Search
Thursday 28 March 2024
  • :
  • :

Các Chi Phái Bị Lạc Mất Của Israel: Chẳng Còn Lạc Mất Nữa

Các Chi Phái Bị Lạc Mất Của Israel: Chẳng Còn Lạc Mất Nữa

Câu chuyện nghe như một bộ phim trinh thám hiện đại đầy bí ẩn kịch tính.

Một bộ tộc bí ẩn trú ngụ trong một vùng đất xa xôi của thế giới đưa ra một tuyên bố đáng ngạc nhiên về nguồn gốc của mình. Dù bị các bộ tộc khác tẩy chay, những kẻ bị ruồng bỏ này ngoan cố khẳng định tổ tiên của họ là chủng tộc được ca ngợi lâu đời nhất trên thế giới – người Israel.

Các nhà điều tra đầy hoài nghi đã phát hiện ra di sản cổ xưa gồm những tên gọi, từ ngữ và thành ngữ xa lạ với tất cả mọi ngôn ngữ địa phương, nhưng thực sự lại mang những nét tương tự đầy kinh ngạc với ngôn ngữ Hê-bơ-rơ. Họ cũng có các nghi lễ và truyền thống chính xác xuất phát từ năm sách Ngũ Kinh.

Mặc dù vậy, những tuyên bố này bị nhiều người bác bỏ bởi chúng hoàn hảo đến mức khó tin, cho đến khi những đột phá tiên tiến trong phân tích di truyền đưa ra thêm bằng chứng khoa học để củng cố thêm độ tin cậy của các tuyên bố này.

Đây không phải là chuyện hư cấu. Thật vậy, trong những năm gần đây kịch bản này đã diễn ra ở nhiều khu vực xa xôi của thế giới từ châu Phi, đến Ấn Độ và cả Trung Quốc. Những diễn biến bất thường này là câu trả lời cho một trong bí ẩn cổ xưa khó hiểu và lâu đời nhất.

Cụ thể là, “Điều gì đã xảy ra với ‘các chị tộc bị lạc mất của Israel?'”

Hơn nữa, những phát hiện này cho thấy các lời tiên tri trong Kinh Thánh đã được làm trọn hoàn hảo.

Làm thế nào 10 chi tộc bị mất tích

Để hiểu rõ nguồn gốc về bí ẩn các bộ lạc bị mất tích, chúng ta cần hiểu rõ hai sự kiện lịch sử.

Đầu tiên là vương quốc Israel ban đầu gồm 12 chi tộc – thành lập dưới thời vua Sau-lơ và mở rộng dưới thời Đa-vít và con trai của ông Sa-lô-môn – sau cùng bị chia thành 2 nước sau khi Sa-lô-môn băng hà. Mười chi tộc hình thành Vương quốc phía Bắc (còn được các tiên tri Cựu Ước gọi là “Israel” hoặc “Ép-ra-im”), trong khi các chi tộc còn lại gồm Giu-đa và Bên-gia-min trở thành Vương quốc phía Nam (các tiên tri chỉ đơn giản gọi là “Giu-đa”), với thủ đô là Giê-ru-sa-lem.

Thứ hai là, vương quốc phía Bắc sau cùng đã bị xâm lược và hoàn toàn bị chinh phục bởi Đế chế Assyria năm 722 trước Công nguyên

Bất cứ khi nào quân Assyria chinh phục một dân tộc, họ đều tiến hành cưỡng bức di dời những kẻ chiến bại đến các khu vực khác trong đế chế rộng lớn của họ – và cho họ định cư tại đó với những dân tộc bại trận khác. Chiến lược này nhằm giảm thiểu nguy cơ một dân tộc sẽ nổi dậy chống lại chính quyền Assyrian trong tương lai. Hầu hết những kẻ bại trận cuối cùng sẽ bị đồng hóa – về chủng tộc, văn hóa và tôn giáo – với các dân tộc mà họ sống hòa lẫn trong đó.

Nhưng người Do Thái không phải là một nhóm dân tộc hay nền văn hóa tầm thường trong lịch sử. Họ đã và đang được chính tay Đức Chúa Trời lựa chọn và thiết kế để kiên cường kháng cự lại sự đồng hóa – mạnh mẽ và ngoan cường đến đáng kinh ngạc.

Khoảng 135 năm sau sự sụp đổ của vương quốc phía Bắc, Giu-đa cũng bị chinh phục. Ba-by-lôn, thời điểm đó đã chiếm chỗ Assyria trở thành đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, đã đem tất cả những người tài giỏi nhất và sáng láng nhất của vương quốc Giu-đa về làm phu tù. Sau 70 năm, “phần còn lại” của những người tù trở về Giu-đa để xây dựng và khôi phục quốc gia đã bị tàn phá, trong đó có việc xây dựng đền thờ. Nhưng không có chỗ nào trong Thánh Kinh ghi chép về việc quay trở lại của các chi phái phía Bắc.

Vì vậy, nếu chỉ một phần sót lại trong các phu tù Giu-đa trở về xứ Giu-đa, điều gì đã xảy ra với các thành viên khác của các chi phái Giu-đa và Bên-gia-min – những người tiếp tục định cư trong đế quốc Ba-by-lôn rộng lớn?

Còn về những người Do Thái còn lại ở Israel sau cuộc tàn phá Giêrusalem và đền thờ vào năm 70 và cuộc nổi dậy cuối cùng chống lại người La Mã trong năm 136? Họ cũng bị trục xuất khỏi quê hương mình và phân tán đến các quốc gia trên thế giới và được gọi là những người bị tản lạc.

Những kẻ lang thang

Trước đó, Chúa đã cảnh báo dân Israel rằng nếu họ không trung thành vâng giữ các luật lệ và điều răn Ngài, họ sẽ trục xuất khỏi quê hương mình và sống lưu lạc ở các đất nước khác: “Đức Giê-hô-va sẽ tản lạc các ngươi trong các dân, từ cuối đầu này của đất đến cuối đầu kia “(Phục 28:64).

Điều này thực sự đã xảy ra. Các con cháu Gia-cốp bị phân tán ở khắp mọi quốc gia trên trái đất. Nhưng vì lòng thương xót và thành tín của Ngài, Đức Chúa Trời cũng ban lời hứa sẽ có ngày Ngài mang họ trở lại: “Khi các điều nầy đã xảy đến cho ngươi, hoặc phước lành, hoặc rủa sả, mà ta đã đặt trước mặt ngươi, nếu trong các nước, mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đuổi ngươi đến, ngươi đem lòng nhắc lại những điều ấy, trở lại cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, ngươi và con cháu ngươi hết lòng hết ý vâng theo tiếng phán của Ngài, như mọi điều ta truyền cho ngươi ngày nay, thì bấy giờ Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ thương xót ngươi, đem những phu tù ngươi trở về, nhóm hiệp ngươi từ giữa các dân, là nơi Ngài đã tản lạc ngươi đó.”(Phục 30: 1-3).

Đây là những ngày phục hồi dân tộc Israel. Dù cho đối với thế gian, những người còn sót lại của các chi phái đã bị lạc mất trong nhiều thế kỷ, Chúa biết rõ họ đang ở đâu và tạo dựng để họ kháng cự mạnh mẽ chống lại sự đồng hóa. Thật vậy, nhiều người trong số các cộng đồng Do Thái cổ đại đang bước ra ánh sáng và được dân Israel công nhận. Họ và tổ tiên của họ đã giữ theo truyền thống Do Thái đặc trưng suốt nhiều thế kỷ, và một số mang gen của người Do Thái. Đây chỉ là một vài ví dụ thú vị:

Bộ lạc Bnei Menashe ở Ấn Độ

Ở hai bang Manipur và Mizoram của Ấn Độ, có cộng đồng dân tộc Bnei Menashe đã sinh sống lâu đời, và được cho là có nguồn gốc từ chi phái bị lạc mất là Ma-na-se. Lịch sử truyền khẩu của bộ lạc này cho rằng họ bị Assyria bắt giữ cùng với phần còn lại của các chi phái phía Bắc của Israel và cuối cùng tản lạc đến Trung Quốc. Sau đó, vào thế kỷ thứ hai, họ di cư đến Ấn Độ trong bối cảnh bị người Trung Quốc đàn áp. Nhiều người đã cải đạo trở thành Cơ Ðốc nhân vào thế kỷ 19 thông qua công tác của các nhà truyền giáo Trưởng Lão xứ Wales.

Năm 2011, chính phủ Israel quyết định cho phép 7.300 thành viên bộ lạc Bnei Menashe đến Israel. Vài trăm người cũng vừa mới nhập cư vào Israel, nhưng hàng ngàn người vẫn còn sống tại Ấn trong cảnh nghèo khổ tột cùng.

Bộ lạc Lemba ở Zimbabwe

Đức Chúa Trời đã giữ lời hứa của Ngài khi phân tán con cái Israel đến các đầu cùng thế giới. Có lẽ không ở đâu lưu giữ nhiều bằng chứng hơn trong vùng thảo nguyên hẻo lánh của Zimbabwe. Ở đây có Lemba, một bộ lạc với hơn 70.000 người sinh sống khắp Zimbabwe và các vùng khác ở Nam Phi.

Trong một nghiên cứu DNA gần đây, 70 phần trăm người Lemba được lấy mẫu sở hữu những gen Cohanim, với tỷ lệ cao hơn cả người Do Thái Sephardic và Ashkenazi khi lấy mẫu. Phát hiện này đã dấy lên nhiều quan tâm đáng kể trong cộng đồng Do Thái và ủng hộ mạnh mẽ lời tuyên bố là dòng dõi thầy tế lễ thượng phẩm A-rôn suốt 800 năm qua.

Người Do thái ở Ê-thi-ô-pia

Dân tộc tên gọi “Cút” trong Kinh Thánh gần như chắc chắn là Ethiopia hiện đại ngày nay. Ê-sai đã nói tiên tri về tên các đất nước mà từ đó Thiên Chúa sẽ tập hợp lại những dân sự bị tản lạc của Ngài trong những ngày cuối cùng: “Trong ngày đó, Chúa còn đặt tay một lần nữa đặng chuộc dân sót của Ngài, tức là kẻ sót lại bởi A-si-ri, Ê-díp-tô, Pha-trô, Cút, Ê-lam, Si-nê-a, Ha-mát cùng các cù lao biển.” (Ê-sai 11:11).

Theo truyền thống địa phương cổ xưa, nguồn gốc của người Do Thái ở Ê-thi-ô-pia bắt đầu từ thời Sa-lô-môn và Nữ hoàng Sheba. Một tài liệu thế kỷ 14 gọi là Kebra Nagast (Vinh quang của Các Vua) chép rằng Sa-lô-môn và Sheba có một con trai tên là Menelik I, người sau này trở về Ê-thi-ô-pia cùng với gia đình và hòm giao ước.

Những người khác tin rằng người Do Thái từ cuộc xuất hành đã đi dọc theo dòng sông Nin và cuối cùng định cư ở Ê-thi-ô-pia. Hầu hết các nhà sử học lại tin rằng sự hiện diện của họ ở Ê-thi-ô-pia là sau thời kỳ lưu đày và bắt nguồn từ khi người Do Thái bị phân tán dưới thời La Mã và di cư từ Y-ê-men đến các mũi đất Châu Phi.

Dù việc những người Do Thái đến ở Ethiopia khi nào và như thế nào vẫn là bí ẩn, rõ ràng rằng nó đã xảy ra. Chẳng hạn câu chuyện hoạn quan Ê-thi-ô-pia gặp Phil-líp (Công vụ 8: 26-39), ông đã đặt đức tin nơi Chúa, không phải như một người ngoại, mà là một người Do Thái sùng đạo.

Trong nhiều thế kỷ, người ta đã lưu ý ở Ê-thi-ô-pia có một số bộ tộc thực hành các nghi thức tôn giáo cổ đại rất giống với của Israel Cựu Ước và họ cũng tuyên bố rõ ràng nguồn gốc của họ là từ các chi phái của Israel. Và xét nghiệm di truyền học hiện đại đã xác nhận những tuyên bố này.

Ví dụ, nhóm người Ê-thi-ô-pia tên gọi là Beta Israel (Nhà của Israel) đã được chính phủ Israel chính thức công nhận năm 1973.

Một bộ lạc của người Do Thái ở Ê-thi-ô-pia , Beta Avraham, ban đầu là một phần của cộng đồng Beta Israel. Nhưng ở thế kỷ 17, một kẻ giả mạo Đấng Mê-si dấy lên và dẫn dụ nhiều gia nhập Giáo Hội Chính Thống. Họ tách ra trở thành một bộ lạc riêng và cuối cùng định cư ở huyện Kechene gần thủ đô Addis Ababa.

Các Gefat – một nhánh thứ ba của người Do Thái Ê-thi-ô-pia – sống xa hơn về phía nam ở vùng nông thôn Ê-thi-ô-pia là Woliso và Hosanna. Một cộng đồng hẻo lánh, bộ tộc này (ước tính khoảng 20,000-30,000 người) đã trung thành giữ gìn các tập tục Do Thái suốt hàng trăm năm, bao gồm cả việc cắt bì cho bé trai vào ngày thứ tám, bôi máu cừu trên cửa của họ vào lễ Vượt Qua, và giữ chế độ ăn uống theo luật pháp Kinh Thánh. Thực ra, tên của họ, GEFAT, có nghĩa là “người thổi kèn”. Theo lịch sử truyền khẩu, họ được các vua Ethiopia lựa chọn nhiều thế kỷ trước để thổi kèn Shofar đi trước hòm giao ước trong các đám rước chính thức.

Sự tồn tại của nhóm người đáng chú ý này và những người khác trong Somaliland, Somalia; Afghanistan; Nigeria đặt ra hai câu hỏi cho những người trong chúng ta – những người làm theo Giê-su và phấn đấu để vâng theo Lời của Ngài.

Đầu tiên là: Liệu khám phá của họ trong thời đại của chúng ta có thể hiện một vài loại dấu hiệu tiên tri và tín hiệu liên quan đến thời gian kết thúc? Và thứ hai: trách nhiệm của chúng ta trong việc chăm sóc những con trai và con gái nghèo nàn và bị áp bức của Áp-ra-ham là gì?

Lời tiên tri được ứng nghiệm

Trong khi nhiều người nhìn nhận đúng đắn sự tái sinh của nhà nước Israel và tái thống nhất của Giê-ru-sa-lem là sự ứng nghiệm quan trọng của lời tiên tri về thời kỳ cuối cùng, quá ít Cơ Đốc nhân chú ý đến sự làm trọn đáng ngạc nhiên của các lời tiên tri đang mở ra trước mắt chúng ta. Tôi đang đề cập đến việc nhận diện các phần tản lạc của các bộ lạc bị lạc mất của Israel và việc tái tập hợp của một số trở lại Israel. Ê-sai 11:11 cho thấy rằng trong những ngày cuối cùng, Thiên Chúa sẽ “đòi lại tàn dư còn sót lại của dân Ngài” từ một danh sách các quốc gia châu Phi, bao gồm Ethiopia, nơi có nhiều Beta Israel.

Theo tôi, đây là một trong những dấu hiệu quan trọng nhất cho thấy Đấng Mê-si sắp tái lâm. Tôi cũng tin chắc rằng bằng cách vươn đến những người Do Thái nghèo khổ nhất bị tản lạc qua con đường viện trợ nhân đạo và Phúc Âm là phương cách bày tỏ rõ ràng và mạnh mẽ của trái tim và ý chí của Đức Chúa Trời ngày nay.

Đây là lý do tại sao tổ chức Mục vụ Tiếng nói Do Thái Quốc tế đã tích cực làm việc ở cả hai vế của phương trình này nhiều thập kỷ nay. Chúng tôi hoạt động với nhiệm vụ từ Rô-ma 1:16, trong đó nói rằng Phúc âm là “quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin, trước là người Giu-đa, sau là người Gờ-réc.” Thật vinh dự khi được giới thiệu hàng ngàn người Do Thái đến với Đấng Mê-si mà họ đã trông đợi từ lâu trong khi thiết lập, trang bị và gây dựng nhiều hội chúng mới của Chúa cứu thế trong các cộng đồng này.

Đồng thời, chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để đáp ứng nhu cầu vật chất và y tế của những người rất nghèo và thường xuyên bị đàn áp này.

Mặc dù không bao giờ bắt buộc họ phải nghe về Phúc Âm để được giúp đỡ, chúng tôi luôn dựng lên một lều cầu nguyện – để lời cầu nguyện và sự phục vụ luôn sẵn sàng cho mỗi người chúng tôi chăm sóc. Kết quả là, Thiên Chúa đã ban cho chúng tôi hàng ngàn người tiếp nhận Giê-su làm Đấng Mê-si và Chúa Cứu Thế của họ. Rõ ràng, tham gia mục vụ này và làm việc với một nhóm dân đặc biệt như thế, là một trải nghiệm tuyệt vời. Phục vụ cho những nhân chứng sống động, kỳ diệu đang làm ứng nghiệm lời tiên tri là một vinh dự đặc biệt. Và đó là một phước lành tôi muốn chia sẻ với các tình nguyện viên sẽ tham gia vào những chiến dịch truyền giáo sắp tới của chúng tôi. Có lẽ bạn nên là một trong số đó.

Tác giả bài viết: Rabbi Jonathan Bernis

Nguồn: charismamag.com

Rabbi Jonathan Bernis là chủ tịch và giám đốc điều hành của Mục Vụ Tiếng Nói Do Thái Quốc Tế, người dẫn của chương trình TV Tiếng Nói Do Thái với Jonathan Bernis và là tác giả của cuốn “Một Thầy Thông Giáo Nhìn Vào Chúa Giê-su Người Na-xa-rét”.

– Người dịch: Thảo Nguyên –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.