Search
Thursday 21 November 2024
  • :
  • :

Giáo Hoàng Francis Gặp Gỡ Các Nhà Lãnh Đạo Tin Lành và Ngũ Tuần Theo Tinh Thần Giăng 17 (Phỏng Vấn)

Giáo Hoàng Francis Gặp Gỡ Các Nhà Lãnh Đạo Tin Lành và Ngũ Tuần Theo Tinh Thần Giăng 17 (Phỏng Vấn)

Vừa qua, Giáo Hoàng Francis và một số lãnh đạo Tin Lành và Ngũ Tuần chủ chốt đã gặp nhau ở Rome để thảo luận về các vấn đề đã đồng thuận và còn bất đồng giữa hai bên. Mục đích của việc cùng nhau ngồi lại mà không có chương trình chính thức là để bồi đắp sự đoàn kết giữa những hệ phái Cơ Đốc vốn có lịch sử xung đột và bất hòa.

Rev. Dr. Geoff Tunnicliffe, cựu Tổng thư ký của Liên Minh Tin Lành Thế giới và Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Hiệp Hội Truyền thông Cơ đốc, trong cuộc phỏng vấn với tờ The Christian Post hôm thứ Ba cho biết: hai buổi gặp mặt với Giáo hoàng Francis diễn ra trong tinh thần Giăng 17 (tinh thần yêu thương và lấy Chúa làm trọng tâm – ND). Tunnicliffe lưu ý rằng các cuộc họp chính thức với giáo hoàng thường kéo dài chỉ 30 phút, nhưng một cuộc họp không chính thức giữa Francis và các lãnh đạo Tin Lành và Ân Tứ kéo dài hơn hai giờ. Theo Tunnicliff những người hiện diện trong buổi gặp mặt cảm nhận được sự hiện diện của Đức Chúa Trời và sự hiệp nhất trong Thánh Linh vì các cuộc thảo luận đều tập trung vào Chúa Giê-su Christ, ngay cả khi nói về những khác biệt thần học.

Cựu lãnh đạo Liên Minh Tin Lành Thế Giới giải thích, “Những cuộc thảo luận thần học phải diễn ra trong bầu không khí thân tình. Nếu không, chúng sẽ trở nên lạnh lùng. Chúng tôi rất biết ơn những cơ hội này vì qua đó tình hữu nghị giữa chúng tôi được bồi đắp thêm mà không loại bỏ những khác biệt thần học. Các mối quan hệ này chính là điều “cũng giúp tạo ra khuôn khổ cho các cuộc thảo luận sâu sắc hơn nữa.

Trưởng hội Ngũ Tuần của Ý, ông Giovanni Traettino là một trong những triệu tập viên quan trọng của các cuộc họp với Francis, hai bên đã có tình bạn bền vững nhiều năm qua. Vào tháng Bảy năm 2014, Giáo Hoàng Francis đã tới Nhà thờ Hòa giải Traettino ở thành phố phía nam nước Ý Caserta để xin lỗi về những bách hại mà giáo phái Ngũ Tuần phải trải qua dưới bàn tay người Công giáo La Mã. Như báo chí đã đưa tin rộng rãi tại thời điểm đó, Francis, người mới nhậm chức giáo hoàng năm trước, cho biết: “Tôi xin các bạn tha thứ cho những người, tự gọi mình là người Công giáo, mà không hiểu rằng chúng ta là anh em với nhau”, và kêu gọi một “Hội Thánh hiệp nhất trong sự đa dạng của nó.

Tunnicliffe đề cập trong cuộc phỏng vấn với tờ CP, trong cuộc họp, tất cả những lời xin lỗi như thế này đã được một số người Tin Lành – chính những người đã không đối xử tử tế với người Công giáo trong cộng đồng của mình – hồi đáp. Những người tham dự cuộc họp bày tỏ nhu cầu hòa giải lớn hơn trong Hội Thánh là một khối thống nhất, và nhấn mạnh mong muốn nhìn thấy lời cầu nguyện của Chúa trong Giăng 17: 20-23 được ứng nghiệm.

Trong đoạn Kinh thánh này, Chúa Giê-su cầu nguyện cho tất cả những người sẽ tin nhận Ngài qua các sứ đồ: “Ấy chẳng những vì họ mà Con cầu xin thôi đâu, nhưng cũng vì kẻ sẽ nghe lời họ mà tin đến Con nữa, để cho ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha; lại để cho họ cũng ở trong chúng ta, đặng thế gian tin rằng chính Cha đã sai Con đến. Con đã ban cho họ sự vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để hiệp làm một cũng như chúng ta vẫn là một: Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để cho họ toàn vẹn hiệp làm một, và cho thế gian biết chính Cha đã sai Con đến, và Cha đã yêu thương Con.”

Giáo hoàng Francis cũng đã cởi mở đối với người Tin Lành và thể hiện tinh thần đoàn kết thông qua sự kiện Together năm 2016, với các tin tức tuần trước rằng ông sẽ ghi âm lời chào mừng cho cuộc họp vào tháng tới nhằm kêu gọi một triệu Cơ Đốc nhân đến cầu nguyện và thờ phượng ở trung tâm quốc gia tại Washington, D.C.

Website của Together 2016 viết: “Chúa Giê-su trực tiếp thách thức một nền văn hóa chứa đựng nhiều chia rẽ. Ngài cầu nguyện rằng chúng ta sẽ trở nên một – một gia đình, một thân thể. Ngài bảo chúng ta hãy yêu kẻ thù nghịch mình. Ai cũng yêu bạn bè mình, đã đến lúc chúng ta yêu thương những người không giống chúng ta để thế giới cũng nhận thấy điều đó. Đây là thời điểm chúng ta cần đến gần bên Chúa Giê-su để hiệp nhất và yêu thương nhau“.

Tunnicliffe kết luận, “Tôi không nghĩ rằng chúng ta phải chờ đợi thêm 500 năm mới có một Cuộc Cải Chánh nữa. Đức Chúa Trời đang làm những điều kỳ diệu trên khắp thế giới và tôi vô cùng biết ơn Ngài vì mọi điều Ngài đã làm.

– Tác giả bài viết: Brandon Showalter –
– Nguồn: christianpost.com

– Người dịch: Hoàng Xoa –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.