-17), nhưng sự kiện Chúa Giê-su Về Trời và Thánh Linh được tuôn đổ là có thật, và vô cùng quan trọng. Mời bạn đọc cùng “Theo dòng sự kiện” tìm hiểu vài nét về những sự kiện này.

Câu hỏi: “Sự kiện Chúa Giê-su Christ thăng thiên là gì?”
Trả lời: Sau khi sống lại từ kẻ chết, Chúa Giê-su “lấy nhiều chứng cớ tỏ ra mình là sống” (Công vụ 1:3) cho những người nữ tại mộ (Ma-thi-ơ 28:9-10), cho các môn đồ của Ngài (Luca 24:36-43), cho hơn 500 người khác (1 Côr 15:6). Vào những ngày sau Phục sinh, Chúa Giê-su đã dạy các môn đồ về nưới Đức Chúa Trời (Công vụ 1:3).

Bốn mươi ngày sau Phục sinh, Chúa Giê-su và các môn đồ đã lên núi Ô-li-ve, gần thành Giê-ru-sa-lem. Tại đó, Chúa Giê-su hứa với các môn đồ rằng họ sẽ sớm nhận được Đức Thánh Linh, và Ngài bảo họ ở lại thành Giê-ru-sa-lem cho đến khi Đức Thánh Linh đã đến. Rồi Chúa Giê-su chúc phước cho họ, và trong khi đang chúc phước, Ngài bắt đầu được cất lên trời. Câu chuyện về sự thăng thiên của Chúa được tìm thấy trong Luca 24:50-51 và Công vụ 1:9-11.

Từ Kinh thánh, rõ ràng Chúa đã trở về trời trong thân thể, theo nghĩa đen. Ngài được cất lên khỏi đất một cách từ từ và rõ ràng, được nhiều người chăm chú nhìn xem quan sát thấy. Trong khi các môn đồ ngó chăm chăm những giây cuối cùng nhìn thấy Chúa, một đám mây che khuất Ngài đi, hai thiên sứ đã hiện ra và hứa về sự trở lại của Chúa “như cách các ngươi đã thấy Ngài lên trời vậy” (Công vụ 1:11).

Câu hỏi: “Sự thăng thiên của Chúa có ý nghĩa gì?”

Trả lời: Sự thăng thiên của Chúa rất quan trọng vì một số lý do:
1) Sự kiện này là dấu hiệu kết thúc của chức vụ trên đất của Ngài. Đức Chúa Trời Cha đã thương yêu sai Con Ngài xuống thế giới tại Bết-lê-hem, và giờ đây Con trở lại cùng Cha. Giai đoạn ở trong sự giới hạn của loài người kết thúc.

2) Sự kiện này cho thấy công việc của Ngài trên đất đã thành công. Tất cả những gì Ngài xuống đất để làm, Ngài đã hoàn thành.

3) Nó đánh dấu sự Chúa trở lại với vinh quang thiên đàng. Vinh hiển của Chúa Giê-su bị che khuất trong khoảng thời gian Ngài trên đất, với một ngoại lệ ngắn ngủi tại Núi Hóa Hình (Ma-thi-ơ 17:1-9).
4) Nó là biểu tượng của việc Ngài được Cha nâng lên cao (Ê-phê-sô 1:20-23). Đấng mà Cha đẹp lòng mọi đường (Ma-thi-ơ 17:5) đã được tiếp nhận trong tôn trọng và được ban cho Danh cao trên mọi danh (Phi-líp 2:9).

5) Nó khiến Ngài có thể chuẩn bị một chỗ cho chúng ta (Giăng 14:2).
6) Nó chỉ cho thấy sự bắt đầu của một công việc mới của Ngài như là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm (Hê-bê-rơ 4:14-16) và là Đấng Trung Bảo của Giao Ước mới (Hê-bê-rơ 9:15).
7) Nó cho biết cách mà Ngài sẽ trở lại. Khi Chúa Giê-su trở lại để lập Vương Quốc của Ngài, Ngài sẽ trở về theo cách giống hệt như vậy, trong thân thể, có thể nhìn thấy được trong đám mây (Công vụ 1:11; Đa-ni-ên 7:13-14; Ma-thi-ơ 24:30; Khải huyền 1:7).
Hiện giờ Chúa Giê-su đang ở trên trời. Kinh thánh thường nói Ngài đang ngồi bên hữu Đức Chúa Cha – một vị trí tôn trọng và quyền lực (Thi thiên 110:1; Ê-phê-sô 1:20; Hê-bê-rơ 8:1). Đấng Christ là Đầu của Hội Thánh (Cô-lô-se 1:18), Đấng ban cho các ân tứ thuộc linh (Ê-phê-sô 4:7-8), và là Đấng làm cho đầy dẫy mọi sự (Ê-phê-sô 4:9-10).

Câu hỏi: “Ngày lễ Ngũ tuần là gì? “

Trả lời:“Ngũ tuần” (Pentecost) là tên gọi trong tiếng Hy lạp một kỳ lễ trong Cựu ước là lễ Bảy Tuần (Lê-vi 23:15; Phục truyền 16:9). Từ này trong tiếng Hy lạp có nghĩa là “năm mươi” và ám chỉ đến khoảng thời gian 50 ngày từ ngày dâng bó lúa đưa qua đưa lại vào lễ Vượt Qua. Lễ Bảy Tuần được tiến hành vào cuối mùa gặt lúa mì. Tuy nhiên, điều thú vị nhất là cách sử dụng của từ này trong sách Giô-ên và Công vụ. Ngoảnh lại lời tiên tri của Giô-ên (Giô-ên 2:8-32) và hướng tới lời hứa về Đức Thánh Linh trong những lời cuối cùng của Chúa Giê-su trước khi Ngài thăng thiên về trời (Công vụ 1:8), Ngũ tuần đánh dấu sự bắt đầu của kỷ nguyên hội thánh.

Chỗ Kinh thánh nhắc tới sự kiện Ngũ tuần là Công vụ 2:1-3. Vào ngày này, các môn đồ đã chứng kiến sự ra đời của hội thánh Tân ước trong việc Thánh Linh được tuôn đổ và sống bên trong mọi tín đồ – đánh dấu sự khởi đầu của công việc của Đức Thánh Linh bên trong và qua hội thánh.
Trong câu chuyện ghi lại về ngày Ngũ tuần này có nhắc đến lửa và gió là những hình ảnh được thấy ở rất nhiều chỗ khác của Cựu và Tân ước. Gió vào ngày Ngũ tuần “thổi ào ào”, một cơn gió mạnh nhưng không làm tắt những lưỡi bằng lửa. Có rất nhiều câu Kinh thánh nhắc tới gió (luôn được hiểu là ở dưới sự kiểm soát của Đức Chúa Trời (chẳng hạn Xuất 10:13, Thi 18:42, Ê-sai 11:15, Ma-thi-ơ 14:23-32). Ngoài biểu tượng quyền năng, gió còn là biểu tượng của sự sống trong Cựu ước (Gióp 12:10) và Thánh Linh trong Tân ước (Giăng 3:8). Giống như A-đam thứ nhất đã nhận được Đức Chúa Trời hà hơi và trở nên sống (Sáng 2:7), ý tưởng và sự sống thuộc linh được sinh ra bởi Thánh Linh chắc chắn là rõ ràng trong gió vào ngày Ngũ Tuần.

Lửa trong Cựu ước thường được liên hệ đến sự hiện diện của Đức Chúa Trời (Xuất 3:2;13:21-22;24:17; Ê-sai 10:17) và sự thánh khiết của Ngài (Thi 97:3; Malachi 3:2). Trong Tân ước cũng vậy lửa được liên hệ với sự hiện diện của Chúa (Hê-bê-rơ 12:29) và sự thanh tẩy mà Ngài mang lại trong đời sống con người (Khải huyền 3:18). Sự hiện diện và sự thánh khiết của Đức Chúa Trời được ám chỉ trong lưỡi bằng lửa vào ngày Ngũ tuần. Thực chất lửa còn được tương đồng với chính Đấng Christ (Khải huyền 1:14;19:12); sự liên hệ này nhấn mạnh sự ban cho Đức Thánh Linh, Đấng sẽ dạy các môn đồ những việc của Đấng Christ (Giăng 16:14).
Một khía cạnh nữa của Ngày Ngũ tuần là việc nói tiếng lạ siêu nhiên khiến những người thuộc nhiều ngôn ngữ khác nhau hiểu được sứ điệp của các sứ đồ. Thêm vào đó là bài giảng dạn dĩ và thuyết phục của Phi-e-rơ cho người Do thái, khiến người nghe “lòng như bị cắt” (Công vụ 2:37) và được Phi-e-rơ chỉ dẫn phải “ăn năn và chịu phép báp-tem” (Công vụ 2:38). Câu chuyện kết thúc bằng việc ba ngàn người đã thêm vào Hội thánh, cùng giữ lời dạy của các sứ đồ, sự thông công, lễ bẻ bánh và cầu nguyện, cùng dấu kỳ phép lạ được làm qua các sứ đồ, và một cộng đồng chia sẻ, khiến nhu cầu của mọi người đều được đáp ứng.

Theo gotquestions.org

(1)   Lễ Thăng Thiên trong lịch sử hội thánh bắt đầu được kỷ niệm vào khoảng thế kỷ thứ tư, được cử hành sau Lễ Phục Sinh bốn mươi ngày (tính từ Chúa Nhật Phục Sinh). Do đó, lễ này luôn rơi vào một ngày Thứ năm. Năm nay, lễ này rơi vào ngày 9/5/2013

(2)   Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống  được cử hành vào ngày thứ năm mươi bắt dầu từ ngày lễ Phục sinh. Năm nay, lễ này rơi vào ngày 19/5/2013




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.