Giới thiệu
Nhiều người trong xã hội hiện nay cho rằng việc tin vào sự phục sinh cũng điên rồ như việc tin vào sự đầu thai. Do đó, việc nhìn vào các bằng chứng lịch sử về sự phục sinh của Đấng Christ sẽ rất có ích. Trong bài này, hãy cùng chú ý đến các hàm ý mang tính thần học về sự phục sinh của Chúa Cứu Thế.
Chúng ta sẽ bắt đầu bài nghiên cứu ngắn gọn này với cái nhìn tổng quát về sự phục sinh trong Cựu Ước, tiếp đó là sự sống lại của Đấng Christ trong bài giảng của các Cơ Đốc nhân đầu tiên.
(1) Sự phục sinh trong Cựu Ước
Sự phục sinh người chết không được tiết lộ rõ ràng trong Cựu Ước tận đến cuối lịch sử cứu chuộc. Tận cho đến khi người Do Thái bị bắt làm phu tù, khoảng thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên, sự phục sinh mới dần được bày tỏ rõ ràng. Sách Đa-ni-ên 12:1-2 là phân đoạn Kinh Thánh chính, nói về người công chính cũng như người không công chính “Lúc ấy, đại thiên sứ Mi-ca-ên, đấng bảo vệ con dân ngươi sẽ đứng dậy. Sẽ có một thời kỳ ngặt nghèo chưa từng thấy kể từ khi lập nước cho đến bấy giờ. Nhưng lúc ấy, những ai trong dân ngươi có tên trong quyển sách kia sẽ được giải cứu. Nhiều người ngủ trong bụi đất sẽ thức dậy, người thì để hưởng sự sống đời đời, kẻ thì để chịu tủi nhục ghê tởm đời đời”.
Tại sao điều này không được bày tỏ rõ ràng cho đến tận lúc đó? Đó là vì sự mặc khải chỉ được bày tỏ khi có những người thực sự khao khát.
Trong thời Tân Ước, có một nhóm người nói rằng không có sự sống lại: người Sa-đu-sê (Mác 12:18) Họ là những người chăm sóc đền thờ và là tầng lớp quý tộc giàu có điều hành nhà hội.
Những người có cuộc sống đầy đủ tốt đẹp ở đời này thường sẽ không màng đến đời sau. Người Sa-đu-sê là minh chứng cho điều này. Sự phục sinh là một lẽ thật quý giá cho những kẻ nghèo hèn, vô vọng, và cho những ai mong mỏi nước thiên đàng đến nỗi chẳng điều gì trong thế gian này có thể níu kéo họ.
Nhưng là Cơ Đốc nhân, dù giàu hay nghèo, học vấn cao hay thấp, thông minh hay thế nào đi chăng nữa, cũng cần quý trọng sự sống lại hơn bất cứ điều gì khác. Như Phao-lô nói trong Cô-lô-se 3:1-2: “Vậy nếu anh em đã được sống lại với Đấng Christ, hãy tìm kiếm những điều ở trên trời, nơi Đấng Christ ngồi bên phải Đức Chúa Trời. Nếu một người trong anh em có điều gì phàn nàn với người khác thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau; như Chúa đã tha thứ anh em thể nào thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy.”
(2) Sự Phục Sinh của Đấng Christ trong những bài giảng Cơ đốc đầu tiên
Một số người thường nhấn mạnh sự chết của Đấng Christ hơn là sự phục sinh của Ngài, nhưng Hội thánh thời kỳ đầu chú trọng đến nỗi lấy sự Phục sinh làm nền tảng cho sự giảng dạy thời bấy giờ.
Cùng xem các bài giảng trong sách Công vụ:
Công vụ 1:22 (tiêu chuẩn chọn Sứ đồ ): “một trong số những người này phải cùng chúng ta trở thành nhân chứng cho sự Phục sinh của Ngài.”
Công vụ 2:23-24 – bài giảng then chốt đầu tiên của Phi-e-rơ trong ngày lễ Ngũ Tuần: “Ngài đã bị phản nộp theo kế hoạch đã định và sự biết trước của Đức Chúa Trời, các ông đã mượn tay những kẻ gian ác đóng đinh Ngài trên thập tự giá và giết đi. Ngài đã bị phản nộp theo kế hoạch đã định và sự biết trước của Đức Chúa Trời, các ông đã mượn tay những kẻ gian ác đóng đinh Ngài trên thập tự giá và giết đi.”
Công vụ 3:15 (bài giảng thứ 2 của Phi-e-rơ): “Anh em đã giết Chúa của sự sống, nhưng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ cõi chết sống lại; chúng tôi là những nhân chứng cho điều đó.”
Ngoài ra còn có rất nhiều trích đoạn Kinh Thánh nói về sự Phục Sinh của Chúa Giê-su: Công vụ 4:2; 4:10; 4:33; 13:30; 17:3,18,31; … v… v… Hội Thánh đã công nhận sự phục sinh là chân lý thật và là trung tâm của mọi bài giảng Phúc Âm.
Sự Phục Sinh Của Đấng Christ Quan Trọng như thế nào.
Tôi sẽ chỉ đề cập đến vài điều vì bao nhiêu giấy bút cũng không đủ để trình bày hết sự tuyệt diệu của chủ đề vĩ đại này.
Chúng ta thật sự không bao giờ có thể đo được sự sâu nhiệm về sự chết cũng như sự phục sinh của Đấng Christ có ý nghĩa lớn lao như thế nào đối với chúng ta, nhưng ít nhất chúng ta có thể đưa ra một vài điểm chính. Hầu như tôi sẽ chỉ đưa ra các phân đoạn Kinh Thánh và nguyền xin Đức Thánh Linh sẽ là Đấng khấy động tấm lòng của anh chị em. Nếu bạn chưa phải là người đặt niềm tin vào Chúa Giê-su Christ thì có lẽ đây là thời điểm vô cùng thích hợp để làm điều đó.
1. Lời biện giải quan trọng nhất: Xác thực các phép lạ của Kinh Thánh
George Eldon Ladd có viết trong cuốn Tân Ước Thần Học (trang 354) như sau: “Đức Chúa Trời không bày tỏ chính mình Ngài qua bất kỳ hệ thống giáo dục hay bất cứ triết lý hoặc cuốn sách nào, chỉ qua những chuỗi sự kiện được chép lại trong Kinh Thánh. Sự xuất hiện của Chúa Giê-su người Na-xa-rét là đỉnh điểm của công cuộc Cứu Rỗi; và sự phục sinh của Ngài là sự kiện chứng thực những gì đã được tiên tri trước đó.”
Kinh thánh nói về công cuộc sáng tạo gần như là do chính bàn tay Chúa nắn đúc, tạo dựng, trong khi sự phục sinh của Đấng Christ cần có cánh tay quyền năng của Đức Chúa Trời. Đó chính là công tác vĩ đại của Ngài! Nói cách khác, sự phục sinh của Đấng Christ ngầm ẩn một lý luận đi từ điều vĩ đại hơn đến điều nhỏ bé hơn. Nếu chúng ta có thể tin cậy và trân trọng phép lạ này, điều gì ngăn trở chúng ta không trân trọng những phép lạ nhỏ bé hơn?
2. Chứng minh rằng Chúa là Chúa của sự sống và là Đấng Sống. (xem Ma-thi-ơ 22:32; Lu-ca 20:38; Rô-ma 1:4; 6:9; 1 Cô 15:20-26, 54-57)
Có hàng loạt những câu Kinh Thánh để chứng minh luận điểm này nhưng không câu nào hùng hồn như 1Cô-rinh-tô 15:20-26:
Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ. Vả, vì chưng bởi một người mà có sự chết, thì cũng bởi một người mà có sự sống lại của những kẻ chết. Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống lại, nhưng mỗi người theo thứ tự riêng của mình: Đấng Christ là trái đầu mùa; rồi tới ngày Đấng Christ đến, những kẻ thuộc về Ngài sẽ sống lại. Kế đó, cuối cùng sẽ đến là lúc Ngài sẽ giao nước lại cho Đức Chúa Trời là Cha, sau khi Ngài đã phá diệt mọi đế quốc, mọi quyền cai trị, và mọi thế lực; vì Ngài phải cầm quyền cho đến chừng đặt những kẻ thù nghịch dưới chơn mình. Kẻ thù bị hủy diệt sau cùng, tức là sự chết.
Giống như Ladd đã chỉ ra (trang 354): “Nếu Đấng Christ không trở lại từ cõi chết thì công cuộc cứu rỗi của Ngài cho loài người là đường cùn ngõ cụt, kết thúc trong hầm mộ. Chúng ta sẽ chẳng thể biết chắc chắn Chúa là Đấng Sống nếu Chúa Giê-su không sống lại, nếu chết là hết. Đức tin sẽ chỉ là vô nghĩa vì đối tượng của đức tin không chứng minh được rằng Ngài là Chúa của sự sống. Khi đó niềm tin Cơ đốc sẽ bị tống vào hầm mộ cùng với sự tự mạc khải của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ – nếu Đấng Christ thực sự chết.”
Nhưng nếu Đấng Christ sống lại từ cõi chết, khi đó Đức Chúa Trời thực sự là Đấng tể trị trên tất cả mọi tạo vật, kể cả sự chết.
3. Làm trọn lời Kinh Thánh và lời phán trước của Chúa Giê-su (xem Ma-thi-ơ 17:9; Lu-ca 24:46; Giăng 2:22; 20:9; 1 Cô-rinh-tô 15:4)
Giăng 2:22 “Vậy, sau khi Ngài được từ kẻ chết sống lại rồi, môn đồ gẫm Ngài có nói lời đó, thì tin Kinh Thánh và lời Đức Chúa Giê-su đã phán.”
1 Cô-rinh-tô 15:4 “Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại, theo lời Kinh Thánh”
Vậy đó, nếu Đấng Christ không trỗi dậy từ cõi chết thì Ngài là kẻ dối trá. Và nếu Ngài nói dối thì sự chết của Ngài chẳng trả giá cho tội lỗi chúng ta được.
4. Đó là một phần thiết yếu của Phúc Âm.
Giăng 11:25 “Đức Chúa Giê-su phán rằng: Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi.”
Rô-ma 10:9 “Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Giê-su ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu”
5. Ngầm chứng minh Thần tính của Đấng Christ (Giăng 2:19-22)
Tất cả những người được sống lại cuối cùng cũng vẫn trở về với cát bụi (ví dụ: La-xa-rơ, con gái Giai-ru,…);
Chúa Giê-su là Đấng duy nhất sống lại mà không chịu tác động con người nào.
Rõ ràng, nếu Đấng Christ tự mình sống lại từ cõi chết thì lẽ tất nhiên Ngài phải lớn lao vĩ đại hơn con người. Ngài phục sinh không nhờ bất cứ tác động con người nào, điều này ngầm khẳng định Thần tính của Ngài.
6. Đảm bảo rằng những kẻ tin chắc chắn cũng được phục sinh.
1 Cô-rinh-tô 15:12-14 “Vả, nếu giảng dạy rằng Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, thì sao trong anh em có kẻ nói rằng những kẻ chết chẳng sống lại? Nếu những kẻ không sống lại, thì Đấng Christ cũng đã chẳng sống lại nữa. Lại nếu Đấng Christ đã chẳng sống lại, thì sự giảng dạy của chúng tôi ra luống công, và đức tin anh em cũng vô ích.”
7. Quan điểm cân bằng về tình trạng thuộc linh của thân thể con người (Rô-ma 8:23; 1 Cô-rinh-tô 6:13-20; 15:32-34; 2 Ti-mô-thê 2:18)
Sự phục sinh thân thể của Đấng Christ nói lên nhiều điều quan trọng về tình trạng thuộc linh của thân thể: bản thân nó không xấu xa, với tâm trí vốn bản chất là tốt đẹp. Cả hai đều được Chúa tạo dựng là tốt lành; cả hai đều bị sa ngã ô uế khi con người phạm tội. Những người theo thuyết ngộ đạo cổ xưa cảm thấy chỉ có tâm trí là tốt. Một số Cơ Đốc Nhân tin theo học thuyết này và sống một cuộc đời khổ hạnh, cố ngăn không cho thân thể thực hiện các chức năng tự nhiên và hưởng niềm vui. Những người khác đi theo chủ nghĩa khoái lạc: họ tin rằng thân thể là xấu, nhưng quyết định: “Tại sao phải chống lại nó?”
Nhưng nếu thân thể chúng ta sẽ sống lại từ cõi chết, giống như Đấng Christ, thì thân thể chúng ta sẽ được cứu chuộc hoàn toàn. Và nếu sẽ được chuộc, thì có điều gì đó có thể cứu rỗi được trong thân thể… Không chỉ vậy, thân thể còn có thể được dâng lên cho Chúa và được sử dụng vì vinh hiển Ngài ngay bây giờ! (Rô-ma 12: 1 “Hãy dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời“). (Nhưng thực tế là thân thể cần phải được cứu chuộc có nghĩa là nó là hoàn toàn tội lỗi.)
8. Sự ngự trị của Thánh Linh và năng quyền Phục sinh. ( Phil 3:10-16)
Thánh Linh được hứa ban cho những ai tin nơi Đấng Christ. Đây là điều quan trọng chúng ta cần hiểu, rằng nếu không có Chúa Thánh Linh trong đời sống của chúng ta, không ai có thể tin nhận Chúa. Chúa Thánh Linh kéo chúng ta lại gần Chúa Cha và ban cho chúng ta quyền năng cần thiết cho sự nên thánh.
Phi-líp 3:10-16 “Cho đến nỗi tôi được biết Ngài, và quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết Ngài, mong cho tôi được đến sự sống lại từ trong kẻ chết. Ấy không phải tôi đã giựt giải rồi, hay là đã đến nơi trọn lành rồi đâu, nhưng tôi đang chạy hầu cho giựt được, vì chính tôi đã được Đức Chúa Giê-su Christ giựt lấy rồi. Hỡi Anh em, về phần tôi, tôi không tưởng rằng đã đạt đến mục đích, nhưng tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-su Christ. Vậy, hễ những người trọn vẹn trong chúng ta, phải có ý tưởng đó; và nếu anh em tưởng đàng khác, Đức Chúa Trời cũng sẽ lấy sự đó soi sáng cho anh em. Duy Chúng ta đã đạt đến bậc nào, thì chúng ta phải đồng đi vậy.”
9. Sự tha tội
Đặc biệt chú ý Giăng 19:30. Trên thập hình, Chúa Giê-su kêu lên rằng “Mọi sự đã được trọn.” Trong tiếng Hy Lạp câu này là tetelestai. Từ này được dùng trong thương nghiệp thời đó, thường được viết vào hóa đơn để cho thấy hóa đơn đó đã được thanh toán đầy đủ. Sự phục sinh cũng giống như tờ biên lai thanh toán mà Đức Chúa Trời đã ban cho loài người vì sự chết của Chúa Giê-su, thực sự, đã trả giá cho tội lỗi của toàn thể nhân loại. Tội lỗi của thế gian này không đủ mạnh để ngăn Chúa phục sinh, do đó, sự phục sinh của Ngài chứng minh rằng mọi tội lỗi của chúng ta đã được tha.
Tóm lại: đời sống, mối quan hệ, sự tha thứ, sự nên thánh, tương lai, sự nên thánh của thân thể, toàn bộ triết lý sống hay toàn bộ thế giới quan được gói gọn trong sự phục sinh của Đấng Christ. Hãy sống như thể cuộc đời mình phụ thuộc vào sự phục sinh của Đấng Christ – vì thật sự là như vậy!
Chúa đã sống lại! Chúa đã sống lại! Đó là tin tuyệt vời nhất chúng có thể nói cho thế gian đang hấp hối này!
– Tác giả bài viết: Daniel B. Wallace
– Nguồn: bible.org –
– Người dịch: Phương Phương Nhung –