Search
Friday 19 April 2024
  • :
  • :

Những Điều Hai Bạn Trẻ Cần Nói Tới Trước Khi Kết Hôn

Những Điều Hai Bạn Trẻ Cần Nói Tới Trước Khi Kết Hôn

Rõ ràng là chúng ta đang sống trong một nền văn hóa đề cao những lễ cưới khoa trương: Tìm một bộ váy hoàn hảo, tổ chức tại một hội trường hoàn hảo với đúng kiểu hoa, kiểu đồ ăn, âm nhạc, tiệc cưới, người chơi nhạc, thợ chụp ảnh, đồ trang trí bàn cưới, thiệp cưới, lễ cưới, nhẫn cưới, giày cưới và nhiều thứ khác. Dĩ nhiên, kỉ niệm một ngày thiêng liêng như vậy rất có ý nghĩa, nhưng đôi khi chúng ta lại lỡ mất một điều quan trọng.

Khi lên kế hoạch cho hôn lễ, chúng ta có xu hướng tập trung vào tiểu tiết mà lại bỏ qua những điểm chính: lên kế hoạch cho đám cưới mà lại phớt lờ việc lên kế hoạch cho hôn nhân.

Khoảng thời gian trước lễ cưới thực sự là một khoảng thời gian rất thiêng liêng. Đây là cơ hội để chạm tới phần sâu thẳm nhất trong con người của bạn và phản ánh con người mà bạn muốn trở thành. Đây là một thời cơ để kết nối và tiếp tục tìm hiểu về trái tim của người bạn đời quý báu mà Chúa đặt trong đời sống bạn.

Đã đến lúc để bắt đầu làm việc, chuẩn bị và lên kế hoạch cho hôn nhân mà bạn muốn tạo dựng.

Khi suy nghĩ về một vài khía cạnh quan trọng nhất trong việc lên kế hoạch cho một hôn nhân, trước khi bước vào hôn trường, các bạn phải trò chuyện về các vấn đề sau:

1. Quá khứ: Khi lên kế hoạch cho hôn nhân, cần phải nói về quá khứ của hai bạn, bởi vì quá khứ có vai trò hình thành hiện tại. Dù quá khứ của hai bạn có bị hủy hoại bởi đau khổ hay ngập tràn hy vọng – hãy thành thật với nó. Có thể nói về những mối quan hệ trong quá khứ, lịch sử gia đình, và những trải nghiệm đáng kể (cả tích cực và tiêu cực) đã nhào nặn nên bạn, để hai bạn có thể cùng nhau tiến tới tương lai.

2. Gia đình: Khi bạn đã kết hôn, gia đình có vai trò như thế nào trong cuộc sống của hai bạn? Những chuyến viếng thăm, kì nghỉ và những dịp đặc biệt có ảnh hưởng như thế nào tới mối quan hệ vợ chồng? Các bạn sẽ xây dựng nền nếp gia đình riêng hay là tiếp nối những truyền thống cũ? Trong đời sống và những quyết định của chúng ta, gia đình có vai trò gì? Nhiều người coi nhẹ việc kết hiệp hai con người từ hai gia đình khác nhau để trở nên một. Nhưng đây lại là điều có thể dẫn đến nhiều căng thẳng và áp lực nếu các bạn không tìm cách giải quyết một phần nào đó trước khi nói “Tôi đồng ý”.

3. Tình dục: Quan điểm của chúng ta về tình dục và giới tính được hình thành rất lâu trước khi bước vào hôn nhân. Chúng ta cần phải thoải mái với những cuộc nói chuyện về vấn đề này bởi đó là điều bạn sẽ tiếp tục làm trong suốt phần còn lại của đời sống vợ chồng. Quan điểm của bạn về tình dục là gì, chúng được hình thành như thế nào? Trong vấn đề này, bạn đã phải trải qua những điều gì và chúng có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ của bạn ra sao? Các bạn mong đợi gì và có đồng thuận với nhau không? Thấu hiểu quan điểm về tình dục của bạn và của người bạn đời là một phần quan trọng để chuẩn bị cho sự gần gũi trong tương lai.

4. Bí mật: Nhiều người hỏi tôi là cần chia sẻ “bí mật” vào lúc nào là thích hợp nhất. Đây là phần đời mà bạn hiếm khi chia sẻ với người khác. Ngoài lúc này, không có lúc nào tốt hơn để nói về những điều thầm kín, vì cả hai bạn đang hướng về hôn nhân. Từ bí mật gia đình cho đến những lựa chọn cá nhân, từ những vấn đề sức khỏe đến lo ngại về tinh thần, đây là lúc để chia sẻ những điều lớn và nhỏ, dọn đường cho sự thành thật, cởi mở – nền tảng của mối quan hệ giữa hai bạn.

5. Kỳ vọng: Vì kỳ vọng là những phần sâu thẳm trong con người nên chúng ta không thường xuyên nói về chúng. Nhưng khi làm vậy, chúng ta có cơ hội đưa chúng ra ánh sáng một cách gây dựng. Các bạn nghĩ gì về vai trò của công việc, gia đình và hôn nhân? Các bạn sẽ làm xong công việc nấu nướng, quét dọn và làm việc nhà ra sao? Ấy là tôi mới chỉ lướt qua một số điều chúng ta kỳ vọng khi bước vào hôn nhân. Hãy trò chuyện về những mong đợi của cả hai, vì nó rất quan trọng.

6. Tiền bạc: Trước hôn nhân, đây có vẻ là một chủ đề dễ chịu nhưng nó có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng sau đó. Quá nhiều cặp đôi bị mắc bẫy của áp lực và những vật lộn về tài chính vì không dành thời gian trò chuyện về vấn đề này. Bạn cảm thấy như thế nào về việc chung tiền? Bạn có thói quen chi tiêu ra sao? Bạn có nợ ai không và sẽ trả như thế nào? Bạn nghĩ sao về việc tiết kiệm, dâng một phần mười và chúc phước? Thống nhất về vấn đề tiền bạc sẽ giúp hai bạn tránh khỏi rất nhiều căng thẳng khi trở nên một.

7. Đức tin: Cần cho người bạn đời tương lai biết được đức tin thật của bạn trong một khoảng thời gian dài trước khi kết hôn. Khi cả hai nhìn về hôn nhân, bạn cần phải liên hệ với những trải nghiệm đức tin như cần duy trì mối quan hệ cá nhân với Chúa vậy. Trò chuyện về đời sống cầu nguyện, đọc lời Chúa, vai trò thuộc linh, niềm tin thần học, và sở thích hệ phái là tất cả những điều cần xem xét và thảo luận khi hai bạn tiến tới tương lai.

9. Con cái: Trước khi cưới, có nhiều điều để nói về con cái hơn là chỉ mơ về tên của chúng. Hai bạn muốn có mấy đứa con? Sẽ ra sao nếu bạn không thể mang thai? Bạn đã được nuôi dưỡng như thế nào, cá nhân bạn nghĩ gì việc làm cha mẹ? Ai sẽ chăm sóc con cái, và bạn nghĩ gì về việc cho con học ngoại trú, đi học và những điều tương tự. Chủ đề này có rất nhiều khía cạnh quan trọng, nếu các bạn dành thời gian trò chuyện qua một lượt thì sẽ rất hữu ích.

9. Giới hạn: Về cơ bản, giới hạn là quan điểm của bạn về cái gì được và cái gì không trong mối quan hệ và hôn nhân của cả hai. Cần phải có giới hạn gì đối với bạn khác giới, bạn trai/bạn gái cũ hay thậm chí là các thành viên trong gia đình? Chúng ta bảo vệ thời gian, canh giữ cảm xúc và ngăn chặn cơ thể mình khỏi những tương tác tiêu cực với người khác như thế nào?

10. Tranh chiến: Tôi biết một điều về hôn nhân, ấy là nó chi phối mọi thứ. Điểm mạnh và điểm yếu của bạn. Trước khi bạn bước vào cái nồi áp suất là hôn nhân, hãy thành thực với những thói xấu và những dằn vặt trong hiện tại. Bạn có dễ nổi giận khi tức giận không? Bạn có đang tranh chiến với bất kì hành vi nghiện ngập nào không? Có bất kì điều gì trong đời sống của bạn cần phải tiết lộ và giải quyết trước khi bước vào hôn nhân không? Dành thời gian nói chuyện một cách thẳng thắn và trung thực về những tranh chiến của bạn và hãy tạo thời gian để tiến tới hy vọng và sự chữa lành.
Thời gian trước hôn nhân là một khoảng thời gian đẹp đẽ và tràn ngập niềm vui trong đời sống lứa đôi.

Đừng để áp lực phải tổ chức một đám cưới hoàn hảo khiến bạn không thể tập trung vào vấn đề chính. Lên kế hoạch cho đám cưới, nhưng quan trọng nhất là lên kế hoạch cho hôn nhân – bởi lẽ hôn nhân lành mạnh mới thực sự là điều đáng ngợi ca.

Nguồn: Truelovedates.com

Tác giả bài viết, Debra K.Fileta là một tư vấn viên chuyên nghiệp trong khía cạnh hôn nhân và các mối quan hệ. Bà cùng chồng và hai con đang sống tại Hershey, P.A và là tác giả của cuốn True LoveDate(Zondevan, 3013), một cuốn sách thách thức những người đàn ông và phụ nữ trẻ hẹn hò một cách thú vị về mặt tâm lý, lành mạnh về mặt cảm xúc và khôn sáng về mặt tâm linh.

-Người dịch: Trịnh Quế –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.