Search
Saturday 27 April 2024
  • :
  • :

Làm Sao Để Trở Thành Một Người Thất Bại Thành Công?

<b>Làm Sao Để Trở Thành Một Người Thất Bại Thành Công?</b>

Tôi không thất bại. Chỉ là tôi đã tìm ra 10.000 cách không thành công mà thôi.” – Thomas A. Edison.

Chẳng ai trong chúng ta thích thất bại cả. Nhưng thật lòng mà nói thì thất bại là một phần của cuộc sống. Chẳng có thành công nào mà không phải vượt qua vô vàn thất bại cả. Ngay cả nhà phát minh Thomas Edison cũng đã trải qua rất nhiều thất bại trên con đường tìm ra một phát minh thành công. Những cầu thủ bóng chày xuất sắc nhất còn đánh bóng văng ra nhiều hơn số lần đánh được cú Home Run.

Bất kỳ ai theo đuổi mục tiêu đáng giá cũng sẽ phạm lỗi và đưa ra những quyết định sai lầm. Vì vậy, chìa khóa ở đây là hãy chờ đón thất bại, chuẩn bị để đương đầu với nó, sẵn sàng biến nó thành bài học và bàn đạp cho sự thành công. Đó gọi là một thất bại thành công. Sau đây là một số đặc điểm của người như vậy:

1. LẠC QUAN. LUÔN NHÌN THẤY CƠ HỘI TRONG MỌI TRẢI NGHIỆM KHÓ KHĂN.

Thomas Edison đã tái định nghĩa sự thất bại trong những thí nghiệm của mình là “10.000 cách không thành công”. Ông đã chờ đón thất bại, đếm nó như là cái giá phải trả để tìm ra cách thành công. Chính vì tìm thấy cơ hội trong thất bại, ông đã có thể nỗ lực không ngừng để tìm ra một điều vô cùng vĩ đại. Lạc quan không phải là một tính cách hạn chế trong một số ít người. Lạc quan là sự lựa chọn. Lạc quan không đảm bảo tạo ra kết quả tích cực ngay lập tức nhưng tạo ra động cơ thúc đẩy cao hơn và ý chí mạnh mẽ hơn.

2. TRÁCH NHIỆM. THAY ĐỔI PHẢN ỨNG CỦA BẠN VỚI THẤT BẠI QUA VIỆC NHẬN LÃNH TRÁCH NHIỆM.

Khi chúng ta thất bại trong điều gì đó, rất dễ để đổ lỗi cho ai đó hoặc điều gì khác. Có lẽ là đổ lỗi cho hoàn cảnh hay những người làm việc cùng chúng ta. Nhưng thất bại là cơ hội để học hỏi. Nếu tôi đổ lỗi cho một ai đó, tôi chỉ đang tự lừa dối bản thân mình trước bài học đó. Trách nhiệm quan trọng hơn danh tiếng. Trách nhiệm dường như dẫn tới phần thưởng, phần thưởng lại dẫn tới trách nhiệm hơn nữa. Khi bạn sẵn sàng chịu trách nhiệm có nghĩa là bạn đã trưởng thành, người ta có thể tin tưởng bạn để học hỏi nhiều hơn từ thất bại và không ngừng nỗ lực.

3. ĐỨNG DẬY. HÃY NÓI TẠM BIỆT VỚI NGÀY HÔM QUA.

Đứng lên sau thất bại là chìa khóa để tiếp tục nỗ lực tạo ra những điều vĩ đại. Tâm trí của bạn chỉ có thể tập trung nhiều vào một điều thôi. Nếu chúng ta vẫn tập trung quá nhiều vào điều mình đã làm sai thì chúng ta sẽ không thể toàn tâm toàn ý làm điều đúng đắn được.

Dưới đây là năm thái độ của những người không vượt qua được những khó khăn trong quá khứ:

• So sánh: So đo thất bại của mình với thất bại của người khác hoặc tự thuyết phục bản thân rằng hoàn cảnh của mình khó khăn hơn người khác.

• Hợp lý hóa: Tự nói với bản thân mình và những người khác rằng bạn có những lý do chính đáng để không vượt qua được những nỗi đau và sai lầm trong quá khứ. Huyễn hoặc bản thân với niềm tin rằng những người khích lệ bạn thật là “chẳng hiểu gì cả”.

• Tách biệt: Thu mình lại và tách bản thân ra khỏi những người khác, né tránh giải quyết các vấn đề hoặc vẫn tự thấy thương hại mình.

• Tiếc nuối: Than vãn hoặc cố sửa chữa những điều không thể thay đổi được.

• Cay đắng: Cảm thấy mình là nạn nhân và đổ lỗi cho mọi người vì những điều tiêu cực đã xảy ra.

4. CHỦ ĐỘNG. HÀNH ĐỘNG VÀ ĐỐI MẶT VỚI NỖI SỢ HÃI CỦA MÌNH

Khi mắc sai lầm và muốn thử lại lần nữa, chúng ta đều phần nào cảm thấy sợ hãi. Khi đối mặt với điều không biết trước, chúng ta thường giải quyết rất nhiều điều phải lo.

Nhưng lo lắng chẳng thể giúp được chúng ta hoàn thành những mục tiêu của mình. Bà Corrie ten Boom nói: “Lo lắng không làm vơi đi nỗi buồn phiền của ngày mai. Nó làm cạn đi sức sống của ngày hôm nay.” Hãy tin rằng thất bại có thể là một điều tốt, nhưng không đủ để giúp ta thành công. Chúng ta cần phải hành động trên niềm tin đó và lại tiếp tục tiến lên, theo đuổi ước mơ của mình. Chỉ bằng cách đó, chúng ta mới học hỏi từ những sai lầm của mình và tiến tới.

Thất bại thành công là loại thất bại mà chúng ta đáp lại với nó một cách đúng đắn: Tìm ra những mặt tốt trong đó, chịu trách nhiệm, bước tiếp và hành động. Vậy bạn đáp lại với thất bại như thế nào? Áp dụng những tính cách nào trên đây sẽ mang đến ích lợi cho bạn?

– Tác giả: John C. Maxwell –
– Nguồn: johnmaxwell.com –

– Người dịch: Phương Hà –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.