Search
Thursday 21 November 2024
  • :
  • :

Yếu Tố Làm Nên Một Người Dẫn Thờ Phượng Thành Công

Yếu Tố Làm Nên Một Người Dẫn Thờ Phượng Thành Công

Những người dẫn thờ phượng thành công nhất là những người muốn nghe dân sự cất tiếng hát, thật sự hát

Công việc hằng tuần của một mục sư hay người dẫn thờ phượng là chọn ra những bài hát để Hội Thánh thờ phượng Chúa vào Chúa Nhật tiếp theo. Họ phải đứng giữa rất nhiều lựa chọn để chọn ra năm tới sáu bài hát phù hợp nhất với buổi thờ phượng sắp tới. Vậy làm thế nào để đưa ra được những lựa chọn đúng đắn? Làm thế nào để họ có thể dẫn dắt dân sự trong sự thờ phượng mạnh mẽ nhất?

Trong vòng nửa năm qua, tôi đã đi tới khá nhiều nơi và hầu như đến nơi nào tôi cũng có cơ hội được dự buổi thờ phượng. Tôi không chỉ được tham gia thờ phượng với những hội chúng nhỏ ở những vùng đất hẻo lánh mà cả ở trung tâm những thành phố lớn với những hội chúng đông người. Tôi đã được trải nghiệm thờ phượng Chúa tại Hội Thánh của tôi và cả ở những quốc gia khác, thờ phượng không có nhạc đệm hay cùng dàn hợp xướng của những ban nhạc chuyên nghiệp, tôi đã hát bằng tiếng mẹ đẻ và thậm chí là bằng cả những ngôn ngữ khác. Trong suốt khoảng thời gian đó, tôi vẫn luôn âm thầm quan sát, tôi thực sự muốn biết rằng làm thế nào để chúng ta có thể thờ phượng một cách tốt nhất.

Việc lên chương trình thờ phượng đối mặt với những khó khăn tương đối lớn. Đầu tiên là cái khó trong việc chọn bài. Có vô số những ca khúc tiềm năng và hàng ngàn những bài hát để chúng ta lựa chọn. Chúng ta có những bài thánh ca kinh điển, những ca khúc thờ phượng mang hơi hướng hiện đại, những bài Thi Thiên xưa cũ và còn rất nhiều những loại hình khác nữa. Khó khăn thứ hai là một vấn đề liên quan đến xu thế. Qua đài phát thanh và mạng Internet, Cơ Đốc nhân có thể dễ dàng tiếp cận với những ca khúc mới hay nhất, có nhiều người thậm chí còn muốn được thờ phượng Chúa vào Chủ nhật bằng những ca khúc mà họ mới nghe hôm thứ tư tuần trước. Sự thật là chỉ rất hiếm người dẫn thờ phượng có thể đứng vững trước áp lực của “top 100 bài hát thánh ca”! Điều thứ ba chính là năng lực. Chúng ta không ở trong một nền văn hóa ca hát. Chúng ta không hay hát trước đám đông hay khi ở một mình. Phần lớn chúng ta đều không có ý niệm gì về việc hát nhóm và càng ít người biết về bè và hoà âm.

Với tất cả những khó khăn kể trên, tôi rút ra kết luận này: Những người dẫn thờ phượng thành công nhất là những người muốn nghe dân sự cất tiếng hát, thật sự hát. Những người dẫn thờ phượng thành công cũng là những người có thể hòa cùng khả năng hát của cả hội chúng và là những người lựa chọn bài hát mà dân sự hát được. Họ chú trọng những yếu tố trên hơn mọi vấn đề khác.

serenity-village-community-church-praise-and-worship-6

Sự thật là, có rất nhiều những bài hát với nội dung chất lượng cùng giai điệu bắt tai, nhưng chỉ đơn giản là chúng không phù hợp cho việc thờ phượng với cả hội chúng. Có những ca khúc quá đỗi phù hợp để ta ngâm nga khi đang lái xe nhưng lại vô cùng khó để đem chính ca khúc đó lên sân khấu của Hội Thánh. Nghe Kari Jobe hát “Forever” (Mãi mãi) thì tuyệt lắm nhưng bài đó có vẻ không hợp để thử trong hội chúng. “Lead Me To the Cross” (Dẫn Con Đến Thập Tự) có thể là một ca khúc đem đến thông điệp đầy khích lệ, nhưng bạn cũng không muốn để Hội Thánh của bạn thử sức mình với ca khúc đó đâu. Đôi khi những bài hát quá cao hay quá thấp, hoặc giai điệu của chúng không theo quy tắc gì cả, cũng có thể là bài hát yêu cầu quá nhiều về quãng giọng với đoạn chuyển tiếp khác hoàn toàn so với những phần còn lại của cả bài hát. Hoặc chỉ đơn giản là chúng không phù hợp cho một đám đông chỉ toàn những ca sĩ không chuyên. Và đó chính là vấn đề của chúng ta – những người nghiệp dư.

Tôi hoàn toàn đồng ý rằng trong nhiều hội chúng, người dẫn hoặc chọn bài không phù hợp với hoàn cảnh mà hoặc chọn bài quá sức với dân sự của Hội Thánh. Có thể anh ta nghe một bài hát, mê mẩn nó và muốn hát bài hát đó với những người anh ta yêu mến và dẫn dắt. Đầu tiên anh ta tự luyện tập và bài hát trở nên thật dễ dàng, tiếp theo là tập cùng ban nhạc và thế là anh đã có một ca khúc thật tuyệt vời để Hội Thánh cùng nhau thờ phượng Chúa. Nhưng vào Chúa Nhật, khi bài hát cất lên, nó hoàn toàn vượt quá khả năng của tất cả mọi người. Tất cả đều cố gắng hát nhưng chỉ có thể hát một cách yếu ớt, thều thào hay thậm chí là gần như không thể hát. Hát tệ quá nên người chỉnh âm thanh quyết định tăng âm lượng của các nhạc cụ cũng như người hát chính, kết cục là buổi thờ phượng Chúa biến thành một buổi biểu diễn âm nhạc. Điều này hoàn toàn có thể khắc phục được khi người dẫn hát đặt mục tiêu rằng mình thật sự muốn nghe dân sự hát.

Tôi xin phép được đưa ra một ví dụ. Tôi nghĩ tới hình ảnh một người bố mua tặng cậu con trai 6 tuổi bộ đồ chơi lắp ghép đầu tiên trong đời. Người bố này vô cùng hào hứng vì cuối cùng thì con trai mình cũng có hứng thú với việc xếp hình, vì vậy ông quyết định chi mạnh tay và tậu cho cậu một trong những bộ đồ chơi xịn nhất với hàng trăm mảnh ghép. Đó là một bộ đồ chơi lắp ghép mà ông dám chắc là sẽ trông thật tuyệt khi được hoàn thiện, nhưng vấn đề ở đây là nó hoàn toàn nằm ngoài khả năng của đứa trẻ. Vì vậy người bố quyết định ra tay “giúp đỡ” con trai mình. Ông ấy “giúp đỡ” bằng việc gần như là làm mọi thứ cho cậu bé – đọc hướng dẫn và gắn những mảnh ghép lại với nhau, ông hoàn thiện bộ xếp hình trong khi cậu con trai chỉ ngồi cạnh và quan sát. Sau khi hoàn thiện mọi thứ, cậu bé mang món đồ chơi tới chỗ mẹ và khoe rằng : “Mẹ xem con làm cái này này!” Nhưng cậu bé đã không thực sự làm nó, phải không? Tôi tin chắc rằng rất nhiều những Hội Thánh ngày nay đang xảy ra những tình trạng tương tự. Ca đoàn có những khoảnh khắc tuyệt vời trên sân khấu. Họ hát hay và thờ phượng một cách tự do. Nhưng dân sự phía dưới thì không. Những ca khúc vượt quá khả năng của họ và thực chất là ngay từ đầu chúng cũng đã không được chuẩn bị cho họ.

Một người có thể dẫn dắt dân sự trong sự thờ phượng giỏi nhất là khi anh ta chọn ra những bài hát mà dân sự có thể hát và đặc biệt là hát tốt. Anh ta hòa vào khả năng của họ. Là khi độ phù hợp của bài hát được đặt lên trên những yếu tố như độ cũ mới, nhạc sĩ sáng tác hoặc nội dung thần học sâu sắc. Anh ta đo lường thành công của mình không chỉ bằng sự thờ phượng của bản thân mà còn của tất cả mọi người khác nữa. Câu hỏi mà anh đặt ra sẽ không chỉ là “Ban nhạc và ca đoàn có ổn không nhỉ?” nhưng là “Dân sự hôm nay thờ phượng thế nào?” Khi anh ta lùi lại, lắng tai nghe dân sự phía dưới hoà mình trong tiếng hát thờ phượng mạnh mẽ, đó là khi niềm vui của anh được trở nên trọn vẹn.

Nguồn: challies.com

Tác giả bài viết: Tim Challies

-Người dịch: Hà Trang-




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.