Search
Thursday 28 March 2024
  • :
  • :

Làm Sao Để Vừa Kết Hôn Vừa Hòa Mình Cùng Tập Thể?

Hầu hết các cuộc hôn nhân đều bắt đầu trong bối cảnh tập thể. Chúng ta tổ chức một bữa tiệc, mời vài trăm người bạn thân nhất của mình đến dự, khiến họ trở thành nhân chứng cho lời hẹn ước, rằng chúng tôi sẽ gắng sức gây dựng một gia đình mới. Sau đó, hai người leo lên một chiếc ô tô được trang hoàng lộng lẫy và lái xe đi trong niềm hạnh phúc lứa đôi, cuối cùng thì cũng được tận hưởng niềm vui chỉ anh và em.

Nếu chỉ ở bên nhau thôi cũng có thể giải quyết được mọi nỗi cô đơn thì thật không có gì đáng nói. Nếu giải pháp cho cô đơn chỉ là kết hôn không thôi, chúng ta hoàn toàn có thể chạy vội tới bệ thờ và dành thời gian vui vẻ còn lại với bạn bè, đôi khi chỉ để giúp đỡ họ.

Ban đầu, khi đang hạnh phúc trong hôn nhân và choáng ngợp với vai trò mới này, tôi đã tự nhủ với mình rằng khi ổn định cuộc sống, tôi sẽ dành thời gian cho bạn bè. Tôi cho rằng mình không có quyền dành thời gian cho những người khác nếu chưa làm được như vậy cho chính chồng mình. Điều này nghe thì hợp lý nhưng lại bỏ sót một sự thật quan trọng: Dành thời gian cho những người khác cũng giúp ích cả cho mối quan hệ của tôi với chồng mình. Chúng ta được tạo dựng để sống trong cộng đồng chứ không chỉ cho hôn nhân như một loại cộng đồng đặc biệt.

Các mối quan hệ không tồn tại trong chân không. Ta có thể khiến chúng trở nên riêng tư, nơi chỉ có hai người bên nhau mà thôi. Nhưng một tình yêu sâu sắc và phước hạnh cần phải được che chở trong cộng đồng, nơi giúp chúng ta dấn thân và trưởng thành hơn.

Tất nhiên, có và nên có những điều chỉ hai vợ chồng mới chia sẻ được với nhau. Đôi khi hai người cần đóng cửa lại, lịch sự và kiên quyết với phần còn lại của thế giới để nuôi dưỡng mối quan hệ của họ của, chính bản thân họ và cả gia đình họ nữa.

mansion_at_natirar_new_jersey_wedding_3

Nhưng hôn nhân không phải là mối quan hệ duy nhất bạn có thể nương náu khi cuộc sống quá đỗi khó khăn. Chúng ta cần có nhau trong một cộng đồng thật sự chứ không phải mua thêm nhiều bận rộn phiền toái hoặc các mối quan hệ hời hợt.

Tư tưởng cùng nhau “xây dựng cuộc sống” là một xu hướng trong văn hóa quán cà phê nhà thờ thời nay tuy rằng không mới. Khi xem lại các sách Phúc âm cùng với sách Công vụ, tôi rất ấn tượng bởi lượng thời gian mà những người theo Chúa Giê-su thời kì đầu dành ra để cùng nhau học hỏi, đi đến nhiều nơi, bẻ bánh cùng Đức-Chúa-Trời-nhập-thể và làm việc cùng nhau. Những sách này không luận về việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống, nhưng tôi nghĩ rằng nếu công việc trọn thời gian của bạn là kề vai sát cánh với Chúa Giê-su, bạn sẽ có cơ hội tốt để học cách yêu thương người khác.
Sau sách Công vụ, các thư tín của Phao-lô tiếp tục câu chuyện, đặt câu hỏi cụ thể cho nhiều nhân vật trong hội thánh xem họ sẽ tiếp tục thực hiện khải tượng đó trong cộng đồng mình đang sống ra sao. Mặc dù hầu hết các Hội thánh hiện nay không sao chép toàn bộ cơ cấu hội thánh thế kỉ đầu vào cuộc sống hiện đại, chúng ta vẫn có thể liên hệ tới (và thậm chí bày tỏ sự đồng cảm, thấu hiểu với) nỗ lực áp dụng thần học vào cuộc sống thường ngày này.

Điều thú vị là Phao-lô luôn nói về đời sống cộng đồng và đời sống hôn nhân trong cùng một hơi thở. Ngược lại, ngày nay, khi đề cập đến trong vòng Cơ Đốc Nhân, người ta lại không những không mở rộng ra mà còn tách nó ra khỏi cộng đồng. Sự tham gia của cộng đồng đã bị hạ bệ thành biểu tượng và đạo đức, giống như hôn nhân đứng ở vị trí cao trong xã hội như là hình ảnh Đấng Christ và hội thánh, như vẻ đẹp trong một thế giới rạn vỡ, như điều duy nhất đứng giữa xã hội và cú trượt khủng khiếp của sự phán xét cuối cùng.

Tư tưởng này về hôn nhân chỉ dẫn người ta đi đúng đường mà không chỉ ra những thương tổn hay mặt trái của hôn nhân. Nó chỉ thường là những bữa tiệc hoa lệ. Nó được coi trọng và có tầm ảnh hưởng, được xem là ích lợi như một tế bào tạo lập nên nền tảng cho xã hội, không phải như một nơi để người này hoàn thiện người kia.

Tôi đã theo học một trường Đại học Cơ Đốc (một nơi các giáo sư của tôi gọi là “mảnh đất màu mỡ sinh ra các nhà truyền giáo”) nên không lấy gì làm lạ với chuyện xem những chiếc nhẫn đính hôn như là một biểu tượng quyền lực, hoặc xem hôn nhân là mục tiêu áp chót không chính thức của nhân loại.
Đến năm cuối đại học, nhiều nữ sinh sưu tập hàng núi tạp chí cô dâu, bận rộn với việc nấu bữa tối cho vị hôn phu của mình và đếm ngược từng ngày cho đến lúc họ sẽ được hạnh phúc mãi mãi. Những điều này cùng lời hứa về một cuộc hôn nhân đặc biệt và quan trọng đều tốt đẹp cả, nhưng điều tôi muốn bạn biết (ít nhất thì cũng sẵn sàng chấp nhận) là hôn nhân chẳng thể là phương thuốc trị bách bệnh được. Hôn nhân sẽ không đơn phương nhào xuống và giải cứu mọi nan đề mà bạn gặp phải đâu. Bạn vẫn cần những người khác ở bên và hứa sẽ đỡ mình khi ngã. Bạn sẽ cần một nơi an toàn để tìm đến đang khi rối bời sau trận cãi vã đầu tiên, cần lời khuyên hữu ích để tranh luận sáng suốt hơn trong lần sau, cần những cách nhìn nhận khác nhau, những cảnh ngộ giống nhau, ca cao nóng và lòng rộng lượng chấp nhận rằng đời sống hôn nhân (như cuộc sống vậy) cũng chẳng dễ dàng gì.

Bạn sẽ cần phải nghe người khác nói rằng “Cậu không hề điên đâu” hoặc “Hình như cậu làm thế là không đúng lắm”, đôi khi thì nghe cả hai cùng lúc. Thỉnh thoảng, bạn cần nghe một cách nhìn nhận khách quan để phát hiện ra mình đã cư xử thiếu lành mạnh như thế nào. Nhưng có lẽ, quan trọng hơn hết, bạn cần được an ủi bởi những câu như “Mình cũng vậy thôi”. Chúng ta cần sự thành thật, niềm hi vọng và lòng mến khách thật sự, không nề hà rắc rối. Thêm nữa, hãy học cách bày tỏ tấm chân tình này.

Đôi khi tôi cảm thấy thất vọng vì chẳng có chỉ dẫn nào cho mối quan hệ này cả. Tôi đã tích trữ hàng tá cuốn sách hôn nhân đủ để xây dựng cả một hầm trú bom tạm thời, nhưng tất cả những mâu thuẫn, những ghi chú ăn sẵn của họ chỉ khiến tôi chóng mặt.

Tất cả những lời khuyên trong các cuốn sách nằm chất đống trên chiếc bàn cạnh giường không thể xây nên tổ ấm hoặc biến tôi trở thành bạn của người đã nguyện thề đồng cam cộng khổ bên cạnh mình. Chỉ khi nhìn thấy tình yêu thật sự dẫu còn nhiều chông gai trước mắt (chứ không phải sau khi đọc một cuốn sách về những điều tương tự) tôi mới cảm thấy chắc rằng mình vẫn còn hy vọng.
Người khác không thể học thay cho bạn, nhưng có một số người mắc sai lầm giống bạn và tìm ra cách giải quyết tốt hơn. Những người này không phải là chuyên gia (càng không thể thay thế chuyên gia được) nhưng với sự tôn trọng đúng mức, họ cũng có thể vạch ra những lời khuyên tốt trong thực tế. Một trong những cách tốt nhất để vấp ngã một cách đúng đắn là cứ gắn chặt vào trong cuộc đời của những người khác.

Thay vì tạo ra những chuẩn mực không thực tế cho mối quan hệ của bạn và nghiền nát nó dưới áp lực ngàn cân, hãy cởi mở với nhau. Hãy tìm một nơi an toàn và thử chia sẻ những tranh chiến của bạn. Khi thấy an toàn, nếu người bạn kia cảm thấy thoải mái, hãy từ từ mở lòng bạn. Hãy cho người ta biết về bạn cả trong những điều chưa hoàn thiện. Hãy tập trung ít hơn vào danh dự của mình và nhiều hơn vào việc kết nối cộng đồng. Bằng cách đó, bạn sẽ thấy an toàn khi biết rằng ngay cả khi cuộc đời có quẳng gánh lo nặng nề vào hôn nhân khiến bạn không thể đơn phương chịu đựng thì vẫn có một gia đình luôn luôn sẵn sàng nâng đỡ bạn.

Emily Maust Wood là biên tập viên và huấn luyện viên thể dục tự do. Cô sống với chồng và một chú chó, thu thập sách cũ và những đồ đã hỏng, luôn phải phiền lòng về đôi giày chạy bộ cũ kỹ của mình, rất hứng thú với ý thưởng khôi phục lại một ngôi nhà cũ. Cô ghi chép những cuộc phiêu lưu của mình tại lacorbeille.wordpress.com.

– Nguồn: www.crosswalk.com –

– Người dịch: Hồng Hạnh –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.