Search
Friday 19 April 2024
  • :
  • :

Một Cuộc Hôn Nhân Có Thể Nâng Đỡ Hai Sự Kêu Gọi?

Một Cuộc Hôn  Nhân Có Thể Nâng Đỡ Hai Sự Kêu Gọi?

Hỡi vợ của các doanh nhân, mục sư cùng những người khác: Chúa có mục đích cho bạn ngay lúc này.

2016-01-30 Quoc te

Hình ảnh: Pan Xunbin / Shutterstock

Sau cơn hoảng loạn tại một văn phòng thuộc thành phố Thâm Quyến, tôi bắt đầu chất vấn Đức Chúa Trời tại sao Ngài lại đưa tôi đến Trung Quốc.

Tôi cùng chồng chuyển ra nước ngoài sinh sống vì tin rằng chúng tôi được kêu gọi để cùng khởi nghiệp. Tôi để lại sau lưng công việc và bạn bè tôi yêu mến để ủng hộ giấc mơ của anh ấy là cung cấp các sản phẩm năng lượng mặt trời cho các nước đang phát triển. Tôi đã thuyết phục bản thân mình rằng đó là cũng giấc mơ của chính tôi.

Nhưng chưa đầy một năm sau đó, mọi nỗ lực gây dựng sự nghiệp chung của chúng tôi đã vỡ tan. Khối lượng công việc khổng lồ của nghề kinh doanh, cộng thêm việc tìm kiếm nhân dạng Mỹ – Trung của mình trong một nền văn hóa ngoại quốc đầy xa lạ đã đẩy tôi đến chỗ trầm cảm suy nhược. Do không có bạn bè, sự nghiệp, hay tinh thần thoải mái để hướng đến bất cứ điều gì, tôi không còn thấy được mục đích của mình. Rồi tôi đổ lỗi cho sự kêu gọi gấp gáp mà Chúa dành cho chồng tôi đã đẩy chúng tôi vào hoàn cảnh này.

Rốt cuộc, chúng tôi phải đối mặt với một câu hỏi của nhiều cặp vợ chồng khác: Đức Chúa Trời đã kêu gọi chúng tôi đến với nhau trong hôn nhân, nhưng Ngài có sự kêu gọi nào dành riêng cho mỗi người chúng tôi? Làm thế nào để chúng tôi cân bằng – và phát triển – những ân tứ và mục đích khác nhau của mình?

Trong hôn nhân, vợ chồng dâng mình trong sự đầu phục lẫn nhau và một tình yêu biết hy sinh. Nhưng một thịt không nhất thiết có nghĩa là một sự kêu gọi. Thay vào đó, “Vì lợi ích chung, sự ban cho của Ðức Thánh Linh thể hiện qua mỗi người mỗi khác.” (I Cô 12:7, BD2011).

Cách chúng ta sống bày tỏ “sự ban cho” đó trong cuộc hôn nhân và gia đình có thể vô cùng thách thức khi sự kêu gọi của nửa kia – dù là ở nhà, tại văn phòng, hoặc hội thánh – đều vô cùng khó khăn và đòi hỏi sự hy sinh đáng kể từ phía chúng ta.

Ngày nào chúng tôi còn ở Trung Quốc thì tôi phải chịu đau khổ ngày đó trong khi chồng tôi phát triển mạnh mẽ. Nếu trở về Mỹ, anh sẽ phải bỏ lại một cơ hội hiếm có một lần-trong-đời để tôi có thể trở về với công tác phi lợi nhuận và những người tôi yêu thương.

Quá nhiều cuộc hôn nhân – của các doanh nhân, mục sư, truyền đạo, giám đốc điều hành, những người tận hiến, và các chuyên gia nhiệt thành – đã tan vỡ do sự mất cân bằng này. Nó có thể dẫn đến bất mãn, oán giận, và không chung thủy. Và nó có hệ quả xấu trên đức tin của chúng ta. Cả đàn ông và phụ nữ đều bất an khi họ đánh mất mục đích Đức Chúa Trời ban cho trong khi nhìn thấy những người khác theo đuổi chúng. Khao khát tìm thấy mục đích đó có thể trở nên vô cùng mãnh liệt.

Nhà thần học William Placher đã viết:

Nếu Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên chúng ta, đã biết điều chúng ta cần làm – một điều phù hợp với con người thực của chúng ta và khi thực hiện điều đó, chúng ta làm sáng danh Đức Chúa Trời, phục vụ tha nhân, và được hoàn toàn là chính mình – thì cuộc sống sẽ không còn quá trống rỗng thế nữa: Câu chuyện đời tôi có ý nghĩa khi nó là một phần trong một câu chuyện lớn do chính Đức Chúa Trời viết nên.

Tất cả chúng ta đều có chung một mong muốn bẩm sinh là đưa câu chuyện đời mình hòa vào câu chuyện lớn đó. Khát vọng này không biến mất đi trong hôn nhân. Trong thời kỳ đen tối của mình, tôi học biết rằng Chúa không đòi hỏi chúng ta phải lựa chọn giữa việc hỗ trợ người phối ngẫu của mình và theo đuổi sự kêu gọi riêng của mình. Ngài mong muốn trao cả hai cho chúng ta. Và, trong khả năng sáng tạo vô hạn của mình, Ngài có thể.

Có thể có những thời kỳ khi các cặp vợ chồng ưu tiên sự kêu gọi của người này hơn của người kia. Nhưng trong những thời kỳ đó, chúng ta có thể tin tưởng rằng Đức Chúa Trời vẫn còn trao tặng cho cả hai vợ chồng một mục đích mà nếu không phải vào thời điểm đó, thì trong thời điểm hoàn hảo của Ngài. Hãy nhớ đến Elisabeth Elliot – một nhà truyền giáo, một phát ngôn viên và một nhà văn – sự kêu gọi lớn dần lên sau khi chồng bà chết trên cánh đồng truyền giáo. Cam kết sống bày tỏ mục đích Thiên Thượng của ông, mặc dù kết thúc trong bi kịch, nhưng cuối cùng đã hình thành nên sự nghiệp cho cuộc đời riêng của vợ mình. Và trong khi chồng của Jen Hatmaker là mục sư chăn dắt một hội thánh và tiên phong truyền giáo từ thiện tại Austin, bà đã tìm thấy sự kêu gọi lớn trong việc viết lách và giảng dạy Kinh Thánh trên khắp đất nước.

Mục đích của Chúa dành cho tôi không đạt được trong sự kêu gọi của chồng tôi, hay tách khỏi nó, mà là thông qua nó. Đức Chúa Trời hoàn toàn định sẵn cho tôi sống tại Trung Quốc – vì lợi ích của riêng tôi. Khi tôi bỏ lại đằng sau những gì quen thuộc, Ngài dọn dẹp rác rưởi trong cuộc đời tôi; và trong khi tôi tuyệt vọng tìm kiếm mục đích, Ngài mở ra cánh cửa viết lách, một sự kêu gọi tôi đã không có can đảm để theo đuổi trước đây.

Ngay cả khi người phối ngẫu dường như có sự kêu gọi “sáng láng hơn”, người kia sẽ không bao giờ bị đẩy ra ngoài. Mỗi chúng ta đều có vai trò của mình trong câu chuyện của Đức Chúa Trời, và khám phá ra vai trò đó có thể làm phong phú thêm cuộc hôn nhân chúng ta nữa. Chúng ta có thể khiến bản thân sống động hơn trong mối quan hệ – để có nhiều cơ hội để học hỏi từ người phối ngẫu được tạo dựng cách độc đáo của mình, và để ca ngợi Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên họ cách lạ lùng theo hình ảnh của Ngài.

Tác giả bài viết, Dorcas Cheng-Tozun là một nhà văn, blogger, và biên tập viên sống trong khu vực vịnh San Francisco với chồng và con trai. Địa chỉ twiiter của bà là dorcas_ct.

– Nguồn: christianitytoday.com

– Người dịch: Thảo Nguyên –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.