Search
Thursday 25 April 2024
  • :
  • :

Thư Gửi Người Dẫn Thờ Phượng

Thư Gửi Người Dẫn Thờ Phượng

Thân gửi Người Dẫn Thờ Phượng,

Chú cần phải thú nhận một điều. Thật khó để gõ ra những dòng chữ này nhưng chú vẫn sẽ viết… Chú đã đánh giá quá thấp sức mạnh và tầm quan trọng của công việc cháu làm.

Đã có những lần ngồi dưới mà chú chỉ muốn ra hiệu cho cháu là hãy hát nhanh lên và kết thúc đi, vì hình như cháu cứ hát đi hát lại cái bài 7-11 đó (hát bảy từ tới 11 lần) trong bảy tuần liên tiếp (hay là 11 tuần nhỉ?)

Chú cũng thường quá chán với cái cách cháu dẫn dắt quá dài dòng giữa các bài hát. Chú cũng soi mói những thứ rất nhỏ nhặt (vết xăm bằng tiếng Hê-bê-rơ trên tay cháu, cái quần bò bó sát của cháu mà chú sẽ không bao giờ xỏ vừa, bộ râu quai nón gây mất tập trung nhưng được cắt gọn ghẽ của cháu, vv).

Nhiều lần chú đã bị phân tâm bởi nhưng vấn đề nhỏ nhặt đó đến nỗi chú đã quên mất rằng mục đích khi cháu thờ phượng là dẫn dắt chúng ta đến thờ phượng Đức Chúa Trời và vị Vua vĩ đại của chúng ta. Và giờ chú nhận ra rằng vấn đề ngay từ đầu nằm ở chú chứ không phải cháu…

Nói thật, chú nghĩ là mình đã vô thức coi việc thờ phượng chỉ là thứ yếu so với việc dẫn cầu nguyện và giảng lời Chúa, cả ở trong các buổi nhóm lẫn thì giờ riêng tư với Chúa. Chú thường phàn nàn về những người dẫn thờ phượng không thể hát, không thể thoát khỏi kiểu bắt chước và thứ thần học què quặt và nửa vời đang thịnh hành trong nền âm nhạc thờ phượng ngày nay. Những suy nghĩ đó là những cái cớ không đâu vào đâu để biện hộ tại sao chú không gắn mình vào việc thờ phượng – một cách cá nhân cũng như trong buổi nhóm.

Thế nhưng, khi chú suy nghĩ về điều đó, chú nghĩ rằng những lí do bề ngoài này chỉ nhằm che giấu vấn đề thực sự trong chú: Nghĩ không đúng về sự thời phượng. Đã rất lâu, chú rất coi thường tầm quan trọng của việc thờ phượng đối với đời sống mỗi Cơ Đốc nhân và trong các buổi nhóm.

Nhưng trong một vài năm vừa qua, tầm quan trọng của việc thờ phượng, giống như ban mai rực rỡ, đã bắt đầu soi tỏ trong chú. Đây là những gì chú đang bắt đầu nhận ra:

1. Thờ phượng đo lường tấm lòng của chúng ta đối với Chúa.

Khải huyền chương 5 vẽ lên một bức tranh tuyệt đẹp về sự thờ phượng trên Thiên Đàng trong thời kì cuối cùng giữa lúc trên đất địa ngục đang sụp đổ. Trong câu 6, Giăng chép:

“Tôi lại thấy chính giữa ngôi và bốn con sanh vật, cùng chính giữa các trưởng lão, có một Chiên Con ở đó như đã bị giết”. Câu 11- 13 lại tiếp tục “Đoạn, tôi nhìn xem, nghe bốn bên ngôi và các sanh vật cùng các trưởng lão, có tiếng của vô số thiên sứ; thiên sứ hàng muôn hàng ngàn, đồng nói lên một tiếng lớn rằng: Chiên Con đã chịu giết đáng được quyền phép, giàu có, khôn ngoan, năng lực, tôn quí, vinh hiển và ngợi khen! Tôi lại nghe mọi vật dựng nên trên trời, dưới đất, bên dưới đất trên biển, cùng mọi vật ở đó đều nói rằng: Chúc cho Đấng ngồi trên ngôi cùng Chiên Con được ngợi khen, tôn quí vinh hiển và quyền phép cho đến đời đời!”

Ngai của Chúa Giê-su hẳn phải là mắt bò đực của thiên đàng vì đó là nơi tất cả thiên đàng không ngừng ca ngợi. Những gì đúng ở thiên đàng cũng sẽ đúng ở trên đất, đúng trong thì giờ cá nhân với Chúa và đúng trong buổi nhóm thờ phượng của Hội Thánh.

Chú đang nhận thấy rằng từ trong sâu thẳm, chú tập trung đến sự thờ phượng và tự nhiên chú cũng yêu thích và hướng sự thờ phượng lên thiên đàng. Sự thờ phượng xem xét lòng chú về nơi Chúa và cho phép chú hoà mình cùng với cả thiên đàng trong sự thờ phượng tự do và chân thật. Tập trung hết sức vào Chúa Giê-su giúp chú sống đắc thắng tội lỗi và giải phóng Đức Thánh Linh để ngài bày tỏ trọn vẹn quyền năng thông qua chú.

2. Thờ phượng gây dựng lòng biết ơn.

“Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh. 19 Hãy lấy ca vịnh, thơ thánh, và bài hát thiêng liêng mà đối đáp cùng nhau, và hết lòng hát mừng ngợi khen Chúa. 20 Hãy thường thường nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, vì mọi sự tạ ơn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta” Ê-phê-sô 5: 18-20.

Trong câu này, chú yêu cái cách đặt việc uống rượu, đầy dẫy thánh linh, hát thánh ca và sự biết ơn cùng nhau chỉ trong một hiệp (một hiệp thờ phượng chứ không phải một hiệp rượu!). Thay vì say rượu chúng ta cần say trong Thánh Linh. Làm thế nào để chúng ta có thể như vậy? Bằng việc bền bỉ hát dâng lên Chúa từ sâu thẳm tâm hồn của chúng ta một tấm lòng biết ơn.

Chúng ta không thể vừa thờ phượng Chúa vừa lằm bằm. Chúng ta không thể vừa thờ phượng Chúa vừa tỏ ra vô ơn. Sự thờ phượng đầy dẫy Thánh Linh đẩy xa mọi sự vô ơn và biến chúng ta thành những con người đầy lòng biết ơn.

Hằng tuần, qua sự thờ phượng mà cháu là người dẫn, chúng ta nhớ được sự thật đơn giản này. Chúa đang sử dụng cháu để thay thế sự cay đắng và sự ích kỉ ở trong sâu thẳm chúng ta bằng sự biết ơn và lòng cảm tạ.

3. Sự thờ phượng làm bùng lên khát vọng truyền giáo.

Hãy hát xướng cho Đức Giê-hô-va và chúc tụng danh Ngài; Từng ngày hãy truyền ra sự cứu rỗi của Ngài. Hãy thuật sự vinh hiển Ngài giữa các nước, Truyền các công việc lạ lùng Ngài giữa các dân. Thi-thiên 96: 2,3.

Người dẫn thờ phượng giỏi nhất là kênh dẫn đưa chúng ta đến thờ phượng Chúa Giê-su, sau đó dẫn chúng ta đi ra khắp mọi nẻo đường và công bố Danh của Ngài cho những người hư mất. Họ hướng chúng ta tập trung lên Chúa, hướng vào trong lòng để nhận ra sự khao khát Ngài trong mình và sau đó vươn ra ngoài để nói cho những người khác về Ngài.

Đa-vít, chiến binh thờ phượng cuối cùng trong thời Cựu Ước, đã sẵn sàng để khiêu chiến với Gô-li-át trên chiến trường vì cậu đã có mối tương giao với Chúa (cả trong sự thờ phượng lẫn trong việc cầu nguyện) tại cánh đồng chăn chiên. Chìa khoá dẫn đến chiến thắng trước Gô-li-át bất khả chiến bại của Đa-vít không phải là cú ném của cậu mà là cuốn sách thánh ca. Cậu đã quá yêu thích sự vĩ đại của Chúa đến nỗi tầm vóc cao hơn ba mét của Gô-li-át không hề làm cậu nao núng. Sự thật mang tính thần học trong câu chuyện kinh điển của Kinh thánh có tác động sâu sắc lên chú đến nỗi vào năm sau, nó sẽ là một phần rất lớn trong Hành Trình Không Rúng Động của bọn chú khi bọn chú huấn luyện các thiếu niên trở thành những chiến binh thờ phượng giống như Đa-vít.

Và những câu nói cuối cùng của Đa-vít kết tội Gô-li-át đã cho chúng ta thấy được phần nào được kết quả của sự thờ phượng của Đa-vít và động lực thực sự để giết Gô-li-át: “Đa-vít đáp cùng người Phi-li-tin rằng: Ngươi cầm gươm, giáo, lao mà đến cùng ta; còn ta, ta nhân danh Đức Giê-hô-va vạn binh mà đến, tức là Đức Chúa Trời của đạo binh Y-sơ-ra-ên, mà ngươi đã sỉ nhục. Ngày nay Đức Giê-hô-va sẽ phó ngươi vào tay ta, ta sẽ giết ngươi, cắt đầu ngươi, và ngày nay ban thây của đạo binh Phi-li-tin cho chim trời và thú vật của đất. Khắp thế gian sẽ biết rằng Y-sơ-ra-ên có một Đức Chúa Trời; và quân lính nầy sẽ thấy rằng Đức Giê-hô-va không giải cứu bằng gươm, hoặc bằng giáo; vì Đức Giê-hô-va là Chúa của chiến trận, và Ngài sẽ phó các ngươi vào tay chúng ta”. I Sa-mu-ên 17: 45-47

Điệp khúc trong bài thờ phượng cuối cùng của Đa-vít trên chiến trường đã hướng thẳng đến dân Phi-li-tin để cho cả thế gian biết rằng “Y-sơ-ra-ên có một Đức Chúa Trời”. Chàng Đa-vít trẻ tuổi biết rằng mọi người ở mọi nơi sẽ bàn tán về Chúa của Y-sơ-ra-ên nhờ có chiến thắng bởi thờ phượng ngày hôm đó. Cũng như vậy, khi chúng ta thờ phượng Chúa từ sâu thẳm trong tim, chúng ta sẵn sàng tấn công những kẻ khổng lồ trong đời sống của bản thân mình để cho mọi dân thấy được Đấng Christ ở trong chúng ta và hành động qua chúng ta.

Vì thế cảm ơn những gì cháu làm, người Dẫn Thờ Phượng ạ. Điều đó thực sự cần thiết.

Hãy xỏ những chiếc quần bò bó sát đó vào, hãy cắt tỉa bộ râu quai nón đẹp đẽ kia đi, hãy nhấc Ghi-ta lên và cứ dẫn dắt chúng ta trong sự thờ phượng. Sau đó, hãy cùng nhau ra chiến trường và cho mọi dân biết về Chúa Giê-su.

– Tác giả bài viết: Greg Stier –
– Nguồn: churchleaders.cm

– Người dịch: Trịnh Quế –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.