Loisusong.net – Hội thánh là cơ sở cho đời sống Cơ đốc. Tại đó Đức Chúa Trời ban phước cho chúng ta, và cũng tại đó chúng ta có thể trở thành phước hạnh cho người khác. Các Hội thánh khác nhau có những nhiệm vụ khác nhau, tùy thuộc vào những lẽ thật mà họ đại diện và nhiệm vụ mà Chúa kêu gọi họ. Nhưng đồng thời cũng có một điều gì đó chung để kết nối tất cả các Hội thánh và các Cơ đốc nhân. 5 điểm này tạo thành ADN “Lời Sự Sống.” Xin trân trọng gửi tới bạn đọc!
1. Rao truyền Phúc Âm
Một là, chúng ta được kêu gọi rao truyền Phúc Âm. Trong Rôma 1:16 sứ đồ Phao-lô nói: “Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin, trước là người Giu-đa, sau là người Gờ-réc”. Chúng ta được kêu gọi rao giảng Tin mừng về Chúa Jêsus cứu và thay đổi đời sống con người. Có thiên đàng, cũng có địa ngục, và nếu người ta không nghe Phúc Âm thì họ sẽ bị chết mất như Chúa Jêsus đã nói. Nhưng Đức Chúa Trời không muốn, dù chỉ một người, phải hư mất. Ngài muốn đạt được con người thông qua chúng ta. Những cuộc tranh cãi nóng bỏng hiện nay về sự tồn tại của địa ngục là bằng chứng cho thấy chúng ta cần có thái độ khác đối với Phúc Âm, mà cụ thể là cần phải bảo vệ đức tin cổ xưa, chứ không chỉ những ý tưởng mình ưa thích. Điều này cũng liên quan đến đức tin vào Kinh Thánh như là Lời Đức Chúa Trời. Đây là một phần không thể tách rời trong sự kêu gọi của Hội thánh chúng ta, và điều này cũng kết nối chúng ta với tất cả các Cơ đốc nhân trên toàn thế giới, trong mọi thời kỳ. Chúng ta rao giảng và giữ vững đức tin Cơ đốc cổ xưa.
Chúng ta được kêu gọi rao giảng Phúc âm cổ xưa – một Hội thánh hiện đại với sứ điệp cổ xưa
2. Đức tin
Hai là, chúng ta được kêu gọi rao giảng và nhấn mạnh về đức tin. Trong Phúc Âm theo Giăng 14:11-12, Chúa Jêsus nói một điều chưa ai từng nghe: “Khi ta nói rằng ta ở trong Cha và Cha ở trong ta, thì hãy tin ta; bằng chẳng, hãy tin bởi công việc ta. Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ nào tin ta, cũng sẽ làm việc ta làm; lại cũng làm việc lớn hơn nữa, vì ta đi về cùng Cha.” Chúng ta có xu hướng đọc lướt những câu này, vì chúng ta cảm thấy chúng là không thể. Chúng ta dễ suy xét thế này: “Điều này đơn giản là không thể. Làm sao một người phàm như tôi lại có thể làm điều gì đó giống vậy?” Nhưng những biện minh của chúng ta chỉ chú tâm đến chính chúng ta, trong khi đó những câu nói này hướng thẳng đến Chúa Jêsus. Kinh Thánh nói về điều Ngài có thể hoàn thành, nếu chúng ta tin vào Ngài.
Vì không phải ngày nào cũng thấy dấu kỳ phép lạ, trong chúng ta có thể xuất hiện cảm giác rằng những điều đó thật xa vời và không thực tế. Chúng ta có thể khó tin. Nhưng khi chúng ta đến với Chúa Jêsus, đồng đi với Ngài, và tiếp nhận Lời Ngài, chúng ta bắt đầu đói khát Lời Chúa và tin rằng điều như thế là thực sự có thể. Hồi còn trẻ, thậm chí trong những giấc mơ táo bạo nhất, tôi cũng không thể hình dung ra điều mà Hội thánh chúng ta hiện nay có thể hoàn thành trên khắp thế giới. Nhưng đối với Đức Chúa Trời thì không tồn tại giới hạn. Ngài có thể sử dụng chúng ta, và Ngài muốn chúng ta tin Ngài. Hội thánh chúng ta có sự kêu gọi đánh thức đức tin, giải thích cho mọi người biết họ là ai và họ có gì trong Chúa Jêsus Christ.
Hãy trang bị cho dân sự Ta lời đức tin
Chỉ cho họ những vũ khí thuộc linh họ có
Dạy họ cách sử dụng chúng
Và Sai họ vào trận chiến đắc thắng cho Chúa
3. Đời sống trong Đức Thánh Linh
Ba là, chúng ta được kêu gọi nhấn mạnh đến sự sống trong Đức Thánh Linh. Trong Phúc Âm theo Giăng Chúa Jêsus nói về Đức Thánh Linh như sau: “Nếu người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống. Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh thánh đã chép vậy.” Đức Chúa Trời muốn để chúng ta được dẫn dắt bởi Đức Thánh Linh và Ngài muốn các ân tứ Thánh Linh hành động trong đời sống của chúng ta. Khi đó chúng ta có thể nói và làm những điều mà chúng ta không thể làm trong sức riêng. Đôi khi chúng ta cố gắng giữ mọi sự trong cuộc sống dưới sự kiểm soát của mình, nhưng kiểm soát Đức Thánh Linh là không thể. Thánh Linh vận hành tại nơi Ngài muốn và những kẻ sinh từ Thánh Linh cũng vậy. Đôi khi thật khó để dũng cảm làm theo quyết định của mình, và đối với các bài giảng cũng thế. Chúng ta muốn kiểm soát mọi thứ xung quanh, nhưng không cần phải làm như vậy. Chúng ta có thể thôi điều khiển và để Đức Thánh Linh điều khiển chúng ta. Sai lầm là không thể tránh khỏi, nhưng chúng ta học từ những sai lầm và có sự tha thứ cho những sai lầm ấy. Có thể nhận được mọi sự! Biết lắng nghe Thánh Linh có thể dẫn đến cuộc cách mạng trong đời sống con người. Chúng ta được gọi giúp đỡ các Cơ đốc nhân bước vào mối quan hệ mật thiết và lành mạnh với Đức Thánh Linh, lắng nghe và nương dựa vào Ngài.
Chúng ta nhấn mạnh đến sự sống trong Đức Thánh Linh
4. Truyền giáo
Điểm thứ tư có liên quan đến truyền giáo. Trong sách Công vụ 1:8 có chép: “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất.” Đức Chúa Trời ban Thánh Linh cho chúng ta, để chúng ta nhận được sức mạnh trở thành những nhân chứng. Vì vậy ai trong chúng ta cũng là giáo sĩ. Cần phải nói “vâng” với sự truyền giáo trong lòng mình, dù có thể bạn được kêu gọi trọn đời chỉ sống tại đất nước của mình. Nhưng chúng ta đã nghe Phúc Âm và đã nhận ơn đức tin cùng Đức Thánh Linh. Và chúng ta cần sẵn sàng đi đến tận cùng trái đất, nếu đó là ý Chúa muốn. Nếu không sẵn sàng thì cuộc sống chúng ta không thể thành công. Mối quan hệ của chúng ta với Đức Thánh Linh sẽ trở nên thiếu sức sống và uể oải. Kinh Thánh sẽ không còn mở ra cho chúng ta nữa. Thay vì đức tin mạnh mẽ chúng ta trở nên có thái độ hoài nghi với mọi sự. Chúng ta sẽ không còn kinh nghiệm dòng chảy của Thánh Linh trong đời sống mình. Thật thảm hại cho một Cơ đốc nhân sống như thế. Giáo sĩ thời nào cũng khó tìm, và chúng ta đang cần hàng ngàn người sẵn sàng rời bỏ quê hương mình để đi bất cứ nơi nào. Đó là lý do Hội thánh chúng ta có thái độ rất nghiêm túc với truyền giáo. Chúng ta không phải là những người hoàn hảo, nhưng Đức Chúa Trời nhìn thấy tấm lòng của chúng ta và muốn sử dụng chúng ta để rao giảng Phúc Âm trên toàn thế giới.
Chúng ta nghiêm túc với công tác truyền giáo toàn cầu.
5. Hiệp một
Điểm thứ năm có liên quan đến sự hiệp một. Trong Phúc Âm theo Giăng (17:21) Chúa Jêsus nói: “để cho ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha; lại để cho họ cũng ở trong chúng ta, đặng thế gian tin rằng chính Cha đã sai Con đến.” Chúng ta sẽ không bao giờ nhận được sự đột phá hoàn toàn và sẽ không được thấy sự hoàn thành ý muốn của Đức Chúa Trời, nếu trong khi rao giảng Phúc Âm các Cơ Đốc nhân chúng ta cứ tranh chiến với nhau. Khi chúng ta có xung đột với nhau, điều đó gây tai tiếng cả trong thế giới tự nhiên lẫn trong thế giới thuộc linh. Sa-tan, bậc thầy của sự chia rẽ, đang sử dụng rất hữu hiệu phương tiện này để chống chúng ta.
Kẻ thù muốn chúng ta lên án, coi thường nhau và không ngừng phán xét về mọi sự dựa trên khẩu vị, sở thích và thói quen cá nhân. Gốc rễ của vấn đề này là sự lên mình, ước muốn đề cao bản thân và nhấn mạnh những nhược điểm của người khác. Khi Chúa Jêsus cầu nguyện và nói về sự hiệp một, Ngài đã chỉ ra chính điều ấy. Ngài muốn để chúng ta từ bỏ lối cư xử tiêu tiêu cực của mình, có thể trở nên hiệp một và bước vào dòng chảy của tình yêu trong mối quan hệ với nhau. Khi đó Chúa Jêsus, Đấng mà chúng ta yêu, được vinh hiển. Và bởi vì chúng ta yêu Ngài, chúng ta cũng yêu nhau và chịu đựng những sự khác biệt và bất toàn của nhau. Chúng ta cần tìm kiếm sự hiệp một trong Thánh Linh và lẽ thật. Chúng ta tìm kiếm tất cả những gì chân thật, sống động và cảm ơn Đức Chúa Trời vì điều đó. Khi ấy, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên rộng hơn và sẽ không bị giới hạn chỉ bởi bản thân, hoặc bởi người giảng đạo này hay người giảng đạo khác. Chúng ta sẽ là một dân lớn hơn. Sự kêu gọi và sứ mệnh của chúng ta là ở đó.
Chúng ta tìm kiếm sự hiệp một trong Thánh Linh và lẽ thật
Xem thêm >>> Được Kêu Gọi Hiệp Nhất