Năm năm trước, tôi từ bỏ nghiệp kỹ sư để phục vụ hội thánh địa phương toàn thời gian. Ngày đầu tiên, tôi bước vào hội thánh đầy hưng phấn, giống như một nữ sinh trung học vừa nhìn thấy anh chàng đẹp trai nhất trong đời mình. Tôi rất phấn khích. Làm việc trọn thời gian cho hội thánh địa phương sẽ là tuần trăng mật không bao giờ kết thúc.
Tuần trăng mật kéo dài khoảng ba tháng. Tôi nhớ một buổi chiều mình đã suy nghĩ, “Tôi đã làm gì? Tôi không nhận công việc như thế này. “Những đòi hỏi của chức vụ thật quá sức. Các yêu cầu dân sự làm tôi kiệt sức. Chưa kể hầu như ngày nào tôi cũng phải nhốt mình trong văn phòng. Ý tôi là, tại sao mục sư phải ở văn phòng cả ngày? Có phải tôi cần phải đọc sách và chuẩn bị giảng dạy suốt tám giờ? Còn dân sự thì sao?
Năm năm sau, tôi vẫn tự hỏi tại sao các mục sư lại nhốt mình trong văn phòng cả ngày, nhưng tôi yêu hội thánh địa phương. Tôi trân trọng cơ hội được hầu việc vị hôn thê của Chúa Giê-su. Có ngày nào tôi muốn bỏ cuộc không? Chắc chắn có. Nhưng những ý nghĩ đó không đến thường xuyên nữa.
Đến thời điểm này, con đường ở trong chức vụ không hề dễ dàng (và con đường tiến lên phía trước cũng sẽ không dễ dàng đâu). Nhưng một số sự thật về chức vụ đã có thể giúp tôi tránh vấp phải các ổ gà. Những sự thật không dễ dàng chấp nhận, nhưng chúng đã có thể cứu tôi khỏi những đêm nghi ngờ và thất vọng do những kỳ vọng không được đáp ứng (và không thực tế) của mình.
1) Satan nhắm vào tất cả mọi người, nhưng hắn đặc biệt nhắm vào bạn.
Hai tuần trước khi chuyển sang chức vụ toàn thời gian, tôi đã trải qua thời kỳ đen tối nhất trong cuộc đời. Trước đó, tôi chưa bao giờ vật lộn với chứng trầm cảm. Nhưng, trong khi tôi bị dằn vặt giữa việc bước vào chức vụ hay tiếp tục làm kỹ sư, một đám mây đen bay lượn trên đầu tôi. Cho đến ngày nay, tôi không có lời giải thích khác hơn là Satan. Ngày trước khi tôi quyết định từ bỏ công việc kỹ sư, đám mây đen tan biến.
Giá mà tôi biết điều này trước khi tôi bước vào chức vụ … dù Satan nhắm đến tất cả mọi người, hắn đặc biệt nhắm đến các lãnh đạo hội thánh.
Trong các sách Phúc âm, Satan trực tiếp tấn công hai người: Chúa Giê-su và Phi-e-rơ (không có nghĩa hắn không tấn công những người khác, nhưng Kinh thánh không đề cập đến). Trong Ma-thi-ơ 5, Satan cám dỗ Chúa Giê-su trong đồng vắng. Trong Luca 22:31, Chúa Giê-su nói với Phi-e-rơ: “Satan đã sàng sẩy ngươi như lúa mì.” Chúa Giê-su, bởi sự chết của Ngài mà hội thánh được ra đời, và Phi-e-rơ, người xây dựng hội thánh, chắc chắn bị Satan tấn công rõ ràng.
Satan căm ghét Thiên Chúa, vì vậy tự nhiên hắn ghét cô dâu của Chúa Giê-su, là hội thánh. Làm thế nào để tiêu diệt cô dâu của Chúa Giê-su? Triệt hạ những người dẫn dắt nó. Nếu bạn đang ở trong bất kỳ vai trò lãnh đạo trong hội thánh, thì bạn lọt vào tầm ngắm. Nhưng không nên lo sợ vì Đấng ở trong bạn là lớn hơn mọi kẻ trong thế gian. Chỉ cần nhận biết rằng bạn đang bị tấn công.
2) Đừng thu hút đám đông. Hãy đào tạo môn đồ.
Thu hút đám đông không khó. Nếu đáp ứng lợi ích của đám đông, bạn sẽ thu hút được họ. Và cám dỗ văn hóa để xây dựng chức vụ lớn rất mạnh mẽ. Khi mục sư và lãnh đạo Hội Thánh hỏi về chức vụ, câu hỏi đầu tiên có thể sẽ như thế này, “Vậy, có bao nhiêu người trong hội thánh nhóm lại vào chủ nhật?”
Hầu hết các tiếng nói xung quanh bạn bảo hãy thu hút đám đông. Đừng nghe chúng. Đức Chúa Trời không kêu gọi bạn thu hút đám đông. Ngài kêu gọi cho bạn môn đồ hóa mà công tác đó thì lại lộn xộn và mất nhiều thời gian. Nhưng nó là kết quả của chức vụ. Sự kiện gần đây nhất của bạn có 100 người tham gia thì sao? Bạn có 1000 người thờ phượng vào chủ nhật tuần trước à? Thì sao? Họ có đang bước trên con đường hướng về Chúa Giê-su không?
Chớ ngừng nghỉ, chớ mệt mỏi khi hướng dân sự đến với Chúa Giê-su. Những kẻ ích kỷ tư lợi sẽ ra đi. Họ cũng rời bỏ Chúa Giê-su nữa. Không sao cả.
Đừng xây dựng một hội thánh nơi mọi người tự lấy mình làm trung tâm. Đó không phải là Hội Thánh mà là một câu lạc bộ. Xây dựng một hội thánh gồm những người bước trên con đường từ bỏ chính mình. Đó là con đường duy nhất đến sự sống thật.
3) Đức Chúa Trời không ấn tượng với lịch trình dày đặc của bạn. Hãy nghỉ ngơi.
“Ôi, tôi kiệt sức. Tôi không có thời gian cho gia đình. Nhiều tuần nay tôi không có thời gian gần gũi với Chúa Chúa. Nhưng có biết bao nhiêu là sự kiện đang sắp diễn ra. ”
Tôi đã mờ mắt trước áp lực văn hóa. Hai năm đầu tiên trong chức vụ. Kế hoạch làm việc của tôi chìm ngập các sự kiện. Tôi muốn có sự kiện nhiều hơn bất kỳ Hội Thánh nào xung quanh.
Vào cuối năm thứ hai, tôi gần như rời bỏ chức vụ vì kiệt sức, mệt nhoài và ngày càng hoài nghi.
Những người khác có thể ấn tượng mạnh mẽ với bảng kế hoạch dày đặc của bạn. Nhưng Đức Chúa Trời thì không. Ngài không cần bạn kiệt sức. Ngài cần sự thành tín của bạn. Ngài cần bạn tin cậy rằng Ngài là Đức Chúa Trời toàn năng của vũ trụ. Chức vụ của bạn không được công nhận bởi số lượng sự kiện. Hãy nghỉ ngơi. Chức vụ của bạn không phụ thuộc vào bạn.
4) Trong Hội thánh không phải ai cũng sốt sắng với Chúa Giê-su như bạn.
Khi tôi bắt đầu, tôi rất hào hứng giảng dạy, môn đồ hóa và xây dựng mối quan hệ với mọi tín hữu. Ý tôi là, ai không muốn dành thời mỗi ngày với những người tận hiến cho Chúa Giê-su chứ?
Không mất nhiều thời gian để nhận ra rằng những người tận hiến cho Chúa Giê-su là ngoại lệ, chứ không phải quy luật. Thay vì chạy trước đám đông, dẫn đường trong khi họ chạy phía sau tôi, nhiều ngày tôi cảm thấy mình đứng phía sau đám đông, thúc đẩy và nài nỉ họ không bỏ cuộc.
Và tôi nhận ra, Chúa không đặt tất cả mọi người trên cùng một hành trình. Mọi người học biết và phát triển với tốc độ khác nhau. Nếu bạn mong đợi mọi người nghĩ, hành động và sống như mình ngay lập tức thì chức vụ sẽ trở thành gánh nặng. Thay vì bị chán nản, hãy học tập thái độ của Chúa Giê-su … đón nhận mọi người bất kể tình trạng thuộc linh của họ và dẫn dắt họ. Hãy giúp mọi người nếm trải mối quan hệ sâu sắc hơn, mật thiết hơn với Chúa Giê-su. Hãy dẫn họ đến nguồn ân điển, thương xót, quyền năng và tình yêu vô tận của Thiên Chúa.
Hãy nhớ rằng, bạn đạt đến mức thuộc linh này chỉ là bởi vì có người đã từng đến với bạn bất kể tình trạng thuộc linh của bạn khi đó và dẫn bạn đến Chúa Giê-su.
5) Chức vụ không phải một cuộc cạnh tranh.
Đây là một câu nói đáng tin cậy, và đáng được chấp nhận hoàn toàn: Bất kỳ ý tưởng nào cho rằng chức vụ là một cuộc cạnh tranh đều từ Satan. Đức Chúa Trời không gọi bạn vào chức vụ để xây dựng hội thánh của bạn. Ngài kêu gọi bạn xây dựng Hội Thánh.
Thái độ cạnh tranh của nhiều lãnh đạo hội thánh làm què quặt Hội Thánh, cả trong nước và trên toàn cầu. Và dù hướng người ta đến chức vụ và mời họ tham gia hội thánh của bạn là điều tốt, bạn cũng hoàn toàn có thể chỉ tập trung xây dựng hội thánh của mình mà bỏ mặc Hội Thánh của Chúa.
Ước gì tôi biết điều này khi mới bước vào chức vụ. Bất kỳ hội thánh nào, bất cứ nơi đâu, làm báp tem cho ai đó, mọi hội thánh đều thắng. Nếu chức vụ của bạn giúp người khác gặp gỡ Chúa Giê-su, mọi hội thánh đều thắng. Tại sao? Vì bạn không xây dựng hội thánh của mình. Bạn đang tập trung xây dựng Hội Thánh của Chúa. Và Hội Thánh là nơi mỗi người nam và nữ nhóm họp lại ở mọi thành phố, mọi quốc gia trên toàn thế giới.
Hãy vui mừng với các mục sư khác khi họ dắt đưa nhiều linh hồn về với Chúa Giê-su. Bạn có thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả mọi hội thánh ngừng cạnh tranh với nhau và bắt đầu cạnh tranh với Satan?
6) Quan trọng nhất không phải là phục vụ hội thánh, mà là phục vụ Chúa Giê-su.
Là mục sư, bạn không hầu việc cho hội thánh. Bạn đang hầu việc Chúa Giê-su. Nếu bạn xem hội thánh quan trọng hơn Chúa Giê-su, sự hoài nghi và tiêu cực sẽ tiêu diệt bạn.
Dân sự sẽ làm bạn tổn thương. Họ sẽ khiến bạn thất vọng. Nhưng Chúa Giê-su sẽ không bao giờ làm bạn thất vọng. Ngài là ông chủ hoàn hảo. Thức dậy mỗi ngày và hầu việc Ngài. Điều này sẽ giải phóng bạn được tự do để yêu thương mọi người, bất kể những lời họ nói hoặc hành động họ làm. Nó sẽ cho bạn tự do để đưa ra những quyết định khó khăn và nói những gì cần phải nói.
7) Chỉ có Phúc Âm mới biến đổi cuộc đời con người. Đừng để những chuyện “nhà thờ” khiến bạn đi lệch hướng
Ban đầu, tôi dành quá nhiều thời gian tranh luận về “các vấn đề hội thánh.” Bí tích rửa tội cần thiết cho sự cứu rỗi không? Phong cách thờ phượng nào đem dân sự đến với Chúa Giê-su? Hệ phái nào có học thuyết chính xác nhất? Và, thật đáng buồn, phần lớn những gì tôi coi là môn đồ hóa thực ra chỉ là thuyết phục họ tin vào một số vấn đề.
Tôi chân thành xin lỗi những người mình từng môn đồ hóa.
Giờ đây, tôi muốn các bạn biết rằng lập trường đúng đắn về một vấn đề cụ thể chỉ quan trọng nếu như lý do duy nhất cho sự cứu rỗi của bạn là … Chúa Giê-su Christ.
Phúc âm là điều quan trọng nhất (1 Cor 15: 1-3) và là điều duy nhất quan trọng.
Ngày nay tôi muốn bạn biết rằng tất cả mọi sự đều xoay quanh trọng tâm Chúa Giê-su. Trọng tâm luôn luôn là Chúa Giê-su. Nếu bạn có Chúa Giê-su, không có gì khác quan trọng nữa. Nếu bạn không có Chúa Giê-su, không có gì khác quan trọng nữa. Ngài là nguồn sự sống đời đời. Ngài là lý do bạn sự trông cậy. Ngài là nguồn gốc của mọi điều tốt lành.
Nếu mọi người ở hội thánh của bạn biết đúng câu Kinh thánh về phép báp-têm, có tác phong thờ phượng đúng đắn hoặc Tiệc Thánh của Chúa, nhưng không biết Chúa Giê-su, bạn không thành công đâu. Câu hỏi cuối cùng, câu hỏi duy nhất là”Những người bạn đang lãnh đạo có biết Chúa Giê-su không?”
8) Môn đồ hóa dân sự trong hội thánh của bạn là tốt. Môn đồ hóa gia đình bạn là điều tốt hơn. Môn đồ hóa chính bản thân bạn là điều tốt nhất.
Có ích gì nếu bạn có được cả thế giới mà mất linh hồn mình và gia đình mình? Những điều này rất hay bị hy sinh vì ích lợi hội thánh. Tôi tin rằng gia đình là chức vụ quan trọng thứ hai của bạn, đằng sau chức vụ của mình với chính bản thân mình. Điều này không có nghĩa rằng gia đình quan trọng hơn chức vụ hội thánh. Bạn không được lựa chọn mà cần làm tốt cả chức vụ và gia đình tốt. Đừng đặt điều nào cao hơn. Cũng đừng hy sinh điều này vì ích lợi điều kia.
Tôi tin rằng có trật tự môn đồ hóa mới có thể dẫn đến một chức vụ hiệu quả. Bạn phải bắt đầu bằng việc môn đồ hóa bản thân tốt. Sau đó bạn phải kỷ luật gia đình của mình tốt. Nếu môn đồ hóa bản thân và gia đình tốt, chức vụ ở hội thánh có cơ hội sản sinh kết quả cao hơn. Nếu bạn đặt chức vụ hội thánh cao hơn bản thân hoặc gia đình, tôi biết rằng mọi thứ sẽ bắt đầu đổ vỡ.
9) Hãy sẵn sàng để tỏ ra ngớ ngẩn, sai lầm, xin lỗi và thay đổi ý kiến của bản thân mình.
Ban đầu trong chức vụ, tôi cẩn thận từng lời ăn tiếng nói của mình. Tôi không muốn tỏ ra ngu ngốc. Nhiều hơn một lần, Chúa cáo trách tôi rằng quan điểm của tôi về một học thuyết nào đó là sai, và tôi không chịu thay đổi lập trường. Là mục sư năm 2015, bạn sẽ bị soi dưới kính hiển vi. Tất cả mọi thứ bạn nói được mổ xẻ và xem xét kỹ lưỡng. Đừng giận dữ về điều đó. Chấp nhận nó. Nhưng đừng cho phép thứ kính hiển vi đó biến bạn thành nô lệ. Nếu bạn đang học tập, cầu nguyện và tìm kiếm Chúa, Ngài sẽ tiết lộ các tầng lớp mới về tính cách của Ngài cho bạn. Và có thể Đức Chúa Trời sẽ tiết lộ điều gì đó về tính cách của Ngài và làm đảo lộn mọi hiểu biết trước đây của bạn. Hãy nắm lấy cơ hội đó.
Nếu bạn không bao giờ thay đổi suy nghĩ của bạn về một số khía cạnh trong tính cách Thiên Chúa, hoặc là bạn là Đức Chúa Trời hoặc bạn không được Thánh Linh dẫn dắt. Vậy, tệ nhất thì bạn đang giống với Satan, và tốt nhất, bạn là một người Pha-ra-si đầy luật pháp trong đầu.
Hãy chấp nhận hạn chế và điểm yếu của bạn. Hãy thừa nhận lỗi lầm của mình. Hãy minh bạch. Đức Chúa Trời không cần bạn phải thật hoàn hảo. Ngài cần bạn hướng dân sự đến sự hoàn thiện của Ngài.
10) Bạn sẽ thường xuyên nghĩ đến việc bỏ cuộc. Hãy học cách tìm thấy Chúa trong mỗi ngày bình thường của Chức vụ.
Khi bắt đầu chức vụ toàn thời gian, tôi nghĩ chức vụ có nghĩa là một đời sống với những kinh nghiệm tuyệt vời liên tục. Hội nghị giới trẻ với hàng ngàn thanh thiếu niên. Giảng tại nhóm Chúa Nhật và hàng trăm người dâng cuộc đời mình cho Đấng Christ.
Tôi đã không tìm kiếm Chúa mỗi ngày bình thường trong chức vụ. Tôi đã không nghĩ rằng Ngài vẫn luôn ở bên. Bây giờ tôi nhận ra rằng Ngài luôn luôn ở bên. Và chỉ đến khi bạn trân trọng những ngày bình thường không có gì xảy ra thì bạn mới sẵn sàng để trải qua những ngày mà mọi thứ dường như sắp bùng nổ.
Đức Chúa Trời vận hành trong sự hỗn độn của chức vụ. Ngài vẫn làm việc trong những ngày các tín hữu tức giận dùng lời nói tấn công vào năng lực, gia đình và tất cả mọi thứ khác về bạn. Ngài có mặt trong những khoảnh khắc cô đơn khi bạn nghi ngờ chức vụ, hội thánh và thậm chí cả khi bạn đặt nghi vấn về Ngài.
Thành thực mà nói, các mục sư và lãnh đạo hội thánh không rời bỏ chức vụ của mình vì chán ngán những đỉnh cao đâu. Họ sẽ bỏ đi vào các ngày thứ Hai, khi họ đã dành vô số giờ dốc đổ tấm lòng và sức lực vào một nhóm người mà dường như không có gì xảy ra cả.
Mục sư thường ra đi vì họ đánh đồng sự hiện diện của Thiên Chúa với trải nghiệm tuyệt vời trên đỉnh cao. Hãy trân trọng sự hiện diện của Ngài khi dường như không có gì xảy ra cả. Khi đó, bạn có thể nhận thấy rằng Chúa đang làm nhiều hơn so với những gì bạn nghĩ.
– Tác giả: Frank Powell –
– Nguồn: churchleaders.com –
– Người dịch: Thảo Nguyên –