Search
Thursday 18 April 2024
  • :
  • :

Năm Chiến Lược Đọc Kinh Thánh Hằng Ngày

Năm Chiến Lược Đọc Kinh Thánh Hằng Ngày

Tôi luôn luôn bất ngờ trước câu trả lời của Chúa Giê-su trong lần đầu bị Satan cám dỗ: “Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời, hãy khiến những đá nầy thành bánh đi” (Ma-thi-ơ 4:3). Tôi mường tượng Ngài đang đứng đó, nhìn vào những hòn đá. Chúa gầy trơ xương, còn thân thể thì kiệt quệ sau 40 ngày kiêng ăn. Nhưng ngay cả trong cơn đói tột cùng, Chúa Giê-su đã đặt đồ ăn thuộc linh lên trên đồ ăn thuộc thể: “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, nhưng cũng nhờ mọi lời nói từ miệng Đức Chúa Trời”.

Nói cách khác, Chúa Giê-su trả lời như vậy không đơn thuần chỉ để từ chối lời đề nghị của Satan, mà còn để đảo ngược tình thế. Tôi tưởng Chúa Giê-su sẽ nói: “Cho dù phải chết đói, con người sẽ không bất tuân Đức Chúa Trời”. Thay vào đó, Ngài nói “ ngay cả bây giờ, khi sức cùng lực kiệt, thì tại đây, điều ta cần nhất không phải là bánh mà là Lời Chúa”.

Khi thực hiện môn đồ hóa, tôi thấy một vấn đề rất hay gặp là người ta phải vật lộn để đọc Kinh thánh hằng ngày. Với những người ở trong chức vụ hay nghiên cứu Kinh thánh như chúng ta thì việc này có lẽ cũng chẳng dễ dàng hơn gì . Thực ra, tôi nghĩ rằng nhiều mục sư có thể để chức vụ dạy dỗ Kinh thánh choán lấy, thậm chí thay thế luôn thời gian đọc Kinh thánh của chính mình. Nhưng nếu Đấng Christ đã khẳng định rằng đọc Kinh thánh hằng ngày quan trọng hơn đồ ăn hằng ngày thì chúng ta không thể quên nuôi dưỡng chính bản thân mình, ngay cả trong lúc đang cố gắng nuôi dưỡng người khác.

Tôi đã từng giúp những người đang gặp khó khăn trong lĩnh vực này, đồng thời cũng luôn cẩn thận, sáng tạo và tươi mới trong việc tiếp thu Kinh thánh của chính mình. Vì vậy, tôi đã nảy ra một vài ý cơ bản đã từng giúp ích cho một số người.

1. Chọn một thời gian cố định, đặt nó trong lịch trình hằng ngày của bạn.

Tôi nhận thấy rằng, giữa dòng chảy cuộc sống, việc đọc Kinh thánh (giống như nhiều thứ khác) sẽ bị lu mờ đi nếu chúng ta không nó vào lịch trình hằng ngày của mình. Tôi thường cố gắng đọc Kinh thánh ngay ngay sau khi tỉnh dậy, nhưng chiến lược này rõ ràng là có vấn đề: Tôi uống cà phê. Điều này có nghĩa là khi mới tỉnh dậy, não của tôi không hoạt động hiệu quả nhất. Hơn nữa, mấy đứa nhỏ lại dậy vào những giờ khác nhau làm lịch trình buổi sáng của tôi trở nên khó đoán hơn. Vì thế tôi chuyển sang dành một vài phút ngay sau khi bước vào văn phòng mình. Tôi đợi bật máy tính và đóng cửa sổ lại. Nếu biết trước sẽ có nhiều người muốn nói chuyện với mình, tôi sẽ đi ra công viên hoặc một nơi yên tĩnh nào đó.

Một vài người có tính khí hoặc lịch trình – hoặc cả hai – không thích hợp để có thể dành ra thời gian thường ngày, ngồi xuống và đọc Kinh thánh. Trong trường hợp này, tôi khuyên họ là cài bản thu âm của Kinh thánh vào điện thoại rồi mở ra nghe khi lái xe đi làm hoặc lúc tập thể gym. Nhưng dù làm theo cách nào thì cũng cần đặt riêng ra thời gian cố định mỗi ngày. Điều này giúp đảm bảo chắc chắn rằng bạn sẽ đọc Kinh thánh, đồng thời tạo ra cảm giác nhịp nhàng và thường xuyên hơn.

2. Đọc với người khác

Tôi không có ý là bạn phải cùng đọc Kinh thánh với người khác trong phòng (mặc dù điều đó cũng có thể có tác dụng). Tôi muốn nói đến người có cùng lịch trình; và bạn thường xuyên gặp gỡ họ để kiểm tra xem mình đọc Kinh thánh như thế nào, mình học được những gì qua đó.

Trong những năm vừa qua, khi những người trẻ tuổi thú nhận rằng học đang phải cố gắng “tĩnh nguyện” đều đặn, tôi bắt đầu vạch ra lịch trình của riêng mình và cùng thực hiện với họ. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời: không chỉ tạo được tinh thần trách nhiệm từ bên trong mà còn tạo cơ hội để đối thoại và liên hệ với những gì bạn đã học được. Bạn sẽ có động lực đọc cẩn thận hơn khi biết mình sẽ trò chuyện với ai đó về điều mình đang đọc. Đồng thời, nó cũng mở cánh cửa để bạn thấy được những điều mới mà bạn có lẽ không bao giờ tự mình thấy được.

Tôi bắt đầu hướng dẫn cho hội thánh mình về thời gian tĩnh nguyện trong một số giờ giảng luận, để mở rộng trải nghiệm này cho toàn hội thánh. Khi nhiều người khác nhau cùng chú tâm vào những đoạn hoặc chủ đề Kinh thánh giống nhau sẽ rất ích lợi, vì tạo được nhiều tương tác và đối thoại.

3. Nếu bạn mới đọc Kinh thánh hoặc đọc chưa tốt, hãy đọc đơn giản và ngắn gọn.

Đôi khi người ta phải vật lộn với việc đọc Kinh thánh hằng ngày bởi vì tâm trí họ phải cố gắng nhiều hơn mức cần thiết, giống như người ta tránh đi tập gym vì cảm thấy sợ hãi và lạc lõng vì nghĩ rằng ở đó toàn người khỏe. Một số người người được giải phóng khi nhớ ra rằng đọc Kinh thánh không nhất thiết phải thật dài, thật sâu và thật uyên thâm. Nếu bạn đang vật lộn để đọc Kinh thánh hằng ngày và đang cố gắng làm tốt hơn, đừng bắt đầu với những cuốn giải nghĩa Kinh thánh hoặc những đoạn Kinh thánh dài. Hãy bắt đầu từ đơn giản rồi phát triển lên.

Ví dụ, mỗi ngày chỉ đọc và cầu nguyện về một câu trong vòng 5 phút sẽ tốt hơn là không làm gì, đó cũng là một khởi đầu tốt. Cũng giống như khi chạy trên máy chạy 20 phút một tuần, bạn sẽ không trở thành bất kì một vận động viên Olympic nào nhưng sức khỏe của bạn lại thay đổi đáng kể. Ít còn hơn không, và bạn đã có một điểm để khởi đầu.

4. Có một hệ thống để tóm tắt và ghi nhớ những gì đã học

Bryan Chapell đã đề ra một cách rất thú vị để kiểm tra mức độ nghe bài giảng: hãy tưởng tượng ai đó đánh thức bạn dậy lúc 3 giờ sáng và hỏi nội dung bài giảng là gì. Bạn có nhớ được không? Nếu không, chắc bạn đã nghe bài giảng cách nửa vời rồi!

Khi không nhớ được mình đã suy ngẫm gì vào sáng nay thì có nghĩa là tôi đã suy ngẫm quá nhanh (để ăn sáng hay vội việc gì đó) chứ không thực sự là ăn nuốt Lời Chúa. Đối với tôi, các câu chuyện trong Kinh Thánh khá dài và dễ quên, vì thế cần phải tìm ra một hệ thống để tóm tắt và ghi nhớ những gì học được. Sẽ rất hữu ích nếu bạn tóm tắt lại những gì Chúa dạy mình, nhắc lại và cầu nguyện về điều đó cả ngày.

Hiện tại, tôi đang đọc Các Vua I và II, mỗi ngày một chương. Vì tóm tắt các chương không phải lúc nào cũng dễ dàng nên tôi đã viết ra một câu ngắn, tóm lược những gì học được từ phân đoạn đó. Câu tóm tắt của I Các Vua chương 1 là “Chúa chọn những người lãnh đạo trái với sự khôn ngoan của loài người.” Đó không phải là những ý tưởng sâu sắc nhất, cũng không phải là điều duy nhất nói tới trong đoạn Kinh thánh. Nhưng đó lại là điều gây ấn tượng, vì tôi thấy Sa-lô-môn được chọn chứ không phải A-đô-ni-gia. Lúc sau, khi nghĩ lại câu chuyện đó, tôi có thể bám vào điều này. Hôm sau, tôi lại xem lại câu đó để đọc tiếp I Các vua 2. Làm như thế, bạn sẽ tạo được sự tiếp nối từ ngày này sang ngày khác.

5. Thực hiện theo một cấu trúc để cầu nguyện và áp dụng

Không phải lúc nào cũng dễ dàng để biết liên hệ nhiều đoạn kinh Cựu ước khác nhau tới Tin lành, đồng thời áp dụng cho chính bản thân chúng ta nữa. Ví dụ, nếu buổi sáng bạn đọc về vị tiên tri già ở Bê-tên trong I Các Vua 13, bạn có thể tự hỏi liệu câu chuyện này khớp với mạch kể rộng hơn của Kinh thánh ra sao, hay nó có liên hệ gì tới bạn.

Có rất nhiều cách để gắn mỗi đoạn Kinh thánh riêng lẻ vào bối cảnh lịch sử cứu rỗi lớn hơn và liên kết nó với phúc âm một cách có hệ thống – đây là một nhiệm vụ phức tạp mà ai cũng muốn phát triển. Khi áp dụng cấu trúc phúc âm cơ bản vào mỗi trang Kinh thánh thì tôi tin rằng mọi Cơ Đôc nhân có thể thực sự tiến bộ. Ví dụ, đây là hai câu hỏi khởi điểm hữu ích mà tôi lại phỏng theo cuốn sách “Giảng đạo Lấy Đấng Christ Làm Trung Tâm” (Christ-Centered Preaching) của Bryan Chapell.

1. Phân đoạn này hé lộ điều gì về bản chất cần được cứu rỗi của con người?
2. Phân đoạn này hé lộ điều gì về bản chất của Chúa – bản chất đem lại sự cứu rỗi?

Đây không phải là tất cả mọi điều bạn cần làm, nhưng đây là khởi điểm phù hợp để bạn có thể cầu nguyện và áp dụng. Ví dụ, khi đọc I Các Vua 13, tôi bỗng dưng hiểu ra những điều mới về sự xấu xa của tội lỗi, cùng bản chất ràng buộc của Lời Chúa. Tôi bắt đầu nghĩ về tính hay thay đổi và thiếu kiên định chính mình qua các nhân vật trong câu chuyện. Tôi nhớ đến lời hứa của phân đoạn Kinh thánh ngày hôm qua: “Một đứa con trai sẽ sanh ra cho nhà Đa-vít, tên nó là Giô-si-a” (13:2). Tôi cảm thấy sự tối tăm đang bao trùm trong thời kì này, thấy dân Chúa mong mỏi có được một vị vua, một đấng cứu rỗi (sau cùng là một đấng vĩ đại hơn cả Giô-si-a). Từ phân đoạn này, tôi đã suy ngẫm về tất cả những điều đã xảy ra trong lịch sử cứu rỗi.

Tôi thấy mình nhận thức rõ hơn rằng tôi cần Chúa Giê-su. Thế giới này sẽ ra sao nếu không có một Bết-lê-hem như đã chép. Tôi nghĩ về mọi điều mà người Hê-bê-rơ nói về những gì Đấng Christ đã làm trọn; cùng mọi điều xảy ra trong lịch sử cứu rỗi. Tôi dành thì giờ cảm tạ Ngài, và cầu xin rằng Chúa giúp tôi thấy được hướng đi và sự dẫn dắt trong cuộc đời mình – cuộc đời của Thầy Tế lễ thượng phẩm, của một vị vua lớn hơn, hiện đang làm công tác cứu chuộc và dẫn dắt dân sự Ngài.

Dù có mờ nhạt thế nào đi chăng nữa thì I Các vua 13 hay mọi ngóc ngách khác của Kinh thánh đều góp phần bày tỏ về phúc âm.Trong Kinh thánh không có một câu một chữ lãng phí nào. Thực chất, nếu chúng ta tin vào Lời của Chúa Giê-su thì “mọi lời… phán ra từ miệng Đức Chúa Trời ” và lời hằng sống của Ngài quan trọng hơn cả thức ăn hằng ngày của chúng ta.

– Nguồn: gavinortlund.com

– Người dịch: Trịnh Quế –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.