Chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh bên trong ở đâu để đương đầu với những sự sợ hãi, tai họa và buồn rầu? Chính xác thì chúng ta có thể trông mong ở Đức Chúa Trời điều gì?
Chúng ta có thể nương cậy vào Đức Chúa Trời ở cùng với chúng ta đến mức nào? Ngài có thực sự là một Đấng mà chúng ta có thể luôn luôn nương dựa… khi khủng hoảng cũng như lúc yên bình?
Thảm kịch, tai họa và buồn rầu: Đức Chúa Trời ở đâu?
Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa của vũ trụ mong mỏi chúng ta nhận biết Ngài. Đó là lý do tại sao tất cả chúng ta ở đây. Ước muốn của Ngài là chúng ta nương dựa và kinh nghiệm sức mạnh, tình yêu, sự công minh, sự thánh sạch và lòng thương xót của Ngài. Vì vậy Ngài nói với tất cả những ai sẵn lòng: “Hãy đến cùng Ta.”
Không giống như chúng ta, Đức Chúa Trời biết điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai, tuần sau, năm sau, và mười năm sau. Ngài nói: “Hãy nhớ lại những sự ngày xưa; vì ta là Đức Chúa Trời, và chẳng có Chúa nào khác; ta là Đức Chúa Trời, chẳng có ai giống như ta. Ta đã rao sự cuối cùng từ buổi đầu tiên, và đã nói từ thuở xưa những sự chưa làm nên. Ta phán rằng: Mưu của ta sẽ lập, và ta sẽ làm ra mọi sự ta đẹp ý.1 Ngài biết điều gì sẽ xảy ra trong thế giới. Quan trọng hơn, Ngài biết điều gì sẽ xảy ra trong cuộc đời bạn và có thể ở đó cho bạn, nếu bạn đã lựa chọn bao gồm Ngài trong đời sống mình. Ngài nói với chúng ta rằng Ngài có thể trở thành “Đức Chúa Trời là nơi nương náu và sức lực của chúng tôi, Ngài sẵn giúp đỡ trong cơn gian truân”2. Nhưng chúng ta phải cố gắng thành tâm tìm kiếm Ngài. Ngài nói: “Các ngươi sẽ tìm ta, và gặp được khi các ngươi tìm kiếm ta hết lòng.”3
Điều đó không có nghĩa là những ai biết Ngài sẽ tránh được những thời kỳ khó khăn. Họ không được như vậy. Khi một cuộc tấn công khủng bố gây nên đau khổ và chết chóc, những người biết Ngài cũng mắc vào đau khổ đó. Nhưng có sự bình an và sức mạnh mà sự hiện diện của Đức Chúa Trời mang lại. Một người đi theo Chúa Giê-su Christ đã diễn tả điều đó như sau: “Chúng tôi bị ép đủ cách, nhưng không đến cùng; bị túng thế, nhưng không ngã lòng; bị bắt bớ, nhưng không đến bỏ; bị đánh đập, nhưng không đến chết mất.”4 Hiện thực nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ kinh nghiệm những rắc rối trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu chúng ta trải qua chúng trong khi biết Đức Chúa Trời, chúng ta có thể phản ứng trước chúng với một viễn cảnh khác và với một sức mạnh không phải của riêng chúng ta. Không có vấn đề nào có khả năng để Đức Chúa Trời không vượt qua được. Ngài lớn hơn tất cả những vấn đề có thể giáng trên chúng ta, và chúng ta sẽ không bị bỏ lại để một mình đương đầu với chúng.
Lời Đức Chúa Trời nói với chúng ta: “Đức Chúa Trời là tốt lành, làm đồn lũy trong ngày hoạn nạn, và biết những kẻ ẩn náu nơi Ngài.5 Và: “Đức Chúa Trời ở gần mọi người cầu khẩn Ngài. Tức ở gần mọi người có lòng thành thực cầu khẩn Ngài. Ngài làm thỏa nguyện mọi người kính sợ Ngài; cũng nghe tiếng kêu cầu của họ, và giải cứu cho.”6
Chúa Giê-su Christ nói với những người đi theo Ngài những lời an ủi sau: “Hai con chim sẻ há chẳng từng bị bán một đồng tiền sao? Và ví không theo ý muốn Cha các ngươi, thì chẳng hề một con nào rơi xuống đất. Tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi. Vậy, đừng sợ chi hết, vì các ngươi quí trọng hơn nhiều con chim sẻ.”7 Nếu chúng ta thực sự hướng đến Đức Chúa Trời, Ngài sẽ quan tâm đến bạn hơn bất kỳ người nào khác, trong cách mà không ai khác có thể làm.
Thảm kịch, Tai họa và Buồn rầu: Ý chí tự do của chúng ta
Đức Chúa Trời đã tạo nên nhân loại với khả năng lựa chọn. Điều này có nghĩa là chúng ta không bị ép buộc vào trong mối quan hệ với Ngài. Ngài cho phép chúng ta khước từ Ngài và thực hiện những hành vi xấu xa khác nữa. Ngài có thể buộc chúng ta phải yêu thương. Ngài có thể buộc chúng ta phải trở nên tốt. Nhưng khi ấy loại quan hệ mà chúng ta có với Ngài là gì? Đó hoàn toàn không phải là một mối quan hệ, mà là một sự vâng phục bị áp đặt, kiểm soát tuyệt đối. Thay vào đó Ngài cho chúng ta nhân phẩm là ý chí tự do.
Tự nhiên, chúng ta gào lên từ sâu thẳm của linh hồn… “Nhưng Chúa, tại sao Ngài để một điều đến mức này xảy ra?”
Chúng ta muốn Đức Chúa Trời hành động như thế nào? Chúng ta có muốn Ngài kiểm soát hành động của con người? Trong trường hợp xử lý với một cuộc tấn công khủng bố, số tử vong có thể chấp nhận được mà Đức Chúa Trời cho phép là bao nhiêu?! Có thể chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn nếu Đức Chúa Trời cho phép chỉ hàng trăm người tử vong? Hay chúng ta muốn Đức Chúa Trời cho phép chỉ một người chết thôi? Tuy nhiên, nếu Đức Chúa Trời có thể cản trở sự giết hại thậm chí chỉ một người thì không còn có sự tự do lựa chọn nữa. Con người đã lựa chọn bỏ qua Đức Chúa Trời, coi thường Ngài, đi theo lối riêng của mình và thực hiện những hành động khủng khiếp chống lại người khác.
Thảm kịch, Tai họa và Buồn rầu: Thế giới của chúng ta
Hành tinh này không phải là một nơi an toàn. Ai đó có thể bắn chúng ta. Hoặc chúng ta có thể bị một chiếc xe đâm vào. Hoặc chúng ta có thể buộc phải nhảy khỏi một tòa nhà đang bị những kẻ khủng bố tấn công. Hoặc bất kỳ số nào trong những điều này có thể xảy ra với chúng ta trong môi trường khắc nghiệt gọi là Trái Đất này, nơi mà ý muốn của Đức Chúa Trời không phải lúc nào cũng được tuân theo.
Tuy vậy, không phải Đức Chúa Trời cần được con người thương xót, mà ngược lại. Thật may mắn, chúng ta được Ngài thương xót. Chính Đức Chúa Trời, Đấng đã tạo dựng vũ trụ với vô số những vì sao, đơn giản bằng cách nói những từ này: “Đức Chúa Trời lại phán rằng: Phải có các vì sáng trong khoảng không trên trời”.8 Chính Đức Chúa Trời là Đấng phán rằng Ngài “cai trị trên các nước.”9 Sức mạnh và sự khôn ngoan Ngài không giới hạn. Dẫu những vấn đề có vẻ như không thể giải quyết nổi đối với chúng ta, chúng ta có một Đức Chúa Trời quyền năng diệu kỳ nhắc nhở chúng ta rằng: “Nầy, ta là Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của mọi xác thịt; có sự gì khó quá cho ta chăng?”10 Bằng một cách nào đó, Ngài có thể duy trì tính tự do của con người tội lỗi, mà vẫn có thể làm thành ý muốn của Ngài. Đức Chúa Trời nói rõ ràng: “Điều ta đã rao ra, ta sẽ làm hoàn thành, điều ta đã định, ta cũng sẽ làm.”11 Và chúng ta có thể được an ủi từ điều đó nếu đời sống của chúng ta đầu phục trước Ngài. “Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường”12
Sợ hãi, Thảm kịch, Tai họa: Bây giờ Đức Chúa Trời đang ở đâu?
Nhiều người trong chúng ta – không, tất cả chúng ta – có những lúc chọn trói tay Đức Chúa Trời và đường lối của Ngài. So với những người khác, tất nhiên so sánh với một người khủng bố, chúng ta có thể cho mình là người đáng tôn trọng, đáng thương mến hơn. Nhưng sự thật trong lòng chúng ta, khi chúng ta đối diện với Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ nhận biết tội lỗi của mình. Khi chúng ta bắt đầu hướng về Chúa trong sự cầu nguyện, chúng ta đều bị thiếu sót, bị ngưng lại vì ý thức rằng Đức Chúa Trời biết rõ những tư tưởng, hành động và sự ích kỷ của chúng ta? Chúng ta đã… bởi cuộc sống và hành động của mình… xa lánh Đức Chúa Trời. Chúng ta thường sống như là chúng ta có thể điều khiển cuộc đời của chúng ta cách tuyệt vời mà không cần Ngài. Kinh thánh nói rằng: “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy”.13
Hậu quả? Tội lỗi của chúng ta đã tách biệt chúng ta khỏi Đức Chúa Trời, và điều đó gây tác động nhiều hơn là chỉ cuộc đời này. Hình phạt vì tội lỗi là cái chết, hay sự phân cách đời đời khỏi Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã cung ứng một phương cách cho chúng ta được tha thứ và được biết Ngài.
Sức mạnh Nội tâm qua Tình yêu của Đức Chúa Trời
Đức Chúa Trời đã đến trái đất để cứu chúng ta. “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời. Vả, Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài xuống thế gian, chẳng phải để đoán xét thế gian đâu, nhưng hầu cho thế gian nhờ Con ấy mà được cứu.”14
Đức Chúa Trời biết những đau đớn và khổ sở mà chúng ta gặp phải trong thế giới này. Chúa Giê-su đã bỏ lại sự an toàn và yên ổn của nhà Ngài, và bước vào môi trường khắc nghiệt mà chúng ta đang sống. Chúa Giê-su cũng mệt mỏi, biết đói và khát, tranh đấu với sự kết tội của người khác và bị gia đình, bạn bè tẩy chay. Nhưng Chúa Giê-su đã trải nghiệm nhiều hơn là những khó khăn thường ngày. Chúa Giê-su, Con Đức Chúa Trời trong thân xác loài người, tình nguyện mang lấy tất cả tội lỗi của chúng ta trên Ngài và trả giá hình phạt là sự chết. “Bởi đó chúng ta nhận biết lòng yêu thương, ấy là Chúa đã vì chúng ta bỏ sự sống.”15 Ngài đã trải qua sự hành hạ, chết một cái chết nhục nhã, từ từ vì nghẹt thở trên thập tự giá, để chúng ta có thể được tha thứ.
Trước đó Chúa Giê-su đã nói với những người khác rằng Ngài sẽ bị đóng đinh vào thập tự giá. Ngài nói rằng ba ngày sau khi chết Ngài sẽ sống lại, chứng tỏ rằng Ngài là Đức Chúa Trời. Ngài không nói rằng một ngày nào đó Ngài sẽ đầu thai. (Nếu vậy thì ai mà biết được Ngài có thực sự làm điều đó hay không?) Ngài đã nói rằng ba ngày sau khi chôn cất Ngài sẽ hiện ra trong thân thể sống với những người đã chứng kiến Ngài bị đóng đinh. Vào ngày thứ ba ấy, mộ của Chúa Giê-su trống không và nhiều người làm chứng đã thấy Ngài đang sống.
Giờ đây Ngài mời gọi chúng ta đến sự sống đời đời. Chúng ta không giành được sự sống ấy bằng công đức riêng. Đó là một món quà từ Đức Chúa Trời ban cho chúng ta mà chúng ta tiếp nhận khi mời Ngài bước vào đời sống của chúng ta. “nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Giê-su Christ, Chúa chúng ta.”16 Nếu chúng ta ăn năn tội lỗi mình và trở lại với Đức Chúa Trời, chúng ta có thể có món quà là sự sống đời đời qua Chúa Giê-su Christ. Điều đó khá đơn giản. “Sự sống ấy ở trong Con Ngài. Ai có Đức Chúa Con thì có sự sống; ai không có Con Đức Chúa Trời thì không có sự sống.”17 Ngài muốn bước vào đời sống của chúng ta.
Sức mạnh Nội tâm qua Chương trình của Đức Chúa Trời
Còn thiên đàng thì sao? Kinh thánh nói rằng Đức Chúa Trời đã “Ngài khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người”18 Phải chăng điều đó có nghĩa là chúng ta biết, bên trong lòng của chúng ta, một thế giới tốt đẹp hơn thì trông thế nào. Cái chết của những người ta yêu thuyết phục chúng ta rằng có một điều gì đó rất không ổn với cuộc đời này và thế giới này. Đâu đó sâu thẳm trong linh hồn ta, chúng ta biết rằng phải có một nơi tốt hơn để sống, tự do khỏi những khốn khổ và đau đớn nhói tim. Chắc chắn rồi, Đức Chúa Trời có một nơi tốt hơn cho chúng ta. Đó sẽ là một hệ thống hoàn toàn khác mà trong đó ý muốn của Ngài luôn được thành. Trong thế giới ấy, Đức Chúa Trời sẽ lau nước mắt khỏi mắt loài người. Sẽ không còn than vãn, khóc lóc, sự chết hay đau đớn nhữa.19 Và Đức Chúa Trời, bởi Thánh Linh Ngài, sẽ ở trong con người theo một cách khiến họ sẽ không bao giờ phạm tội nữa.20
Sự kiện một cuộc tấn công khủng bố là đủ khủng khiếp. Từ chối mối quan hệ đời đời với Đức Chúa Trời, điều mà Chúa Giê-su mời gọi bạn, sẽ còn tệ hại hơn nữa. Không chỉ trong ánh sáng của sự sống đời đời, nhưng bởi không có một mối quan hệ nào sánh được với sự nhận biết Đức Chúa Trời trong đời này. Ngài là mục đích của chúng ta trong đời sống, là nguồn an ủi, là sự khôn ngoan của chúng ta trong những thời kỳ bối rối, là sức mạnh và hy vọng của chúng ta. “Khá nếm thử xem Đức Chúa Trời tốt lành dường bao! Phước cho người nào nương náu mình nơi Ngài!”21
Có một số người nói rằng Thượng Đế chỉ là một cái nạng. Nhưng có vẻ như Ngài là điều duy nhất đáng tin cậy.
Chúa Giê-su đã nói: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi.22 Đối với những người sẽ nương cậy vào Chúa Giê-su trong đời sống mình, Ngài nói điều đó giống như xây cuộc đời bạn trên Đá. Dù khủng hoảng nào tấn công bạn trong đời này, Ngài có thể giữ bạn vững vàng.
Sức mạnh Nội tâm qua Con Đức Chúa Trời
Bạn có thể tiếp nhận Chúa Giê-su vào cuộc đời mình ngay bây giờ. “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài”23. Qua Chúa Giê-su Christ mà chúng ta có thể trở lại với Đức Chúa Trời: Đức Chúa Giê-su đã nói rằng: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha.”24 Chúa Giê-su mời gọi:” Nầy, ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người, và người với ta.”25
Ngay giờ đây bạn có thể mời Đức Chúa Trời bước vào đời sống bạn. Bạn có thể làm điều này qua lời cầu nguyện. Cầu nguyện có nghĩa là nói chuyện thành thật với Đức Chúa Trời. Lúc này đây bạn có thể kêu cầu Đức Chúa Trời bằng cách nói với Ngài một điều gì đó tương tự như sau trong sự thành tâm:
“Đức Chúa Trời ơi, Con đã rời bỏ Ngài trong lòng con, nhưng con muốn thay đổi điều đó. Con muốn biết Ngài. Con muốn tiếp nhận Chúa Giê-su Christ và sự tha thứ của Ngài vào đời sống con. Con không muốn bị tiếp tục tách biệt khỏi Ngài nữa. Hãy là Đức Chúa Trời của đời sống con từ nay trở đi. Con cám ơn Đức Chúa Trời.”
Bạn có vừa thành tâm mời Đức Chúa Trời vào trong đời sống mình? Nếu bạn đã làm vậy, bạn còn có rất nhiều điều để trông mong ở phía trước. Đức Chúa Trời hứa sẽ làm cho đời sống hiện tại của bạn có sự thỏa mãn lớn hơn qua sự nhận biết Ngài.26 Đức Chúa Trời ở đâu? Ngài hứa đến ở trong bạn.27 Và Ngài ban cho bạn sự sống đời đời.28
Dù điều gì xảy ra trong thế giới quanh bạn, Đức Chúa Trời có thể ở đó cho bạn. Dẫu có những người không đi theo đường lối Đức Chúa Trời, Ngài vẫn có thể sử dụng hoàn cảnh kinh khủng và làm thành chương trình của Ngài. Đức Chúa Trời chắc chắn kiểm soát trên mọi sự kiện thế giới. Nếu bạn là của Đức Chúa Trời, thì bạn có thể yên nghỉ trên lời hứa rằng: “Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định.”29
Chúa Giê-su Christ đã nói: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi. Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi!”30 Ngài hứa sẽ không bao giờ lìa chúng ta hoặc bỏ chúng ta.31
Để lớn lên trong sự nhận biết Đức Chúa Trời và đường lối của Ngài cho đời sống bạn, hãy đọc các phần Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng trong Kinh thánh.
Nguồn: everyvietstudent.com
Chú thích:
(1) Ê-sai 46:9
(2) Thi thiên 46:1
(3) Giê-rê-mi 29:13
(4) 2 Cô-rinh-tô 4:8-9
(5) Na-hum 1:7
(6) Thi thiên 145:18-19
(7) Ma-thi-ơ 10:29-31
(8) Sáng thế ký 1:14
(9) Thi thiên 47:8
(10) Giê-rê-mi 32:27
(11) Ê-sai 46:11
(12) Gia-cơ 4:6
(13) Ê-sai 53:6
(14) Giăng 3:16-17
(15) 1 Giăng 3:16
(16) Rô-ma 6:23
(17) 1 Giăng 5:12
(18) Truyền đạo 3:11
(19) Khải huyền 21:4
(20) Khải huyền 21:27; 1 Cô-rinh-tô 15:28
(21) Thi thiên 34:8
(22) Giăng 14:27
(23) Giăng 1:12
(24) Giăng 14:6
(25) Khải huyền 3:20
(26) Giăng 10:10
(27) Giăng 14:23
(28) 1 Giăng 5:11-13
(29) Rô-ma 8:28
(30) Giăng 14:27 và 16:33
(31) Hê-bê-rơ 13:5