loisusong.net Trong mỗi bài phỏng vấn của ban Truyền thông Hội thánh Lời Sự Sống Hà Nội, con cái Chúa sẽ có cơ hội hiểu thêm về một gương mặt nhân sự tiêu biểu trong Hội thánh. Chuyên mục phỏng vấn kỳ này xin được gửi đến độc giả đôi nét về anh Nguyễn Ngọc Duy, quản nhiệm Hội Thánh Lời Sự Sống tại Từ Liêm, cũng là phụ trách chính Mục vụ Thương xót của Hội Thánh trung tâm.
Trước đây, khi Nam Hà Nội nhóm tại một điểm chung, hẳn ai cũng biết anh qua những lần anh đứng lên trình bày hoạt động của ban Thương xót, những gì đã làm và mong muốn làm được. Đó, những chuyến đi đường dài lên những vùng đất xa xôi, anh cùng ban Thương xót của Hội thánh mang từng chiếc áo rét lên giúp bà con vùng cao vượt qua ngày đông tháng giá. Một người dành thời gian công sức vào những việc như vậy, chắc phải giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn dữ lắm.
Anh Duy 33 tuổi, cao mét bảy, nặng 77.7 kg, một vợ, năm con, mới nghe qua đã thấy đáng nể rồi. Không những vậy, anh là một trong những người vừa hầu việc Chúa vừa là một doanh nhân. Anh có gương mặt phúc hậu và nụ cười hiền. Nhiều người phục anh về cái tài “tay trắng lập nghiệp”. Một lần được cùng anh về thăm quê tận Thanh Hóa, tôi nghe cô ruột của anh, tay còn lấm bùn từ ruộng mạ bước lên mà tấm tắc khen: “O thật phục mi đó”. Thì tất phải nghe cả câu chuyện mới rõ là cô phục những gì, nhưng đại thể là cô mừng vì cháu lên thành phố từ tay trắng mà mua được nhà, được xe, lại nuôi những bốn con, (giờ thì năm rồi). Chả thế mà có mấy sinh viên mới ra trường cứ ba lần năm lượt hẹn gặp anh để mời anh ly cà phê và nghe anh chia sẻ “kinh nghiệm” lập nghiệp.
Anh cháu này thì ra cũng có chí lắm chứ. Gia đình khó khăn từ nhỏ, anh ta tự mò cua bắt ốc để lấy tiền đi học; lên đến Hà Nội lại tự thân lo liệu mọi việc: ngày làm, tối học. Mới lên thành phố, hồi đầu anh chỉ làm thợ phụ lắp kính cho công trình tòa nhà ba tầng của khoa Nông học trực thuộc Đại học Nông nghiệp I (giờ đổi tên là Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Hôm nào ghé tòa nhà này, bạn nhớ nhìn lên mà ước lượng xem anh đã làm bao nhiêu việc. Thực ra trong suốt thời gian ăn ở tại công trình hơn hai tháng ròng, anh thợ phụ chỉ nấu cơm, rửa bát, giặt đồ cho các bác “thợ chính” chứ đâu đã làm “thợ”.
Lẽ dĩ nhiên từ ấy đến nay đã mười mấy năm, nhưng thật sự tinh thần phục vụ, hi sinh ở anh là rất đáng học hỏi. Nên, để nói vui, các bạn trẻ muốn thành công như anh thì cứ làm “thợ phụ” hoài hoài một thời gian với tấm lòng phục vụ, ham mê học hỏi thì sớm muộn thành công chẳng đến – chỉ là nó đang đợi bạn phía trước kia thôi.
Sự tăng trưởng thuộc linh và những chặng đường theo Chúa của anh cũng vậy. Không ngẫu nhiên mà Chúa giao cho anh quản nhiệm một Hội Thánh tại quận Từ Liêm, không ngẫu nhiên mà một năm sau Hội Thánh nhân đôi. Đến nay, tại từ Liêm có khoảng 40-50 nhóm lại và vẫn tiếp tục tăng trưởng không ngừng. Chúa làm việc trên anh cũng từ những ngày đầu rất “đơn giản”.
Khi làm việc cho một gia đình Cơ đốc, anh được họ làm chứng và tin Chúa. Nhưng đâu phải anh đã mạnh mẽ ngay trong đức tin; dễ đến năm năm đầu tiên, nhóm trung tín ngày Chúa Nhật còn chưa xong, nói gì tới phục vụ trong Hội Thánh. Nhưng, anh chia sẻ, cảm tạ Chúa về tấm lòng cưu mang, chăm sóc của những người lãnh đạo bấy giờ – hết lòng quan tâm, dìu dắt và cầu thay cho anh; có khi đang đêm nghe anh gọi điện kêu đau bụng, người anh thuộc linh ấy liền đến ngay, cầu nguyện và dùng Lời Chúa khích lệ anh… Nhờ đó anh dần dần tăng trưởng và bước vào sự phục vụ Chúa. Anh chia sẻ thêm, với những người đã dẫn dắt anh ngày đầu như thế, anh không bao giờ quên ơn.
Thời gian đầu phục vụ, anh rất quan tâm và cưu mang các em học sinh nghèo vùng cao, thiếu quần áo, sách vở, và dụng cụ học tập. Đã nhiều lần anh kêu gọi để có quần áo ấm cho mấy trường tiểu học thuộc vùng sâu, vùng xa huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình; giúp đỡ đồng bào vùng lũ lụt miền Trung; tặng quà bánh dịp lễ tết tới các gia đình khó khăn; sắp tới lại xây nhà cho người nghèo tại Lai Châu. Anh nói: “Đó như một sự biết ơn Chúa. Vì ngày xưa đã có những con người giúp mình, giờ Chúa dùng mình để có thể thương xót những người khác nữa…” Nhìn lại các học viên tốt nghiệp các khóa học Kinh thánh Lời Sự Sống, khá nhiều người trong đó cũng có sự dự phần của anh chị cưu mang. Có người anh em tận Kiên Giang, giờ hãy cầm chiếc điện thoại anh tặng mà bồi hồi: “Điện thoại kỷ niệm đó, rất là nhiều kỷ niệm luôn…”
Anh đặc biệt quan tâm và giúp đỡ những người lâm vào cảnh nghiện ma túy, không cách nào thoát được những con “ma”. Anh vừa giúp giới thiệu tới trung tâm, vừa giúp một phần tài chính, song quan trọng nhất là giúp các em như một người anh trai; an ủi, động viên, khích lệ để họ không gục ngã giữa chừng, bám chắc vào Chúa mà được giải thoát hoàn toàn. Đến nay, nhiều anh em trong nhóm Tái Sanh có được Đời Sống Mới trước hết là cậy ân điển lớn lao vô cùng của Chúa, sau là một phần nhờ anh đã giúp đỡ những ngày đầu tiên.
Hiện tại, anh Duy đang đảm nhiệm công việc tại Hội thánh Từ Liêm. Phát triển từ một điểm nhóm nhỏ, Hội thánh Từ Liêm hiện có từ 40 – 50 con cái Chúa trung tín nhóm lại. Khi được hỏi về những khó khăn gặp phải khi bắt đầu xây dựng Hội thánh từ những bước đầu tiên, anh nói: “Nếu nhìn vào khó khăn thì vô số, nhưng chính trong những khó khăn đó, tôi lại có động lực để vươn lên giành những sự phát triển cho Chúa. Không thể không kể đến các anh em như Nam, Hạnh, Bằng, Chuyển … luôn kề vai sát cánh cùng tôi và sốt sắng trong công việc Chúa. Đa số anh họ đều là người kinh doanh, dù chẳng dễ dàng gì nhưng đều dành thời gian của mình để hầu việc Ngài”.
Đây là nguyên cớ vì sao kinh doanh mà dành thời gian hầu việc Chúa “chẳng dễ dàng gì”: nhiều năm làm việc đồng nghĩa với nhiều kinh nghiệm, nhiều đối tác, công việc kinh doanh cứ đà đó mà phát triển. Nhưng anh lại nhận thấy Chúa bảo mình dành trọn thời gian mà phục vụ Ngài: “Hiện tại tôi cũng chưa thể bỏ ngay công việc đang làm để phục vụ Chúa trọn thời gian được, nhưng tôi cố gắng dành từ 50 đến 60%. Tôi phải tự đấu tranh với bản thân để có thể đặt công việc Chúa cao hơn việc kiếm tiền. Thêm nữa là gia đình. Nếu không làm việc nữa thì kinh tế sẽ khó khăn. Ma quỷ vì cớ gia đình có thêm con nhỏ mà muốn kéo tôi ra khỏi sự hầu việc Chúa. Nhưng bà xã cũng nói cùng tôi: ‘Nếu Chúa kêu gọi thì Chúa sẽ có cách’. Đúng là như vậy, Chúa luôn có những kế hoạch đường đi cho mình. Nhiều lúc Chúa chúc phước, tôi làm một hai ngày mà bằng cả tháng. Nhưng thực sự thì đây là một cuộc tranh chiến lâu dài, trông cậy nơi Chúa thì ma quỷ không thể ngáng đường”.
Tấm lòng phục vụ của anh cũng thể hiện trong những ước ao cho công việc Chúa, đẩy mạnh truyền giáo cứu người, chăm sóc và môn đồ hóa . Anh còn muốn vươn ra cả vùng dân tộc thiểu số, vùng núi xa xôi; cho họ được nghe về Chúa Giê-su, cho họ một đời sống mới.
Đến khu vực sân vận động Mỹ Đình, các bạn nhớ ghé thăm Hội Thánh Lời Sự Sống Từ Liêm và thăm anh chị Duy Bích và 5 “công ty trách nhiệm vô thời hạn” mà Chúa đặc biệt ưu ái ban cho anh chị. Nguyện Chúa Toàn Năng biết lòng anh và dẫn dắt anh theo kế hoạch tuyệt vời của Ngài. Nguyện Ngài ban phước trên gia đình anh!
– Trịnh Quế và Trần Fap (thực hiện) –