Search
Saturday 20 April 2024
  • :
  • :

5 Xu Hướng Mới Trong Truyền Giáo Toàn Cầu

5 Xu Hướng Mới Trong Truyền Giáo Toàn Cầu

Loisusong.net – Chúng ta đang sống trong một thế giới lắm biến động, nhiều đổi thay. Điều đó chắc chắn sẽ có tác động không nhỏ đến cách thực hiện Đại Mạng Lệnh và công tác truyền giáo của các hội thánh. Dưới đây là một số xu hướng mới trong công tác truyền giáo toàn cầu.

1. Truyền giáo được thực hiện bởi tất cả mọi người.

Những người dấn thân vào truyền giáo trọn đời vẫn luôn cần thiết và đáng tôn trọng, hẳn là thế. Tuy nhiên, nếu như trước đây, nhân tố chính của công tác truyền giáo là những nhà truyền giáo “chuyên nghiệp” và được đào tạo bài bản thì đến nay, nhiều hội thánh đã bắt đầu nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mọi tín đồ trong công tác này. Có lẽ vì vậy mà các chuyến truyền giáo ngắn hạn đang ngày càng trở nên phổ biến. Các tín đồ tình nguyện dành từ một đến ba tuần để tham gia một chuyến truyền giáo, sử dụng những khả năng vốn có của mình để phục vụ tại cánh đồng hải ngoại, trong sự hướng dẫn và điều phối của các tổ chức truyền giáo chuyên sâu. Truyền giáo ngắn hạn đặc biệt hữu ích đối với giới trẻ, vì ngoài tính hấp dẫn của các chuyến đi thì đây còn là cơ hội để các bạn trẻ khám phá sự kêu gọi truyền giáo của bản thân. Ngoài ra, cả gia đình cùng tham gia truyền giáo ngắn hạn cũng là một ý tưởng hay, cho con trẻ học biết về cuộc sống và sứ mệnh truyền giáo.

2016-08-24 xu huong truyen giao (1)

2. Hiện tượng di cư

Khoảng 600 năm trước Công nguyên, tiên tri Đa-ni-ên đã nói về một trong những đặc điểm của thời kỳ cuối cùng là “nhiều người sẽ đi đây đi đó” (Đa-ni-ên 12:4). Sự phát triển của khoa học và công nghệ, quá trình hội nhập và toàn cầu hóa cùng những biến động về kinh tế, chính trị đã khiến hàng loạt người di cư sang vùng khác, nước khác, thậm chí châu lục khác. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, chỉ trong năm 2013 đã có khoảng 232 triệu người di cư qua biên giới. Các nhà nghiên cứu truyền giáo từ lâu đã nhận định rằng thay đổi môi trường sống khiến người ta cởi mở hơn với Phúc Âm. Nhiều hội thánh tại châu Âu đang coi đây là một cơ hội hiếm có để nói về Chúa cho những người Hồi giáo nhập cư – những người khó có cơ hội nghe Tin lành bằng cách khác.

2016-08-24 xu huong truyen giao (2)3. Đô thị hóa

Năm 1950, chưa đầy 30% tổng dân số thế giới – khoảng 2.5 tỷ người – sống tại các thành phố. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, đến năm 2050, trên 70% trong tổng dân số 10 tỷ người sẽ sống tại các đô thị. Điều này đòi hỏi các hội thánh phải phát triển các chiến lược truyền giáo thích hợp cho dân cư thành thị. Mục sư Bob Roberts, người đưa ra thuật ngữ “glocal”, kết hợp giữa global (toàn cầu) với local (địa phương), nói: “Thật đau lòng khi chúng ta thực hiện công tác truyền giáo thế kỷ 21 bằng lối tư duy và phương pháp của thế kỷ 18.”1 Tuy nhiên, nhiều nhà truyền giáo cũng đang nhấn mạnh đến những sắc dân “chưa được chạm tới”, với niềm tin vào khải tượng của thiên đàng rằng “mọi bộ tộc, mọi ngôn ngữ” (Khải huyền 5:9) đều sẽ hiện diện trước Ngai. Tương tự như vậy, nhiều nhà truyền giáo còn chú trọng vào truyền giảng cho các vùng nông thôn, vì Chúa Giê-su đã đi không chỉ khắp “các thành” mà còn “các làng” (Ma-thi-ơ 9:35).

2016-08-24 xu huong truyen giao (1)

4. Cửa sổ 10/40 và cửa sổ 4/14

Cửa sổ 10/40 là thuật ngữ do các nhà chiến lược truyền giáo đưa ra vào những năm 1990, chỉ vùng đất nằm trong khung chữ nhật giới hạn bởi hai vĩ tuyến 10 độ và 40 độ phía bắc xích đạo, gồm các quốc gia nghèo đói, ít người theo Cơ Đốc giáo và khó có khả năng tiếp cận Tin lành. Cửa sổ 10/40 vẫn tiếp tục là thách thức truyền giáo; song song với đó là cửa sổ 4/14 – công tác truyền giáo cho các em thiếu nhi, thiếu niên. Nghiên cứu của tổ chức uy tín Barna Group2 cho thấy trẻ ở độ tuổi từ 5 đến13 có khả năng tiếp nhận Chúa là 32%, tỷ lệ này giảm còn 9% ở trẻ từ độ tuổi 14 đến 18 và xuống còn 6% cho người trên 18 tuổi. Một nghiên cứu khác của tổ chức này cho thấy 4/5 các mục sư lãnh đạo mà họ phỏng vấn tin Chúa trước tuổi 13. Nói đến cửa sổ 4/14, chúng ta không thể không kể đến hai khía cạnh nổi bật là phương pháp giới thiệu và dạy dỗ về Chúa cho trẻ em thời nay, khi các chương trình truyền hình và thiết bị điện tử thông minh trở nên vô cùng phổ biến còn “truyện tranh” và “múa rối” lại không còn mấy hấp dẫn. Bên cạnh đó, người ta cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc truyền giáo của trẻ em, cho trẻ em. Ngày càng có nhiều hội thánh ý thức được tầm quan trọng của việc trang bị cho con cháu họ biết nói về Chúa cho bạn bè thuộc tín ngưỡng khác theo cách phù hợp với tinh thần Cơ đốc.

2016-08-24 xu huong truyen giao (4)

5. Mục vụ lưỡng nghiệp

Mục vụ lưỡng nghiệp ám chỉ những người vừa có việc làm (được trả lương) ổn định vừa chịu trách nhiệm chăn bầy hoặc truyền giáo. Không chỉ là một giải pháp “tình thế” trong khi chờ đợi hội thánh đủ lớn và mạnh về tài chính để trả lương, ngày nay mục vụ lưỡng nghiệp còn được coi là một chiến lược, thậm chí một sự kêu gọi cho nhiều người, tuy không hạ thấp tầm quan trọng của những mục sư/nhà truyền đạo phục vụ trọn thời gian trong hội thánh. Những người thực hiện mục vụ lưỡng nghiệp có nhiều ưu điểm: chủ động về tài chính, dễ xâm nhập vào những đất nước không thể xâm nhập theo cách khác, và giữ mối quan hệ với thế giới “thật”. Mục vụ lưỡng nghiệp đòi hỏi con người phải chăm chỉ, có chuyên môn, quản lý thời gian tốt, thậm chí phải có tinh thần “dám đi tiên phong” vì không theo khuôn mẫu “người hầu việc Chúa” truyền thống.

2016-08-24 xu huong truyen giao (5)

– Đình Hưng –

Nguồn:
1. Sarha Eekhoff Zylstra, Urban Urgency, www.christianitytoday.com/ct/2010/august/21.14.html
2. John. W. Kennedy, The 4-14 window, http://www.christianitytoday.com/ct/2004/july/37.53.html?start=1
David Livingstone (1813-1873), vị giáo sỹ tiên phong, nhà thám hiểm Phi Châu, người lọt vào danh sách 100 người vĩ đại nhất nước Anh do độc giả BBC bình chọn (2012) đã nói: “Đức Chúa Trời có Con Trai Một, và Ngài đã làm Con Ấy thành giáo sỹ.”




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.