Search
Thursday 28 March 2024
  • :
  • :

Làm Sao Để Cơ Đốc Nhân Không Bị Xem Là Những Nhân Viên Tồi Nhất?

Làm Sao Để Cơ Đốc Nhân Không Bị Xem Là Những Nhân Viên Tồi Nhất?

Suốt nhiều năm qua, trong mọi công việc tôi làm, từ trông trẻ đến nhân viên thực tập, từ “công việc thực sự” đầu tiên tại một tổ chức phi lợi nhuận đến vị trí chủ bút hiện tại, tôi luôn cố gắng làm việc chăm chỉ. Tôi đã tự đặt tiêu chuẩn cao cho bản thân, cố gắng không chỉ đáp ứng mà còn vượt trên cả mong đợi. Phần vì tôi vốn là người cầu toàn, phần vì tôi biết công việc sẽ phản ánh tính cách và đức tin của mình, bởi lẽ đồng nghiệp và các sếp đều biết tôi là một Cơ Đốc Nhân.

Tôi không bao giờ muốn một người sếp thấy mình thiếu đạo đức nghề nghiệp và rút ra kết luận tiêu cực về Cơ Đốc Nhân nói chung. Tôi luôn cố gắng trở thành một nhân viên bày tỏ ra Đức Chúa Trời mà tôi yêu kính và phục vụ: nhân từ, cam kết, trung tín, trung thực, tốt bụng và quyết đoán.

Gần đây, trong một bài suy ngẫm viết cho tờ the Cripplegate, Jorgan Standrigde đã chia sẻ lời bình luận đáng buồn của một người chủ Cơ Đốc trong một cuộc phỏng vấn xin việc: “Tôi thường không thuê Cơ Đốc nhân. Nhiều năm nay, họ là những nhân viên tệ nhất.”

Không phải mọi người chủ đều cảm thấy như vậy, nhưng là người tin Chúa, chúng ta cần nỗ lực hết sức để chăm chỉ và tận tâm trong công việc mình làm, dù công việc đó là gì, dù có thực hiện nó ở đâu.

Ê-phê-sô 6:7-8 là một phân đoạn Kinh thánh nổi tiếng nói tới công việc mà chúng ta làm: “Hãy phục vụ với nhiệt tâm như phục vụ Chúa, chứ không phải phục vụ người ta, vì biết rằng bất luận nô lệ hay tự do, mỗi người sẽ nhận được phần thưởng từ Chúa, tùy việc tốt mình đã làm,” Phao-lô viết.

Vậy nhân viên tin kính là người như thế nào?

Dựa trên danh sách của một mục sư lớn tuổi, Standrige chia sẻ bốn “nguyên tắc” sau:

1. “Hăm hở bắt đầu công việc chính trong ngày.” Tôi có xu hướng khởi đầu buổi sáng bằng việc kiểm tra mail, thông báo trên facebook, các bình luận trên blog, tin mới trên Twitter… nhưng những việc này khiến tôi bị phân tán và chệch hướng mà không biết. Nhưng nếu tôi tập trung vào những việc ưu tiên ngay khi bắt đầu ngày mới, tôi sẽ hoàn thành được nhiều việc hơn, bởi tâm trí vẫn tươi mới và thời gian chưa bị phân tán.

2. “Đừng tin vào mọi điều bạn nghe thấy; đừng phát tán tin đồn.” Trong thời gian làm việc cho một công ty khởi nghiệp nhỏ, nhóm chúng tôi có một quy tắc là chỉ nói chuyện với đồng nghiệp về bất kỳ một vấn đề hay mối quan hệ nào sau khi trò chuyện với người có liên quan trực tiếp đến sự việc đó. Đôi khi tất cả chúng ta đều cần lời khuyên, sự hướng dẫn và những quan điểm khác nhau, nhưng rất dễ sa vào chước cám dỗ nếu chúng ta ngồi lê đôi mách với một vài đồng nghiệp hoặc nói về xung đột với nhiều người. Chúng ta đều biết quy luật của điện thoại: càng nhận tín hiệu nhiều thì thông điệp càng lộn xộn. Ngay khi bạn có thể, hãy nói chuyện với những người liên quan trực tiếp đến sự việc và hãy đảm bảo rằng bạn trò chuyện và lắng nghe một cách cởi mở và khiêm nhường.

3. “Đừng tìm cầu sự khen ngợi, lòng biết ơn, sự tôn trọng hay công nhận vì những việc đã làm.” Điều này rất khó chấp nhận! Nền văn hóa của chúng ta bị ám ảnh bởi cái tôi cá nhân, nhưng Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng kẻ đầu sẽ xuống rốt. Chúng ta muốn được người chủ nhìn thấy, chú ý tới và đánh giá cao, nhưng có thể coi việc tìm cầu sự khen ngợi cho những công việc mình làm là tham lam hoặc kiêu ngạo. Khi chúng ta khiêm nhường và biết rằng mình làm việc không phải để được tuyên dương hay khen ngợi mà bởi vì đó là sự kêu gọi và trách nhiệm, chúng ta đang phản ánh hình ảnh của Chúa Giê-su cho người chủ của mình và sống như Ngài đã dạy.

4. “Đừng giới hạn cuộc chuyện trò trong những nhu cầu của riêng bạn và những điều bạn quan tâm.” Mỗi và mọi người trong công ty bạn có nhiều nhiệm vụ, trách nhiệm và dự án trong tay. Chúng ta biết rằng mỗi tổ chức cần mỗi người theo những cách khác nhau để hoàn thành những mục tiêu lớn hơn, nhưng chúng ta lại rất hay có cái nhìn rất thiển cận về công việc của mình. Chúng ta chỉ nhìn thấy những gì ở trước mắt mà thường phớt lờ hoặc bỏ quên nhu cầu của những người xung quanh. Khi nghĩ đến người khác, chịu lùi lại và để những người khác lên tiếng cũng như đề cập tới những điều họ quan tâm, chúng ta cho người khác thấy được rằng mình là một thành viên tốt trong nhóm. Cũng như trong đức tin, chúng ta biết rằng mình không thể một mình vượt qua mọi chuyện, và khi để người khác lên tiếng thay vì chỉ chúng ta độc thoại, chúng ta đã cho các đồng nghiệp của mình thấy hình ảnh về Chúa Giê-su.

Trên crosswalk.com, Gary Blackard đã viết bài “Nếu là nhân viên, Chúa Giê-su sẽ như thế nào?” Những ý tưởng của ông vừa khích lệ, vừa thách thức chúng ta là những nhân viên. “Chúa Giê-su là một người trung tín trong mọi thứ Ngài làm. Nguyên tắc thứ hai là Chúa Giê-su hiểu rằng công việc có giá trị khi nó có mục đích và ý nghĩa. Nguyên tắc thứ ba mà chúng ta có thể học từ Chúa Giê-su trong vai trò một nhân viên là Đức Chúa Trời mong đợi chúng ta hết lòng trong mọi điều mình làm… Khi hiểu rằng mình không nên phân tách giữa đời sống thuộc linh và đời sống công việc, chúng ta sẽ bắt đầu thay đổi công việc của mình sao cho đẹp lòng Đức Chúa Trời.”

– Nguồn: crosswalk.com

– Tác giả bài viết: Rachel Dawson –

– Người dịch: Nguyễn Hằng –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.