Search
Tuesday 23 April 2024
  • :
  • :

Nghề Mục Sư Và Những Nỗi Đau Giấu Kín

Nghề Mục Sư Và Những Nỗi Đau Giấu Kín

Loisusong.net – Tháng Mười vừa qua, một số hội thánh tại Mỹ đã kỷ niệm một ngày rất đặc biệt: Ngày mục sư (Pastor Appreciation Day). Thiết nghĩ đây là điều rất nên làm, vì có mấy nghề “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, mấy nghề “đa-zi năng”, mấy nghề cao quý như nghề này. Tiện dịp, loisusong.net xin gửi tới bạn đọc hai bài viết, hai góc nhìn khác nhau về nghề mục sư – tên gọi vốn còn rất lạ lẫm tại dải đất hình chữ S ta.

Peter Drucker – một bậc thầy về lãnh đạo – đã liệt những công việc sau vào hàng bốn công việc cực nhọc nhất tại Mỹ:

• Tổng thống Mỹ
• Hiệu trưởng trường đại học
• Giám đốc điều hành bệnh viện
• Mục sư

“Sao lại thế được? Mục sư yêu Chúa và yêu con người cơ mà! Họ chỉ cần cầu nguyện cho dân sự, dẫn dân sự tới đức tin nơi Chúa Giê-su và dạy Lời Chúa là được. Một công việc mơ ước, có thể đọc Kinh thánh cả ngày, cầu nguyện xong tập thể thao một chút, rồi lại giảng đạo. Tôi còn muốn vậy nữa là!”, chắc bạn sẽ nhủ thầm như vậy.

Nhưng sự thật là đây: Làm mục sư là một công việc vất vả. Công việc của người mục sư không dành cho những người yếu đuối. Nó có thể kéo dài 24/7 và người mục sư phải chịu những thách thức chỉ nghề này mới có. Một số mục sư tự làm mình kiệt sức khi cố gắng giúp đỡ dân sự. Một số làm tổn thương gia đình mình vì quá gắn mình vào chức vụ. Những người khác được thành công trong chức vụ và đời sống cá nhân của mình.

Phần đa các hội thánh là hội thánh nhỏ, có dưới 100 thành viên. Nhân sự thì ít, nhu cầu lại nhiều. Nhiều khi một người mục sư phải vừa là giáo viên dạy trường Kinh thánh, vừa là kế toán, nhà chiến lược, người có khải tượng, kỹ thuật viên máy tính, tư vấn viên, người nói trước công chúng, người dẫn thờ phượng, chiến sĩ cầu nguyện, người thầy, người đào tạo lãnh đạo và người gây quỹ. Ai có thể trở thành tất cả đây?

90% mục sư cho biết rằng chức vụ của họ hoàn toàn khác so với những gì họ nghĩ trước đó. Nhưng cá nhân tôi lại thích làm mục sư. Tôi có những nhân sự tuyệt vời. Hội thánh chúng tôi có những thành viên tuyệt vời. Tôi luôn thỏa lòng, dù khó khăn hay tốt đẹp. Tất nhiên, “thỏa lòng” khi mọi thứ tốt đẹp thì dễ hơn rất nhiều. Tôi có những người bạn mục sư tuyệt vời. Hôn nhân của tôi mạnh mẽ. Tôi trở nên tốt hơn nhờ thời gian ở trong chức vụ.

Người mục sư hay gặp phải nhiều vấn đề:

1. Chỉ trích

Mục sư có thể bị nhiều người chỉ trích vì vô số điều:
”Nhạc to quá. Thờ phượng ngắn quá.”
“Mục sư nghĩ mình là ai chứ? Ba tuần mới hẹn gặp được ông ấy.”
“Ông nói về tiền quá nhiều rồi đấy!”
“Mục sư ơi, cho tôi nói chuyện với mục sư một chút được không?” Câu hỏi đơn giản này có thể khiến mục sư nghĩ: “Ôi thôi! Lại gì nữa đây?”
Chúng ta – là những người mục sư – cần tìm cách không bị xúc phạm bởi những lời chỉ trích và rút kinh nghiệm qua những sự thật ẩn phía sau chúng.

2. Bị chối bỏ

Các thành viên bỏ đi, các lãnh đạo bỏ đi, những người bạn của mục sư cũng bỏ đi. Sự thật là: Người ta bỏ đi.

Hội thánh càng nhỏ lại càng dễ thấy người ta bỏ đi. Một số bỏ đi vì những quyết định hợp lý; số khác có thể bỏ đi một cách “vô ơn.” Ngay cả ở những hội thánh lớn, người ta cũng bỏ đi, hàng ngàn người. Bạn có thể nghe những câu như:
“Tôi sắp đi đây.”
“Chúng tôi muốn điều gì đó sâu sắc hơn.”
“Nhu cầu của tôi chẳng được đáp ứng.”

Nghe như thể người mục sư bị chối bỏ vậy. Một trong những trạng thái khó nhất cần đạt được là có “da mặt dày” và “tấm lòng mềm mại.” Yêu dân sự, giữ họ cách nhẹ nhàng và đừng để mình bị xúc phạm. “Chao ơi! xin Chúa giúp chúng con!”

3. Bị phản bội

Tin tưởng và chia sẻ gánh nặng cá nhân với những thành viên trong hội thánh có thể phản tác dụng. Có khi họ lại kể những nan đề cá nhân của người mục sư với người khác. Các nhân sự lãnh đạo có thể cướp chiên đi mất. Người mục sư tin tưởng ai đó, cho họ đứng trên bục giảng, cho họ danh phận, rồi người đó là dùng sự ảnh hưởng để mang chiên đi. Đúng là cái hôn của Giu-đa. Nhân sự trong hội thánh mà gây nan đề thì là một sự phản bội. Người mục sư có thể nghĩ đúng, rằng: “Tôi trả tiền cho anh để giải quyết nan đề. Để tôi có thể tự do giải quyết những nan đề mới. Tôi không trả lương cho ai đó để họ tạo ra chúng.”

• 40% nói rằng họ có xung đột với thành viên trong hội thánh ít nhất một lần trong tháng.

• 85% mục sư nói rằng nan đề lớn nhất của họ là phải nhọc sức xoay xỏa với những người hay gây ra nan đề: những người già bất mãn, chấp sự, người dẫn thờ phượng, ca đoàn, ban lãnh đạo và các phụ tá mục sư.

• Nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều mục sư rời chức vụ là dân sự không sẵn lòng đi cùng hướng, đặt cùng một mục tiêu với mục sư. Người mục sư tin rằng Chúa muốn họ đi theo hướng này, nhưng dân sự lại không sẵn sàng đi theo hay không sẵn sàng thay đổi.

Những người mục sư như chúng ta, bởi ân điển Chúa, hãy tìm cách yêu dân sự như thể mình chưa bao giờ bị tổn thương.

4. Đơn độc

Ai là bạn mình? Mình có thể tin ai? Nếu mình nói với người mục sư khác về các nan đề của mình, liệu anh ta có chỉ trích mình? nói cho người khác biết? hay đối xử với mình khác đi không?

Bảy mươi phần trăm số mục sư không có ai là bạn thân. Liệu bạn có thực sự là bạn, hay chỉ là bạn tạm thời, nay ở, mai đi? Tình bạn lành mạnh là điều thiết yếu cho một đời sống đầy trọn, đặc biệt là với người mục sư. Hãy nỗ lực hết sức trong lĩnh vực này.

5. Chán nản

Năm mươi phần trăm người mới bắt đầu hầu việc Chúa sẽ không trụ nổi 5 năm.
70% cảm nhận Chúa kêu gọi mình tới mục vụ chăn bầy trước khi bắt đầu chức vụ, nhưng sau ba năm hầu việc Chúa, chỉ còn 50% cảm thấy mình vẫn được kêu gọi.
Giữ cho mình luôn tươi mới là cả một nghệ thuật… và cực kỳ quan trọng.
Khi mệt mỏi, bạn không chỉ bi quan mà còn thấy mình dơ dáy, ô uế và không tinh sạch.

6. Thất vọng

Sự thất vọng có thể đến theo nhiều cách. Lương của người mục sư có thể không đủ để lo cho gia đình họ như lương của người khác. Có nhiều khía cạnh trong chức vụ rất khó để đánh giá “sự thành công.” Người mục sư có thể quá khắt khe với chính mình.

Chúng ta đang làm việc trong một nơi mà ở đó, làm việc tốt hay nỗ lực nhiều chưa chắc đã bảo đảm sự thành công.

Nhiều mục sư làm việc chăm chỉ nhưng lại bỏ lỡ một vài nhân tố thành công nào đó. Họ là người tốt, là tín đồ ngay thật, yêu Chúa, biết Lời Ngài, bài giảng có nhiều nội dung hay, nhưng không hiểu sao lại không thành công. Giống như một người dẫn thờ phượng rất yêu Chúa và có một giọng hát tuyệt hay nhưng không sao dẫn dân sự vào sự thờ phượng một cách hiệu quả được. Đến ngày nào đó, người lãnh đạo cảm thấy như mình không làm được gì đúng đắn cả. Mục vụ bắt đầu có đà tiến thì một lãnh đạo trong hội thánh lại sa ngã. Mọi thứ đang tốt đẹp, tự nhiên một vài người dâng hiến nhiều lại bỏ đi. Hội thánh cần tiền, nhưng người mục sư không muốn tập trung quá nhiều vào tiền bạc. Vấn đề không phải là tiền – nhưng vấn đề lại vẫn liên quan đến tiền. Tất cả những điều này có thể quá sức chịu đựng của người mục sư.

Không phải ai cũng rơi vào tình cảnh như vậy. Trên thực tế, nhiều mục sư mà tôi biết đã cố gắng để giải quyết những nan đề này rất tốt.

Cơ đốc nhân và các thành viên trong hội thánh có thể giúp người mục sư của mình, hãy:

Cầu nguyện cho mục sư của mình:

Cầu nguyện cho sự dẫn dắt, bảo vệ của Chúa, cho họ có những người bạn tốt, cầu nguyện cho hôn nhân và gia đình họ. Cầu nguyện để họ có được nguồn cảm hứng, sự xức dầu, có được đội ngũ lãnh đạo, có sự hiệp nhất và minh bạch.

Bảo vệ mục sư của mình.

Chớ cho phép hoặc tham gia vào bất cứ chuyện ngồi lê đôi mách hay chỉ trích nào. Làm thế nào để bạn có thể phục vụ và giải quyết nan đề để tránh cho mục sư không bị quá tải?

Khích lệ mục sư của mình

Cảm ơn anh ấy/cô ấy vì công việc và chức vụ của họ. Cảm ơn vì sự hy sinh của họ. Hãy kể cho họ nghe rằng bạn hay ai đó đã được thay đổi đời sống trong hội thánh ra sao. Hãy cho mục sư của bạn biết rằng bạn đang cầu nguyện cho họ.

Gửi những người mục sư.

Hỡi những người mục sư, đừng bỏ cuộc! Hãy ngoan cường vì đó là sức mạnh. Công việc của bạn, tình yêu của bạn, sự hi sinh của bạn thực sự rất quan trọng! Tôi nhận ra rằng người mục sư không cần nghe một bài giảng nào khác. Nhưng những câu kinh thánh này đã giúp tôi. Trong đời sống bạn, hãy bám chắc vào Lời Chúa.

Vậy, chớ bỏ lòng tin quyết của mình, vì nó sẽ đem lại phần thưởng lớn. Anh em cần phải kiên nhẫn để sau khi đã làm theo ý muốn Đức Chúa Trời thì nhận được điều đã hứa cho mình. ( Hê-bơ-rơ 10: 35 – 36)

Chớ mệt nhọc về sự làm lành, vì nếu chúng ta không trễ nải, thì đến kỳ, chúng ta sẽ gặt. (Ga-la-ti 6:9)

Hãy cẩn thận để khỏi rơi vào cái bẫy so sánh.

Hãy làm bạn với những người mục sư mới. Hãy tiếp xúc với những ảnh hưởng mới, những người lãnh đạo, hội thánh hay mục vụ mới đang làm nên những điều khác biệt.

Hãy khám phá ra những quan điểm và ý tưởng mới. đôi lúc chỉ cần một hay hai ý tưởng cũng có thể thay đổi được đà tiến. Những người mục sư đang tranh chiến hoặc không còn ở trong chức vụ nữa sẽ có những nỗi đau chưa được lành lại. Tôi khích lệ các bạn hãy tìm kiếm sự chữa lành. Hãy nhờ người tư vấn, hãy chia sẻ bí mật của mình với những người tin cậy.

Hãy nhớ, giữ bí mật càng nhiều, bạn sẽ càng yếu đi.

– Tác giả bài viết: Philip Wagner –

– Nguồn: churchleaders.com

– Người dịch: Nguyễn Hằng –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.