Search
Friday 19 April 2024
  • :
  • :

Mục Sư Nguyễn Minh Huê: “Chúng Ta Như Những Người Kiều Ngụ”

Qua cuộc nói chuyện với mục sư Nguyễn Minh Huê, tôi hiểu thêm về cuộc đời và quá trình hầu việc Chúa của mục sư, cũng như những gì đang diễn ra tại mảnh đất miền Nam xa xôi tôi chưa từng đặt chân đến. Và câu chuyện bước vào cánh đồng của Mục sư sẽ cho bạn hiểu thế nào là được sai phái và bước đi cho khải tượng của Đức Chúa Trời…

Mục sư có thể nói ngắn gọn về thời điểm tin Chúa của mình?
Thời trẻ, có thời gian tôi nhập ngũ 4 năm thuộc quân chủng phòng không. Tôi bắt đầu sang Nga Xô lao động hợp tác tại thành phố Minsk năm 1989 và lên Moscow 9 năm sau đó. Tại đây, tôi biết đến và tin Chúa trong một kỳ lễ Phục Sinh năm 2000.

Khi nào Mục sư bắt đầu nhận ra sự kêu gọi Chúa dành cho mình?
Khi tôi quyết định đi học năm nhất trường Kinh Thánh tại Nga. Tại thời điểm đó, tôi có một công việc làm ăn rất lớn tại chợ Vòm. Công việc rất nhiều. Đi học đồng nghĩa với tôi phải từ bỏ chúng. Nhưng có một điều lớn hơn là sự kêu gọi của Chúa và phước hạnh của Chúa dành cho mình. Học đến đâu, tôi thấy lời Ngài sống động đến đó. Các cháu chúng tôi cho sang làm kinh tế cũng đi học trường Kinh Thánh Có những người giờ đây đang hầu việc Chúa rất sốt sắng tại Moscow và tại Bình Dương.

Vì cớ gì mà mục sư về mảnh đất miền Nam, thưa mục sư?
Thực chất, gia đình, họ hàng tôi rất nhiều người ở tại miền Nam. Tôi cũng yêu nơi này, từ cái khí hậu ôn hoà đến con người nơi đây, trong từng giọng nói, nét cười của họ.
Miền Nam chính là cánh đồng truyền giáo đầu tiên của gia đình tôi . Kết thúc trường Kinh Thánh năm hai năm 2007, tôi làm phụ tá cho một mục sư tại Nga. Hai năm sau gặp gỡ, Mục sư Phạm Tuấn Nhượng có nói cùng tôi: “Công việc Chúa làm qua gia đình anh tại cánh đồng miền Nam sẽ rất lớn”. Chúng tôi chưa sẵn sàng để về, nên ý nghĩ này cứ nung nấu mãi trong lòng vợ chồng tôi. Năm 2010, khi học xong trường mục sư (chăn bầy), vẫn chưa muốn về, tôi viện lý do mình còn non trẻ về thuộc linh. Tuy vậy, cả hai khải tượng dành cho tôi đều hướng đến miền Nam. Biết Chúa thúc giục mình, nên dù đang học nửa chừng trường thần học của Lời Sự Sống, tôi cùng gia đình “không nhỏ” của mình trở về và có mặt tại miền Nam không lâu sau đó, vào tháng 6 năm 2011.

Chắc hẳn phải có những khó khăn không nhỏ lúc trở về đến trên Mục sư và gia đình?
Sự cản trở đến ngay từ lúc tôi chưa về. Tôi bị một trận ốm rất nặng và tôi kêu gọi anh em cùng cầu nguyện cho để tôi có thể làm trọn sư kêu gọi Chúa cho mình. Cùng tôi là cả một gia đình với hai con trai và hai con gái nữa. Tuy vậy, thật cảm ơn Chúa vì tôi có một người vợ giúp đỡ cho chức vụ của tôi và động viên tôi rất nhiều. Sau này đi giảng tại nhiều nơi, tôi vẫn nói rằng, 50% phần trăm bài giảng của tôi, là người vợ. Sự thực là rất tuyệt vời khi có một người vợ luôn ở đó, nâng đỡ chồng mọi lúc khó khăn.

Mục sư đã bắt đầu công việc tại đây như thế nào?
Tôi làm theo những gì tôi được học, phân bổ tất cả mọi người làm việc, không tập trung vào ai cả. Có nhiều anh em lúc đầu chưa quen và chưa đồng ý, nhưng dần dần mọi người hiểu nhau hơn và bước vào công việc Chúa. Bắt đầu có sự nhóm lại trong sự hiệp một  và tôi nhận thấy đây là cánh đồng rất rộng Chúa giao cho gia đình tôi và Hội Thánh của Ngài.
Năm vừa qua, tôi cũng đề nghị với Mục sư Phạm Tuấn Nhượng mở lớp học Kinh thánh. Dù ít người, nhưng nếu không có Lời Chúa, không thay đổi những quan niệm xưa cũ thì Hội Thánh không thể làm việc được. Lớp học mở ra và kết thúc, nhưng công việc bắt đầu thay đổi theo cách hoàn toàn mới, người ta nghe lời Chúa và gắn mình vào khải tượng của Hội Thánh hơn.

Trong các kỳ trại nhân sự của Hội Thánh, tại sao mục sư nhấn mạnh nhiều và kêu gọi mọi người bước vào cánh đồng truyền giáo miền Nam đến vậy?
Tôi chỉ kêu gọi đúng với Kinh Thánh. Chúng ta là con nuôi của Chúa và giống như dân kiều ngụ vậy. Người Do Thái đi khắp nơi mà họ vẫn sống và giàu có. Chưa  có người nào bước đi mà lại hối hận cả. Tôi được phước, họ được phước. Không chỉ ở Sài Gòn đâu, mà còn nhiều vùng đất khác nữa.

Có ai hỏi rằng họ sẽ đến đây như thế nào và sống bằng cái gì không, thưa mục sư?
Có. Nhưng đi tới bất cứ đâu Chúa cũng cho tôi cũng nhìn thấy tài chính kinh tế để họ có thể sống được. Không thiếu những công việc Chúa mở ra cho anh em để có được sự tự do và dư dật về tài chính.

Tôi được biết trong nhà Mục sư có rất nhiều người ở cùng, đặc biệt là thanh niên.
Muốn phát triển công việc Chúa cần có thanh niên. Ước ao của tôi là Hội thánh Lời Sự Sống miền nam có 70% thanh niên để công việc Chúa ở đây được nhân lên. Ngay từ ở Moscow, gia đình tôi cũng thường xuyên có khách và những người ở cùng. Cho tới bây giờ, chưa một ai ở nhà tôi mà quên Chúa cả. Theo cách này, chúng tôi ở với nhau, từ đó hiểu nhau, họ đồng quan điểm với chúng tôi, sát cánh bên chúng tôi và cùng hầu việc Chúa.

Mục sư có tâm tình gì đối với công việc Chúa, trước mắt là tại vùng đất miền Nam này không?
Trước tiên cảm ơn những người đã đi trước là Mục sư Nguyễn Đình Hưng và Mục sư Hoàng Thanh Hải cùng các anh chị em đã tận hiến cho công việc Chúa tại đây.
Hiện tại, tại miền Nam chỉ có vợ chồng tôi tại Sài Gòn và một gia đình khác tại Bình Dương là hầu việc Chúa trọn thời gian, còn lại các nhận sự khác chỉ tham gia được buổi tối. Vậy là rất ít người cho một vùng đất rộng. Chúng tôi rất cần nhân sự có kinh nghiệm đưa vào để phát triển công việc ở đây. Cảm ơn Chúa là đang có những người sẵn sàng được sai phái đi, nhưng cần nhiều hơn thế.
Xin Chúa chúc phước thật nhiều cho Mục sư và cả gia đình. Cảm ơn Mục sư rất nhiều vì ngày hôm nay!

Đôi nét về Mục sư Nguyễn Minh Huê:
Mục sư Nguyễn Minh Huê sinh ngày 14/07/1966 tại xã Chân Lý – huyện Lý Nhân- Tỉnh Hà Nam. Hiện tại, mục sư cùng vợ mình là Phạm Hồng Huế, sinh năm 1974, hai con trai Thành Luân (1992), Việt Tiến (1993) cùng hai thiên thần nhỏ Thiên  Ánh (2003) và Ngọc Ánh (2008) đang hầu việc Chúa và quản nhiệm Hội Thánh Lời Sự Sống tại miền Nam, tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ.

– Nguyễn Hằng –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.