Nguồn ảnh: World Help
“Vào những ngày này, khi các gia đình phải hứng chịu thương đau, chúng ta cần nhớ rằng những nạn nhân đó – cùng những người hằng ngày chịu thương đau trên khắp thế giới vì cớ đức tin của họ – là anh chị em của chúng ta. Không phải là những nạn nhân không tên, mà là gia đình chúng ta. Và chúng ta cần kề vai sát cánh trong sự hiệp nhất.”
Chủ nhật tuần vừa rồi, khi Cơ Đốc nhân thuộc các hội thánh tại Hoa Kỳ đang kỷ niệm Ngày Cầu Nguyện Quốc tế cho các Hội thánh bị Bách hại (CNBH), hàng chục người đã bị xả súng tại một nhà thờ ở một thị trấn nhỏ trong bang Texas.
Đối với lễ kỷ niệm năm nay diễn ra từ ngày 5-12/11, cuộc thảm sát tại Hội thánh Sutherland Springs càng giúp Cơ Đốc nhân hiệp nhất lại như một thân thể để khóc thương cho những bạo lực xảy ra tại các hội thánh trên toàn thế giới.
Brian Orme thuộc tổ chức Cơ Đốc Open Doors Hoa Kỳ viết: “Vào những ngày này, khi các gia đình phải hứng chịu thương đau, chúng ta cần nhớ rằng những nạn nhân đó – cùng những người hằng ngày chịu thương đau trên khắp thế giới vì cớ đức tin của họ – là anh chị em của chúng ta. Không phải là những nạn nhân không tên, mà là gia đình chúng ta. Và chúng ta cần kề vai sát cánh trong sự hiệp nhất.”
Open Doors đưa tin về mức độ bách hại Cơ Đốc trong Danh sách 2017, trong đó Bắc Triều Tiên, Somalia, Afghanistan, Pakistan, Sudan, Syria và Iraq đang đứng đầu danh sách.
Tại châu Phi, bách hại nổi lên tại Mali, tỉ lệ Cơ Đốc nhân bị giết hại tăng 62% tại Nigeria – nơi Boko Haram được mệnh danh là nhóm khủng bố dã man nhất thế giới. Trong những năm gần đây, số Cơ Đốc nhân bị bách hại vì cớ đức tin của họ đã tăng gấp đôi. Thống kê cho thấy Nigeria có số người bị tử vì đạo nhiều nhất trên thế giới. Theo World Watch Moniter, Nigeria có khoảng 2,500 người bị giết hại trong năm 2014 và quốc gia này lại một lần nữa đứng đầu danh sách bạo lực vào năm 2016.
Chỉ mới tuần này, chín tín đồ đã bị bắn chết tại làng mục đồng Fulani miền trung Nigeria, là vụ việc gần đây nhất trong chuỗi các vụ tấn công chết người nhằm vào Cơ Đốc nhân các cộng đồng nông dân.
Vài ngày trước đó, các thành viên băng đảng tại Đồng bằng sông Niger đã thả tự do cho ba giáo sĩ Anh quốc sau cái chết của một con tin. David và Shirley Donovan – đến từ tổ chức từ thiện truyền giáo qua y tế New Foundations – đã làm việc 14 năm nay tại những ngôi làng nhỏ trong vùng.
Trong bản tuyên bố năm 2016, các lãnh đạo Cơ Đốc đã nêu rõ: “Nếu không kiểm soát và ngăn chặn thì những bạo lực, phân biệt đối xử và bài trừ nhằm vào Cơ Đốc nhân ở phía bắc Nigeria có thể xóa sổ đức tin Cơ Đốc và các cộng đồng Cơ Đốc nhân ở phía Bắc Nigeria. Từ lâu, chính quyền Nigeria đã phó mặc Cơ Đốc nhân ở vùng phía bắc.”
Trong suốt kỳ Cầu Nguyện Quốc tế cho các Hội thánh bị Bách hại, Cơ Đốc nhân cũng sẽ cầu nguyện cho các tín đồ tại I-rắc, nơi có nhiều Cơ Đốc nhân chạy trốn IS để đến định cư trong các vùng mà người Kurd đang đấu tranh giành độc lập. Các lãnh đạo hy vọng rằng chiến lược trực tiếp hỗ trợ Cơ Đốc nhân của Hoa Kỳ (thay vì hỗ trợ qua Liên Hợp Quốc) sẽ cải thiện tình hình nhân đạo và giúp nhiều người I-rắc quay trở về.
Kritin Wright, giám đốc phong trào của tổ chức Open Door, trong livestream trên Facebook từ phía ngoài nhà trắng hôm Thứ năm tuần trước, phát biểu rằng: “Đây là một thời điểm chưa từng có tiền lệ tại thủ đô Washington DC, khi việc bách hại Cơ Đốc nhân tại I-rắc và Syria đang trở thành một chủ đề nóng. Đây là một lĩnh vực thực sự thu hút sự chú ý của các nhà chức trách, chúng tôi rất biết ơn vì điều đó.”
Tổ chức Cầu Nguyện Quốc tế cho các Hội thánh bị Bách hại ước tính có 100 triệu Cơ Đốc nhân phải chịu sự bách hại mỗi ngày. Những người ủng hộ tự do tôn giáo đã và đang thảo luận xem có nên tính cả các Cơ Đốc nhân Hoa Kỳ đang đối mặt với sự chống cự vì cớ đức tin vào hay không.
Hồi năm ngoái, tổ chức Cơ Đốc International Christian Concern gọi sự tự do tôn giáo của Hoa Kỳ là “Nỗi Xấu Hổ” vì Cơ Đốc nhân bị tấn công trên các phương tiện truyền thông và bị bài trừ về mặt luật pháp. Nhiều Cơ Đốc nhân đã công nhận rằng mức độ bách hại Cơ Đốc nhân ở nước ngoài còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.
“Chúng ta tin rằng Chúa dùng những lời cầu nguyện của dân sự Ngài để làm mạnh sức và giải cứu những thánh đồ đang chịu khổ nạn…” Trích lời phát biểu của Godfrey Yogarajah, giám đốc điều hành của tổ chức Cơ Đốc World Evangelical Alliance Religious Liberty Commission- điều này đã được đưa vào Báo cáo hàng năm kể từ 1996- Nhưng chúng ta tin chắc rằng dù buồn đau là thực tại của những người đang chịu khổ vì cơ Đấng Christ nhưng họ có phần thưởng cuối cùng là sự chiến thắng.”
Các tổ chức theo dõi sự bách hại Cơ Đốc, bao gồm cả Open Door, Voice of Martyrs và World Help cùng hiệp sức khuyến khích phong trào cầu nguyện qua việc cung cấp các nguồn lực miễn phí cho hàng ngàn hội thánh tham gia vào phong trào ở hơn 100 nước.
Orme viết cho Open Doors những lời sau: “Khi chúng ta nhớ đến gia đình đang bị bách hại của mình – và chịu đựng những bách hại với chính bản thân – chúng ta cần nhắc nhở mình về quyền năng gồm tóm mọi loài của Chúa Giê-su và lời hứa Ngài ban đối với tương lai. Tới một ngày, chúng ta biết rằng: Mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất đều phải quỳ xuống, và mọi lưỡi đều phải xưng nhận Đức Chúa Giê-su Christ là Chúa, bao gồm cả những kẻ xả súng, bách hại, mọi kẻ độc tài và lãnh chúa tàn bạo.
– Tác giả bài viết: KATE SHELLNUTT
– Nguồn: christianitytoday.com
– Nguyễn Hằng-