Search
Saturday 20 April 2024
  • :
  • :

Tôi Là Bạn Hữu Của Đức Chúa Trời

Trong vòng Cơ Đốc nhân, người ta thường nói rằng ai cũng nên có mối quan hệ cá nhân với Chúa Giê-su, rằng ai cũng nên mời Ngài bước vào lòng mình. Những cụm từ này khoác lấy một chân lý rất tuyệt vời, rằng Chúa Giê-su Christ là khởi nguồn của mọi nghĩa lý, hy vọng và tình yêu; rằng một đời sống đặt Ngài làm trung tâm sẽ đầy dẫy bông trái; không chỉ ưu tiên Ngài thôi đâu, mà còn phải có mối quan hệ với Ngài – một mối quan hệ rất cá nhân nữa.

Tuy nhiên, chính cách nói này lại cản trở mối quan hệ cá nhân với Chúa. Nó mặc định thế này: Nếu một người không làm một việc nhất định, hoặc không cầu nguyện theo cách này, hoặc không nói ra theo cách kia thì sẽ chẳng thế có mối quan hệ cá nhân với Chúa Giê-su. Chúa Giê-su bỗng dưng trở thành một người thụ động đợi chúng ta cầu nguyện rồi mới làm bạn với ta vậy.

Phương pháp này khuyến khích kiểu đức tin trao đổi: Nếu ta làm điều A, Chúa sẽ làm điều B. Kết quả sẽ phụ thuộc vào chúng ta rất nhiều. Cứ phải cầu nguyện đúng cách và giữ một đời sống thuộc linh đúng cách thì mới có thể bắt đầu mối quan hệ cá nhân với Chúa. Chao ơi! Thật áp lực quá!

Công bằng mà nói, người muốn có mối quan hệ cá nhân với Chúa không cần phải học theo phép toán này. Tân Ước, có lẽ vì không muốn ta có kiểu đức tin trao đổi nên không hề giục ta phải “có mối quan hệ cá nhân với Chúa Giê-su” hoặc mời Ngài bước vào lòng mình. Thay vì hô hào ta nói một lời cầu nguyện đúng cách để có mối quan hệ với Chúa Giê-su, Kinh Thánh nói tới điều tuyệt vời hơn nhiều: bạn đã là bạn hữu của Chúa rồi, hãy tận hưởng nó thôi.

2014-12-17 la ban huu cua DCT - quoc te 1

Một dòng chảy mạnh mẽ trong Tân Ước đã rẽ theo hướng này. Trong Đấng Christ, Đức Chúa Trời đã cho thế gian được hòa giải với Ngài, không kể tội lỗi cho loài người ( 2 cô-rinh-tô 5:19) . Trong A-đam, mọi người đều chết; trong Đấng Christ, tất cả đều sống( Rom 5:17) . Đặc biệt, chúng ta thấy điều này trong thư Phao-lô gửi Hội Thánh Cô-lô-se:

Vì Đức Chúa Trời đã vui lòng đặt để mọi sự viên mãn của mình ở trong Ngài, và nhờ Ngài mà hòa giải muôn vật với chính mình, bởi huyết Ngài trên thập tự giá đem bình an đến cho cả những vật dưới đất và những vật trên trời. (Cô-lô-se 1:19-20)

Tóm lại, vì cớ sự sống, sự chết và sự sống lại của Đấng Christ, chúng ta đã ở trong mối quan hệ với Ngài rồi:

Vì sự đầy trọn của thần tính hiện diện trong thân thể hữu hình của Ngài nên anh em cũng nhận được sự đầy trọn trong Ngài, Đấng làm đầu mọi quyền thống trị và thế lực (Cô-lô-se 2:9–10).

Còn anh em ngày trước vốn xa cách Đức Chúa Trời, trở nên thù nghịch với Ngài bởi những ý tưởng và hành động xấu xa của anh em, nhưng bây giờ Đức Chúa Trời đã hòa giải qua sự chết thân xác của Con Ngài, để trình diện anh em một cách thánh sạch, không tì vết, không chỗ chê trách được trước mặt Ngài; (Cô-lô-se 1:21–22).

Hãy để ý tới cách nói tin quyết này. Chúng ta được hòa giải với Đức Chúa Trời. Chúng ta có sự bình an với Ngài. Chúng ta được trở lại cùng Chúa. Chúng ta được ở trong sự hiện diện Ngài. Đâu có gì cá nhân hơn thế nữa.

Rõ ràng đây là một việc đã được làm trọn. Phao-lô hiểu rõ rằng có một điểm chúng ta thù nghịch với Ngài, giờ rõ ràng không như vậy nữa. Giờ đây chúng ta đã được hòa giải với Ngài. Không chỉ chúng ta, mà muôn vật và muôn người: Chúa đã hòa giải với “cả những vật dưới đất và những vật trên trời”.

Cách nói này dù có tính Kinh Thánh nhưng cũng không khỏi khiến chúng ta lo lắng vì thuyết phổ độ đang rình rập ngoài cửa. Thuyết phổ độ dạy rằng cuối cùng thì mọi người sẽ được cứu. Điều này không được dạy trong Kinh Thánh dù cho nhiều người có tha thiết mong điều này trở thành sự thật. Chúa Giê-su và Phao-lô và Giăng, trong vòng những người khác, tất cả đều khẳng định rằng một số người sẽ khước từ Ngài cho tới đời đời, mê muội như chính sự khước từ đó vậy.

Nhưng quan điểm đó (rằng không phải tất cả mọi người đều được cứu) hợp với quan điểm rằng tất cả chúng ta đều đã được hòa giải với Chúa như thế nào? Liệu chúng ta đã được hòa giải hay chưa?

Câu trả lời đơn giản là: Rồi! Vâng, đó là từ phía Chúa! “Trong Đấng Christ, Đức Chúa Trời đã cho thế gian được hòa giải với Ngài, không kể tội lỗi cho loài người”, Phao-lô nói vậy. Không một chữ nếu, và hay nhưng nào cả.

Nhưng ông tiếp tục: “được hòa giải với Chúa.” Hay nói cách khác, chúng ta được kêu gọi không phải tạo ra hiện thực này mà đơn giản là sống trong nó. Như Phao-lô đã nói trong Cô-lô-se:

Vậy, anh em đã tiếp nhận Đấng Christ Jêsus là Chúa thể nào thì hãy bước đi trong Ngài thể ấy; hãy đâm rễ, lập nền trong Ngài; hãy mạnh mẽ trong đức tin như anh em đã được dạy dỗ, và càng gia tăng trong sự cảm tạ. (2:6–7).

Khi chúng ta ăn năn và tin vào phúc âm, thì chúng ta không làm điều gì xảy ra, không đang tạo ra một hiện thực mới nào cả. Chúng ta chỉ đơn giản đang thay đổi cách suy nghĩ của mình về hiện thực – ấy là ăn năn. Và chúng ta quyết định chấp nhận hiện thực – ấy là đức tin. Chúng ta tin rằng chúng ta sống trong một vũ trụ được tể trị bởi Chúa – Đấng đầy dẫy ân điển, Đấng đã tạo ra một mối nối yêu thương giữa chúng ta và Ngài.

Đức tin đó – lòng chấp nhận thực tế đúng bản chất của nó – rằng chúng ta được tha thứ và trở thành bạn hữu của Đức Chúa Trời khiến chúng ta phản ứng rất khác. Một là lòng ăn năn: Chúa tha thứ cho chúng ta dù tội ta có đỏ như hồng điều. Chà, điều này càng khiến chúng ta ăn năn về tội lỗi mình và càng cam kết sống theo ý muốn Ngài hơn. Điều khác nữa là lòng biết ơn: Giờ đây ta không chỉ sống vì nghĩa vụ, càng không sợ bị trừng phạt. Hơn nữa, ta sẽ có tấm lòng truyền giáo nhiệt thành: Chúng ta muốn nói về Tin Lành cho mọi người, rằng họ có vị trí tuyệt vời trong mắt Chúa, họ đơn giản chỉ cần thấy và đáp lại điều đó bằng đức tin mà thôi.

Trong cuốn Hòa Giải với Đấng Christ, nhà thần học người Scotland T.F. Torrance tóm tắt tin lành thế này:

Tình yêu Chúa dành cho bạn thật trọn lành và toàn hảo đến mức Ngài ban chính mình cho bạn trong Đấng Christ – con yêu dấu của Ngài. Theo cách ấy, Đức Chúa Trời đã dùng thân thể mình để cứu chuộc bạn. Trong Chúa Giê-su Christ, tình yêu vô điều kiện của Đức Chúa Trời dành cho bạn được hiện thực hóa, chấp nhận bạn như những gì bạn có, một lần và đủ cả. Ngài không thể làm điều này mà không trở nên xác thịt, chết trên thập tự giá và chối bỏ chính mình theo cách ấy.

Sự chết của Chúa Giê-su chính là dành cho bạn vì bạn đầy tội lỗi và hoàn toàn không xứng đáng, Ngài tạo dựng bạn cho chính Ngài trước khi và kể cả khi bạn không tin Chúa. Chúa ràng buộc chính mình Ngài với bạn bằng tình yêu thương theo cách mà Ngài sẽ không bao giờ buông ra. Dù bạn có từ bỏ Ngài hay hủy hoại chính mình trong hồ lửa, tình yêu Ngài cũng không hề ngừng lại. Vì thế, hãy ăn năn và tin nhận Chúa Giê-su Christ là Cứu Chúa và là Chủ cuộc đời mình.

Cũng có những cách đáng tin cậy khác để miêu tả động thái của đức tin. Nhưng cả cách tiếp cận này này cũng thể theo Kinh Thánh và nằm trọn trong từ phúc âm mà ta hay dịch là “tin lành”. Theo cách hiểu này, bạn sẽ không còn thấy áp lực nữa. Tôi chẳng thể tạo ra mối quan hệ cá nhân của mình với Chúa Giê-su. Rồi khi đã kinh nghiệm mối quan hệ này, tôi cũng chẳng phải lo sợ mình làm điều gì khiến nó tan vỡ nữa. Mỗi quan hệ cá nhân này là hiện thực cơ bản thêu dệt nên vũ trụ: Ê-ma-nu-ên – Chúa ở cùng chúng ta đời đời. Cụ thể hơn, đó là hiện thực vũ trụ cá nhân tôi: Chúa Giê-su yêu tôi – điều này, tôi biết.

Mối quan hệ này chắc chắn có những tầng những lớp để bạn tận hưởng và khám phá. Một mối quan hệ với Đấng Yêu Thương Đời Đời đâu phải là điều ai đó có thể kiểm soát được trong một đời, hay cả trong cõi đời đời. Nhiều thánh đồ đã làm chứng điều này qua cuộc đời mình, rằng đó là mối quan hệ đem thất vọng đến hy vọng, xưng nhận đến tha thứ, đau đớn đến chữa lành, chán nản đến vui mừng. Mối quan hệ này còn là tình yêu thương sâu sắc khôn cùng. Hỡi ai đã ăn năn và tin nhận Chúa, mời Chúa Giê-su vào lòng chi bằng hãy dấn thân vào một chuyến đi vô tận, hào hứng và hân hoan tới tấm lòng của Đức Chúa Trời!

Tác giả bài viết: Mark Galli

Nguồn: Christianitytoday.com

– Người dịch: Hoàng Xoa –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.