Search
Saturday 27 April 2024
  • :
  • :

Câu Chuyện Tuyệt Vời Đằng Sau Bài Hát “Lớn Bấy Duy Ngài”

Câu Chuyện Tuyệt Vời Đằng Sau Bài Hát “Lớn Bấy Duy Ngài”

Câu Chuyện Tuyệt Vời Đằng Sau Bài Hát “Lớn Bấy Duy Ngài”

Lon bay duy NgaiBạn đã bao giờ nghe tới Carl Boberg chưa?

Khi các con còn nhỏ, gia đình chúng tôi đã có thói quen dành thời gian thờ phượng hằng ngày. Có một điều chúng tôi luôn thích làm là hát cùng nhau. Mỗi tối Chủ nhật, chúng tôi sẽ chọn ra một bài thánh ca và tìm hiểu câu chuyện đằng sau nó. Những ngày này, dù công việc lu bù, một “đứa nhỏ” đã vào đại học, đứa còn lại đang trên nửa đường đi truyền giáo vòng quanh thế giới, nhưng chúng tôi vẫn cùng nhau thờ phượng, nói về những điều Chúa làm trên cuộc đời mình, khích lệ lẫn nhau và cầu nguyện với nhau.

Tôi yêu vẻ đẹp của âm nhạc thờ phượng hiện đại, chắc rồi. Nhưng ở cái thế giới mà một bài hát thờ phượng từ mười năm trước bị gắn cho cái mác “cổ lỗ sĩ”, thì việc hát thứ âm nhạc từ nhiều năm trước, thậm chí từ nhiều thế kỷ trước trong gia đình lại mang tới sự tươi mới. Những câu chuyện kể về ngọn nguồn của những bài hát này rất tuyệt diệu và thú vị. Đối với tôi và gia đình, đó là cả một kho báu, là một phần nền tảng thuộc linh giúp các con tôi bước vào cuộc sống của người trưởng thành mà Chúa đã dành sẵn.

Lấy ví dụ, bạn có biết bài “Tôi biết Đấng tôi đang tin” (I Know Whom I Have Believed) là được viết trong một cuộc nội chiến không? Bạn có biết rằng tác giả bài hát là một binh sĩ đang bị giam trong tù và trở thành người tin Chúa khi đang cầu nguyện cho một binh sĩ khác đang hấp hối không?

Hay tác giả của vô số bài thánh ca (8000 bài) Fanny Crosby là một người mù bẩm sinh nhưng lại có thể nhớ được năm sách đầu trong Kinh Thánh, bốn sách Phúc Âm, sách Châm Ngôn và phần lớn các Thi Thiên không?

Giờ thì hãy đến với Carl Boberg.

Sau khi bỏ nghề đi biển, Carl Boberg nhận chức vụ mục sư tại quê nhà Thụy Điển (sau này Carl làm biên tập cho một tờ báo và trở thành thành viên của Nghị viện). Năm 1885, tiếng chuông nhà thờ vang lên trong cơn giông tố đã truyền cảm hứng cho Carl và ông viết bài thơ “O Great God” (Đức Chúa Trời Lớn Thay).

Tuy đã được xuất bản nhưng bài thơ chín dòng này của Boberg không thực sự thu hút độc giả, nó tưởng như sẽ bị lãng quên mãi mãi. Thế nhưng, ba năm sau, ai đó đã thích bài thơ này tới mức ghép nó với một điệu hát truyền thống của Thụy Điển. Khi biết điều này, năm 1981, Boberg lại đăng bài thơ của chính mình lên báo một lần nữa và thêm vào đó các nốt nhạc.
Tua nhanh thời gian tới vài thập kỷ sau, vào những năm 30 của thế kỷ trước, bằng cách nào đó, bài thơ được phổ nhạc này đã vượt các biên giới và đến tai của một giáo sĩ người Anh Stuart Hine (bằng tiếng Nga) khi ông đang ở Ba Lan. Bài hát đã chạm tới sâu thẳm lòng Stuart và ông đã dịch nó sang tiếng Anh, chỉnh trình tự nốt nhạc, thay đổi một chút trong cách diễn đạt và mang nó Anh quốc – quê hương của mình.

Về đến Anh, bấy giờ bài hát mang tên “Lớn bấy duy Ngài”. (How Great Thou Art)

Tới những năm 1940 – Nhà truyền đạo Edwin Orr nghe được những người thuộc bộ lạc tại Assam, Ấn Độ hát bài này và mang nó trở lại Mỹ. Thậm chí chúng ta còn không biết tại sao nó lại đến được đất Ấn Độ.

Năm 1954, bài hát tìm đến tay của George Beverly Shea – ông đã hát nó hàng trăm lần trong chiến dịch truyền giáo của Billy Graham tại New York năm 1957. Năm 1959, nó trở thành bài hát chủ đề cho chương trình phát thanh hằng tuần của Billy Graham, biến “Lớn bấy duy Ngài” trở thành một hiện tượng tại Mỹ.

Năm 1978, tổ chức bản quyền trình diễn ASCAP gọi bài hát là “Bài hát Phúc âm nổi tiếng mọi thời đại”. “Lớn bấy duy Ngài” cũng được xếp vào hàng một trong những bài thánh ca nổi tiếng nhất, thường là đứng thứ hai (ngay sau bài Amazing Grace – Ơn Chúa tuyệt vời).

Thật kỳ diệu, suốt 50 năm qua, bài hát đã qua hơn 1800 lần thu âm lại bắt nguồn từ một bài thơ viết tại một thị trấn nhỏ tại Thụy Điển. Carl Boberg sẽ không bao giờ biết được bài thơ của mình lại ảnh hưởng đến vậy. Ông mất năm 1940, hơn một thập kỷ trước khi “Lớn Bấy Duy Ngài” trở nên nổi tiếng tại chiến dịch truyền giáo của Billy Graham. Giống như Carl Boberg, chúng ta cũng không thể biết rằng những lời nói nào, hay hành động nào của mình sẽ không những ảnh hưởng tới những người xung quanh, mà có thể tới cả những người sống trong thế kỷ sau nữa. Nhưng chúng ta có thể chắc rằng, dù lớn hay nhỏ, chúng sẽ làm được y như vậy.
Đó là những câu chuyện về những bài thánh ca.

Trong thế giới ngày càng “thiển cận” này, những bài hát như thế cùng những câu chuyện đằng sau chúng là một nguồn cảm hứng. Cuộc đời của những người viết chúng ra sao, họ viết chúng như thế nào, và tại sao chúng lại dựng nên một di sản vững chắc giữa những người đi trước và những người tới sau. Khi được giới thiệu cho một thế hệ mới, những bài hát này sẽ thôi “cổ lỗ và nhàm chán”, nhưng bỗng dưng trở nên xác đáng và ngập tràn sự sống – một sự thờ phượng đầy ý nghĩa, viết ra bởi những con người thật mà chúng ta có thể liên hệ tới, thấu hiểu và trân trọng.

Là một nhà văn và một nhạc sĩ, Jason Soroski cố gắng truyền đạt những điều nhỏ bé mà chúng ta dễ bỏ lỡ trong đời sống thường ngày theo cách sâu sắc, ý nghĩa, xác đáng và chú tâm. Ông cũng đồng thời là một mục sư phụ trách hoạt động thờ phượng, một giáo viên, một người chồng và là cha của năm người con, những vai trò này đã đem lại cho ông những câu chuyện cảm động trong đời sống thường ngày.

-Tác giả: Jason Soroski

– Nguồn: crosswalk.com

– Người dịch: Nguyễn Hằng –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.