Search
Friday 29 March 2024
  • :
  • :

Âm Nhạc – Một Món Quà Tốt, Một Vị “Chúa” Tồi

Có rất nhiều cuốn sách tán dương sự kỳ diệu của âm nhạc. Leonard Bernstein viết Niềm vui âm nhạc. Igor Stravinsky giúp chúng ta thấy được thơ trong ý nhạc. Aaron Copeland dạy ta Nghe gì từ âm nhạc. Nhờ có những cải tiến mới đây trong ngành thần kinh học, Oliver Sacks đã viết Musicophilia: Chuyện kể về âm nhạc và bộ não, Daniel Levitan thì cho ra đời cuốn Khoa học về nỗi ám ảnh của con người. Duke Ellington thậm chí còn khoe rằng Âm nhạc là người tình tôi. Và danh sách ấy cứ kéo dài mãi.

Tại sao không nhỉ? Nào có loại hình nghệ thuật nào khác tác động tới chúng ta được bằng âm nhạc đâu. Ít ra ta cũng thấy được sự lôi cuốn của nó đến tâm trí, tình cảm và thể chất của mình. Ai trong chúng ta sử dụng âm nhạc trong sự thờ phượng sẽ được kinh nghiệm những phương thức liên hệ độc đáo, khác hẳn so với việc đọc, nghiên cứu, nghe bài giảng hay thông công. (Tuy nhiên, tôi không có ý nói rằng âm nhạc tốt hơn những phương tiện tăng trưởng thuộc linh quan trọng này, âm nhạc chỉ khác về chất mà thôi). Khi chúng ta hát những bài ngợi khen, chúng ta chạm tới Chúa bằng suy nghĩ, từ ngữ, âm thanh và hơi thở, kết nối trên mọi phương diện.

Âm nhạc là một món quà tuyệt vời. Nhưng nó cũng là một ông chủ tồi. Khi chúng ta chọn đặt âm nhạc là thứ yếu thì Chúa – Đấng được ưu tiên nhất sẽ ban phước cho nó theo những cách đặc biệt. Khi chúng ta coi âm nhạc là điều chính yếu hay tối thượng, nó sẽ gây thất vọng tràn trề. Tôi biết điều đó. Nhiều năm qua, tôi đã thờ phượng bằng âm nhạc. Là một sinh viên ngành nhạc, tôi đã tìm kiếm nguồn sinh khí, ý nghĩa, niềm vui và sự đầy trọn trong nó. Có một thời, mỗi sáng thức dậy, tôi lắng nghe một bài nhạc trong Những Bước Chân Khổng Lồ của John Coltrane như một hình thức tĩnh nguyện. Khi nhìn lại, những lần đó với tôi như là những nỗ lực nghiêm túc đầu tiên trong việc thờ phượng hàng ngày. Tự cho mình là trung tâm, tôi đã nghĩ rằng nếu tôi lắng nghe đủ chăm chú, thường xuyên và kiên định thì một ngày nào đó tôi có thể chơi những giai điệu tuyệt vời như “Trane” đã chơi.

Khi Chúa chỉ cho tôi biết tôi thực sự đang mong chờ điều gì (hay ai) – ( không ai khác là chính Ngài), âm nhạc đã không còn đứng ở vị trí trung tâm. Nhưng nó đã không bao giờ nằm ngoài cái nhìn thuộc linh của tôi, ơn Chúa vì điều đó. Tôi thấy âm nhạc là một niềm hứng khởi vì tôi không coi nó như một vị thần.

Vậy nên, tôi luôn cảm thấy thoáng buồn khi gặp hay nghe các nhạc sĩ và những người khác mong chờ nơi âm nhạc nhiều hơn những gì nó có thể đáp ứng. Gần đây tôi đã đọc cuốn Âm nhạc và tâm trí của giáo sư danh dự Anthony Storr của Oxford. Nó vừa làm tôi vui, vừa khiến tôi buồn. Về sự uyên bác thì Storr không phải loại xoàng. Ông đã giữ những vị trí hàn lâm trong ngành tâm lý và văn học tại Oxford và các viện có uy tín khác. Cuốn sách của ông phân tích âm nhạc từ tâm lý, triết học, lịch sử cho tới mỹ thuật và những điểm tích cực khác của nó. Có lúc ông viết rất mượt mà, lúc lại đào bới vào những chiều sâu khoa học, chính xác như giải phẫu vậy.

Tuy nhiên, trong cuốn sách có những chỗ tiếp cận để khám phá xem liệu tôn giáo hay các thế lực siêu nhiên có liên hệ gì với âm nhạc hay không, Storr đã chống lại quan điểm này. Nhận xét về một số bài hát ngợi khen của Leonard Bernstein (ví dụ: “Tôi tin rằng mặt đất đã hoài thai một bài thơ đầy chất nhạc…”), Storr đã viết, “Bernstein có thiên hướng lãng mạn tôn giáo….” Những cơ hội để tìm ra điều cao quý và tối thượng hơn âm nhạc đã bị hoài nghi hoặc bỏ qua.

Thế nên, với Storr thì âm nhạc là tối thượng. Hãy cùng xem xét những câu nói này trong hai đoạn văn cuối:

“Một số người thấy rằng cái này hay cái kia của những tôn giáo lớn cho họ một hệ thống niềm tin, giúp họ vượt ra khỏi thế giới và vị trí của mình trong đó. Tôn giáo xắp xếp sự tồn tại, ở đó chúng ban hành những quy định cho hành vi, tạo lập một hệ thống cấp bậc mà cao nhất là một vị thần, giúp mỗi cá nhân, dù là bình thường cũng có cảm giác rằng mình đang tham dự vào một kế hoạch được thần cảm. Các tôn giáo khác nhau rất nhiều, nhưng dường như tất cả đều là những nỗ lực của tâm trí con người, cố gắng áp đặt một loại thứ tự nào đó trong mớ hỗn độn của sự tồn tại. Bản thân cuộc sống có thể tiếp tục độc đoán, không đoán trước được, bất công và lộn lạo; nhưng các tín đồ thấy được nguồn an ủi trong giả thiết rằng Chúa muốn chúng được trật tự, và cho rằng con người tội lỗi đã làm hỏng ý định của Ngài.” (chú ý cách dùng từ “giả thiết”).

Ông tiếp tục tranh luận rằng âm nhạc cũng mang đến một cảm giác trật tự trong thế giới lộn lạo của chúng ta. Ông ca ngợi âm nhạc vì nó”… tán dương và nâng tầm cuộc sống, khiến nó trở nên ý nghĩa.” Tôi tự hỏi, sao âm nhạc có thể cho một cuộc sống lộn lạo vô nghĩa một ý nghĩa được, nhưng tôi sẽ giữ những mối băn khoăn lớn nhất của mình cho việc sau này. Storr kết luận cuốn sách của mình như thế này, “Âm nhạc là nguồn của sự hòa giải, niềm vui và hy vọng không bao giờ phai tàn…là một điều gì đó mà vì nó, con người đáng sống trên đất này.”

Tôi chợt nhớ, có nhiều lời nhận xét rằng người ta quá mộ đạo. Nếu họ không thờ phượng Chúa, họ sẽ tìm điều gì đó để thờ phượng. Đối với một số người, thì đó là âm nhạc. Với những người khác thì đó là sự khoái lạc. Với nhiều người lại là chính họ. Nhưng trái với những hy vọng của Storr, những thần tượng này rồi đây sẽ khiến họ thất vọng. Chúng mang đến hy vọng…nhưng không thể đem đến một hy vọng vững vàng bền chặt (Hê-bơ-rơ 6:19, 10:23).

Tôi đọc xong cuốn sách của Storr thì lập tức chạm tới cuốn Sức Nặng Vinh Quang của C.S. Lewis và tìm ra một trong những đoạn yêu thích của mình: “Sách vở hay âm nhạc – những thứ bạn cho rằng chúng chứa đựng cái đẹp sẽ phản bội ta nếu ta tin chúng; cái đẹp không nằm trong chúng, nó chỉ đến qua chúng, những điều đến qua chúng là những khát khao. Cái đẹp hay những ký ức riêng tư là những hình tượng tốt đẹp về điều chúng ta thực sự khao khát; nếu người ta nhầm nó với chính nỗi khát khao, chúng sẽ biến thành những thần tượng quái gở, làm tan nát trái tim của những người tôn thờ chúng. Vì chúng lại chẳng phải những khát khao; mà chỉ là hương thơm thảng hoặc của một loài hoa ta chưa tìm thấy, là tiếng vọng của một giai điệu ta chưa từng nghe, hay tin tức về một đất nước mà ta chưa từng đặt chân đến.”

Randy Newman làm việc cùng với nhân sự của Campus Crusade for Christ (CCC) từ năm 1980 và hiện đang phục vụ cùng Faculty Commons, mục vụ dành cho các giáo sư đại học. Randy là một tín đồ của Do Thái Giáo tin vào Chúa Giê-su và ;là cựu biên tập của tờ Đấng Mê-si Trên Trường Đại Học. Ông là tác giả của rất nhiều bài báo và cuốn sách trong đó có cuốn Mang Tin lành đến nhà bạn: Làm chứng cho người thân, bạn bè và những người quen biết.

Tác giả bài viết: Randy Newman

Nguồn: Christianity.com

– Người dịch: Hoàng Xoa –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.