Hoạt động hay hiệu quả công việc?
Các bạn thân mến, tôi xin phép được nói với các bạn về hai điều quan trọng liên quan đến bất kì hoạt động nào.
Chắc chắn là mỗi chúng ta thường suy nghĩ và cầu nguyện để có thể thành công trong mục vụ của mình. Sự gia tăng và phát triển là những mục tiêu cần thiết trong mục vụ của chúng ta.
Trên con đường vươn đến mục đích đó, chúng ta cần phải chú ý cả những thời cơ và thách thức, cần thấy được những điều góp phần vun đắp nên thành công của chúng ta và điều gì sẽ phá đổ nó. Một trong những mối đe dọa phổ biến nhất là chúng ta vẫn tiếp tục đổ “rượu mới vào bình cũ”. Nghĩa là chúng ta tiếp tục thực thi mục vụ của mình với những biện pháp và cách tiếp cận cũ kĩ trước đây. Chúng ta tiếp tục sử dụng những phương pháp quen thuộc, dù chúng không mang lại kết quả mong đợi.
Có vẻ việc tách biệt hoạt động và hiệu quả công việc là sai bởi vì sẽ không thể có hiệu quả mà không có hoạt động.
Chắc chắn là bất kì công việc nào cũng đòi hỏi hoạt động, tuy nhiên chúng ta phục vụ và nhắm đến kết quả chứ không phải quá trình. Theo Kinh thánh, tiêu chí để đánh giá công việc của chúng là kết quả cuối cùng hay như Lời Chúa nói – BÔNG TRÁI
Chúa Giê-su nói: Thật thế, nhờ trái của họ mà anh em sẽ nhận biết họ. Ma-thi-ơ 7:20
Cây vả mà Chúa Giê-su chăm xem chỉ có lá mà không có quả, và nó nhanh chóng bị khô héo. Điều quan trọng là mục vụ trong hội thánh không chỉ có những dự án và sự kiện mà còn phải có bông trái đời đời.
Về mối liên hệ giữa quá trình và kết quả:
Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu hột giống lúa mì kia, chẳng chết sau khi gieo xuống đất, thì cứ ở một mình; nhưng nếu chết đi, thì kết quả được nhiều. Giăng 12:24
Chúng ta thấy rằng bông trái không phụ thuộc vào hoạt động mà trước hết phụ thuộc vào sự hy sinh và cam kết, từ đó sẽ dẫn đến sự tăng trưởng bông trái. Hoạt động không phải chỉ cần có sự nhiệt tình, nó cần phải có bông trái (mục đích). Thật không may, hoạt động thường được xem là tiêu chuẩn chính để đánh giá một người phục vụ. Điều chúng ta cần chú trọng không phải là công việc, mà đúng ra phải là kết quả của công việc đó.
Hãy nhớ lại những lời của Chúa Giê-su:
Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi. Ma-thi-ơ 7: 21
Những gì chúng ta nói phải là cơ sở cho công việc chúng ta làm. Bạn có thể nói hàng năm trời rằng cần phải cải thiện một hội thánh hay một mục vụ nào đó nhưng vẫn không có kết quả gì.
Trong Tân Ước, chúng ta thấy hai mục tiêu quan trọng trong mục vụ, nhắm đến việc xây dựng Nước Thiên Đàng. Đó là:
1. Sự tăng trưởng của cộng đồng địa phương
2. Xây dựng hội thánh mới
Tôi xin phép được chỉ ra rằng sự tăng trưởng của cộng đồng địa phương là mục tiêu của bất kì mục vụ hay bất kì người hầu việc nào.
Một đặc điểm tiêu biểu của những hội thánh đời đầu là họ tăng trưởng và nhân lên.
Đạo Đức Chúa Trời càng ngày càng tràn ra, số môn đồ tại thành Giê-ru-sa-lem thêm lên nhiều lắm. Cũng có rất nhiều thầy tế lễ vâng theo đạo nữa. Công vụ 6:7
Đây là câu Kinh thánh mà Đức Thánh Linh vừa bày tỏ cho tôi gần đây.
Như tôi đã viết trước đó, thói quen cố hữu chính là những thứ cản trở sự phát triển của hội thánh – khi mà những phương thức để đạt được mục tiêu lại trở thành mục tiêu. Hay nói cách khác là mục vụ chỉ được thực hiện để cho có.
Tại sao hội thánh vẫn tăng trưởng?
Trước hết: qua những lời chứng: sự cải đạo
Thứ hai: qua sự ăn năn và trở về của những tín hữu đã từng ngã lòng.
Thứ ba: môn đồ hóa
Khi chúng ta giúp những tín hữu mới bước đi trong sự môn đồ hóa, hội thánh sẽ tăng trưởng.
Thật không may là trong suốt một thời gian dài, chúng ta đã nhìn thấy nhiều người đến với Đấng Cứu Thế một cách chân thành và mở lòng nhưng cuối cùng không đi theo Ngài.
Khi chúng ta đặt sự tăng trưởng của hội thánh là mục tiêu của mình thì điều này không chỉ phụ thuộc vào số người đến với Đấng Christ mà còn dựa vào việc bao nhiêu trong số họ bước theo Chúa Giê-su. Đây là một mục tiêu rõ ràng “Số môn đồ thêm lên nhiều lắm”.
Bấy lâu nay tôi vẫn cầu nguyện rằng những năm tháng mục vụ của chúng ta sẽ là thời gian kết trái dư dật.
Hãy cùng kiểm tra hiệu quả công việc của chúng ta!
Bao nhiêu phần trăm những gì chúng ta nói được thể hiện qua công việc của chúng ta? Chúng ta nhìn thấy bao nhiêu bông trái trong công việc mình làm?
Hãy nhớ rằng hoạt động mà không có kết quả cũng trở nên vô nghĩa với Chúa.
Khi chúng ta làm việc, sự hy sinh và sự cam kết sẽ mang đến bông trái – đó là hoạt động có hiệu quả!
Trong tình yêu của Chúa,
Mục sư Vasily Vityurk
– Người dịch: Trịnh Quế –