Search
Thursday 18 April 2024
  • :
  • :

Ngày 18/07 – Sự Thuận Phục Của Người Tin

Ngày 18/07 – Sự Thuận Phục Của Người Tin

“Các ngươi gọi ta bằng thầy bằng Chúa; các ngươi nói phải, vì ta thật vậy”(Giăng 13:13)

Cứu Chúa không hề nài nỉ để có quyền hạn trên chúng ta. Ngài không bao giờ nói, “Ngươi sẽ phải thuận phục ta.” Không, Ngài để chúng ta hoàn toàn tự do lựa chọn – thực ra, vô cùng tự do đến đỗi chúng ta có thể nhổ vào mặt Ngài hay chúng ta có thể xử tử Ngài, như bao kẻ khác đã làm; tuy nhiên Ngài sẽ không bao giờ nói một lời nào. Nhưng một khi sự sống Ngài đã hình thành trong tôi qua sự cưú chuộc của Ngài, tôi sẽ ý thức được ngay quyền hạn tuyệt đối của Ngài trên đời sống tôi. Đây là một sức cảm hoá trọn vẹn và đầy hiệu lực mà qua đó tôi phải nhìn nhận rằng “Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh hiển, tôn qúy và quyền lực…” (Khải huyền 4:11). Điều rất đơn giản là chính bản chất không xứng đáng trong con người tôi đã khiến tôi từ chối không chịu cúi đầu hoặc thuận phục đối với một người xứng đáng. Khi tôi gặp một người thiêng liêng hơn tôi, và tôi không công nhận phẩm giá của người đó, hoặc không vâng theo sự chỉ giáo của người đó, thì điều nầy biểu lộ sự không xứng đáng của chính tôi. Đức Chúa Trời dạy dỗ chúng ta bằng cách dùng những người nầy là những người hơn chúng ta một chút; không phải hơn về trí thức, nhưng hơn một chút về thiêng liêng. Và Ngài cứ tiếp tục làm như vậy cho đến khi chúng ta sẵn sàng vâng theo. Và sau đó thái độ của đời sống chúng ta sẽ trở nên một thái độ tuyệt đối vâng phục Ngài.

Nếu Cứu Chúa nài nỉ chúng ta vâng phục Ngài, thì Ngài sẽ chỉ giống như một người quản đốc của các công tác và Ngài không có một quyền hạn thật nào cả. Ngài không hề nài nỉ chúng ta vâng phục, nhưng khi chúng ta thực sự gặp Ngài chúng ta sẽ lập tức vâng phục Ngài. Và Ngài trở nên Cứu Chúa của đời sống chúng ta cách dễ dàng. Và chúng ta sẽ sống trong sự tôn kính Ngài từ buổi sáng cho đến chiều tối. Mức độ lớn lên của tôi trong ân điển được phô bày qua cái nhìn của tôi đối với sự vâng lời. Chúng ta cần phải có một sự hiểu biết cao hơn về ý nghĩa của chữ vâng phục, giải thoát nó khỏi bãi lầy của thế gian (*). Sự vâng phục chỉ có thể có được giữa những người bình đẳng với nhau và có một tình tương giao bình đẳng giữa nhau; như tình tương giao giữa cha với con, không phải giữa chủ và tớ. Chúa Giê-su bày tỏ mối tương giao nầy qua câu nói, “Ta với Cha là một” (Giăng 10:30). “… dầu Ngài là Con, cũng đã học tập vâng lời bởi những sự khốn khổ mình đã chịu” (Hê-bơ-rơ 5:8). Con Ngài đã vâng phục để trở nên Đấng Cứu rỗi của chúng ta, bởi vì chính Ngài là Con, chứ không phải để được trở nên là Con của Đức Chúa Trời.

-Nguồn: Trích sách “Tất Cả Của Tôi Cho Sự Cao Cả Của Ngài”- Oswald Chambers-




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.