Search
Thursday 25 April 2024
  • :
  • :

Dẫn Dắt, Canh Giữ, Tể Trị – Ba Điều Người Giảng Đạo Cần Chúa Làm Trên Mình

<b>Dẫn Dắt, Canh Giữ, Tể Trị – Ba Điều Người Giảng Đạo Cần Chúa Làm Trên Mình</b>

Bạn có thể giảng và cầu nguyện cùng một lúc không?

Tốt nhất là bạn nên làm thế!

Có nhiều điều thoáng qua tâm trí của người giảng đạo trong khi giảng. Tôi không chắc họ có nghĩ nhiều điều cùng lúc không. Nhưng tâm trí thì luôn chuyển rất nhanh từ điều này sang điều khác – cả những ý tưởng tốt và xấu, sai và đúng, khôn ngoan và ngu dại.

Đó là lý do tại sao tôi cần cầu nguyện khi giảng đạo.

Khi giảng lời Ngài, tôi cần Chúa làm ba điều này cho mình:

Tôi cần Chúa dẫn dắt suy nghĩ mình.

Đã bao giờ bạn thử cầu nguyện mà tâm trí đầy phân tán chưa? Điều này cũng có thể xảy ra khi bạn giảng đạo.

Mọi loại suy nghĩ đời này sẽ đến với tâm trí bạn. Dân sự đi lại. Trẻ nhỏ la khóc. Lũ nhóc truyền giấy cho nhau. Chấp sự ngủ gật. Những người khác lại chú tâm tới điện thoại di động hơn. Bạn bắt gặp những người mới đến. Bạn không thấy những thành viên trung tín ở ghế ngồi như thường lệ. Bạn bắt đầu suy nghĩ về tuần trước, hoặc lại suy nghĩ về tuần sau.

Nhiều lúc, khi đang giảng mà bị phân tán, tôi sẽ mở lòng cầu xin Chúa cầm giữ tâm trí mình. Nhưng phải cầu xin kín kẽ và không ngừng cầu xin trong suốt thời gian giảng sứ điệp. Những lời bạn nói trong khi giảng là của lễ trong sự thờ phượng. Những suy nghĩ mà bạn ấp ủ trong khi giảng cũng vậy! Bạn cần Chúa giúp nhớ lại những gì Ngài đã dạy bạn trong nơi kín nhiệm. Bạn cần Chúa giúp mình giữ tập trung. Bạn cũng cần Chúa tể trị trên những suy nghĩ lan man của mình.

Tôi cần Chúa canh giữ tấm lòng tôi.

Để giảng dạy một cách trung tín, bạn cần chuẩn bị về tâm trí và có sự tập trung. Bạn còn cần phải tĩnh nguyện trong tâm linh nữa. Nếu tâm trí vào cuộc mà tấm lòng không đặt vào đó thì chẳng có nghĩa lý gì cả.

Người giảng đạo cần dâng lên Chúa một sứ điệp được chuẩn bị sẵn, một thân thể được nghỉ ngơi và một tấm lòng được thánh hóa. Trước khi đứng giảng, hãy tra xét lòng mình xem có tội lỗi nào chưa xưng nhận không. Cũng hãy tiếp tục dò xét tâm linh mình khi đang giảng.

Bạn có thể thấy không thoải mái với sứ điệp của mình. Bạn có thể e sợ biểu lộ trên gương mặt người nghe. Bạn có thể ở vào tình thế giảng không đúng lúc. Bạn cần Chúa cầm giữ tấm lòng mình khỏi sự sợ hãi, lo lắng hoặc chán chường. Hoặc khi bài giảng trơn tru. Khi hội chúng nhận lãnh được sứ điệp. Khi có cảm giác rằng Chúa đang hành động. Bạn lại cần Chúa canh giữ tấm lòng mình khỏi phạm tội kiêu ngạo.

Tôi cần Chúa tể trị lời nói của mình.

Tôi ủng hộ việc viết ra toàn bộ bản thảo của từng bài giảng. Rõ ràng là tự mình viết sẽ giúp bạn không bị bế tắc khi đứng trên bục. Nhưng như vậy không có nghĩ là bạn sẽ nói mọi thứ trong bản thảo đó. Bạn cần Chúa bỏ những gì Ngài muốn bỏ, thêm những gì Ngài muốn thêm.

Sứ đồ Phao-lô thường cầu xin Chúa ban cho ông nói những lời đúng đắn (Ê-phê-sô 6: 19-20; Cô-lô-se 4: 3-4). Chúng ta cũng cần cầu nguyện như vậy. Bục giảng không phải là sân khấu để bạn trình diễn. Đó là nơi lời Đức Chúa Trời ngự xuống. Sứ giả của Vua phải cẩn thận để không nói bất kỳ lời nào sai trái, lời nào thiếu khôn ngoan, lời nào vô ích khi giảng.

Giảng đạo là một công việc nguy hiểm. Chúa sẽ phán xét những người thầy nghiêm khắc hơn (Gia-cơ 3:1). Trong hội chúng có những người vô tín, những Cơ Đốc nhân chưa trưởng thành và các thánh đồ trường thành. Việc giảng Phúc Âm của bạn sẽ là hương thơm của sự sống với những ai đang được cứu chuộc và là mùi của sự chết với những ai đang hư mất. Chúng ta cần giảng phúc âm cách thành tín, rành mạch và thuyết phục. Chúng ta cần Chúa giúp sức để có thể thực hiện được điều này.

Khi giảng, bạn cầu nguyện điều gì?

Tác giả bài viết: H.B Charles, Jr.
Nguồn: churchleaders.com

– Người dịch: Hằng Moon –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.