Hội Thánh Tin Lành Lời Sự Sống – Lời Chúa không nhắc nhở chúng ta phải giữ địa vị, chức vụ, tiền bạc hay công việc mà cần con người phải gìn giữ tấm lòng mình hơn hết. Chính vì vậy, giữ tấm lòng khỏi sự cay đắng, thương tổn cũng là một điều cần thiết. Có những con người vì những vết thương trong trái tim mà đời sống họ bị cầm tù trong sự đau đớn, mệt mỏi, kiệt sức, thù hận. Và chắc chắn, nếu tấm lòng chúng ta không được giải thoát khỏi điều đó thì chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ với Chúa của chúng ta. Vậy, làm cách nào để chúng ta có thể trao đi một tấm lòng vị tha và bao dung với những lỗi lầm của người khác? Đó là những thông điệp mà Mục sư Phạm Tuấn Nhượng muốn gửi đến mỗi quý con cái Chúa qua bài chia sẻ “Học cách tha thứ”.
Lời Chúa chép rằng: “Loài người ở một mình thì không tốt”. Lời dạy đó không chỉ dành cho khía cạnh hôn nhân, mà Chúa nhắc nhở chúng ta rằng Ngài đặt chúng ta sống và làm việc cùng những con người khác. Nên chính vì vậy, đừng sống trong ốc đảo của riêng mình mà hãy trở thành một phần trong cuộc sống của những người xung quanh. Tuy nhiên, khi sống cùng nhau, chúng ta rất dễ va chạm và dễ sinh ra những tổn thương, cay đắng. Thậm chí, càng những người thân cận, càng những con người hiểu chúng ta thì càng dễ gây ra những sự mâu thuẫn. Đặc biệt, với những người lãnh đạo, những người chăn bầy, những người hầu việc Chúa, nguy cơ tổn thương cũng sẽ cao hơn những người khác.
Vậy làm sao để giữ tấm lòng chúng ta khỏi những thương tổn và được Chúa chữa lành? Trước hết, đó là sự đối diện, học và thực hành sự tha thứ bởi đó là mạng lệnh của Chúa. Ngài không nói với chúng ta rằng “NÊN tha thứ” mà là “PHẢI tha thứ” và “HÃY tha thứ”. Có những trường hợp Chúa cho phép người khác đến và làm chúng ta tổn thương để thử thách và dạy chúng ta bài học về sự yêu thương, tha thứ. Bên cạnh đó, sự tổn thương là một điều tất yếu trong cuộc sống mỗi người. Ma quỷ muốn gây ra những đau đớn cho bạn nên nó sẽ tìm những con người dẫn đến điều đó. Không chỉ vậy, chúng ta cần phải nhận biết mình là đã được Đức Chúa Trời tha thứ. Hãy luôn nhớ đến sự nhân từ và thương xót của Chúa. Hơn nữa, sự tha thứ giúp chúng ta thoát khỏi nỗi đau và khiến điều đó không làm chủ trong đời sống của bạn. Đó chính là chìa khóa để giải quyết những nan đề gây đau đớn trong bạn.
Muốn thắng được nan đề, hãy thực hành sự tha thứ. Không phải vô cớ chúng ta được nhận những đặc ân. Đừng bao giờ cho phép sự cay đắng chiếm lấy linh hồn và tấm lòng chúng ta. Khi học được cách làm chủ cảm xúc và tâm lý, tha thứ cho người khác, đời sống chúng ta chắc chắn sẽ được phước.