Search
Thursday 25 April 2024
  • :
  • :

Sứ điệp năm mới tại các Hội thánh Lời Sự Sống quốc tế

Loisusong.net – cùng với tiêu đề “Năm chiếm xứ” của hội thánh Lời Sự Sống tại Việt Nam, hãy cùng loisusong.net dạo qua các trang web của Lời Sự Sống quốc tế và xem sứ điệp năm mới tại đó!

Với tiêu đề: “2014 – năm Hân Hỷ”, hàng trăm người đã nhóm lại để mừng năm mới trong tòa nhà hội thánh tại Uppsalla, Thụy điển. MS Ulf Ekman, người thành lập và lãnh đạo dòng Lời Sự Sống quốc tế, đã giảng về trái của Thánh Linh, về hình ảnh của Chúa Jêsus trong chúng ta, và về cách Đức Thánh Linh muốn giúp chúng ta tăng trưởng nếu chúng ta để Ngài làm điều đó. Ông cũng nói rằng nếu chúng ta mang theo sứ điệp này vào năm 2014, thì đây sẽ thực sự là năm hân hỉ.
MS Joakim, mục sư hội thánh Lời Sự Sống tại Uppsalla, Thụy điển, đã chia sẻ ngắn gọn về ba điểm mà chúng ta có thể mang theo trong năm 2014. Thứ nhất, chúng ta cần luôn ý thức điều gì đang diễn ra bên trong mình, hay biết cẩn thận “canh giữ lòng mình”. Thứ hai, chúng ta cần sống bày tỏ ra những gì bên trong, hay có lối sống hướng về Chúa Jêsus và để người khác thấy Chúa trong chúng ta. Cuối cùng, chúng ta cần luôn nhìn vào Chúa Jêsus và sẵn sàng để Ngài cắt bỏ tất cả những gì trong chúng ta mà không đẹp lòng Ngài.
MS Mats-ola, mục sư trưởng hội thánh Lời Sự Sống tại Moscow, trong sứ điệp năm mới 2014 của dựa trên sách Ha-ba-cúc thì nhấn mạnh về đức tin, đặc biệt cho những ai trong chúng ta có thể đang hơi nản lòng vì những khải tượng, mục tiêu mà chúng ta tin từ Chúa đang có vẻ bị “trì hoãn”, hoặc “chậm trễ”. Tiên tri Ha-ba-cúc đã khắc khoải với điều ấy, và có những câu hỏi “Tại sao?” Câu trả lời của Chúa “Người công bình thì sống bởi đức tin mình” đã khích lệ vị tiên tri, đến mức trong phần cuối của sách, ông đã nói: “Vì dầu cây vả không nứt lộc nữa, và sẽ không có trái trên những cây nho. Cây ô-li-ve không sinh sản, và chẳng có ruộng nào sinh ra đồ ăn; Bầy chiên sẽ bị dứt khỏi ràn, và không có bầy bò trong chuồng nữa. Dầu vậy, tôi sẽ vui mừng trong Đức Giê-hô-va, tôi sẽ hớn hở trong Đức Chúa Trời của sự cứu rỗi tôi.” 

MS Mats-ola đặc biệt nhấn mạnh đến ba lĩnh vực mà ông cảm nhận Chúa muốn hội thánh Lời Sự Sống tại Moscow hướng tới trong năm 2014:

1. Những cánh cửa mở ở Moscow, dựa trên lời tiên tri của MS Ulf trong một hội nghị năm 2013 về sự hiện diện đặc biệt của Chúa tại Moscow. Trong đó, MS Mats-ola nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cấp công tác mạng lưới nhóm tế bào lên một mức chất lượng mới.

2. Tòa nhà thứ hai cho hội thánh.

3. Lời Sự Sống tại Moscow là một hội thánh quốc gia và quốc tế – gánh trọng trách cho các hội thánh Lời Sự Sống ở Nga và công tác truyền giáo quốc tế, đặc biệt có Việt Nam.

Trên trang nhất của trang web của hội thánh Lời Sự Sống Thụy điển vẫn tiếp tục đăng tải những sứ điệp quan trọng (và vẫn có hiệu lực) từ MS Ulf Ekman và MS Joakim. Với tiêu đề “Những cánh cửa lịch sử đang mở”, MS Ulf nhắc lại cơ hội bị bỏ lỡ tại Nhật bản sau thế chiến lần thứ hai. Vào thời điểm đó, tướng Douglas MacArthur, người chịu trách nhiệm cho việc tái thiết đất nước Nhật sau chiến tranh, đã kêu gọi các giáo sỹ từ phương Tây, nhưng các hội thánh đã đáp ứng rất yếu ớt. Hậu quả là chủ nghĩa vật chất đã lan tràn trên đất nước này khiến cho việc rao giảng Tin lành về sau trở nên cực kỳ khó khăn. MS Ulf đã nhắc đến hai quốc gia mà ông nhận định là “cánh cửa lịch sử đang mở”, đó là Mông cổ và Việt nam. Nói về Việt nam, MS Ulf viết: “Việt nam là đất nước đã có lịch sử đạo Chúa lâu đời, sau đó là một thời kỳ đóng cửa, nhiều dân nghèo, mê tín và thờ thần tượng. Sự phát triển kinh tế và đổi mới đang mở cửa đất nước này, và đây lại là một cơ hội lịch sử để rao giảng Phúc âm, thành lập Hội thánh và truyền giáo.”

MS Ulf nhận định Mông Cổ và Việt Nam là hai trong số những “cánh cửa lịch sử đang mở”

Còn MS Joakim lại nhấn mạnh đến “văn hóa” của hội thánh. Ông kể có lần được nghe một vị khách đến với hội thánh lần đầu nói: “Đây là lần đầu tiên tôi đến đây, nhưng không hiểu sao chưa ở chỗ nào tôi cảm thấy thoải mái thế này!” MS Joakim nhận xét rằng thường thì người ta được phước (ấn tượng) bởi sự ngợi khen và thờ phượng, bởi sứ điệp hoặc bởi tiệc thánh. Nhưng trong trường hợp này cái gây ấn tượng lại là bầu không khí, hay “văn hóa” trong hội thánh khiến người ta được động chạm và cảm thấy như ở nhà.

MS Joakim cho rằng khải tượng và văn hóa luôn đi đôi với nhau. Khải tượng là câu trả lời của Chúa cho câu hỏi “Cái gì?” Đó là sự mô tả công việc của Ngài giao cho chúng ta. Còn văn hóa (hội thánh) trả lời câu hỏi “Như thế nào?” Nó cho bạn biết khải tượng kia cần được tiến hành với thái độ ra sao, trong bầu không khí như thế nào?

Trích dẫn Kinh thánh, MS Joakim chỉ ra Đức Chúa Trời luôn quan tâm đến cả khải tượng lẫn văn hóa! Chúa Jêsus đã ban khải tượng, bản mô tả công việc rõ ràng trong Đại Mạng Lệnh, nhưng Ngài cũng cho biết toàn bộ khải tượng ấy cần được thực hiện trong bối cảnh văn hóa, trong tinh thần như thế nào: “Các ngươi hãy yêu nhau” (Giăng 15:17). Hay sau khi gặp gỡ và hòa giải với các anh em mình, Giô-sép đã sai họ về quê với khải tượng, với nhiệm vụ đưa người cha của họ sang Ai cập (Sáng Thế ký 45:13) – và Giô-sép đã bổ sung khía cạnh “văn hóa” cho sứ mạng của họ: “Anh em đừng cãi nhau dọc đường.”

Mục sư Joakim nhấn mạnh “văn hóa Hội thánh” được đặc trưng bởi

tình yêu thương, sự phục vụ và sự hiệp nhất.

Theo MS Joakim, toàn bộ công việc của Lời Sự Sống, sự nhóm lại, công tác truyền giáo, trường Kinh Thánh, các hội nghị, công tác xã hội, mục vụ Israel, văn phẩm, chủng viện thần học… đều đánh dấu một khải tượng rõ ràng: “Trang bị cho dân sự Chúa lời đức tin…” Tuy nhiên, khải tượng ấy cần được thực hiện trong một văn hóa tương ứng. MS Joakim đã nêu ra những đặc điểm “văn hóa” trong hội thánh Lời Sự Sống:

– Một văn hóa tích cực, trong đó chúng ta sống với đức tin vào lời Chúa và những lời hứa của Ngài. Chúng ta sống trong hiện thực kỳ diệu là Chúa Jêsus đã sống lại và giành chiến thắng vĩnh viễn! Do đó, luôn có hy vọng, luôn có cơ hội và không có tình huống nào là vô vọng!

– Một văn hóa đi ra, tại đó chúng ta muốn có cuộc sống hướng ngoại, ngược lại với lối sống vị kỷ. Chúng ta sống để mang Tin Lành đến với những người đang cần nghe, và để những “kẻ hèn mọn nhất” của Chúa được quan tâm, yêu thương.

– Một văn hóa đặt Chúa Jêsus là trọng tâm, và chúng ta càng ngày càng trở nên giống Ngài. Chúng ta sẽ liên tục tìm kiếm Chúa và sự hiện diện của Ngài trong sự cầu nguyện, Lời Chúa và Thân Thể của Ngài là Hội thánh!

– Một văn hóa đa thế hệ, tại đó một thế hệ mới sẽ lớn lên và trang bị để hoàn thành cuộc đua, không phải để thay thế hoặc hất cẳng thế hệ trước, nhưng kế thừa, mở rộng và củng cố nước Trời trên đất.

– Một văn hóa rộng lượng, trong đó chúng ta dâng cuộc sống, sự cam kết, tình yêu, tiền bạc, thời gian và năng lượng để giúp người khác thấy và gặp gỡ Chúa Jêsus. Văn hóa này cũng đặc trưng cho cách chúng ta nhìn vào các anh chị em trong Thân Thể chung của Chúa. Chúng ta cố gắng nhận thấy Chúa Jêsus trong nhau hơn là cố tìm và nhấn mạnh những khác biệt.

– Đ. Hưng tổng hợp –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.