Search
Thursday 21 November 2024
  • :
  • :

Mối Quan Hệ Của Hội Thánh Với Chính Quyền – Mục Sư Phạm Tuấn Nhượng

Mối Quan Hệ Của Hội Thánh Với Chính Quyền – Mục Sư Phạm Tuấn Nhượng

Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống – Ngày hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau nói về chủ đề “Mối quan hệ giữa Hội thánh và Chính quyền”. Chủ đề này cần nhiều thời gian để nghiên cứu và chia sẻ, vì vậy trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, chúng ta chỉ nói nói về một vài điểm chính.

Nhìn vào lịch sử Hội thánh có thể thấy mối quan hệ giữa Hội thánh và chính quyền thường như sau: Khi khởi đầu Hội thánh còn nhỏ và chưa có sự ảnh hưởng nhiều đến xã hội thì dường như bị “phớt lờ”. Lúc Hội thánh bắt đầu tăng trưởng thì có những sự khó khăn, cản trở,… sau đó bị tập trung kiểm soát. Đến khi Giáo hội trở nên lớn mạnh và phát triển lại có cám dỗ muốn nắm quyền trong chính trị, vì vậy lịch sử đã từng chứng kiến sự tranh giành để kiểm soát quyền lực giữa Giáo hội và Chính quyền trong một thời gian khá dài. Kết cục đưa đến sự phân ly giữa Hội thánh – Chính quyền và có thể bị đẩy xa quá mức là con dân Chúa “hờ hững” với những gì xảy ra bên ngoài nhà thờ và con dân Chúa trở nên không tích cực trong đời sống xã hội.

Từ những bài học lịch sử, Hội thánh chúng ta (Hội thánh Lời Sự Sống) cần có thái độ như thế nào? Chúng ta xem vài đoạn Kinh thánh dạy về vấn đề này:

Rô-ma 13:1-7: “Mọi người phải vâng phục các đấng cầm quyền trên mình; vì chẳng có quyền nào mà không đến bởi Đức Chúa Trời, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định. Cho nên ai chống cự quyền phép, tức là đối địch với mạng lịnh Đức Chúa Trời đã lập; và những kẻ đối địch thì chuốc lấy sự phán xét vào mình. Vả, các quan quyền không phải để cho người làm lành sợ, mà để cho người làm dữ sợ. Ngươi muốn không sợ quyền phép chăng? Hãy làm điều lành, sẽ được khen thưởng; vì quan quyền là chức việc của Đức Chúa Trời để làm ích cho ngươi. Song nếu ngươi làm ác, thì hãy sợ, vì người cầm gươm chẳng phải là vô cớ; người là chức việc của Đức Chúa Trời để làm ra sự công bình và phạt kẻ làm dữ. Vậy nên cần phải vâng phục, chẳng những vì sợ hình phạt thôi, nhưng cũng vì cớ lương tâm. Ấy cũng bởi lẽ đó mà anh em nộp thuế, vì các quan quyền là đầy tớ của Đức Chúa Trời, hằng giữ việc ấy. Phải trả cho mọi người điều mình đã mắc: nộp thuế cho kẻ mình phải nộp thuế; đóng góp cho kẻ mình phải đóng góp; sợ kẻ mình đáng sợ; kính kẻ mình đáng kính.”

I Phi-e-rơ 2:13-17: “Vì cớ Chúa hãy phục theo mọi phép tắc loài người lập lên, hoặc vua, như đấng rất cao, hoặc các quan, như người vua sai ra để phạt kẻ làm dữ và khen người làm lành. Vì anh em làm điều lành để ngăn miệng những kẻ ngu muội dại dột, ấy là ý muốn của Đức Chúa Trời Hãy ăn ở như người tự do, nhưng chớ dùng tự do làm cái màn che sự hung ác, song phải coi mình là tôi mọi Đức Chúa Trời. Hãy kính mọi người; yêu anh em; kính sợ Đức Chúa Trời; tôn trọng vua.”

I Ti-mô-thê 2:1-4: “Vậy, trước hết mọi sự ta dặn rằng, phải khẩn-nguyện, cầu-xin, kêu-van, tạ ơn cho mọi người, cho các vua, cho hết thảy các bậc cầm quyền, để chúng ta được lấy điều nhân-đức và thành-thật mà ở đời cho bình tịnh yên ổn. Ấy là một sự lành và đẹp mắt Đức Chúa Trời, là Cứu-Chúa chúng ta, Ngài muốn cho mọi người được cứu-rỗi và hiểu-biết lẽ thật.”

Dựa vào những đoạn Kinh thánh ở trên, tôi muốn chia sẻ vài điều:

1. Chính quyền đến từ Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Tròi là Đấng thiết lập hôn nhân, Hội Thánh và cả Chính quyền. Khi nói đến quyền đến từ Chúa, không có nghĩa là tất cả mọi người đứng trong quyền hay nắm quyền đó đều đúng đắn hoặc làm những điều đúng đắn. Cho nên Chúa là Đấng có thể “dấy lên” và có thể “phế truất” các vị vua hay các quan trưởng (khi họ không vừa lòng Ngài). Nhưng đó hoàn toàn là công việc của Đức Chúa Trời, chứ không phải của chúng ta. Vì vậy nếu Hội thánh dùng cách của con người để dấy lên hay phế truất, lật đổ,… chính quyền là vi phạm đến quyền tối thượng của Chúa. Làm như vậy là chúng ta không tôn trọng, không tin tưởng Đức Chúa Trời và phạm tội với Ngài.

2. Chính quyền là đầy tớ của Đức Chúa Trời.

Chúa cho chính quyền những năng lực để thiết lập và thực thi pháp luật hầu cho giữ gìn trật tự xã hội. Vì vậy chính quyền là đầy tớ của Đức Chúa Trời trong khía cạnh này. Hội thánh cũng là đầy tớ của Chúa, nhưng trong khía cạnh khác là rao giảng lời chân lý của Chúa, sống đời chứng nhân như “muối” và “ánh sáng cho thế giới” để làm lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội. Nếu hai “người đầy tớ” của Đức Chúa Trời này biết nhìn nhận, tôn trọng và giúp đỡ nhau trong việc thực hiện vai trò của mình – điều đó sẽ mang lợi ích chung cho người dân, cộng đồng và đất nước. Còn ngược lại, có thể tạo nên những bất ổn, gây nên những thiệt hại, làm tổn thất chung cho người dân, cộng đồng và xã hội.

Vậy thái độ và mối quan hệ của Hội thánh đối Chính quyền nên như thế nào?

1. Cơ Đốc nhân cần tôn trọng và vâng phục chính quyền.

Thẩm quyền luôn cần sự tôn trọng và vâng phục. Chỉ khi được đáp ứng như vậy thẩm quyền mới có thể “hoạt động” và phục vụ người dân. Chân lý này đúng trong gia đình, Hội thánh, xã hội và đất nước.

Hỗ trợ hay đứng sau thẩm quyền luôn có quyền năng và những nguồn tài nguyên cần thiết. Khi chúng ta tôn trọng, vâng phục thẩm quyền, những điều đằng sau đó sẽ mang lợi ích lại cho chúng ta. Vì vậy sứ đồ Phao-lô dạy: nếu chúng ta không làm dữ (vâng phục những trật tự xã hội), chúng ta sẽ được bảo hộ, được khen thưởng… còn ngược lại sẽ bị trừng phạt. Vì sợ những hình phạt này mà nhiều người không dám phạm luật, nhưng trong lòng họ chưa chắc đã tôn trọng hay vâng phục thẩm quyền. Còn chúng ta tuân thủ pháp luật không chỉ vì sợ trừng phạt, mà còn vì lương tâm, vì kính sợ Chúa. Có nghĩa là chúng ta không chỉ đúng về hành vi, mà đúng cả về thái độ trong lòng. Nếu chúng ta thực hiện như vậy, Đức Chúa Trời sẽ bênh vực, ban phước cho chúng ta.

Trong Kinh thánh có một số câu chuyện một số người vì kính sợ Chúa mà vi phạm những sắc lệnh của vua, vì những sắc lệnh đó trái với lương tâm, với những điều răn của Đức Chúa Trời. Ví dụ: những bà đỡ người Ê-díp-tô trái lệnh vua khi không giết những đứa con trai của người Do thái, tiên tri Đa-ni-ên vi phạm sắc lệnh của vua khi vẫn cầu nguyện riêng với Đức Chúa Trời,… Nhưng những người này trong lòng họ vẫn tôn trọng vua, lương tâm đúng đắn với thẩm quyền vì vậy Chúa đã giải cứu họ khỏi sự trừng phạt của các vua và ban phước.

Đôi khi chúng ta tôn trọng và vâng phục những người cầm quyền mà chúng ta thích hoặc chúng ta cho rằng họ tốt. Nhưng lời Chúa dạy chúng ta vâng phục vì cớ Chúa, chứ không phải vì họ là ai. Việc chúng ta cần làm thì hãy làm: kính sợ Chúa, tôn trọng vua. Còn nếu những vị vua đó xấu, sai phạm thì quyền phán xét thuộc về Đức Chúa Trời, không phải chúng ta.

2. Hội thánh cần cầu nguyện cho Chính quyền.

Trong I Ti-mô-thê 2:1-4 có nói “trước hết” hay điều ưu tiên là cần cầu nguyện cho các bậc cầm quyền. Lời Chúa cũng dạy: Ai bắt bớ, chúng ta đáp ứng lại bằng sự cầu nguyện; ai rủa sả, chúng ta hãy chúc phước. Chúng ta hãy cầu nguyện cho bậc cầm quyền cho dù bị khinh rẻ, bị gạt ra ngoài rìa xã hội, bị bắt bớ hay khi phải chịu bất cứ hình thức bất công nào.

Nói đến cầu nguyện cho chính quyền, hàm ý là với động cơ đúng đắn và muốn tốt cho họ, cho gia đình và công việc của họ. Đôi khi chúng ta phải đặt mình vào hoàn cảnh của những người cầm quyền để hiểu, cảm thông những quyết định và công việc của họ đối với chúng ta. Chúng ta cũng cần có tình thương của Đức Chúa Trời, Ngài muốn các bậc cầm quyền được cứu và hiểu biết chân lý, Ngài muốn họ và gia đình họ được phước. Với thái độ đúng đắn như vậy, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ có linh nghiệm. Khi chúng ta gieo ra sự chúc phước, sự tôn trọng, tình thương,… chính chúng ta cũng sẽ gặt lại những điều đó.

Cầu nguyện đó là khí giới rất quyền năng, đó là phương cách sứ đồ Phao-lô chỉ cho chúng ta để Hội thánh được sống đạo trong sự bình an. Hội thánh đầu tiên, khi đối diện với những sự bắt bớ dữ dội, họ đã không cay đắng, đả kích, chống đối mà đã đáp ứng bằng sự cầu nguyện hết lòng và chính Chúa đã cho sự bình an, sự tự do để Hội thánh được sống với sứ mạng của Chúa. Nếu chúng ta có thái độ đúng và cầu nguyện, Đức Chúa Trời có thể “biến thù thành bạn” của chúng ta.

3. Khích lệ chính quyền.

Ai làm điều gì đó, dù rằng rất nhỏ, chúng ta nên cảm ơn và khích lệ. Vì vậy, chúng ta rất cần đánh giá những gì chính quyền làm cho đất nước, cho người dân, trong đó có con dân Chúa. Con người thường có tư tưởng tiêu cực, hay tập trung vào những gì chưa tốt. Nhưng là con dân Chúa, chúng ta cần biết tập trung vào những gì họ làm tốt để cảm ơn, đánh giá, khích lệ. Nếu làm vậy, những điều tích cực sẽ được gia tăng và mang lại lợi ích cho người dân, trong đó có chúng ta. Còn những điều chưa tốt, chúng ta có thể cầu nguyện với Đức Chúa Trời.

4. Sẵn sàng hỗ trợ chính quyền.

Hãy trở thành những công dân tích cực, công dân tốt, tuân thủ pháp luật, đó cũng là sự hỗ trợ tốt cho chính quyền. Hội thánh cũng có thể hỗ trợ trong những khía cạnh khác nhau, khi những điều đó phù hợp với sứ mạng của Hội thánh; ví dụ như Hội thánh có thể góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng, tuyên truyền chống dịch bệnh,…

Từ kinh nghiệm của Hội thánh chúng ta từ lúc khởi đầu, chúng ta kiên trì sống đúng theo lời Chúa dạy dù gặp những hoàn cảnh trái ngang, chúng ta tuân thủ lời Chúa để tôn trọng chính quyền, chúng ta luôn cố gắng góp ích cho cộng đồng xã hội. Chính vì điều đó mà Ngài đã và đang ban phước, Ngài cho chúng ta được ơn, cho chúng ta “bạn bè ở những nơi cao” như lời tiên tri Chúa ban cho Hội Thánh chúng ta. Nguyện Chúa giúp đỡ tất cả chúng ta.

Mục sư trưởng Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống Việt Nam
Phạm Tuấn Nhượng




One thought on “Mối Quan Hệ Của Hội Thánh Với Chính Quyền – Mục Sư Phạm Tuấn Nhượng

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.