Search
Thursday 25 April 2024
  • :
  • :

Được Kêu Gọi Hiệp Nhất

Dòng chảy Lời Sự Sống quốc tế sắp kỷ niệm năm thứ 30 thành lập (1983-2013), và trong suốt những năm tháng qua, Lời Sự Sống đã luôn vâng theo tiếng Chúa phán thông qua Mục sư trưởng Ulf Ekman. Đức Chúa Trời đã phán về “Lời Đức Tin”, về “Truyền giáo” và những năm cuối Ngài phán về Sự-Hiệp-Nhất. Dưới đây là sự dạy dỗ từ Mục sư Ulf Ekman về chủ đề “Hiệp nhất” vô cùng quan trọng này.

Vậy, tôi là kẻ tù trong Chúa, khuyên anh em phải ăn ở một cách xứng đáng với chức phận mà Chúa đã gọi anh em, phải khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà chìu nhau, dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh. Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh, như anh em bởi chức phận mình đã được gọi đến một sự trông cậy mà thôi;chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp tem; chỉ có một Đức Chúa Trời và một Cha của mọi người, Ngài là trên cả mọi người, giữa mọi người và ở trong mọi người”.

Ê-phê-sô 4:1-6

Khi chúng ta nhìn vào các đoạn Kinh Thánh trên, chúng ta phát hiện ra bảy thái độ, hay bảy phẩm chất mà Đức Thánh Linh, thông qua Phao-lô, mong muốn truyền đạt cho chúng ta:

1) Khiêm nhường

2) Mềm mại

3) Nhẫn nại

4) Nhịn nhục

5) Yêu thương

6) Nhiệt tình

7) Hòa bình.

Con số bảy trong Kinh Thánh ám chỉ sự hoàn thiện. Do đó, điều này là sự thúc giục của Đức Thánh Linh gọi chúng ta đến sự hoàn thiện tính cách bản thân. Bày tỏ những thái độ này trong cuộc sống là điều kiện tiên quyết nếu chúng ta muốn bước vào sự đầy trọn của sự kêu gọi. Chúng ta cũng thấy rằng Kinh thánh nói đến một thân thể, một Đức Thánh Linh, một sự trông cậy, một Chúa, một đức tin, một phép báp-têm, một Đức Chúa Trời.

Vì vậy, bảy phẩm chất giống như Đấng Christ mà Phao-lô thúc giục chúng ta phải cố đạt được để đồng đi với bảy thể hiện khác của đức tin chúng ta. Dĩ nhiên, đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Không điều gì được Đức Thánh Linh cảm thúc lại chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Đó là một biểu hiện cho sự hoàn hảo trọn vẹn của Đức Chúa Trời. Nó cũng là một biểu hiện về những gì chúng ta đang tìm hiểu trong bài viết này – sự hiệp nhất của chúng ta trong Đấng Christ. Để đạt được những phẩm chất này trong cuộc sống, thì sự hiệp một, nói cách khác là theo đuổi sự hiệp một là một điều kiện tiên quyết.

Tình yêu trong Đức Chúa Trời Ba Ngôi

Chúng ta biết rằng chúng ta có một Đức Chúa Trời Ba ngôi. Chữ “Ba Ngôi” thực tế không thể tìm thấy trong Kinh Thánh, nhưng điều này chắc chắn là có. Sách Cô-rinh-tô II 13:13 viết: “Nguyện ơn của Chúa Jêsus Christ, tình yêu của Đức Chúa Trời và sự thông công của Đức Thánh Linh ở cùng với anh em hết thảy”. Trong Đại Mạng Lệnh ở sách Ma-thi-ơ 28:19 Chúa Jêsus phán: “… hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ“. Chúa chúng ta là Đấng Ba Ngôi. Trọng tâm được đặt vào sự hiệp một, trọn vẹn, hài hòa, và cân bằng của Đức Chúa Trời. Ai đó đã có một câu trả lời rất thỏa đáng cho lý do tại sao Chúa là Đấng Ba Ngôi hiệp một rằng: “Đúng, bởi Chúa là tình yêu thương. Và tình yêu thương không bao giờ đơn độc, nhưng phải bày tỏ tình yêu ấy cho một ai đó khác.”

Tình yêu của Chúa tuôn chảy từ Đức Cha đến với Đức Con, Đức Con đến với Đức Cha, Đức Con đến Đức Thánh Linh và cứ tiếp tục như vậy giữa ba Thân vị của Chúa Ba Ngôi. Đó là cách tình yêu đã, đang và sẽ luôn tuôn chảy. Và đó cũng là cách tình yêu sẽ tiếp tục tuôn chảy suốt cõi đời đời. Tại một thời điểm nào đó trong cõi đời đời này, trước hội đồng có thẩm quyền vĩnh viễn diễn ra trước khi thời gian bắt đầu, Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh đã lên kế hoạch và tiền định ấp ủ con người chúng ta trong tình yêu của họ và để kéo chúng ta vào tình yêu của Ba Ngôi. Và sau đó, chúng ta có Đức Chúa Trời là Cha, Chúa Jêsus là Chúa và là anh cả của chúng ta, rồi Đức Thánh Linh là Đấng ban sự sống cho chúng ta.

Ước Ao Giữ Sự Hiệp Một

Sự cứu rỗi phải được kéo gần đến sự hiệp một, sự hiệp một ấy khởi nguồn từ bản tính yêu thương của Đức Chúa Trời và tuôn chảy giữa Cha, Con và Thánh Linh. Đức Chúa Trời là tình yêu thương. Tất cả tình yêu sẽ tôn cao, xác nhận và bảo vệ sự hiệp một, bởi vì tình yêu không ích kỷ và tập trung vào một ai đó hơn chính bản thân mình. Đây là lý do tại sao sự hiệp một rất quan trọng – nó không chỉ đơn thuần là một hướng dẫn thực tế cho chúng ta trên trần gian này. Sự hiệp một lan tỏa ra từ chính tấm lòng của Đức Chúa Trời Cha, đó là bổn tính và bản chất của Ngài đang được bộc lộ và bày tỏ qua sự hiệp một. Giờ đây, chúng ta hiểu rằng 7 phẩm chất được đề cập trong Ê-phê-sô 4 được hỗ trợ bởi bảy khía cạnh của sự hiệp một: một thân thể, một Thánh Linh, một niềm hy vọng, một Chúa, một đức tin, một phép báp-têm, một Đức Chúa Trời – khi đó chúng ta cũng có thể hiểu được cụm từ: “dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh…” (Êph 4:3)

Các bản dịch Kinh Thánh tiếng Thụy Điển sử dụng các từ “Hãy ước ao gìn giữ sự hiệp một…”. Sự ước ao là một điều rất mạnh mẽ và phải được thực hiện với lòng cam kết. Trẻ con có thể rất ước ao và cam kết. Vào một dịp nọ, Birgitta vợ tôi cùng tôi trở về Thụy Điển trong đêm Chúa Nhật khuya khoắt từ một chuyến đi nước ngoài. Vào thứ Hai, tôi bận rộn chuẩn bị bài giảng và thứ Ba, tôi giảng dạy một nhóm các mục sư. Khi đó, đứa cháu William 5 năm tuổi gọi cho bố nó khi ấy đang ở văn phòng để hỏi: “Ông bà nội ở đâu hả bố? Tại sao ông bà vẫn chưa đến đến thăm tụi con?” Vì vậy, lẽ dĩ nhiên là chúng tôi đã phải sắp xếp lại lịch trình. Công việc quan trọng đấy, nhưng các cháu lại quan trọng hơn! Cháu rất háo hức. Cháu gọi điện hai lần, và cuối cùng khi chúng tôi xuất hiện thì cháu nhảy lên nhảy xuống tại chỗ đầy phấn khích. Đó là sự háo hức ước ao chúng ta cần phải có để gìn giữ sự hiệp một trong Đức Thánh Linh.

Hiệp Cùng Những Người Khác Biệt

Sự hiệp nhất của Đức Thánh Linh là một tặng phẩm thiên thượng. Nó đi ngược lại điều bản chất con người gọi là đoàn kết. Một dạng đoàn kết tự nhiên giữa con người chúng ta thường là những gì chúng ta gọi là chủ nghĩa vị tộc hoặc “suy nghĩ hướng về nhóm của mình”. Ví dụ như: “Cậu thích cờ vua và tớ thích cờ vua, vậy bọn mình cùng tham gia câu lạc bộ cờ vua và biến nó thành một nhóm nhỏ của riêng chúng ta.” Hoặc: “Anh và tôi đều thích xe mô-tô Harley Davidson và áo jacket da màu đen, vậy tại sao chúng ta không thành lập một nhóm với một trưởng nhóm lãnh đạo chúng ta”. Đó có thể là câu lạc bộ chèo thuyền, xã hội của các nghệ sĩ, các phong trào chính trị, câu lạc bộ bóng đá, hiệp hội người hâm mộ nhà soạn nhạc Bách hoặc bất cứ điều gì khác.

  Bản chất con người chúng ta thường bị thu hút đến những người giống mình. Tất nhiên, chúng ta được tự do tham gia những điều mà mình quan tâm thích thú, nhưng trong Thân thể Đấng Christ mọi chuyện khác hẳn. Là những người được lựa chọn, chúng ta được đặt trong Thân thể Đấng Christ cùng với những người chưa bao giờ chúng ta có dự định sẽ giao thiệp. Đức Thánh Linh mang chúng ta đến với những người khác biệt, dị thường và đôi khi kỳ quặc, nhằm giúp chúng ta trưởng thành hơn và ngày càng giống Đấng Christ hơn. Nếu bạn nghĩ rằng người ngồi cạnh trong hội thánh có chút kỳ cục hoặc khó tính, khi đó bạn cần nhận thức rằng thực sự có một bông hoa hồng được trồng ở đó. Không phải để bạn bị tổn thương bởi những chiếc gai nhọn, song để bạn có thể ngửi thấy hương thơm ngọt ngào của hoa hồng mặc kệ những chiếc gai kia.

Phần II

Một Sự Hiệp Nhất Lớn Lao Hơn

Khi nghĩ đến sự hiệp một, chúng ta thường giới hạn ý nghĩa sâu xa hơn của nó. Chúng ta chỉ muốn được hiệp thông với những người về cơ bản giống như chúng ta – có thể hơi khác biệt một chút, nhưng không quá nhiều, và chỉ với những người đó chúng ta có sự hiệp một. Sự hiệp một Kinh Thánh nói đến lớn lao hơn nhiều. Nó bày tỏ trong chính Đức Chúa Trời, trong bổn tính của Ngài, Đấng đã dựng nên trời đất, cùng toàn bộ vũ trụ nhiều khía cạnh.

Sự hiệp một ấy bản thân nó đã bao hàm sự đa dạng vốn có, lớn hơn gấp bội điều chúng ta có xu hướng chấp nhận. Kinh Thánh nói rằng người công bình sẽ sống bởi đức tin, và đức tin đó hoạt động thông qua tình yêu thương. Tình yêu thương yêu mở rộng phạm vi cho tất cả mọi người, chứ không chỉ là những người giống như bản thân chúng ta. Những hình ảnh về sự hiệp một được sử dụng trong Kinh Thánh đào sâu hơn là chỉ đơn giản mô tả một nhóm người cùng chung quan điểm, hay thích giao thiệp với nhau. Điều này dẫn đến những kết quả to lớn cho cuộc sống chúng ta. Chúng ta không được tạo dựng nên để chỉ hiệp nhất với những người thuận theo ý kiến chúng ta. Chính khái niệm này ẩn chứa trong nó mầm mống của sự độc tôn. Tính đơn nhất và chủ nghĩa tinh hoa (tư tưởng chỉ khuyến khích phát triển tầng lớp ưu tú trong xã hội) sẽ luôn luôn, chẳng sớm thì muộn, gây ra sự phân rẽ – chính là điều đi ngược lại sự hiệp nhất.

Sự Cứu Rỗi Dành Cho Mỗi Người, Chứ Không Phải Sự Cứu Rỗi Cá Nhân

Nếu trở lại Ê-phê-sô 4:1, chúng ta thấy Phaolô nói: “Tôi khuyên anh em phải ăn ở một cách xứng đáng với chức phận mà Chúa đã gọi anh em“. Điều này thật quan trọng và cần thiết khi nói đến sự hiệp một. Những gì ông nói có thể áp dụng cho mỗi cá nhân chúng ta. Vì chúng ta thường tập trung vào bản thân mình: sự cứu rỗi của tôi, kinh nghiệm của tôi, cuộc sống của tôi, chức vụ của tôi và vân vân… Đây là đặc trưng của xã hội phương Tây. Chúng ta bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ cá nhân chủ nghĩa, thế tục hóa của văn hóa phương Tây.

  Nó mang tính chủ nghĩa cá nhân vì nó chú trọng đến cá thể. Nó bị thế tục hóa, bởi được dựa trên kết luận rằng Đức Chúa Trời không tồn tại, và hệ quả là chẳng có mục đích, quy tắc đạo đức nào cho mỗi cá thể. Mục tiêu và mục đích của cuộc đời con người, khi dựa trên suy nghĩ như vậy, là bản thân tôi phải đạt được hạnh phúc tối đa. Mục đích biến thành “hãy hưởng thụ đôi chút trước khi mọi chuyện kết thúc”. Sự cứu rỗi của tôi là của tôi, nhưng nó không mang tính cá nhân chủ nghĩa theo cách tôi đã mô tả, và nhận biết sự khác biệt là điều rất quan trọng. Sự cứu rỗi là của riêng mỗi người bởi cá nhân mỗi người chúng ta có thể bình an với Chúa, học biết về Chúa Jêsus Christ và trở nên con cái Đức Chúa Trời bằng cách được sinh lại. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta thường dừng lại ở đó.

  Sự đầy trọn của cuộc sống con người không thể bày tỏ trong sự phân rẽ, song chỉ thông qua hòa bình – hòa bình và hòa hợp. Sự trọn vẹn của bản tính Đức Chúa Trời, những điều Ngài muốn bày tỏ và ban cho, Ngài ban cho một dân tộc phản ánh chính mình Ngài, và những người hiệp một. Khi đó, sự trọn vẹn của Đức Chúa Trời sẽ được thể hiện và mọi người sẽ nhìn thấy Đức Chúa Trời là ai. Khi đó, chúng ta là một phần của điều gì đó vĩ đại hơn chính bản thân chúng ta rất nhiều, và chúng ta không giới hạn cho sự hiệp một đó. Chúng ta thuộc về điều gì đó cực kỳ vĩ đại hơn bản thân chúng ta rất nhiều.

Một Đền Thờ Trong Đức Thánh Linh

Thân thể của Đấng Christ ngày nay, trong thời kỳ Hội Thánh, là một đền thờ trong Đức Thánh Linh. Đức Chúa Trời có một gia đình, một Vương quốc, một đền thờ (xem Ê-phê-sô 2:19-22).

Kinh Thánh nói rằng đền thờ này được “kết hợp và gắn chặt với nhau “(Ê-phê-sô 4:16). Điều này thực sự chính xác khi nói về Môi-se. Ông đã lấy từng phần riêng rẽ của đền tạm mình đã thấy trong sự mặc khải và giao cho Bết-sa-lê-ên và Ô-hô-li-áp nhiệm vụ xây dựng, gắn chúng lại với nhau (Xuất hành 36:1). Nó được xây dựng theo các hướng dẫn Môi-se đã nhận lãnh trên núi. Môi-se giám sát mọi việc, và sau đó khi tất cả các bộ phận riêng lẻ đã được dựng nên, ông đi xung quanh kiểm tra để đảm bảo rằng chúng đã được thực hiện theo các hướng dẫn và chúng đã được dành riêng cho các mục đích cụ thể.

Đền tạm sau đó được lắp ráp và khi đã hoàn tất, thì vinh hiển của Chúa ngự đến. Chính xác điều tương tự xảy ra khi Sa-lô-môn xây dựng ngôi đền đầu tiên ở Giê-ru-sa-lem. Đây là hình ảnh của những tảng đá sống trong đền thờ ngày nay, Thân Thể Đấng Christ, và khi chúng được lắp ráp với nhau, thì sự hiệp nhất được bày tỏ – sau đó vinh quang của Chúa có thể đến cách lớn lao.

Thân Thể Đấng Christ – Đền Thờ Ngày Nay

Sự hiệp một chúng ta đang nói đến, vì vậy, là sự hiệp một trong Đức Chúa Trời và có liên quan đến toàn bộ thân thể Đấng Christ. Vì vậy, chúng ta cần phải tự vấn bản thân xem Thân thể Đấng Christ thực sự là gì, và những ai được bao gồm trong Thân thể Đấng Christ. Và khi chúng ta tìm hiểu tường tận hơn về điều này, tôi muốn tránh cạm bẫy phổ biến của việc người ta trước hết hỏi xem những ai không được bao gồm trong đó. Chúng tôi không muốn ngồi ở vị trí nói rằng: “Chúng ta chắc rằng, dĩ nhiên chúng ta là một phần Thân thể Đấng Christ, nhưng nhiều người khác tự gọi mình là Cơ Đốc Nhân có thể không thuộc về Ngài đâu.” Điều này đã từng là một vấn đề lớn trong các phong trào phục hưng.

Trong sự nôn nả và cam kết với Chúa Jêsus, và do kinh nghiệm của chính mình về Chúa Jêsus Christ, một vòng tròn nhỏ hẹp đã được vẽ xung quanh một người nào đó, hay một nhóm người gần gũi hoặc nhóm có kinh nghiệm tức thời, dẫn đến kết quả những người khác bị loại trừ. Nếu không nhận biết điều này, các tín hữu đã phá hỏng những gì đã nhận trong ân điển và sử dụng nó trong một cách sai lầm. Nó đã trở thành phương tiện của chủ nghĩa bè phái thay vì phương tiện để mở rộng Vương quốc Đức Chúa Trời trên thế gian này. Đây là kết quả của sự thiếu hiểu biết và kiêu ngạo, thành kiến và sợ hãi.

Nếu chúng ta đã nhận được nhiều từ Đức Chúa Trời trong một lĩnh vực, điều này không tự động có nghĩa là chúng ta có tất cả mọi kiến thức và mọi sự mặc khải trong tất cả mọi lĩnh vực khác của đời sống Cơ Đốc. Đây là một sự thật căn bản, và một tuyên ngôn quan trọng cần phải làm. Không ai trong chúng ta hoàn toàn không vướng phải điều này. Trong hầu hết các phong trào đều có một mức độ về điều này, là điều chúng ta cần phân biệt rõ và ăn năn từ bỏ. Trong lĩnh vực này, chúng ta hết thảy đều có tội vì đã phạm tội nghịch lại Thân thể Đấng Christ.

Điều Kiện Để Vinh Hiển Được Bày Tỏ

Khi ngôi đền được lắp ráp hoàn chỉnh, nó trở nên lớn hơn cả bạn và tôi. Tất cả mọi thứ không quan trọng hóa bạn hay tôi hay bất cứ một nhóm nhỏ nào. Đức Thánh Linh vận hành thông qua Thân thể toàn cầu và sử dụng bất cứ ai Ngài muốn gọi để làm thành những gì Ngài muốn thực hiện. Điều quan trọng đối với mỗi người chúng ta là vâng lời và thi hành những gì Đức Thánh Linh bảo chúng ta làm. Nếu chúng ta, trong thời đại mình, muốn hưởng trọn vẹn các phước lành của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ đến chỗ không thể tiếp tục né tránh sự hiệp nhất. Sự hiệp một các tín hữu đột nhiên trở nên quý giá hơn nhiều, bởi nó trở nên điều kiện tiên quyết cho sự vinh hiển, sự hiện diện của Đức Chúa Trời và cho những gì chúng ta ngày nay gọi là đền thờ – Thân thể Đấng Christ – đền thờ của Đức Chúa Trời trong Đức Thánh Linh.

Video Lịch sử Lời Sự Sống, với những hình ảnh ngày đầu thành lập, xây dựng tòa nhà, khởi sự Trường Kinh thánh, truyền giáo Liên Xô, tàu Tin Lành, truyền giáo Ấn Độ, Afghanistan, công tác cứu trợ Pakistan, phong trào giúp người Israel hồi hương… và rất nhiều điều thú vị!

Thảo Nguyên dịch từ Ulfekman.org




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.