Search
Thursday 21 November 2024
  • :
  • :

John Wesley Và Sự Ra Đời Của Phong Trào Giám Lý

John Wesley Và Sự Ra Đời Của Phong Trào Giám Lý

Cuối năm 1735, có một con tàu trong cuộc hành trình từ Anh Quốc đến Thế Giới Mới. Trên tàu có một người mục sư Anh Giáo trẻ tuổi, John Wesley, đã được mời đến phục vụ như một mục sư cho những người định cư vùng đất mới trong thuộc địa của Anh tại Savanah, Georgia. Thời tiết trở nên bất trắc, con tàu đang rơi vào một tình huống nguy hiểm. Wesley, vị tuyên uý trên con tàu cũng đang lo sợ cho chính mạng sống của mình.

Nhưng ông chợt thấy một nhóm người Đức theo phái Moravi, cũng trên đường tới với những người thổ dân Châu Mỹ lại chẳng hề sợ hãi. Thật ra trong suốt thời gian cơn bão diễn ra họ đang nhẹ nhàng hát. Lúc con tầu cập bến, Wesley đã hỏi người lãnh đạo của nhóm phái Moravi kia làm sao họ có thể giữ được sự an nhiên đến lạ thường. Người Moravi ấy trả lời bằng một câu hỏi: “Wesley này, ông có đức tin ở nơi Đấng Christ chứ?” Wesley nói rằng mình có đức tin nhưng sau đó ông tự suy nghĩ “Tôi sợ rằng đó chỉ là những lời sáo rỗng”.

John Wesley (29 tháng 6 năm 1703 – 2 tháng 3 năm 1791) là Mục sư Anh giáo, nhà thần học, nhà thuyết giáo, và là người khởi phát Phong trào Giám Lý. Wesley được sinh trưởng trong một gia đình rất sùng kính thuộc giáo hội Anh Giáo: cha ông, Samuel là một linh mục và mẹ ông, Susanna, dạy tôn giáo và đạo đức rất cẩn thận cho mười chín đứa con của mình.

Wesley theo học Oxford, chứng tỏ mình là một học giả xuất sắc và sớm được tấn phong trong chức vụ của Anh Giáo. Tại Oxford, ông đã tham gia vào một cộng đồng (được thành lập bởi người em trai của ông, Chales), những người đã lập một lời thề sống một cuộc đời thánh khiết, giữ Tiệc Thánh, cầu nguyện hằng ngày và thường xuyên viếng thăm các nhà tù. Thêm vào đó, họ thường dành ba giờ buổi chiều để học Kinh thánh và các tư liệu tĩnh nguyện khác.

wesley-preaching-feature

Từ “câu lạc bộ Thánh” (theo cách gọi mỉa mai của các sinh viên đồng lứa), Wesley đã đi thuyền tới Georgia để làm mục sư. Kinh nghiệm của ông là một sự thất bại. Người phụ nữ ông tìm hiểu tại Savannah đã cưới một người đàn ông khác. Khi ông cố gắng củng cố những môn đồ của “câu lạc bộ Thánh khiết” tại hội thánh mình thì hội chúng chống lại điều đó. Wesley đã quay về Anh quốc trong sự cay đắng ê chề.

Sau cuộc trò chuyện với một người Moravi khác, Peter Boehler, Wesley đã đi đến kết luận rằng mình thiếu đức tin để được cứu. Dù ông luôn cố gắng để trở thành con người tốt, thì ông vẫn luôn chỉ cảm thấy chán nản. “Tôi thật ra liên tục phải tranh chiến, nhưng không thể chiến thắng. Tôi cảm thấy mình cứ ngã rồi lại đứng lên và rồi lại ngã.”

Ngày 24 tháng 5, 1738, ông được kinh nghiệm một sự kiện đã thay đổi mọi việc. Ông mô tả về sự kiện ấy trong nhật ký của mình: “Vào tối hôm đó, tôi thật ra không hề muốn đến với cộng đồng tại đường Aldersgate, nơi đó có người đọc phần lời tựa của Luther về thư Rô-ma. Khoảng lúc 9h kém 15 phút, trong lúc ông ta đang diễn tả sự thay đổi Chúa làm trong lòng mình như thế nào, tôi chợt thấy ấm áp lạ lùng. Tôi cảm thấy mình có đức tin nơi Đấng Christ, chỉ nhờ Đấng Christ mà tôi được cứu và một sự đảm bảo đã được ban cho tôi rằng Ngài đã cất đi tội lỗi của tôi, thậm chí cả của tôi và cứu tôi khỏi luật pháp của tội lỗi và sự chết.”

Cùng lúc ấy, một thành viên cũ của “câu lạc bộ Thánh” George Whitefield đang rất thành công trong vai trò như một người giảng đạo, đặc biệt tại thành phố công nghiệp Bristol. Hàng trăm những người lao động nghèo, bị đè nén bởi cuộc công nghiệp hoá tại Anh và bị hội thánh thờ ơ lại đang được trải nghiệm sự cải đạo đầy cảm xúc qua lối giảng đạo đầy lửa của ông. Rất nhiều người phản hồi lại rằng Whitefield vô cùng cần người giúp đỡ. Wesley đã nhận lời thỉnh cầu của Whitefield một cách lưỡng lự.

Ông không tin tưởng vào phong cách giảng đạo kịch tính của Whitefield và nghi ngờ về việc Whitefield giảng đạo ngoài đường phố (là một phát kiến rất triệt để vào thời kỳ đó). Ông cảm thấy rất không thoải mái với những phản ứng đầy cảm xúc thậm chí với chính cách giảng suy diễn của mình, nhưng một Wesley của trình tự đã dần quen thuộc với phương pháp thi hành chức vụ kiểu mới này.

Với những kỹ năng tổ chức của mình, Wesley rất nhanh chóng trở thành lãnh đạo mới của phong trào. Nhưng Whitefield là một người theo trường phái Calvin cứng rắn, trong khi Wesley không thể nuốt trôi giáo lý về Thuyết tiền định. Hơn nữa, Wesley tranh luận (chống lại giáo lý của Phái Kháng Cách) rằng Cơ đốc nhân có thể được vui hưởng trọn vẹn sự nên thánh trong đời này: yêu Chúa, yêu người lân cận, hiền lành, tấm lòng hạ mình, tránh khỏi mọi biểu hiện của điều ác và làm tất cả mọi điều vì vinh quang của Đức Chúa Trời. Cuối cùng, hai nhà giảng đạo đã chia hai đường.

Wesley không hề có ý định thành lập một hệ phái mới, nhưng vì hoàn cảnh lịch sử và khả năng tổ chức thiên bẩm của ông đã chống lại ước muốn ở lại trong Giáo hội Anh giáo.

Những người đi theo Wesley lúc đầu gặp tại nhà riêng thành những đoàn thể. Khi những đoàn thể này trở nên quá lớn để các thành viên có thể chăm sóc cho nhau, Wesley đã tổ chức thành các “lớp”, mỗi lớp có 11 thành viên cùng một người lãnh đạo. Các lớp thường gặp nhau hang tuần để cầu nguyện và đọc Kinh thánh, thảo luận về đời sống thuộc linh của họ, thu tiền dâng hiến cho công tác từ thiện. Nhóm nam giới và nữ giới nhóm riêng nhưng bất kỳ ai cũng có thể trở thành một trưởng của lớp.

Tính đạo đức và không khí thuộc linh sôi nổi của các buổi nhóm đó được lột tả ngắn gọn trong một cách ngôn nổi tiếng nhất của Wesley: “Hãy làm tốt nhất bạn có thể, hết sức có thể, bằng mọi cách có thể, ở mọi nơi có thể, mọi lúc có thể và với tất cả mọi người có thể, chừng nào bạn còn có thể.”

NewInnHallSt_WesleyMemorialChurch_6058Phong trào tăng trưởng nhanh chóng cũng giống như sự gia tăng số người chỉ trích gọi Wesley và những người đi theo ông là “Những người Giám Lý”, một cái mác họ gắn cho mình một cách tự hào. Việc bêu xấu tên gọi trở nên tồi tệ hơn khi những người theo phái Giám Lý thường xuyên gặp phải những hành vi bạo lực từ những tay anh chị được trả tiền nhằm phá vỡ buổi nhóm và đe doạ mạng sống của Wesley.

Dù Wesley lập lịch trình giảng đạo lưu động để nó không gây ảnh hưởng đến các buổi nhóm Anh giáo tại địa phương, giám mục của Bristol vẫn không tán thành. Wesley đáp lại “Thế giới này là giáo xứ của tôi” – một câu nói về sau đã trở thành một câu slogan của những người giáo sĩ Giám Lý. Thực tế thì Wesley không hề giảm tốc đi và trong suốt chức vụ của mình, Wesley đã đi hơn 4000 dặm hàng năm giảng khoảng 40.000 bài giảng trong cả cuộc đời của mình.

Một số những linh mục Anh Giáo, như người anh em của John Wesley, Charles Wesley, tác giả viết nhạc thánh ca cũng tham gia vào phong trào của những người Giám Lý. Tuy nhiên gánh nặng giảng đạo đặt trên vai của John. Ông cuối cùng buộc phải tuyển thêm những người truyền đạo tình nguyện khác, là những người không được phục vụ Tiệc Thánh mà chỉ đơn thuần là phụ giúp cho các chức vụ được Giáo hội Anh Giáo bổ nhiệm.

Sau đó, Wesley tổ chức những người đi theo mình thành một “liên hiệp” và một số những cộng đoàn thành các “khu vực” dưới sự lãnh đạo của “mục sư chủ nhiệm”. Những buổi gặp mặt định kỳ của các linh mục Giám lý và những truyền đạo tình nguyện cuối cùng trở thành những “hội thảo hàng năm” là nơi những người phục vụ các khu vực được bổ niệm thường là trong giai đoạn ba năm. Vào năm 1787, Wesley đã được yêu cầu đăng ký những người truyền đạo tình nguyện là không thuộc Anh Giáo. Cùng lúc ấy, bờ bên kia của Đại Tây Dương, cuộc cách mạng Mỹ đã cô lập những người Gíam Lý Yankee khỏi sự liên hệ của họ với Anh giáo. Để ủng hộ cho phong trào Mỹ, Wesley đã tấn phong cho hai người truyền đạo tình nguyện và tấn phong cho Thomas Coke trở thành mục sư chủ nhiệm. Cùng những hành động khác, hệ phái Giám Lý dần dần tách ra khỏi Anh Giáo – dù chính Wesley vẫn tiếp tục ở lại trong Anh Giáo cho đến ngày mất.

Như một dấu chỉ về khả năng tổ chức thiên phú của ông, chúng ta biết chính xác số lượng người đi theo Wesley khi ông mất đó là 294 người giảng đạo, 71.688 tín đồ người Anh, 19 giáo sĩ (5 trạm giáo sĩ) và 43.265 tín đồ người Mỹ với 198 người giảng đạo. Ngày nay hệ phái Giám Lý có khoảng 30 triệu tín đồ khắp thế giới.

-Danh Ngọc tổng hợp-




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.