Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống – “Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao giảng, thì nghe làm sao?” (Rô-ma 10:14)
Với ba câu hỏi này, sứ đồ Phao-lô nêu bật tầm quan trọng của truyền giáo cá nhân, cụ thể là việc làm chứng bằng lời nói của chúng ta. Đúng là Cơ đốc nhân nên có những hành động thương xót, bày tỏ tình yêu thương và tính liêm chính của mình. Chúng ta nên giúp đỡ người nghèo, cho người đói ăn, và quan tâm đến những người bị áp bức và người bị bỏ rơi. Tuy nhiên, chúng ta không được lơ là trách nhiệm quan trọng mà chỉ Cơ Đốc Nhân phải mang, đó là chia sẻ Đấng Christ với một thế giới hư mất.
Nhưng bằng cách nào?
Trong thời kỳ đại dịch, đây là câu hỏi cấp bách. Người ta không được, thậm chí cấm tiếp xúc gần ở một số nơi. Tương tác cá nhân với thế giới bên ngoài bị hạn chế và không có các hoạt động tạo các cuộc gặp gỡ xã hội. Vậy làm thế nào chúng ta có thể truyền giáo khi xã hội đang đề cao khoảng cách cá nhân?
Trước tiên, cần nhớ rằng việc thiếu tự do trong quan hệ không phải là hiếm. Trên khắp thế giới, nhiều Cơ đốc nhân phải sống trong bối cảnh chia sẻ đức tin là trái pháp luật hoặc không thể chấp nhận được. Ở nhiều những nơi như thế này, Hội thánh đang phát triển và mọi người đang đến với đức tin. Hay nói cách khác, truyền giáo có thể diễn ra (và đang diễn ra) bất chấp những giới hạn trong tương tác cá nhân.
Tuy đúng là hầu hết chúng ta đều bị hạn chế về khả năng gặp gỡ và phục vụ những người mới nhưng không ai trong chúng ta hoàn toàn bị cô lập cả. Chúng ta có thể không nói chuyện với người lạ, nhưng chúng ta đang nói chuyện với các thành viên trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, bạn học và những người thân thiết với chúng ta.
Trong tác phẩm kinh điển của mình mang tên “Truyền Bá Phúc Âm Trong Hội Thánh Đầu Tiên” (Evangelism in the Early Church), Michael Green đã chỉ ra rằng các Cơ Đốc Nhân đời đầu (những người cũng phải đối mặt với sự bắt bớ) tập trung nỗ lực truyền bá Phúc Âm vào “gia đình” hay “hộ gia đình” của họ. Ông lưu ý rằng trong bối cảnh này, gia đình bao gồm những người ruột thịt, nhưng cũng có cả đồng nghiệp và bạn bè. Trong thế giới với COVID-19 của chúng ta hiện nay, đây là những người “trong tầm ảnh hưởng”. Như Green đã nhận xét, “các giáo sĩ Cơ Đốc đã chủ ý đoạt được càng nhiều hộ gia đình càng tốt như những ngọn hải đăng – có thể nói như vậy, từ đó Phúc Âm có thể chiếu sáng bóng tối xung quanh” (Green, Truyền Bá Phúc Âm Trong Hội Thánh Đầu Tiên, 321)
Tất nhiên là chúng ta muốn chia sẻ Chúa Giê-su Christ rộng nhất có thể, nhưng ngay cả trong thời gian hạn chế tiếp xúc như hiện nay, vẫn có những con đường để truyền giảng. Nếu muốn chia sẻ Đấng Christ một cách hiệu quả, chúng ta không cần tìm kiếm đâu xa ngoài vòng những người xung quanh. Mà chúng ta có thể tham gia vào truyền giáo trong vòng ảnh hưởng.
Thứ hai, truyền giáo hiệu quả đòi hỏi chúng ta phải nhớ rằng chúng ta không đơn độc. Truyền giáo là một hoạt động thuộc linh. Chúa Giê-su hứa rằng Đức Thánh Linh sẽ ban quyền năng cho người làm chứng. (Công vụ 1: 8) Ngài cũng dạy rằng Đức Thánh Linh đang vận hành trong đời sống của những người tìm kiếm. (Giăng 16: 8-11).
Trong thời điểm “chưa từng có tiền lệ” này (bạn thấy mệt mỏi với từ này rồi phải không?), Việc truyền giảng rất khó, ngay cả trong vòng ảnh hưởng của chúng ta. Tuy nhiên, một thời kỳ như thế này cũng để lộ những vết nứt trong cuộc sống của chúng ta; rất nhiều người đang phải đối mặt với cái chết, sự bất an và đổ vỡ của chính chúng ta. Chúng ta nhận ra rằng phần lớn những gì mình đã hy vọng lại không mang lại niềm vui lâu dài. Là Cơ Đốc Nhân, chúng ta có thể chắc chắn rằng những nhận thức này là công việc của Đức Thánh Linh và Ngài mở đường cho việc rao giảng Phúc Âm.
Trong nhiều năm, tôi đã dạy mọi người chớp lấy các cuộc hẹn thiêng liêng trong các mối quan hệ; đây là những khoảnh khắc mà Đức Chúa Trời mở cánh cửa hoặc tạo cơ hội để chúng ta đưa ra lý do cho niềm hy vọng bên trong chúng ta (1 Phi-e-rơ 3:15). Đây là ba câu hỏi có thể cho chúng ta thấy rằng Chúa đang vận hành.
1. Người ấy có đang nói về những vấn đề tâm linh hay về Chúa không?
Rô-ma đoạn 3 nhắc nhở chúng ta rằng không ai tìm kiếm Đức Chúa Trời. Điều này có nghĩa là khi một người dường như đang tìm kiếm, thì chính Đức Chúa Trời đang làm việc và Ngài có lời mời để chúng ta tham gia cùng Ngài trong công việc này. Hãy nhớ rằng, một số người không biết về Cơ Đốc Giáo, vì vậy cũng hãy để ý đến ngôn ngữ về tâm linh, công lý, cái đẹp hoặc tôn giáo.
2. Người đó có đang thảo luận một vấn đề rất quan trọng mà họ không thể tự tìm ra giải pháp không?
Hầu hết mọi người thích giải quyết vấn đề của riêng họ. Khi họ mời bạn vào tình cảnh của họ thì có thể là Chúa đang mở cửa. Hãy khước từ sự cám dỗ trở thành một nhà tâm lý đại chúng; hãy chỉ ra sức mạnh của phúc âm.
3. Người ấy có đang hỏi về một lĩnh vực trong đời sống tôi được mối quan hệ với Chúa tác động không?
Đức Chúa Trời đã làm những điều lớn lao trong cuộc đời bạn và điều này sẽ thu hút sự chú ý của người khác. Khi họ hỏi về hôn nhân, việc nuôi dạy con cái, hy vọng, niềm vui, v.v. của bạn, hãy nắm bắt cơ hội để chia sẻ cách Chúa Giê-su đã tạo ra sự khác biệt.
Truyền giáo không bao giờ là dễ dàng cả, và đại dịch hiện nay cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng đồng thời, nó cũng cần thiết hơn bất cứ thời điểm nào trong cuộc sống của chúng ta. Hy vọng rằng bài viết ngắn gọn này đã cung cấp cho bạn một số bước thiết thực và khích lệ tinh thần. Khi Chúa Giê-su hứa sẽ ở với chúng ta “cho đến kỳ tận thế”, Ngài cũng muốn nói đến cả thời kỳ này nữa!
– Tác giả: D. Scott Hildreth
– Nguồn: christianitytoday.com
– Kami dịch –