Đông Âu: Ẩn Dụ Về Ba Cây Non
Một ngày kia trong khu rừng, có ba cây non thảy đều đồng ý cầu nguyện để chúng được sử dụng vào mục đích cao quý nào đó thay vì bị chết già đến mục nát.
Cây thứ nhất muốn trở thành một máng cỏ, nơi súc vật mệt mỏi có thể có được thức ăn sau một ngày làm việc dài dằng dặc. Đức Chúa Trời đã ban thưởng cho cây này vì sự khiêm tốn như thế. Nó đã trở thành một máng cỏ rất đặc biệt – Con Đức Chúa Trời đã được đặt nằm trong chính máng cỏ đó.
Cây thứ nhì cầu nguyện để được trở thành con thuyền. Lời cầu nguyện được nhậm, và chẳng bao lâu gỗ tốt của nó đã bảo vệ cho một vị khách rất đặc biệt – Con Đức Chúa Trời. Nó được nghe Đức Chúa Giê-su bình tịnh cơn bão ác liệt bởi lời phán: “Hãy yên đi, lặng đi.” Cây này kể đời sống mình thật xứng đáng vì được chứng kiến cảnh tượng như thế.
Tuy nhiên, cây thứ ba lại được làm thành một cây thập tự to lớn để dùng làm công cụ gây khốn khổ. Cây này thoạt đầu thất vọng vì số phận của mình. Tuy nhiên, một ngày kia, Giê-su ở Na-xa-rét bị đóng đinh trên cây thập tự ấy. Thật kỳ lạ, nhưng cây thập tự không hề nghe tiếng than thở và rủa sả như trên những cây thập tự khác. Trái lại, nó được nghe Con Đức Chúa Trời nói ra những lời yêu thương và tha thứ thiên thượng – những lời đã mở cửa Thiên Đàng cho một tên chịu ăn năn.
Cây này bấy giờ mới hiểu rằng đóng góp của mình trong sự đóng đinh Chúa Giê-su đã đem lại sự cứu rỗi cho nhân loại.
Trong những Hội Thánh thầm lặng trên khắp Đông Âu, ẩn dụ về các cây non này thường được kể để khích lệ những ai đang chịu khổ vì đức tin. Những tín hữu này cần nhìn thấy mục đích trong điều mà họ đang chịu đựng. Họ ắt hẳn phải có những niềm hy vọng và những ước nguyện cao cả biết dường nào khi lần đầu tiên nói mình muốn được Chúa sử dụng cho vinh quang Ngài. Thế nhưng, sự đàn áp, hà hiếp dường như đã dứt họ ra khỏi những kế hoạch của Đức Chúa Trời. Làm sao mà sự chịu khổ cách bất công có được vai trò nào trong một kế hoạch như thế? Giống như cái cây đã làm nên thập tự, họ nhận ra mình cũng đang được định hình để làm thành mục đích tối thượng của Đức Chúa Trời dành cho đời sống họ. Từ vẫn cảnh này, chịu khổ không còn bị xem như là sự gián đoạn trong kế hoạch của Đức Chúa Trời cho đời sống bạn, nhưng như một phần không thể thiếu của tiến trình ấy.
-Nguồn: Trích sách: “Tận Hiến Tột Cùng”-