Search
Thursday 21 November 2024
  • :
  • :

Đức Chúa Trời Có Đáp Lời Cầu Nguyện Của Chúng Ta Hay Không?

Đức Chúa Trời Có Đáp Lời Cầu Nguyện Của Chúng Ta Hay Không?

Chúng ta cần làm gì để Chúa đáp lời cầu nguyện?

Làm Thế Nào Để Cầu Nguyện: Lời Cầu Nguyện Được Nhậm

Bạn có từng biết ai đó thật sự tin cậy Chúa? Khi tôi còn là một người theo chủ nghĩa vô thần, tôi có một người bạn rất hay cầu nguyện. Mỗi tuần cô ấy thường kể cho tôi nghe về điều gì đó mà cô tin cậy Chúa sẽ lo liệu cho. Và mỗi tuần tôi đều thấy Chúa làm điều gì đó lạ thường để đáp lời cầu nguyện của cô. Bạn có biết rằng thật khó khăn thể nào cho một người vô thần như tôi cứ phải nghe những điều như thế từ tuần này sang tuần khác? Không lâu sau, những điều tôi cho là “sự trùng hợp ngẫu nhiên” ấy dần trở thành những lý lẽ yếu ớt.

Vậy thì tại sao Đức Chúa Trời đã đáp lời cầu nguyện của bạn tôi? Lý do lớn nhất là cô ta có mối quan hệ với Chúa. Cô ta muốn theo Chúa và cô ấy thật sự lắng nghe những gì Chúa phán. Trong tâm trí cô, Đức Chúa Trời có quyền hướng dẫn cuộc đời cô và cô sẵn lòng để Ngài làm điều đó! Khi cô cầu nguyện thì đó như là một phần trong mối quan hệ với Chúa. Cô cảm thấy thật dễ chịu khi đến với Chúa với những nhu cầu, những nỗi bận tâm và với bất cứ vấn đề gì đang xảy ra trong đời sống cô. Hơn nữa, cô tin chắc từ những gì cô đọc trong Kinh Thánh rằng Đức Chúa Trời muốn cô tin cậy Ngài như thế.

Cô hầu như bày tỏ cho mọi người thấy lời tuyên bố của Kinh Thánh sau đây là đúng: “Nầy là điều chúng ta dạn dĩ ở trước mặt Chúa, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta.”1 “Vì mắt của Chúa đoái trông người công bình, tai Ngài lắng nghe lời cầu nguyện người…”2

Nếu vậy, Tại Sao Đức Chúa Trời Không Nhậm Tất Cả Lời Cầu Nguyện Của Mọi Người?

Ấy có thể là do họ không có mối quan hệ với Chúa. Họ có thể biết Đức Chúa Trời có tồn tại và thậm chí đôi khi họ cũng có thể thờ phượng Chúa nhưng những ai dường như chưa từng được đáp lời cầu nguyện thì hầu như không có mối quan hệ gì với Ngài. Hơn nữa, họ chưa từng tiếp nhận sự tha thứ trọn vẹn của Chúa cho tội lỗi của họ. Bạn có thể hỏi: Vậy điều đó phải hiểu như thế nào? Đây là lời giải đáp: “Nầy, tay Đức Giê-hô-va chẳng trở nên ngắn mà không cứu được; tai Ngài cũng chẳng nặng nề mà không nghe được đâu. Nhưng ấy là sự gian ác các ngươi làm xa cách mình với Đức Chúa Trời; và tội lỗi các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi, đến nỗi Ngài không nghe các ngươi nữa.”3

Việc cảm thấy có khoảng cách với Đức Chúa Trời như thế là khá bình thường. Khi con người bắt đầu cầu xin Chúa thứ gì thì điều gì thường diễn ra? Họ bắt đầu với: “Lạy Chúa, con thật sự cần sự giúp đỡ của Ngài trong vấn đề này…?” Rồi sau đó là sự im lặng, rồi lại tiếp tục… “Con nhận ra rằng con không phải là người hoàn hảo và thật sự con không có quyền để xin Ngài điều này…” Đó là sự tự ý thức về tội lỗi và sự thất bại cá nhân. Và họ cũng biết không chỉ họ mà Đức Chúa Trời cũng nhận ra điều đó nữa. Cảm giác: “Tôi dối được ai đây?” xuất hiện. Điều mà họ có thể không biết là làm sao họ có thể tiếp nhận sự tha thứ của Chúa cho những tội lỗi của họ. Họ không biết họ có thể bước vào mối quan hệ với Chúa để Chúa sẽ lắng nghe họ. Đây là cơ sở để Chúa đáp lời cầu nguyện của bạn.

Làm Thế Nào Để Cầu Nguyện: Nền Tảng

Trước hết bạn phải bắt đầu mối quan hệ với Chúa. Hãy thử hình dung một người tên là Mike quyết định cầu xin vị hiệu trưởng trường Đại Học Princeton (người Mike thậm chí chưa từng biết) cùng ký một khoản tiền vay để mua xe cho anh. Mike sẽ không có bất kì cơ hội nào để làm được việc ấy. (Chúng ta đều thừa nhận rằng vị hiệu trưởng trường Princeton này không phải là kẻ ngu ngốc.) Tuy nhiên, nếu người con gái của cùng vị hiệu trưởng ấy cầu xin cha mình ký khoản tiền cho vay để mua xe cho cô thì việc đó không thành vấn đề. Rõ ràng mối quan hệ mới là điều quan trọng.

Với Chúa, khi một người thật sự là con của Chúa, khi một người thuộc về Chúa thì Ngài biết họ và lắng nghe lời cầu nguyện của họ. Chúa Giê-su phán: “Ta là người chăn hiền lành, ta quen chiên ta, và chiên ta quen ta… Chiên ta nghe tiếng ta, ta quen nó, và nó theo ta. Ta ban cho nó sự sống đời đời; nó chẳng chết mất bao giờ, và chẳng ai cướp nó khỏi tay ta.”4

Khi đó là Chúa thì liệu bạn có thật sự biết Ngài và Ngài có biết bạn hay không? Bạn có mối quan hệ với Chúa, là điều đảm bảo Chúa sẽ đáp lời cầu nguyện của bạn hay không? Hoặc Chúa qua xa vời hoặc Ngài chỉ là một ý niệm nào đó trong đời sống bạn? Nếu Chúa ở xa hoặc bạn không chắc rằng bạn biết Chúa thì đây là cách bạn bắt đầu mối quan hệ với Ngài lúc này: Nối kết quan hệ.

Chúa Chắc Chắn Sẽ Đáp Lời Cầu Nguyện Của Bạn Chứ?

Đối với những ai biết Ngài và tin cậy Ngài, Chúa Giê-su dường như quá rộng lượng khi đề nghị: “Ví bằng các ngươi cứ ở trong ta, và những lời ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó.”5 “Cứ ở” trong Ngài và lời Ngài ở trong họ có nghĩa là họ hướng đời sống mình nhận biết Chúa, nương dựa nơi Chúa và lắng nghe những điều Ngài phán dạy. Rồi họ có thể cầu xin Chúa bất cứ điều gì họ muốn. Và đây là tiêu chuẩn khác: “Nầy là điều chúng ta dạn dĩ ở trước mặt Chúa, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta. Nếu chúng ta biết không cứ mình xin điều gì, Ngài cũng nghe chúng ta, thì chúng ta biết mình đã nhận lãnh điều mình xin Ngài.”6 Đức Chúa Trời đáp lời cầu nguyện của chúng ta theo ý muốn của Ngài (theo sự khôn ngoan, sự thánh khiết của Ngài và tình yêu Ngài dành cho chúng ta…)

Cái mà chúng ta thường hay vấp phải là vì chúng ta cho rằng chúng ta biết ý muốn của Chúa do chúng ta có ấn tượng về một điều nào đó! Chúng ta cho rằng chỉ có một “câu trả lời” đúng duy nhất cho một lời cầu nguyện cụ thể và cứ đinh ninh rằng ĐÓ mới là ý muốn của Chúa. Và khi ấy chúng ta sẽ gặp rắc rối. Chúng ta sống có giới hạn và hiểu biết cũng có giới hạn. Chúng ta chỉ có những thông tin hữu hạn về một hoàn cảnh và những gợi ý hành động tương lai trong hoàn cảnh đó. Sự hiểu biết của Chúa là vô hạn. Ngài biết rõ một sự kiện diễn ra trong quá trình sống hay trong dòng lịch sử như thế nào. Và Ngài có mục đích cho những điều này vượt ngoài sự suy tưởng của chúng ta. Do đó, Đức Chúa Trời sẽ không làm gì chỉ vì chúng ta quyết định điều đó hẳn phải là ý muốn của Ngài.

Sự Cầu Nguyện Cần Gì? Chúa Có Khuynh Hướng Làm Gì?

Hàng trăm trang giấy cũng không thể nào diễn tả hết ý định mà Chúa dành cho chúng ta. Toàn bộ Kinh Thánh là sự mô tả loại quan hệ Chúa muốn chúng ta kinh nghiệm với Ngài và loại sự sống mà Ngài muốn ban cho chúng ta. Sau đây chỉ là vài ví dụ minh hoạ:
“Dầu vậy, Đức Giê-hô-va còn chờ đợi để làm ơn cho các ngươi; Ngài sẽ được tôn lên mà thương xót các ngươi; vì Giê-hô-va là Đức Chúa Trời công nghĩa. Phước thay cho mọi kẻ trông đợi [tin cậy] Ngài!”7 Bạn hiểu được chăng? Như một người đứng lên, rời khỏi ghế để đến giúp bạn, “Ngài cũng đứng lên để tỏ lòng thương xót đối với bạn.” “Còn Đức Chúa Trời, các đường lối Ngài là trọn vẹn;… Ngài là cái khiên cho những kẻ nào nương náu mình nơi Ngài.”8 “Đức Chúa Trời đẹp lòng người kính sợ [tôn kính] Ngài, và kẻ trông đợi sự nhân từ của Ngài.”9
Tuy nhiên, sự bày tỏ lớn nhất về tình yêu và lời kết ước của Chúa với bạn là: Chúa Giê-su phán: “Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình.”10 Ấy là điều Chúa Giê-su đã làm cho chúng ta. Và như vậy: “Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao?”11

Còn Những Lời Cầu Nguyện “Không Được Nhậm” Thì Sao?

Lẽ dĩ nhiên, con người sẽ mắc bệnh và chết; nan đề tài chính và mọi hoàn cảnh hết sức khó khăn có thể xảy ra. Lúc đó thì sao?

Đức Chúa Trời bảo chúng ta hãy giao mọi lo lắng mình cho Ngài. Ngay cả khi hoàn cảnh đó vẫn còn tăm tối: “Hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em.”12 Hoàn cảnh có thể ngoài tầm kiểm soát nhưng chúng không phải là không thể kiểm soát được. Khi cả thế giới dường như sụp đổ thì Đức Chúa Trời vẫn có thể gìn giữ chúng ta. Lúc ấy một người có thể rất biết ơn vì người ấy biết Ngài. “Chúa đã gần rồi. Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời Vượt Quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Giê-su Christ.”13 Chúa sẽ cho chúng ta giải pháp, cách giải quyết nan đề vượt ngoài sự suy tưởng của chúng ta. Hầu như bất kì Cơ Đốc Nhân nào cũng có thể liệt kê những trường hợp như vậy trong cuộc sống của họ. Nhưng nếu hoàn cảnh không được cải thiện, Đức Chúa Trời vẫn có thể ban cho chúng ta sự bình an ngay trong nghịch cảnh. Chúa Giê-su phán: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi.”14

Lúc này (khi hoàn cảnh vẫn còn khắc nghiệt) Đức Chúa Trời vẫn đòi hỏi chúng ta tiếp tục tin cậy Ngài – “bước đi bởi đức tin chứ không bởi mắt thấy” như Kinh Thánh chép. Nhưng đây không phải là đức tin mù quáng. Đức tin này dựa ngay trên đặc tính của Đức Chúa Trời. Một chiếc xe đang băng trên cầu Kim Môn (cầu Golden Gate ở Mỹ – ND) hoàn toàn được nâng đỡ bởi sự chắc chắn của cây cầu. Việc người lái xe cảm thấy gì, nghĩ gì hay đang tranh luận gì với vị hành khách nào đó đều không thành vấn đề. Cái giữ chiếc xe an toàn là sự chắc chắn của cây cầu, là cái người tài xe ấy sẵn sàng tin tưởng.

Cũng vậy, Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta tin cậy vào sự chân thật của Ngài, đặc tính của Ngài… lòng thương xót, tình yêu thương, sự khôn ngoan và sự công bình của Ngài. Ngài phán: “Đức Giê-hô-va từ thuở xưa hiện ra cùng tôi và phán rằng: Phải, ta đã lấy sự yêu thương đời đời mà yêu ngươi; nên đã lấy sự nhân từ mà kéo ngươi đến.”15 “Hỡi bá tánh, khá nhờ cậy nơi Ngài luôn luôn, hãy dốc đổ sự lòng mình ra tại trước mặt Ngài: Đức Chúa Trời là nơi nương náu của chúng ta.”16

Tóm tắt… Làm Thế Nào Để Cầu Nguyện

Đức Chúa Trời muốn đáp lời cầu nguyện của con cái Ngài (những người đã tiếp nhận Chúa vào đời sống của họ và tìm cầu Chúa). Ngài mời gọi chúng ta hãy giao bất kì nỗi bận tâm nào của chúng ta cho Ngài trong sự cầu nguyện rồi Ngài sẽ hành động theo ý muốn của Ngài. Khi chúng ta đối diện với khó khăn, chúng ta phải giao chúng cho Chúa và nhận lấy sự bình an từ Chúa bất chấp mọi hoàn cảnh. Cơ sở để chúng ta hy vọng và tin cậy là chính bản tính của Ngài. Chúng ta càng biết Chúa bao nhiêu, chúng ta càng có khuynh hướng tin cậy Chúa bấy nhiêu.

Để hiểu thêm về bản tính của Chúa, xin xem “Đức Chúa Trời là ai?” hoặc những bài viết khác trong trang web này. Lý do chúng ta cầu nguyện là do chúng ta biết Chúa là ai. Lời cầu nguyện đầu tiên được Chúa nhậm là lời cầu nguyện để bắt đầu mối quan hệ với Ngài.

Bài viết của Marilyn Adamson

Nguồn: everyvietstudent.com

Ghi chú:

(1) 1 Giăng 5:14 (2) 1 Phi-e-rơ 3:12 (3) Ê-sai 59:1,2 (4) Giăng 10:14,27-28 (5) Giăng 15:7 (6) 1 Giăng 5:14,15 (7) Ê-sai 30:18 (8) Thi thiên 18:30 (9) Thi thiên 147:11 (10) Giăng 15:13 (11) Rô-ma 8:32 (12) 1 Phi-e-rơ 5:7 (13) Phi-líp 4:5-7 (14) Giăng 14:27 (15) Giê-rê-mi 31:3 (16) Thi thiên 62:8




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.