Search
Tuesday 23 April 2024
  • :
  • :

William Tyndale – Vị Dịch Giả Ẩn Mình

William Tyndale – Vị Dịch Giả Ẩn Mình

Vào đầu những năm 1530, một thương gia người Anh tên Stephen Vaughan nhận nhiệm vụ tìm kiếm William Tyndale và thông báo cho ông rằng vua Henry VIII muốn ông ta ra khỏi chỗ ẩn nấp ở Lục Địa và quay về quê hương. Trong một bức thư viết ngày 19 tháng 6 năm 1531, Vaughan viết về Tyndale (1494-1536) bằng những lời đơn giản như sau: “Tôi thấy anh ấy luôn chỉ bền bỉ hát một bài ca.”

Bài ca đó là: Liệu nhà vua Anh quốc có chính thức ủng hộ việc xuất bản quyển Kinh Thánh tiếng bản xứ cho tất cả thần dân của Ngài không? Nếu không, Tyndale sẽ không quay về. Nếu có, Tyndale sẽ nộp mình cho nhà vua và không bao giờ viết một quyển sách nào khác nữa.

Nhà vua từ chối. Và Tyndale

không bao giờ trở về quê hương nữa. Thay vào đó, nếu nhà vua và Giáo hội Công giáo La Mã không in cuốn Kinh Thánh tiếng Anh để những người bình thường cũng đọc được, Tyndale sẽ làm điều đó, dù thậm chí ông phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Điều đó đã diễn ra đúng như vậy.

Dân cày cũng sẽ đọc được Kinh Thánh

Năm 1522, khi Tyndale 28 tuổi, ông làm gia sư tại nhà John Walsh ở Gloucestershire, Anh Quốc, và dành phần lớn thời gian nghiên cứu Kinh thánh Tân Ước tiếng Hy Lạp của Erasmus, đã được in ra chỉ sáu năm trước năm 1516.

Càng ngày, Tyndale càng nhận thấy những lẽ thật Cải cách rõ ràng hơn trong quyển Tân Ước Hy Lạp, ông biến mình thành nghi phạm trong gia đình Công Giáo của John Walsh. Một ngày nọ, vị một học giả Công giáo bực tức với Tyndale nói, “Chúng ta thà sống không có luật pháp của Đức Chúa Trời còn hơn là không có luật lệ của Đức Giáo hoàng.”

Đáp lại, Tyndale nói những lời nổi tiếng sau, “Tôi thách thức Giáo hoàng và tất cả các luật lệ của ông ấy. . . Nếu Đức Chúa Trời ban cho cuộc đời tôi được thêm nhiều năm nữa, tôi sẽ giúp cho một người dân cày còn hiểu biết Kinh Thánh nhiều hơn ông đấy. “

Cao trào bản nhạc cuộc đời

Bốn năm sau đó, Tyndale đã hoàn thành công tác chuyển ngữ cuốn Tân Ước tiếng Hy Lạp sang tiếng Anh ở Worms, Đức, và bắt đầu lén lút tuồn vào Anh quốc trong thùng vải lụa. Đến tháng 10 năm 1526, Đức Giám mục Tunstall đã cấm bản Kinh thánh này ở London, nhưng có ít nhất ba ngàn bản đã in. Và những quyển sách đã đến với người dân. Trong tám năm tiếp theo, năm ấn bản lậu cũng được in.

Năm 1534, Tyndale đã xuất bản Tân Ước hiệu đính. Sau khi học tiếng Hê-bơ-rơ, ông hiểu rõ hơn các mối liên hệ giữa Cựu Ước và Tân Ước. Nhà viết tiểu sử David Daniell gọi bản văn Tân ước năm 1534 là “Sự vinh hiển của công trình cuộc đời ông” (William Tyndale, 316). Nếu Tyndale “luôn chỉ hát một bài ca”, đây là giai đoạn cao trào của bài hát trong cuộc đời ông – bản Tân Ước hoàn chỉnh và trau chuốt bằng tiếng Anh.

Lần đầu tiên trong lịch sử, cuốn Kinh thánh Tân Ước tiếng Hy Lạp đã được dịch sang tiếng Anh. Trước khi ông tử đạo năm 1536, Tyndale tiếp tục dịch sang tiếng Anh dễ hiểu, thông dụng không chỉ sách Tân Ước mà cả Ngũ Kinh, sách Giô-suê cho đến Sử ký 1, và Giôna. Tất cả các tài liệu này đã trở thành nền tảng của quyển Kinh thánh vĩ đại do Miles Coverdale xuất bản ở Anh năm 1539 và là cơ sở cho cuốn Kinh thánh Geneva xuất bản năm 1557 – “quyển Kinh Thánh quốc gia”, bán được hơn một triệu bản từ năm 1560 đến 1640.

Bản dịch Kinh Thánh, lẽ thật Phúc Âm

Điều gì thúc đẩy Tyndale chỉ hát một bài ca trong suốt cuộc đời mình? Đó là niềm xác tín chắc chắn rằng tất cả mọi người đều đang bị trói buộc trong tội lỗi, mù quáng, chết chóc, bị định tội, và bất lực, và rằng Đức Chúa Trời đã hành động trong Đấng Christ để cứu rỗi chúng ta bởi ân điển qua đức tin. Đây là những gì ẩn giấu trong bản Kinh Thánh Latin và hệ thống giáo hội hoạt động dựa trên bùa xá tội và công đức. Đây là lý do tại sao Kinh Thánh phải được chuyển ngữ, và cuối cùng đây là lý do Tyndale đã tử đạo. Ông đã viết,

Đức tin, mẹ của tất cả mọi điều tốt lành, xưng công chính cho chúng ta, trước khi chúng ta có thể làm được điều gì tốt lành: như người chồng phải lấy vợ trước khi có thể có con hợp pháp với nàng. (William Tyndale, 156-57)
Nhân loại hư mất, chết về thuộc linh, và bị buộc tội. Chúa tể trị, Đấng Christ có thẩm quyền và đức tin là tất cả. Việc chuyển ngữ Kinh Thánh và chân lý Kinh thánh là không thể tách rời được đối với Tyndale, và cuối cùng đó là sự thật – đặc biệt là lẽ thật về sự xưng công chính chỉ duy bởi đức tin – đã khơi lên ngọn lửa Cải cách ở nước Anh, sau đó nó dẫn đến bản án tử hình cho người phiên dịch quyển Kinh thánh này.

Vào tháng 10 năm 1536, khi mới 42 tuổi, tiếng nói của Tyndale không còn có thể cất lên bài ca của mình được nữa khi ông bị trói chặt vào giàn hỏa thiêu, bị siết cổ và sau đó bị thiêu cháy. Nhưng nhờ bản dịch tiếng Anh bản địa của ông, bản thân bài ca ngày càng được cất lên mạnh mẽ thành một dàn đồng ca tiếng Anh hùng vĩ của những người hầu gái, người đóng giày, và, vâng, ngay cả tầng lấp dân cày.

Nguồn: desiringgod.org

Tác giả bài viết: John Piper

-Thảo Nguyên dịch-




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.