Search
Wednesday 24 April 2024
  • :
  • :

Hết Sức Cẩn Trọng Khi Cho Ai Đó Lời Khuyên

Công tác tư vấn thường dễ đi vào chiều hướng tiêu cực, thế nên cách thức tư vấn cũng cần phải được đầu tư suy nghĩ nghiêm túc. Chúng ta ai cần được tư vấn, được khuyên bảo. Chúng ta tìm kiếm điều đó mỗi ngày. Đó là một phần khôn ngoan tự nhiên trong mỗi một tạo vật của Đấng Tạo Hóa. Nhưng chúng ta cũng biết lời khuyên có thể đi từ hữu ích đến khủng khiếp, và nó có thể đem phước hạnh đến cho một mối quan hệ hoặc làm tổn thương mối quan hệ đó.

Lời khuyên là gì?

Lời khuyên là ý kiến của chúng ta về việc Kinh Thánh phải được áp dụng trong như thế nào trong một trường hợp cụ thể. Nó bao gồm hầu hết bất cứ điều gì bắt đầu với ngụ ý rằng, “Tôi nghĩ. . .” hay “Nếu tôi là anh/chị . . .” Điều đó không được nói ra trong thẩm quyền Kinh Thánh, vì vậy tốt nhất nên nói tiếp rằng “Còn anh/chị nghĩ sao?”

Sứ Đồ Phao-lô đã chỉ rõ sự khác biệt trong 1Cô-rinh-tô đoạn 7 về những gì Chúa nói và cách Phao-lô ứng dụng cụ thể sự khôn ngoan thiên thượng đó. Chúng ta nên nói rõ rằng đây là lẽ thật và kia là ý kiến hay lời khuyên. “Về những kẻ đã cưới gả rồi, thì tôi, nhưng chẳng phải tôi, bèn là Chúa, truyền rằng” (câu 10) trái ngược với” Về những kẻ đồng thân: Tôi chẳng có lời Chúa truyền, song nhờ ơn thương xót của Chúa, tôi được làm người đáng tin, nên tôi ban lời khuyên bảo” (câu 25). Tất nhiên, khi Phao-lô phát biểu ý kiến của ông, chúng ta lắng nghe. Nhưng ông biết ông đang nói theo một cách khác – ông đang đưa ra lời khuyên. Một số người nghe theo, một số không, đúng như ông mong đợi.

Đưa ra lời khuyên tốt

Lời khuyên tốt sẽ tỏ ra hữu ích nhất nếu được đưa ra sau khi một người nào đó hỏi xin. Khi cẩn thận lắng nghe câu chuyện của người đó và hỏi xem họ đã nhận được những lời khuyên nào khác rồi, chúng ta thể hiện sự tôn trọng đối với họ. Tư vấn cần hướng đến sự hòa thuận, nhân nhượng lẫn nhau bởi nó kết hợp cả Kinh Thánh, điểm mạnh cùng điểm yếu của người đó, những hoàn cảnh khác nhau trong thời điểm này và tính khiêm nhường. Tư vấn ưa chuộng sự đồng thuận hơn một bài phát biểu. Và tư vấn nghĩa là tiếp tục để ý xem người đó lựa chọn con đường nào – vì yêu thương nghĩa là quan tâm.

Chẳng hạn, một phụ nữ đã bị ai đó trong Hội thánh làm tổn thương và cô hỏi chúng ta là cô nên làm gì. Chủ đề Kinh thánh phù hợp nhất là tình yêu, điều đó là rõ ràng. Nhưng những gì cô đang mong đợi là cách ứng dụng cụ thể của tình yêu vào trong tình huống này là thế nào. Như thế, chúng ta đã bước vào lĩnh vực tư vấn. Cô ấy có nên đến gặp người kia không? Cô có thể nói gì? Cô có nên bỏ qua những hành vi sai trật không? Nhiệm vụ của chúng ta là trao đổi suy nghĩ, ý kiến về những câu hỏi này và những câu khác nữa – đó là tư vấn khuyên bảo.

Đưa ra lời khuyên xấu

Lời khuyên xấu là một hình thức nghệ thuật Cơ Đốc. Dưới đây là một vài ví dụ. Xin chú ý rằng lời khuyên xấu thường được đưa ra một cách nhanh chóng và thiếu trách nhiệm.

Chỉ cần anh/chị tin cậy Chúa thôi. Lời khuyên này nghe có vẻ rất thuộc linh, nhưng từ “chỉ” cho thấy rằng nó được tung ra một cách vô vị. Có thể người đó đang tin cậy Chúa rồi. Nhưng lời khuyên này nghe có vẻ bề trên kiêu ngạo – đây là lời khuyên xấu.

Anh/chị cần phải tha thứ cho người kia. Đây cũng có vẻ là một lời hô hào rất đúng Thánh Kinh, nhưng nó thiếu khiêm nhường để nhận ra là có những chủ đề Thánh Kinh khác về lòng nhân từ của Đức Chúa Trời hay lập trường của Ngài đối với bất công và có thể sẽ phù hợp hơn.

• Tốt hơn là nên nói, “Tôi nghĩ chúng ta nên nói về việc tha thứ cho người kia, nhưng Kinh Thánh cũng có rất nhiều điều dành cho chúng ta trong lúc bị tổn thương. Anh/chị nghĩ những lời tốt lành của Chúa dành cho anh/chị bây giờ là gì?

Em cần phải nói với sếp về những gì đang gây rắc rối cho em hoặc nói với cấp trên chứ. Đây là lời khuyên xấu, vì nó chưa bao giờ dành thời gian để lắng nghe và nhận ra rằng người đó không xin lời khuyên, mà cô hy vọng sẽ có một người bạn để cô có thể chia sẻ những tranh chiến của mình. Lời khuyên này đến từ lối tư vấn sai lầm phổ biến “Hãy để tôi sửa trị bạn rồi chuyển sang người khác“.

Tôi không nói rằng đưa ra lời khuyên là sai trái. Nhưng khi áp dụng Kinh Thánh cách vội vàng và thiếu trách nhiệm, chúng ta nhầm lẫn giữa lời tư vấn của mình với điều “Đức Chúa Trời đã phán. . .” Điều này cho thấy chúng ta thiếu tôn trọng người khác khi đưa ra một tuyên bố đại khái chung chung mà không suy nghĩ cẩn trọng đến những yếu tố cụ thể có liên quan. Hoặc có thể người đó thậm chí không tìm kiếm lời khuyên mà chỉ cần có người lắng nghe. Chúng ta cần phải chắc chắn rằng mình biết rõ người đó đang cần gì trước khi bắt đầu trò chuyện.

Lời khuyên và sự tư vấn trên cơ sở kinh thánh

Thỉnh thoảng, tôi thấy các tư vấn viên thuộc linh có thể biến thành một phiên bản Cơ Đốc của các chuyên mục tư vấn hỏi đáp trên báo đài, chúng ta cho lời khuyên mà không nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn các ý kiến cá nhân trong những điều mình nói. Thay vì vậy, chúng ta có thể làm tốt hơn nhiều. Chúng ta nên quan tâm người đó đến mức người đó thực sự cảm thấy mình thực sự được thấu hiểu và sau đó trong sự đồng công hợp tác, chúng ta sẽ cùng cân nhắc (1) những gì Chúa phán (lẽ thật), thừa nhận rằng nhiều lẽ thật trong Kinh Thánh có tác động lẫn nhau và (2) những cách ứng dụng sáng tạo và phù hợp từ những gì Chúa phán (ý kiến). Thiếu tình yêu thương và sự khiêm nhường, tư vấn có thể nhanh chóng trở thành lời khuyên xấu.

Tác giả: Ed Welch

-Người dịch: Thảo Nguyên-

Nguồn: http://www.ccef.org/resources/blog/offer-advice-very-carefully




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.