Lần đầu tiên tôi hiểu được tầm quan trọng của đội ngũ là khi học trong trường mục sư. Tôi đã làm nghiên cứu với 100 hội thánh lớn nhất nước Mỹ và hỏi họ một loạt câu hỏi liên quan đến nhân sự và mục vụ. Kết quả có thể không đáng ngạc nhiên, nhưng nghiên cứu cho thấy rằng những hội thánh mạnh có tinh thần đội ngũ mạnh mẽ.
Họ làm được như vậy khi kết hợp 2 điều sau: một mục tiêu chung và một sự truyền thông tốt.
Cần có cả hai điều này. Có thể có những người cùng làm một dự án nhưng không truyền thông cùng nhau. Họ KHÔNG PHẢI là một đội. Có thể có những người truyền thông tốt nhưng không hướng đến một mục tiêu cụ thể – đó cũng không phải là một đội, dù cho bạn có gọi họ như vậy.
Tôi sẽ đưa ra một số lý do cơ bản lý giải tại sao điều này lại quan trọng như vậy:
Trước hết, thân thể của Đấng Christ đóng vai trò như một đội ngũ phục vụ.
Rô-ma 12 : 4-5 có nói, giống như trong một thân thể có nhiều chi thể thì Thân thể Đấng Christ cũng có nhiều chi thể như vậy. Về cơ bản, Chúa định ra điều này để tất cả chúng ta đều cần nhau để có được một mục vụ đầy đủ chức năng và TỪNG NGƯỜI trong đội ngũ nhân sự của bạn đều đóng vai trò quan trọng. Sự thật rằng hội thánh là một thân thể, không phải một công việc có nghĩa rằng làm việc nhóm có vai trò quan trọng đối với chúng ta là những người ở trong mục vụ hơn là đối với những người ở trong mối quan hệ công việc bình thường.
Một hội thánh cần tận dụng mọi ân tứ để có thể thành công. Nếu xung quanh bạn chỉ có những người bắt chước điểm mạnh của bạn thì hội thánh sẽ có vấn đề. Lấy ví dụ, tôi là một người có khải tượng và tôi có thể nhìn được bức tranh toàn cảnh, nhưng để khải tượng trở thành thực tế thì tôi cần những người khác ở cạnh tôi. Họ là những người rèn khải tượng thành thực tế. Đừng đưa cho tôi cái búa. Chắc tôi sẽ làm đau ai đó mất!
Xin phép cho tôi được nói thẳng, rằng nhiều mục sư trong chúng ta sợ thừa nhận rằng mình không thể làm được một số điều. Trong trường hợp này, bước thực tế đầu tiên để làm việc nhóm là bạn phải thừa nhận rằng bạn cần có đội ngũ.
Hội thánh Saddleback thành công không chỉ vì Rick Warren. Hội thánh Saddleback thành công vì có nhiều người làm việc vì một mục tiêu chung. Rõ ràng tôi là người đưa ra khải tượng, nhưng những người như Glen Kreun – ông trở thành nhân sự chỉ hai năm sau khi tôi thành lập hội thánh – mới chính là những người biến khải tượng thành thực tế.
Đó chính là lý do tại sao mà ở Saddleback, tôi lại chủ ý chọn những nhân sự biết kiểm soát những điểm mạnh và điểm yếu của mình. Tôi cho rằng bí mật của hội thánh tốt nằm ở chỗ họ có thể chọn những người thông minh hơn mình, nhất là ở những lĩnh vực mà mình không biết gì.
Hai là, đội ngũ làm được nhiều việc hơn là các cá nhân làm việc độc lập.
Nguyên tắc này được dạy dọc suốt Kinh thánh. Nhiều người làm thì được nhiều việc hơn. Truyền đạo 4: 9-12 nói tới điều này. Hai người hơn một, và một sợi dây bện ba tao lấy làm khó đứt. Sách Nê-hê-mi cũng nói điều tương tự như vậy. Trong sách này, người ta làm việc theo nhóm hoặc theo từng nhà.
Trong Tân Ước, Chúa Giê-su sai các sứ đồ đi theo từng đôi để phục vụ (Mác 6:7). Trong Công vụ đoạn 24, Phao-lô đã liệt kê 7 người cụ thể là một phần trong đội ngũ phục vụ.
Sự khích lệ lẫn nhau rất cần thiết đối với chức vụ của bạn vì bạn KHÔNG chỉ thực hiện các dự án với dự định tốt không thôi: Bạn đang ở trong trận chiến thuộc linh; truyền tải sứ điệp quan trọng nhất mà thế gian hư hoại này từng nghe tới! Ma quỷ muốn đánh bại bạn và một trong những công cụ yêu thích của nó là sự ngã lòng. Đó là lý do tại sao chúng ta rất cần một đội làm việc cùng bạn, dù bạn có là mục sư trưởng lãnh đạo trên một đội ngũ nhân sự lớn hoặc chỉ là nhân sự được trả lương trong hội thánh mà thôi.
Ba là, đội ngũ mạnh thì không bị sự bất đồng đe dọa.
Hãy nhớ rằng có hai điều cần thiết trong làm việc theo đội: có một mục tiêu chung và biết truyền thông tốt. Để có thể truyền thông tốt, mọi người cần phải sẵn sàng bày tỏ quan điểm của mình dù cho nó có khác nhau tới mức nào.
Peter Drucker nói rằng nếu trong một cuộc thảo luận chỉ có một bên trình bày thì sẽ không có sự tư duy. Vì thế, nếu mọi người trong đội của bạn không đưa ra được từ hai quan điểm trở lên về một vấn đề cụ thể nào đó, thì có nghĩa là không nhiều tư duy lắm. Hoặc có thể họ ĐANG tư duy nhưng lại SỢ bày tỏ quan điểm.
Bạn cần phải tạo được một môi trường đội ngũ mà người ta không sợ nói ra điều gì ngốc nghếch, không sợ mắc sai lầm. Thên nữa, bạn cần phải chắc rằng mình không bị sự bất đồng hăm dọa,
Cuối cùng, tôi xin mượn một số đặc điểm của đội ngũ hiệu quả trong cuốn “The Human Side of Enterprise” (Tạm dịch: Mặt Con Người Trong Doanh Nghiệp) của Douglas MacGregor. Ông nói:
• Đội ngũ làm việc hiệu quả có bầu không khí thoải mái, thân mật và không căng thẳng.
• Mọi người đều tham gia thảo luận.
• Các nhiệm vụ được vạch ra rõ ràng và được các thành viên trong đội đồng thuận.
• Mọi người trong một đội THẬT SỰ lắng nghe nhau.
• Trong một đội ngũ hiệu quả, người ta được đưa ra những ý kiến phản biện mà không bị công kích cá nhân.
• Các thành viên không chỉ trình bày ý tưởng mà còn được tự do bày tỏ cảm xúc của mình.
• Mọi thứ đều cởi mở, không giấu giếm bất kỳ chương trình nào.
• Giao nhiệm vụ rõ ràng và nhận được sự đồng thuận.
• Sự lãnh đạo thay đổi tùy thuộc vào hoàn cảnh.
– Tác giả: Rick Warren –
– Nguồn: pastors.com –
– Người dịch: Lê Hằng –