Search
Saturday 20 April 2024
  • :
  • :

Gladys Aylward – Nữ Giáo Sĩ Nhỏ Bé Của Người Trung Quốc

Gladys Aylward – Nữ Giáo Sĩ Nhỏ Bé Của Người Trung Quốc

“Một người nữ đơn độc. Một đất nước xa xôi. Một ngôn ngữ xa lạ. Một giấc mơ không tưởng? Không. Không có ban truyền giáo để hỗ trợ hay hướng dẫn, trong túi chưa còn đến mười đô, Gladys Aylward rời quê hương Anh Quốc để đáp lại sự kêu gọi của Đức Chúa Trời, mang sứ điệp Tin lành đến với người Trung Hoa. Câu chuyện nói về quyết tâm phục vụ Chúa bằng mọi giá của một người phụ nữ. Mọi điều đều có thể đối với Đức Chúa Trời!” – Trích Gladys Aylward – A Little Woman.

Gladys Aylward sinh ngày 24/02/1902 tại Edmonton, Luân Đôn trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động. Sau vài năm làm hầu bàn, bà tham dự một buổi truyền giảng và nghe đến việc dâng cuộc đời mình phục vụ Đức Chúa Trời. Gladys đáp ứng lại sứ điệp đó và không lâu sau tin rằng mình được kêu gọi để giảng Tin lành tại Trung Quốc. 26 tuổi, bà tập sự tại Trung Tâm Truyền Giáo Trung Quốc Đại Lục (China Inland Mission Center), nhưng không vượt qua kỳ sát hạch. Gladys phải làm những công việc khác và dành dụm tiền bạc. Sau đó, và nghe tin rằng Jeannie Lawson – nữ giáo sĩ 73 tuổi đang tìm một người nữ trẻ tuổi để nối tiếp công việc của mình. Lòng vui mừng không xiết, Gladys viết thư cho Lawson và được tiếp nhận, với điều kiện là phải đến được Trung Quốc. Bà không đủ tiền đi tàu biển, nhưng đủ tiền để đi tàu hỏa. Cứ thế, vào tháng 10/1930, bà khởi hành từ Luân Đôn, mang theo hộ chiếu, Kinh thánh, vé tàu cùng 2,9 bảng Anh để đến Trung Quốc bằng tuyến đường sắt xuyên Siberi, mặc dù lúc đó Trung Quốc và Liên Bang Xô Viết đang ở trong một trận chiến ngầm.

“Xuống tàu ngay!” – gã nhân viên soát vé người Nga hét vào mặt Gladys bằng ngôn ngữ mà bà không hiểu. Nhưng từ nét mặt giận dữ của gã, bà hiểu rằng mình không được chào đón ở chuyến tàu này. Nhưng Gladys không cựa quậy. Bà không biết rằng những người khác đang xuống tàu vì một trận chiến nảy lửa sắp diễn ra. Đoàn tàu sau đó đầy tiếng quát tháo nạt nộ của những binh sĩ nóng nảy. Đây không phải là một nơi an toàn để phụ nữ đi lại một thân một mình.

Tàu dừng ở trạm kế tiếp, gã soát vé buộc Gladys Aylward phải xuống – bà là người dân thường duy nhất còn ở trên tàu. Lúc này Gladys phải một mình cuốc bộ gần 50 cây số để quay lại thành phố gần nhất, băng qua những cánh rừng trong đêm tối tuyết phủ lạnh lẽo. Nhưng đó chỉ là khởi đầu của khó khăn. Trong những giờ kế tiếp, bà hầu như không có đồ ăn, gần như chết cóng và suýt bị buộc làm người vận hành máy trong quân đội Xô-viết.

Gladys biết rằng Chúa muốn bà đi và nói với người Trung Quốc về Chúa Giê-su, nhưng đến đó sao khó khăn đến vậy?

Cuối cùng bà cũng đến Vladivostok, từ đó đi tàu biển sang Nhật, từ Nhật sang Thiên Tân, sau đó đi tàu hỏa, rồi xe khách, rồi cưỡi la đến thành phố Diêm Thành, trên tỉnh vùng núi Sơn Tây nằm chếch về phía Nam Bắc Kinh. Đa phần cư dân ở đây chưa từng thấy người Tây nào ngoài bà Lawson và giờ là cô Aylward. Họ không tin hai người ngoại quốc, và cũng không sẵn sàng lắng nghe hai người.

Diêm Thành là điểm dừng chân qua đêm của những đoàn chở than, vải thô, bình gốm và các hàng hóa bằng sắt trong chuyến hành trình từ tháng rưỡi đến ba tháng. Hai người nữ nhận ra rằng cách tốt nhất để giảng đạo là xây lên một quán trọ. Mỗi khi có đoàn bộ hành mới đi qua, Gladys lao ra, nắm lấy cương của con la đi đầu và dẫn nó vào sân trong. Từ kinh nghiệm của mình, các con la biết rằng có sân trong là có thức ăn, nước uống và chỗ nghỉ qua đêm. Chúng theo sau, và người đi la chẳng còn lựa chọn nào khác. Họ được ăn ngon, ngủ ấm với giá cả phải chăng, la của họ được săn sóc và buổi tối còn có màn giải trí – những người chủ quán kể câu chuyện về một người đàn ông tên Giê-su. Sau vài tuần đầu, Gladys không phải bắt cóc khách hàng nữa – họ thích đến với quán trọ. Một số người trở thành Cơ Đốc nhân, và nhiều người trong số họ (cả người tin lẫn không tin) đều nhớ những câu chuyện đã nghe và kể lại cho những người đi la khác tại những điểm dừng chân khác trong suốt chặng bộ hành. Gladys dành vài tiếng mỗi ngày để học tiếng Trung và sau đó có thể nói rất trôi chảy và nhuần nhuyễn.

Gladys Aylward_ Tam guong nguoi nu (2)

Bà Gladys trong một lần giảng đạo

Ngày nọ, bà Lawson trượt chân và ngã từ trên ban công tầng hai xuống. Vài tuần sau thì bà qua đời. Gladys Aylward lúc này phải một mình truyền giáo với sự giúp đỡ của một đầu bếp Cơ Đốc người Trung Quốc tên Yang.

Sau cái chết của bà Lawson, cô Aylward gặp tri phủ Diêm Thành. Ông này đi kiệu, theo sau là một đoàn tùy tùng hoành tráng, đến nói với cô rằng triều đình đã ra chiếu chỉ chấm dứt tập tục bó chân (một tập tục cũ của người Trung Quốc, bó chân phụ nữ từ khi mới sinh để chân trở nên cực nhỏ, cốt để họ có được bước đi khoan thai). Triều đình cần một người đến từng nhà để công bố và thi hành chiếu chỉ. Gladys ưng thuận, nhận ra rằng đó là cơ hội truyền giảng Tin lành mà bà chưa từng mơ tới.

Năm thứ hai ở tại Diêm Thành, Gladys được quan tri phủ triệu hồi. Một cuộc nổi loạn nổ ra trong nhà tù. Bà đến đó và thấy các tù nhân đang làm náo loạn sân tù, một số người trong số họ đã bị giết. Quân lính tại đó sợ không dám can thiệp vào. Người cai ngục nói với Gladys: “Hãy vào sân và ngăn cuộc nổi loạn này lại!” “Sao ta có thể làm được?” – Gladys nói. Cai ngục nói: “Chẳng phải bà đã giảng rằng ai tin vào Đấng Christ sẽ không sợ chi hết sao?” Bà đi vào trong sân nhà tù và la lớn: “Im lặng! Tất cả mọi người đều la hét thì ta sẽ chẳng nghe thấy gì đâu. Hãy chọn một hoặc hai người phát ngôn, ta sẽ nói chuyện cùng họ.” Các tù nhân yên lặng và chọn ra một người phát ngôn. Gladys nói chuyện cùng anh ta, sau đó bước ra, nói cùng người quản ngục: “Ông nhốt những người đàn ông này lại mà không để họ làm gì cả.

Chẳng trách họ quá hung hăng tới mức chỉ một tranh cãi nhỏ cũng làm nên một cuộc nổi loạn. Ông phải cho họ làm việc. Họ cũng nói với ta rằng ông không cung cấp đủ thức ăn cho họ – họ phải sống nhờ vào thức ăn mà người thân gửi đến. Chẳng trách họ đánh nhau vì đồ ăn. Chúng ta sẽ đặt các khung cửi để họ có thể dệt vải và kiếm đủ tiền mua đồ ăn cho mình.” Vậy là xong. Vài người bạn của cai ngục đã dâng những khung cửi cũ và cối xay để những người này có thể xay gạo. Người ta bắt đầu gọi Gladys Aylward là “Ái Văn Đức” có nghĩa là “Người Đức Hạnh”. Từ đó, người ta gọi bà bằng cái tên này.

Gladys Aylward_ Tam guong nguoi nu (3)

Chân dung bà Ái Văn Đức trong trang phục của người Trung Quốc

Không lâu sau đó, Gladys thấy một người phụ nữ ăn xin bên lề đường, tay bế một đứa bé lở loét đầy mình và rõ ràng là thiếu chất dinh dưỡng trầm trọng. Bà thở phào khi biết rằng người phụ nữ không phải là mẹ của đứa bé mà chỉ bắt cóc đứa nhỏ để ăn xin được dễ hơn. Bà mua bé gái năm tuổi với giá chín xu. Một năm sau, Chín Xu dẫn một cậu bé bị bỏ rơi về và nói với bà rằng: “Con sẽ ăn ít đi để cậu ấy có gì đó để ăn.” Vì vậy, Ái Văn Đức nhận thêm một đứa trẻ mồ côi và gọi cậu là “Ít Đi.” Rồi gia đình bà bắt đầu lớn dần lên…. Bà hay lui tới chỗ quan tri phủ – ông này thấy đức tin của bà thật nực cười nhưng lại thích trò chuyện cùng bà. Năm 1936, bà chính thức trở thành công dân Trung Quốc. Bà sống thanh tao và ăn mặc như những người xung quanh. Vài năm sau, thị trấn kế bên có David và Jean Davis cùng cậu con trai Murray từ xứ Wales tới truyền giáo, làm mạnh mẽ thêm công tác truyền đạo của bà.

Rồi chiến tranh nổ ra. Mùa xuân năm 1938, máy bay Nhật ném bom Diêm Thành làm nhiều người thiệt mạng, đẩy những người sống sót phải chạy lên các ngọn núi. Năm ngày sau, quân đội Nhật chiếm đóng Diêm Thành, rồi lại đi, lại đến, lại đi. Quan tri phủ tập hợp những người sống sót và bảo họ rút về núi trong một khoảng thời gian. Ông cũng nói rằng đời sống của Ái Văn Đức đã làm ông cảm động và ông muốn tiếp nhận đức tin của bà. Câu hỏi còn lại là số phận của những tù nhân trong ngục.

Theo lệ thì những người này sẽ bị chặt đầu phòng khi họ vượt ngục. Quan tri phủ nhờ Ái Văn Đức tư vấn và bà đã lập kế hoạch cho gia đình cùng bạn bè tù nhân viết một bản cam kết rằng họ sẽ cải tạo tốt. Cuối cùng thì mọi tù nhân được phóng thích. Chiến tranh tiếp diễn, Gladys thường đứng sau hàng ngũ quân Nhật và truyền thông tin cho quân đội Trung Quốc – quê hương thứ hai của bà. Bà gặp và kết bạn với “Tướng Ley”, vị linh mục Công giáo La Mã đang đứng đầu một đội quân du kích. Cuối cùng, ông gửi cho bà một tin nhắn: “Quân Nhật đang đến đông lắm. Chúng tôi sắp đầu hàng. Hãy theo chúng tôi!” Trong giận dữ, bà viết vội dòng chữ này bằng tiếng Trung: “Cơ Đốc nhân không bao giờ đầu hàng!” Ông này gửi lại cho bà một tờ truy nã, trong đó ghi rằng sẽ trao thưởng 100$ nếu ai bắt được ba người sau – dù còn sống hay đã chết: (1) Quan tri phủ, (2) Một thương buôn lỗi lạc và (3) Ái Văn Đức. Bà quyết tâm lánh nạn đến một trại trẻ mồ côi của triều đình tại Tây An, mang theo tất cả những em nhỏ mà mình đã cưu mang – tổng cộng khoảng 100 em. (100 em khác đã đi từ trước cùng một người đồng sự) Bà cuốc bộ mười hai ngày, theo sau là lũ trẻ. Vài đêm họ tìm được chốn nghỉ chân tại nhà những người tốt. Vài đêm họ phải ngủ bên sườn núi. Tới ngày thứ mười hai, họ đến trước sông Hoàng Hà nhưng không biết làm sao để băng qua sông. Thuyền bè của người dân đã bị cất hết đi nhằm tránh quân Nhật. Lũ trẻ muốn biết “Tại sao chúng ta không băng qua sông?” Bà nói: “Vì không có thuyền.” “Chúa có thể làm bất cứ điều gì. Hãy xin Chúa giúp chúng ta đi qua đi!” – chúng nói. Họ đều quỳ xuống và cầu nguyện. Rồi họ hát. Một quan binh Trung Quốc đang đi tuần nghe thấy tiếng hát và cưỡi ngựa chạy lại. Ông nghe câu chuyện của họ và nói: “Ta nghĩ ta có thể lấy thuyền cho các vị.” Họ qua sông, và sau một vài biến cố nữa, Ái Văn Đức nhờ một số người có năng lực tại Tây An chăm sóc lũ nhỏ, phần bà thì bị sốt phát ban và chìm trong mê sảng suốt mấy ngày.

Khi sức khỏe dần hồi phục, bà gây dựng một hội thánh Cơ Đốc tại Tây An và tiếp tục làm việc ở những nơi khác. Bà còn dựng một nơi ở cho người bị bệnh phong tại Tứ Xuyên, gần biên giới Tây Tạng. Sức khỏe của bà bị suy sụp hoàn toàn sau những vết thương trong chiến tranh. Năm 1947, bà trở lại Anh vì cần phải phẫu thuật gấp.

Khi về, Gladys già nua tới mức ban đầu bố mẹ bà không nhận ra. Những năm tháng tại Trung Quốc đã tác động mạnh mẽ tới Gladys. Bà hay nhầm rằng mình vẫn đang ở Trung Quốc và nói tiếng Trung. Khi khỏe lại, bà đến các hội thánh và khuyến khích gửi thêm nhiều giáo sĩ tới Trug Quốc. Gladys lúc nào cũng nhớ Trung Quốc đến cháy lòng. Năm 1958, sau mười năm ở Anh, bà đã trở lại Đài Loan và xây dựng một trại trẻ mồ côi khác tại đó, dành phần đời còn lại phục vụ Chúa qua việc phục vụ con cái Ngài.

Năm 1957, Alan Burgess viết một cuốn sách về bà mang tên Người Nữ Nhỏ Bé (The Small Woman). Cuốn sách được dựng thành bộ phim mang tên The Inn of the Sixth Happiness (Tạm dịch: Quán Trọ của Hạnh Phúc Thứ Sáu) do Ingrid Bergman làm nữ chính. Khi tạp chí Newsweek đánh giá về bộ phim và tóm tắt cốt truyện, một độc giả – tưởng rằng đây là câu chuyện không có thật – đã viết rằng: “Bộ phim muốn hay thì câu chuyện phải hợp lý trước đã!” Bà Gladys Aylward, Người Nữ Nhỏ Bé – Ái Văn Đức về với Chúa vào ngày ba tháng một năm 1970.

Nguồn: http://www.christianity.com/
http://www.tlogical.net/bioaylward.htm
http://justus.anglican.org/resources/bio/73.html

– Nguyễn Hằng (tổng hợp) –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.