Ngày 17/12/1999, vị giáo hoàng ban hành một nghi thức tương đương với lời xin lỗi trong thời hiện đại: “Là lỗi của chúng tôi.”
John Paul II phát biểu trước đám đông tại Cộng hòa Séc, bộc lộ “sự tiếc thương sâu sắc với cái chết thảm thương” mà người hùng của họ phải chịu. “Tiếc thương sâu sắc” có lẽ là câu từ nhẹ nhất mà Giáo hội Công giáo có thể dùng.
Ấn chứng bằng chính huyết mình
Bị dụ đến Hội đồng Constance với lời hứa bình an vô sự, ấy vậy mà Jan Hus ngay lập tức bị tống giam trong 6 tháng, bị xử sơ thẩm và bị buộc thối lui, nhưng ông đã chối từ. Tháng 7 năm 1415, ông bị lột trần, trên đầu đội chiếc mũ của thằng hề vẽ hình ma quỷ và bị gắn mác “Cầm đầu Dị giáo” – cứ như thể ông đang cầu nguyện cho kẻ thù của mình vậy.
Sau đó họ buộc ông đi qua đống sách đang cháy – những cuốn sách do chính ông viết nên – rồi trói ông vào một chiếc cột. Đáp lại với hoàn cảnh bị xích như một con chó, ông nói: “Vì cớ ta, Chúa Giê-su Christ đã bị xiềng bằng chiếc xiềng nặng hơn thì hà cớ gì ta phải hổ thẹn vì chiếc xiềng han gỉ này?” Họ buộc ông thối lui một lần nữa, nhưng ông từ chối, miệng công bố rằng: “Những điều ta dạy bằng môi miệng này, ta sẽ đóng ấn bằng chính huyết mình.” Và ông đã làm như vậy.
Khi ngọn lửa bùng lên, ông cất tiếng hát. Viên thư ký hội đồng công bố: “Đáng nguyền rủa thay, hỡi Giu-đa, vì ngươi đã bỏ đường lối bình an, đã về một hội với bọn Do Thái, chúng ta cất khỏi ngươi chén của sự cứu chuộc.” Cảm tạ Chúa vì ngày hôm đó, Giáo hội Công giáo chẳng có thẩm quyền lấy đi chén của sự cứu chuộc.
Sau khi ông qua đời, bạo loạn bùng lên tại Bohemia. Những người theo Jan Hus lấy danh ông mà nổi dậy mạnh mẽ chống lại Giáo hội tại Rome trong vòng hơn một thập kỷ. Jan Hus là một nhà giảng đạo, nhà chính trị, một nhà tiền Cải chánh và một nhân vật tử đạo ngoan cường.
Chó Bun của Wycliffe
Khoảng năm 1369, ngỗng con được sinh ra tại đất ngỗng. Jan Hus (tiếng Séc là ngỗng) sinh ra tại Hussinec (tiếng Séc là đất ngỗng), trong vương quốc Bohemia. Sinh ra trong một gia đình nghèo, ngỗng con lìa đàn để làm linh mục, mưu cầu một cuộc sống đủ đầy và cao trọng hơn. Ông trở thành một nhà giảng đạo có tiếng tại Nhà thờ Bethlehem, nhưng dành nhiều thời gian phục vụ trong lĩnh vực học thuật. Ông là trưởng khoa triết học tại Prague. Sống trong thời đại hỗn mang giữa những chính khách Đức và nhân dân Séc, Hus trở thành một nhân vật chủ chốt trong chủ nghĩa dân tộc Séc.
Jan Hus sống trong thời đại mà sự đồi bại đã tiêm nhiễm vào chức linh mục của Giáo hội Công giáo. Ông bắt đầu giảng những “bài giảng quá khích” chống lại sự suy đồi thảm hại của giới thánh chức cho tới khi họ báo với tổng giám mục và ông bị cấm giảng đạo. Đọc Kinh thánh và chứng kiến sự lạm dụng quyền hành của các linh mục trong thời đại mình, ông kết luận rằng thẩm quyền của giáo hoàng không phải là thẩm quyền tối thượng. Ông cần một cái móng vững chắc hơn là cái móng làm từ rơm rác và gậy gộc của ý tưởng con người – dù những người đó có được trọng vọng đến đâu. Ông xây cuộc đời và chức vụ của mình trên nền tảng lời Chúa.
Quan điểm của ông về thẩm quyền tối thượng của Kinh thánh bắt đầu bùng lên khi ông đọc được các tác phẩm bị lên án của John Wycliffe. Hus là một môn đồ trung thành của Wycliffe, một mực bảo vệ các tác phẩm này tới mức một nhà sử học đã gọi Hus là “chó Bun của Wycliffe” (The Unquenchable Flame – Ngọn lửa không hề tắt, trang 30). Ông kịch liệt phản đối phép xá tội, ủng hộ việc dùng bánh và nước nho trong tiệc thánh và giảng đạo bằng ngôn ngữ bình dân (trái ngược với thứ tiếng La-tinh thời đó).
Mặc dù vẫn ủng hộ Giáo hội Công giáo ở một số vấn đề như lễ Misa, lòng trung thành của ông với sự giảng dạy của Wycliffe khiến ông bị rút phép thông công, kết tội dị giáo và bị thiêu sống.
Đàn ngỗng không lặng im
Sau khi bị kết tội chết, Jan Hus công bố: “các ngươi có thể nướng ngỗng, nhưng một trăm năm nữa thiên nga sẽ dấy lên. Tiếng hát của nó, các ngươi sẽ không tài nào ngăn được.” Đúng 102 năm sau, một thầy tu đầy sức sống đã đóng 95 luận đề vào cánh cửa Wittenberd, Đức.
Ông cũng thấy sự trái ngược giữa giáo lý La Mã và Kinh thánh, cũng cố gắng cải tổ Giáo hội Công giáo. Ông cũng đã thách thức giáo hoàng. Và ông cũng bị kết tội theo dị giáo. Tại Hội nghị Leipzig, Luther bị gán cái mác “kẻ-theo-Hus”. Luther bác bỏ tên gọi đó nhưng sau khi dành thời gian đọc các tác phẩm của Hus trong giờ nghỉ, ông đã quay lại và ca ngợi sự dạy dỗ của Jan Hus. Luther là thiên nga của Hus, ông thường được vẽ cùng những con thiên nga cho đến ngày nay.
Ngỗng Cha – người mở đường của các Nhà cải chánh, đã giữ vững lập trường của mình và bị tử vì đạo. Thiên Nga nối gót Ngỗng, và thành Rome đã không thể bịt miệng ông.
– Tác giả bài viết: GREG MORSE –
– Nguồn: desiringgod.org –
– Nguyễn Hằng dịch –