Search
Friday 29 March 2024
  • :
  • :

6 Giáo Lý Xấu Trong Một Số Hội Thánh Ân Tứ Mà Chúng Ta Cần Từ Bỏ

Tôi sẽ không bao giờ hối hận vì là một Cơ Đốc Nhân phái ân tứ. Tôi đã có một trải nghiệm kịch tính cùng Đức Thánh Linh nhiều năm về trước, và không ai có thể thuyết phục tôi ra khỏi trải nghiệm ấy. Tôi yêu sự hiện diện của Đức Thánh Linh và những ân tứ siêu nhiên của Ngài. Tôi thích nói tiên tri, nói tiếng lạ, cầu nguyện cho người bệnh và thích được thấy người ta thay đổi bởi quyền năng của Thánh Linh.

Cùng lúc đó, tôi cũng nhận thấy rằng từ khi phong trào ân tứ bắt đầu vào những năm 60, người ta đã lạm dụng các ân tứ Thánh Linh và bóp méo lời Chúa để thúc đẩy những giáo lý và thực hành kỳ cục. Việc chứng kiến những sai lầm này chưa bao giờ khiến tôi nghi ngờ về tính chân thực của những điều Đức Thánh Linh đã làm trên đời sống tôi. Nhưng tôi biết tôi cần giữ đúng với Lời Chúa và khước từ bất kỳ một dạy dỗ sai trái nào mà mình gặp phải.

Nguyên tắc đơn giản của tôi dựa trên ITê-sa-lô-ni-ca 5:21-22: “Hãy xem xét mọi việc, điều chi lành thì giữ lấy. Bất cứ việc gì tựa như điều ác, thì phải tránh đi”, nói cách khác là “hãy ăn thịt, nhả xương.”

Khi đến với thân thể của Đấng Christ ở khắp nơi trong những năm gần đây, tôi đã kinh nghiệm những điều hay có, dở có, xấu xa cũng có. Tôi yêu dân Chúa và tôi biết vẫn còn “dân sót” lành mạnh trong cách Hội thánh đầy dẫy Thánh Linh và hiện đang nỗ lực để đâm rễ vững bền trong lẽ thật của Kinh Thánh. Nhưng tôi cũng biết chúng ta đang tới giao lộ. Chúng ta phải thanh tẩy những việc làm của mình, phải vứt bỏ bất kỳ giáo lý kỳ cục nào mà chúng ta đã từng tin hoặc thực hành nhưng hiện đang cản trở sự tăng trưởng của chúng ta ngày nay.

Dưới đây là một số ít trong những sai lầm tệ hại nhất đã lan truyền trong phong trào của chúng ta trong thời gian qua. Bạn có thể thêm những sai lầm khác vào danh sách này. Tôi tin rằng chúng ta đang làm buồn Đức Thánh Linh nếu chúng ta tiếp tục thực hành những điều này:

1. “Chớ đụng đến những kẻ chịu xức dầu Ta”:

Nhiều khả năng là bạn đã nghe giáo lý kỳ quặc này dựa trên ISử Ký 16:22. Trong nỗ lực ngăn cản mọi hình thức bất đồng trong Hội thánh, những người lãnh đạo thiếu an ninh sẽ nói với các thành viên Hội thánh rằng nếu họ chất vấn thẩm quyền Hội Thánh thì họ đang “đụng đến những kẻ chịu xức dầu của Đức Chúa Trời” và có nguy cơ bị Chúa phán xét. Chúng ta hãy gọi điều này theo đúng bản chất của nó là sự thao túng thuộc linh. Nó gây ra những vấn đề tệ hại hơn vì bác bỏ sự tranh luận lành mạnh và tôn trọng lẫn nhau. Rốt cục các thành viên trong Hội thánh bị lạm dụng hoặc kiểm soát – hoặc thậm chí bị liệt vào danh sách đen vì đã dám chất vấn.

2. Giao ước kép.

Chúng ta – các Cơ Đốc Nhân ân tứ – yêu mến và tôn trọng Y-sơ-ra-ên. Một số trong chúng ta còn kết hợp cả những nghi thức Do Thái Giáo vào sự thờ phượng: Như chùm khăn cầu nguyện, thổi tù và hay kỷ niệm những ngày lễ Hê-bơ-rơ. Những điều đó có thể làm phong phú thêm trải nghiệm Cơ Đốc của chúng ta. Tuy nhiên, một số người lãnh đạo đi quá đà khi họ bắt đầu dạy dỗ rằng người Do Thái không cần phải tin Chúa Giê-su Christ mà vẫn kinh nghiệm sự cứu rỗi. Họ hàm ý rằng người Do Thái có lối riêng để vào thiên đàng, đơn giản nhờ di sản sắc tộc của họ. Đây là sự mâu thuẫn trắng trợn với mọi điều mà Tân Ước dạy.

3. Lãnh đạo là phải khó gần.

Trong những năm 1980, một số mục vụ ân tứ bắt đầu dạy các mục sư và những giáo sĩ lưu động rằng để “bảo vệ sự xức dầu”  họ cần giữ khoảng cách với dân sự. Các giáo sĩ được cảnh báo rằng họ đừng bao giờ kết bạn với những người trong hội chúng của mình. Những nhà giảng đạo bắt đầu có những thực hành kỳ cục: Bỏ phần thờ phượng vào các sáng Chủ Nhật và chỉ xuất hiện trên bục giảng đúng vào giờ giảng luận để tạo ra màn xuất hiện ngoạn mục. Đáng xấu hổ thay cho những người này khi họ cố biện minh cho sự kiêu ngạo của mình. Chúa Giê-su yêu con người, và con người có thể đến gần Ngài. Chúng ta cũng cần như vậy!

4. Những người vác binh khí.

Cũng những người đã phát triển mục số 3 đã mào đầu cho thứ mốt kỳ lạ này. Người giảng đạo bắt đầu lập ra một đám tùy tùng bao quanh mình: Người xách cặp, người mang Kinh Thánh, người khác mang khăn tay. Một số nhà giảng đạo còn thuê cả vệ sĩ… Và thậm chí cả người nếm đồ ăn nữa! Những kẻ vác binh khí được hứa hẹn sẽ có những ơn phước đặc biệt nếu họ phục vụ những ông giảng đạo hành xử như chủ nô này. Hãy nhớ rằng: Người lãnh đạo thật là đầy tớ, chứ không phải là người vị kỷ.

5. Một trăm lần hơn.

Trước khi qua đời vào năm 2003, Kenneth Hagin – cha đẻ của phong trào đức tin – đã quở trách chính những người theo mình vì đã đưa sự dạy dỗ về sự thạnh vượng đến mức cực đoan ngớ ngẩn. Trong cuốn sách của mình “Cái chạm tay của vua Midas” (Trong thần thoại Hy-lạp, vua Midas chạm tay vào bất cứ vật gì cũng biến thành vàng), ông đã nài xin những người giảng đạo hãy thôi lạm dụng Mác 10:28-30 để ám chỉ rằng Chúa hứa trả 100 lần hơn cho mọi của lễ dâng của chúng ta. Hagin viết, “Nếu 100 lần hơn ở đây hiệu nghiệm về nghĩa đen và về mặt toán học với bất cứ một ai dâng của lễ, thì xung quanh chúng ta không phải là những tỉ phú đô-la hay tỉ tỉ phú đô-la nữa đâu mà phải là tỉ tỉ tỉ tỉ lần tỉ phú đô-la mất!”. Hagin dạy rằng phước hạnh một trăm lần hơn là để nói về những phần thưởng sẽ dành cho những người bỏ mọi sự để phục vụ Chúa trong chức vụ của mình.

6. Tiền ơi hãy đến.

Chúa Giê-su quở trách những người Pha-ri-si vì đã dâng tiền trước mặt mọi người để được người ta nhìn thấy. Nhưng vào những năm 90, một số Cơ Đốc Nhân ân tứ có một tư tưởng hết sức ngông cuồng là Chúa sẽ khai phóng phước hạnh kỳ diệu nếu chúng ta đặt hàng sấp đô-la dưới chân người giảng đạo trong khi ông ta đang giảng luận. Leroy Thompson ở Louisiana (một tiểu bang của Mỹ) đã phổ biến nghi thức khoa trương này trong bài giảng khét tiếng của mình vào năm 1996, trong đó ông đã khuyến khích người ta la lớn tiếng lên như thế này, “Tiền ơi! Hãy đến với ta ngay giờ này!” Rồi đám đông chạy lên trước khán phòng để đổ tiền vào két tiền của ông ta. Tất nhiên là tiền đã đến (với ông ta – ND) và xuất hiện nhiều nhà giảng đạo khát tiền chạy theo phong trào này. Thu tiền dâng hiến đã trở nên một hình thức phô trương và Cơ Đốc Nhân bắt đầu coi của dâng của mình như những tờ xổ số độc đắc.

Chúa đòi hỏi sự thánh khiết không chỉ trong hành vi mà cả trong giáo lý của chúng ta. Chúng ta hãy từ bỏ những điều này và bất kỳ một dạy dỗ ngu ngốc nào mang đến sự lộn lạo và thiếu tôn trọng cho thân thể của Đấng Christ.

-Hoàng Xoa dịch từ charismanews.com-

Tác giả: J. Lee Grady từng là biên tập viên của tạp chí Ân tứ Charisma. Ông là tác giả của cuốn “Đức Thánh Linh không phải để bán” và nhiều sách khác.




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.