Search
Thursday 21 November 2024
  • :
  • :

Đường Trường Chinh Khổ Nạn: Điều Gì Xảy Ra Khi Đức Tin Tôi Không Đủ?

Đường Trường Chinh Khổ Nạn: Điều Gì Xảy Ra Khi Đức Tin Tôi Không Đủ?

Ngoại trừ một số bài viết đặc biệt, gần một năm trở lại đây, tôi gần như không viết blog. Kể từ khi con trai tôi, Kyle, tái phát bệnh bạch cầu. Tôi đã viết một số bài về chủ đề này, đó là điều tôi sẽ không nhắc lại nữa.

Tôi là một nhà văn. Bất kể tôi được công bố bao nhiêu lần hay công bố tại địa điểm nào, nó cần phải tạo nên sự sống trong tâm hồn tôi. Nó là một phần của con người tôi. Nó là con người tôi. Bạn hẳn sẽ nghĩ điều đầu tiên tôi hướng đến mỗi khi gặp một cơn khủng hoảng hay trong cuộc chiến sẽ là viết lách. Ít nhất là đăng bài cho một tạp chí.

Nhưng tôi không thể. Tôi không làm thế. Một số ngày, tôi sẽ không viết.

Viết lách bao hàm rộng hơn là sắp xếp các từ ngữ lên một trang giấy. Viết lách là cho cảm xúc được tuôn trào để xây đắp nên một câu chuyện, dù đó là câu chuyện giả tưởng hay sự thật. Một khi con đập cảm xúc đã mở, thì mọi cảm nhận của tôi tuôn trào và khiến tôi bận rộn với việc giải quyết hậu quả, tôi không thể làm được điều mình cần làm. Tôi không thể chăm sóc cho Kyle và gia đình mình.

Bởi đó mà tôi phải thiết lập lại trật tự công việc để hoạt động. Ngắt hoàn toàn những thứ lấy đi sự tập trung. Và với tôi đó là việc viết lách.

Đúng vậy, tôi suy sụp. Có những lỗ hổng trong con đập của tôi. Tôi không mạnh mẽ đến như vậy. Tôi khóc. Tôi tức giận. Than thở và rên rỉ. Nhưng tôi đóng gói lại hết mấy điều đau buồn đó để tôi có thể bước xuống giường và làm điều tôi cần làm bấy lâu nay. Cuộc sống vẫn tiếp diễn và tôi không thể yêu cầu thêm thời gian chờ để vực lại bản thân.

Nhưng có lý do khác khiến tôi trở nên trầm lặng. Nếu bạn không đánh giá sự chân thật, thất bại và một câu chuyện vẫn đang chờ đợi một cái kết có hậu, thì có lẽ bạn nên ngừng đọc. Trong kho bài viết trên trang blog của tôi còn rất nhiều bài viết mang tính khích lệ.

Lý do lớn nhất khiến tôi không viết blog nữa là vì tôi không còn gì để nói. Dù sao cũng chẳng còn gì ích lợi cho người khác. Thường những bài viết của tôi mang tính khích lệ và truyền cảm hứng. Những bài học hay sự hiểu biết mà Chúa đã dạy dỗ tôi.

Tôi tin Chúa từ năm bốn tuổi. Cho đến khi Kyle tái phát căn bệnh, tôi đã vẫn gìn giữ đức tin giống như con trẻ rằng Đức Chúa Trời có thể làm được bất kể điều gì. Rằng Chúa luôn ở bên tôi, rằng tôi không nhất thiết phải hiểu hoàn cảnh của mình để có đức tin.

Cuộc sống không không bằng. Điều xấu vẫn xảy đến. Con người đưa ra những lựa chọn sai lầm ảnh hưởng đến người khác. Cái chết, bệnh tật và đau khổ vẫn rảo bước quanh chúng ta mỗi ngày. Nhưng giữa những rối ren và lộn xộn ấy, trong sâu thẳm trái tim mình, tôi vẫn nghe thấy tiếng Chúa và cảm thấy sự bình an. Bằng cách nào đó, điều ấy đủ để làm cuộc sống trở nên đúng đắn.

Lần đầu khi Kyle bị ung thư là lúc nó 10 tuổi, tôi chạy vào nhà vệ sinh trong bệnh viện và nài xin Chúa cất hết mọi cảm xúc tồi tệ, bởi tôi biết mình không thể vượt qua vách núi ung thư mà không có Ngài. Và Chúa đã đáp lời cầu nguyện ấy. Trong suốt bốn năm tranh chiến, tôi trở nên chán nản, giận dữ và tổn thương. Nhưng tôi không đổ lỗi cho Chúa. Tôi cảm thấy Ngài bước đi cùng tôi. Tôi cũng đã viết một bài về điều đó: “Liệu Chúa có thể tìm thấy con không? Thậm chí cả trong một nhà vệ sinh”.

Hiện tại, tôi đang tựa vào giường với cái mắt cá chân bị vỡ. Kyle vẫn còn 15 tháng điều trị cộng với hai lần nằm viện và rất nhiều lần tới phòng khám nữa. Tôi là người chăm sóc nó và cũng chỉ có thể chăm sóc bản thân nữa thôi.

Trong cái giây phút tôi gục ngã, phản ứng đầu tiên của tôi là khẩn thiết xin Chúa cho tôi làm lại để mình có thể bước đi bên trái thay vì bên phải. Phản ứng thứ hai là thét lên với Chúa:
Tại sao lại là chấn thương này? Tại sao lại vào thời điểm này?

Và đây là danh sách liệt kê tôi dâng Ngài trong những ngày tiếp sau đó:

Kyle cần con – cả tâm thần lẫn thể chất vật lý.
Gia đình con cần con.
Sự chịu đựng của con hiện tại như giọt nước tràn ly.
Đức tin con đã lung lay cả năm nay, con sẵn sàng để được ở dưới tảng đá thuộc linh.

Chúa có đang lắng nghe con? Ngài có thật không? Hay bởi Ngài không còn yêu con nữa?

Kể từ khi Kyle tái bệnh, một năm sau Giáng Sinh, đức tin con trẻ mà tôi vẫn luôn mang đã dần dần vơi đi.

Nếu các bạn vẫn còn theo dõi, thì giờ tôi sẽ thành thật về lý do mà tôi đang chia sẻ.

Tôi biết tôi không phải là người duy nhất tranh chiến cũng như đầy nghi vấn. Nhưng có lẽ tôi là người công khai thừa nhận nó. Tôi không thể nói dối về đức tin của mình và càng không thể chia sẻ những câu chuyện khích lệ khi mà tôi không có gì để chia sẻ.

Biết rằng việc tôi không tranh chiến một mình đã khích lệ tôi rất nhiều. Vậy nên, nếu bạn cũng đang ở hoàn cảnh như tôi, hãy nhớ rằng bạn không cô độc đâu. Bạn chẳng phải người xấu và chắc chắn bạn cũng không phải một Cơ Đốc nhân tồi tệ.

Chúa không lo sợ gì về thắc mắc của bạn cả. Chúa lớn hơn cả điều ấy. Ngài không lo lắng về cơn giận của bạn, cũng chẳng lo sợ sự thất vọng của bạn hay những ngôn từ không đẹp mà bạn lỡ thốt ra khi mà bạn đang chĩa sự giận dữ mình về phía Ngài.

Này là điều mà đức tin con trẻ đã dạy tôi – điều tệ nhất mà tôi có thể làm là chấm dứt dây nối của sự thông công, hạn chế cảm xúc buồn và bỏ đi. Nghi hoặc Chúa không hẳn là thiếu tôn trọng Ngài.

Nên tôi có một danh sách khác liệt kê những điều chúng ta có thể cùng nhau cân nhắc:

Nếu những ngày tới, Đức Tin đơn sơ của tôi không đủ thì sao?
Nếu tôi cần biết rõ về điều mình tin và lý do thì sao?
Lỡ như tôi cần bị đổ vỡ để có thể được gây dựng lại thì sao?
Hoặc như tôi không thể thấy cái kim dưới đáy bể trong trận chiến của mình và tôi cần phải tĩnh lặng chờ đợi đáp án thì sao?

Tôi không thích hoàn cảnh mà tôi đang ở – tâm linh hay cuộc sống thể chất. Ghét việc đứng nhìn con mình đang quằn quại chịu đựng mà không thể nào giúp nó. Tôi ghét việc bị bế tắc và bất động để sửa chữa mọi thứ.

Nhưng tôi đang ở trong hành trình của mình.

Năm ngoái tôi không viết gì bởi vì tôi muốn chia sẻ điều Thiên Chúa làm sau khi cuộc hành trình kết thúc. Nhưng tôi không thấy sự kết thúc. Chưa đến lúc. Và có thể việc chia sẻ trong cuộc hành trình này là mới là phần quan trọng nhất chăng.

Có thể chương trình của Chúa quá lớn để tôi có thể thấy và hiểu được cho đến khi tôi tiến xa hơn chút nữa.

“Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong và là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy.
Ấy là nhờ đức tin mà các đấng thuở xưa đã được lời chứng tốt.
Bởi đức tin, chúng ta biết rằng thế gian đã làm nên bởi lời của Đức Chúa Trời, đến nỗi những vật bày ra đó đều chẳng phải từ vật thấy được mà đến.” Hê-bơ-rơ 11:1-3

– Tác giả bài viết: Lori Freeland –
– Nguồn: crosswalk.com

– Người dịch: Phương Phương Nhung –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.