Sự cầu nguyện và việc làm luôn đi đôi với nhau. Chúng như hai mái chèo, khi sử dụng cùng lúc sẽ đẩy con thuyền tiến về phía trước. Nếu bạn chỉ cầu nguyện mà không làm việc hoặc làm việc mà không cầu nguyện, thì cũng giống như khi sử dụng một mái chèo, bạn sẽ chỉ xoay tròn mãi.
Lòng tin kính và sự cầu nguyện có liên quan mật thiết với nhau vì cầu nguyện là cách cơ bản để duy trì mối tương giao với Chúa. Đây là năm hướng dẫn quan trọng người Thanh Giáo trong sự cầu nguyện:
1. Đặt ưu tiên cho việc cầu nguyện. Cầu nguyện là việc đầu tiên và quan trọng nhất bạn được kêu gọi để thực hiện. “Sau khi đã cầu nguyện, bạn có thể làm được nhiều điều hơn là cầu nguyện, nhưng bạn không thể làm được gì tốt hơn việc cầu nguyện cho tới khi bạn đã cầu nguyện”, John Bunyan viết. “Hãy cầu nguyện thường xuyên, vì cầu nguyện là cái khiên bảo vệ linh hồn, một của lễ dâng Chúa và sự kinh hãi của ma quỷ”.
2. Dâng chính bản thân bạn – không phải chỉ là thời gian – cho việc cầu nguyện. Nhớ rằng cầu nguyện không phải là một chương phụ lục cho cuộc đời và công việc của bạn, nó là đời sống của bạn – đời sống thuộc linh thật sự của bạn – và công việc của bạn. Cầu nguyện là nhiệt kế của tâm linh.
3. Dành không gian cho cầu nguyện. Các tín hữu Thanh Giáo làm việc này theo ba cách.
Đầu tiên, họ có những phòng cầu nguyện thực sự – căn phòng hoặc không gian nhỏ nơi họ thường gặp Chúa. Khi một giáo dân của Thomas Shephard cho ông ta xem bản thiết kế sàn ngôi nhà mới mà anh ta muốn xây, Shephard nhận ra không có phòng cầu nguyện và phàn nàn rằng những ngôi nhà không có phòng cầu nguyện sẽ là sự sa sút của hội thánh và xã hội.
Điều thứ hai, họ dành riêng ra một khoảng thời gian cố định để cầu nguyện trong cuộc sống hằng ngày. Người Thanh Giáo làm việc này hàng sáng và tối.
Điều thứ ba, giữa những thời gian cố định này, hãy cam kết cầu nguyện trong cả những lúc không muốn nhất. Điều đó sẽ giúp bạn phát triển một “thói quen” cầu nguyện để nhờ đó bạn sẽ cầu nguyện liên tục không ngừng mỗi ngày. Nhớ rằng giao tiếp với Chúa qua Đấng Christ là cách hiệu quả nhất để dâng vinh hiển lên cho Chúa và để luôn có tấm khiên chống đỡ mọi bệnh tật thuộc linh.
4. Sử dụng Lời Chúa trong khi cầu nguyện. Như người Thanh Giáo nói, cách để cầu nguyện là sử dụng chính Lời Chúa. Điều đó có thể làm theo hai cách. Trước hết, cầu nguyện với Kinh thánh. Chúa rất cẩn trọng đối với từng lời của Ngài. Nắm chặt lấy những lời hứa của Ngài, cẩn thận suy ngẫm chúng thật thấu đáo, và gửi chúng trở lại với Chúa qua lời cầu nguyện, cầu xin Ngài làm thành những gì Ngài nói. Thứ hai, cầu nguyện thông qua Kinh thánh.Cầu nguyện về từng ý tưởng trong một câu Kinh thánh cụ thể.
5. Cầu nguyện lấy Chúa làm trung tâm. Hãy trải lòng mình ra với Cha Thiên Thượng. Cầu xin dựa trên nền tảng của sự cầu thay của Đấng Christ. Cầu xin Chúa với lời thở than của Thánh Linh (Rô-ma 8: 26). Thừa nhận rằng cầu nguyện thực sự là một món quà của Đức Chúa Cha, Đấng đã ban tặng điều đó qua Con Ngài và thực hiện điều đó trong bạn nhờ Thánh Linh, và đến lượt Đức Thánh Linh khiến lời cầu nguyện quay ngược về với Con Ngài, Đấng thánh hóa lời cầu nguyện và dâng lên Cha. Vì thế, nếu bạn muốn, cầu nguyện là một chuỗi có Chúa là trung tâm – đi từ Cha thông qua Con bởi Thánh Linh quay ngược lại với Con và Cha.
Các tín đồ Thanh giáo nói rằng, lòng tin kính thực sự dẫn tới sự cầu nguyện và làm việc có kế hoạch, chăm chỉ và tốn mồ hôi. Lên kế hoạch cẩn thận – rằng bạn sẽ sống cho Chúa như thế nào là điều vô cùng quan trọng nếu bạn muốn đạt được những giá trị đời đời cho Ngài. Tuy nhiên người Thanh Giáo không dựa vào bản thân họ.
Họ hiểu rằng cuộc sống hằng ngày của một Cơ Đốc nhân phải trải qua những việc như:
1. Nhìn về phía trước và xem bạn sẽ phải làm gì.
2. Đến với Chúa trong sự cầu nguyện và nói “Chúa ơi, con không có những gì cần thiết để làm điều này, con cần sự giúp đỡ từ Ngài”.
3. Trông cậy Chúa đáp lại lời cầu nguyện của bạn, sau đó với lòng trông cậy tiến đến những nhiệm vụ đang chờ phía trước.
4. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, quay trở lại với Chúa và tạ ơn Ngài vì sự giúp sức.
5. Cầu xin sự tha thứ vì những thất bại và tội lỗi trong cả quá trình này, và cầu xin ân điển để hoàn thành nhiệm vụ trung tín hơn lần sau.
Lòng tin kính hằng ngày của người Thanh giáo bao gồm những lời cầu nguyện khẩn thiết và làm việc chăm chỉ nhưng không dựa vào sức riêng bản thân; tất cả những sự nỗ lực đều được làm thành qua đức tin. Bởi ân điển, lòng tin kính thực hành là cả nỗ lực thành tín và nỗ lực sinh bông trái.
– Tác giả: Joel Beeke –
– Nguồn: www.challies.com –
– Người dịch: Trịnh Quế –