Search
Thursday 21 November 2024
  • :
  • :

Hội Thánh Phát Triển – Tốt Thôi! Hội Thánh Khỏe Mạnh – Quan Trọng Hơn Nhiều!

<b>Hội Thánh Phát Triển – Tốt Thôi! Hội Thánh Khỏe Mạnh – Quan Trọng Hơn Nhiều!</b>
quoc te 25-03-2015

“Hội thánh phát triển khỏe mạnh và bền vững cần nhiều yếu tố khác nhau”

Sách Tân Ước đề cập nhiều đến sự khỏe mạnh của hội thánh. Hãy xem vài câu sau đây:

Khi mỗi phần làm công việc đặc trưng của mình thì những phần khác được tăng trưởng, cả thân thể vì thế trở nên khỏe mạnh và tăng trưởng.” (Ê-phê-sô 4:16b, bản dịch Sự Sống Mới – New Living Translation).

“Sở dĩ tôi viết cho anh em không phải để trừng phạt kẻ phạm tôi, nhưng để giúp anh em gánh lấy trách nhiệm để hội thánh được khỏe mạnh.” – (II Cô-rinh-tô 2:9, bản dịch Sứ Điệp – Message).

“Chỉ khi gắng sức để hòa hợp với nhau thì anh em mới có thể xây dựng một hội chúng khỏe mạnh, sống công chính với Đức Chúa Trời và gặt hái bông trái đó.” (Gia-cơ 3:18, bản dịch Sứ Điệp – Message).

Hội thánh khỏe mạnh là chìa khóa để hội thánh phát triển. Nếu khỏe mạnh thì mọi thực thể sống đều sẽ tăng trưởng. Bạn không cần phải làm cho chúng tăng trưởng vì đây là lẽ tự nhiên đối với mọi thực thể sống. Là một người cha, tôi không cần phải bắt buộc con mình phải lớn lên. Cố nhiên là chúng sẽ lớn lên. Miễn là tôi loại bỏ những chướng ngại như thức ăn thiếu dinh dưỡng hay môi trường không an toàn thì chúng sẽ tự động lớn lên.

Nếu con tôi không phát triển thì chắc hẳn có điều gì đó sai trật đang diễn ra. Tôi phải làm mọi điều khả thi để phát hiện xem con mình có bệnh gì không và chữa bệnh cho con. Tôi sẽ không thể cứ thế bị động, nói những lời sáo rỗng về sự thành tín hoặc muốn con mình phát triển “về chất hơn là lượng” được.

Nguyên tắc này cũng đúng với hội thánh vậy. Hội thánh là một thực thể sống nên lẽ dĩ nhiên là nếu khỏe mạnh thì hội thánh sẽ phát triển. Hội thánh là một Thân thể, không phải là một công việc kinh doanh; Hội thánh là một thực thể, không phải là một tổ chức. Hội thánh sống động. Nếu Hội thánh không phát triển, nghĩa là nó đang chết.

Vậy bí quyết để hội thánh khỏe mạnh là gì?

Chỉ trong một từ, đó là cân bằng!

Cơ thể bạn có chín hệ cơ quan khác nhau (hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, khung xương,…). Khi những hệ cơ quan này được cân bằng thì cơ thể sẽ khỏe mạnh. Nhưng khi cơ thể mất cân bằng, chúng ta gọi đó là “bệnh.” Cũng thế, nếu Thân thể của Đấng Christ không cân bằng thì bệnh tật sẽ xuất hiện. Hội thánh chỉ có thể khỏe mạnh và tăng trưởng khi mọi thứ đều được cân bằng.

Tầm quan trọng của Sự cân bằng

Cả thế giới này dựa trên nguyên tắc cân bằng. Hành tinh của chúng ta được Chúa giữ cân bằng một cách toàn hảo, nghiêng đúng về bên phải so với trục để hỗ trợ sự sống. Trái đất quay ở tốc độ làm giảm chấn động đến mức tối đa. Nếu hành tinh này chỉ gần mặt trời một chút, chúng ta sẽ bị thiêu cháy, còn nếu xa mặt trời chỉ vài dặm nữa thôi, chúng ta sẽ bị đóng băng đến chết.

Thiên nhiên là tập hợp các hệ sinh thái sống cân bằng với nhau. Giờ đây chúng ta biết rằng chỉ một biến đổi nhỏ nhất trong hệ sinh thái cũng tạo ra phản ứng dây chuyền. Chúa đã thiết lập chuỗi thức ăn cân bằng giữa động và thực vật.

Trong kiến trúc, các công trình phải cân bằng. Ứng suất không cân bằng sẽ gây đổ nhà hoặc sập cầu. Luôn luôn cần có thế cân bằng. Nếu cuộc sống của bạn không cân bằng, bạn có thể ngã quỵ và nếu hội chúng của bạn không cân bằng, nó cũng sẽ sụp đổ. Là mục sư và các cố vấn cho hội thánh, chúng ta phải nhận biết rằng hàn gắn chính là phục hồi sự cân bằng cho thân thể, tâm hồn cũng như cho hội chúng.

Hội thánh khỏe mạnh và bền vững cần nhiều yếu tố khác nhau. Tôi đã viết bao quát về thực tế rằng, hội thánh khỏe mạnh cần năm mặt sau: Mọi hội thánh cần phát triển:

Nồng hậu hơn trong sự thông công.
Sâu sắc hơn trong công tác môn đồ hóa.
Mạnh mẽ hơn trong sự cầu nguyện.
Bao quát hơn trong mục vụ.
Rộng khắp hơn trong lĩnh vực truyền giáo.

Năm mục đích này của hội thánh đã được Chúa Giê-su phán truyền trong Điều Răn Quan Trọng Nhất và Đại Mạng Lệnh, được Phao-lô giải thích trong Ê-phê-sô đoạn 4, được Chúa Giê-su mô tả trong Lời cầu nguyện ở Giăng đoạn 17 và hội thánh đầu tiên tại Giê-ru-sa-lem là hình mẫu đã thực hiện năm mục đích này.

Công vụ 2: 42-47 đề cập đến năm mặt của hội thánh khỏe mạnh: Họ giữ mối thông công, gây dựng lẫn nhau, cùng thờ phượng, chăm sóc nhau và cùng truyền giáo. Kết quả nằm trong câu 47: “Mỗi ngày, Chúa thêm số người được cứu vào hội thánh.

Hội thánh tăng trưởng là hệ quả tự nhiên của hội thánh khỏe mạnh. Nhưng Hội thánh chỉ khỏe mạnh khi sứ điệp của chúng ta dựa trên nền tảng Kinh thánh và sứ mệnh của chúng ta phải cân bằng. Mỗi điều trong cả năm mục đích của hội thánh theo Tân Ước phải được cân bằng với nhau để hội thánh có thể khỏe mạnh.

Quan trọng là phải biết rằng: Vì chúng ta là những con người không trọn vẹn nên hội thánh không tự nhiên mà khỏe mạnh được. Trên thực tế, chúng ta luôn luôn phải hiệu chỉnh thế mất cân bằng của hội thánh! Theo lẽ tự nhiên, con người sẽ nhấn mạnh quá mức những khía cạnh hoặc mục đích của hội thánh mà chúng ta đam mê nhất.

Phần lớn các Hội thánh Ân tứ đã thực hiện năm mục đích này ở một mức độ nào đó, nhưng chưa làm tốt cả năm. Hội thánh này có thể mạnh mẽ trong mối thông công nhưng lại yếu trong mảng truyền giáo. Hội thánh kia có thể mạnh mẽ trong sự thờ phượng nhưng yếu trong mảng môn đồ hóa. Hội thánh khác nữa có thể mạnh mẽ trong truyền giáo nhưng lại yếu trong các mục vụ.

Tại sao như vậy? Lẽ dĩ nhiên, người lãnh đạo có xu hướng nhấn mạnh điều mà họ cảm thấy thôi thúc nhưng lại phớt lờ những điều họ thiếu đam mê. Nhiều hội thánh trên thế giới phát triển ở khía cạnh liên quan đến ân tứ của vị mục sư quản nhiệm. Họ chỉ tập trung vào điều mà mục sư của mình quan tâm nhất mà thôi.

Nếu bạn không thiết lập một hệ thống và cơ cấu hội thánh với chủ định cân bằng năm mục đích trên, hội thánh của bạn sẽ có xu hướng nhấn mạnh thái quá vào mục đích liên quan tới những ân tứ và đam mê của mục sư.

Hội thánh khỏe mạnh được xây dựng có chủ đích! Khi tập trung cân bằng vào cả năm mục đích của hội thánh theo Tân Ước, hội thánh của bạn sẽ phát triển cân bằng lành mạnh và có khả năng tăng trưởng bền vững lâu dài.

Tác giả: Mục sư Rick Warren

Rick Warren

Tiến sĩ Rick Warren đấu tranh mạnh mẽ với cái mà ông gọi là “Năm tên Gô-li-át toàn cầu” – Sự trống rỗng thuộc linh, sự lãnh đạo vị kỷ, nghèo đói cực đoan, đại dịch, và nạn mù chữ/nền giáo dục yếu kém. Mục tiêu của ông là thiết lập công cuộc Cải Chánh thứ hai bằng cách phục hồi trách nhiệm trong dân sự, tín nhiệm trong Hội thánh và văn minh trong văn hóa. Ông là một mục sư, một nhà chiến lược toàn cầu, nhà thần học và nhà từ thiện. Ông thường được mệnh danh là “người lãnh đạo thuộc linh có tầm ảnh hưởng lớn nhất nước Mỹ” và là “Mục sư của Nước Mỹ.”

Nguồn: churchleaders.com

Người dịch: Nguyễn Hằng




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.