Search
Friday 26 April 2024
  • :
  • :

Khinh Điều Sỉ Nhục

Khinh Điều Sỉ Nhục

khing dieu si nhucTừ sự chịu khổ của Chúa Giê-su khi Ngài “chịu lấy thập giá, khinh điều sỉ nhục” (Hê-bơ-rơ 12:2), Sharon H. Miller đã có một cách nhìn rất khác về những nỗi xấu hổ, bẽ bàng mà chúng ta thường né tránh trong xã hội hiện nay – một xã hội đề cao sự hoàn mỹ và những nét hào nhoáng bề ngoài, cả trong đời thường lẫn trên các trang mạng xã hội; sao cho “trong mỗi tình huống, dù lớn hay nhỏ, chúng ta có thể khiến chính mình trở nên nhỏ bé để không khiến người khác cảm thấy bé nhỏ.” Loisusong.net xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết “Khinh chịu điều sỉ nhục” của tác giả Sharon H. Miller.

Sự bẽ bàng dẫn ta đến Thập Tự.
Sharon Hodde Miller

Bảy giờ sáng, cả nhà tôi đang ngồi ăn cùng nhau thì hết sữa. Tôi mặc vội bộ quần áo thể thao, cột lại tóc và uống vội chút nước rồi chạy tới cửa hàng, chẳng cần trang điểm, thậm chí chẳng cần hít một hơi dài, vì tôi chỉ định đi khoảng năm phút thôi mà.

Chắc chắn tôi đã gặp phải người quen – lúc nào cũng vậy, hễ bạn cứ ra khỏi nhà trong tình trạng ăn mặc như người canh nghĩa địa là y như rằng lại gặp người quen. Mất một lúc người đó mới nhận ra vì tôi không trang điểm (lại chạm vào lòng tự trọng của tôi), thế nên tôi lí nhí chào rồi cáo lui, không quên xin lỗi vì chưa trang điểm – cứ như thể cái mặt thật của tôi là điều xúc phạm tới người khác vậy.

Trước đó và sau này, tôi đã gặp rất nhiều tình huống lúng túng và ngượng nghịu tương tự: khi một người khách bất ngờ tới thăm và thấy nhà tôi bừa bộn; lúc con tôi đánh đứa nhỏ khác ở trường mầm non; rồi rất nhiều lần tôi nói lỡ lời nữa. Tôi cũng phải chịu những phút bẽ bàng hơn nhiều như việc bị bạn trai đá hoặc bị bạn bè bỏ rơi đang lúc tôi cần họ nhất.

Trong những lần như vậy, tôi luôn phải giấu diếm, xoay sở cho xong hoặc xin thứ lỗi. Tôi muốn người ta tin rằng tôi không như vậy: Con tôi thường không xử sự như vậy. Tôi thường không mặc như vậy. Nhà tôi thường không bừa bộn như vậy. Tôi phản ứng theo cách đó vì khi tôi cảm thấy rất phiền lòng khi để lộ những điểm yếu của mình ra.

Nhưng tôi đã bắt đầu nhìn những trải nghiệm đó theo cách khác đi.

Vào Lễ Thương Khó, những người tin Chúa tưởng nhớ tới toàn bộ tấn thảm kịch của sự chịu khổ. Chúng ta nhớ rằng Chúa Giê-su đã hy sinh tới tột cùng vì chúng ta, rằng Ngài “chịu lấy thập giá, khinh điều sỉ nhục” (Hê-bơ-rơ 12:2). Chúa kêu gọi những người tin Ngài học theo tấm gương đó, nhưng thật ra rất ít người trong chúng ta phải chọn giữa đức tin và sự chết. Bởi thế, sự cam kết của chúng ta với Chúa ít khi được bày tỏ qua việc ta sẵn lòng chết cho Ngài, nhưng qua việc ta sẵn lòng chịu những sự bẽ bàng nhỏ nhặt, để nhận điều sỉ nhục của mình như Chúa đã làm.

Trong nền văn hóa hiện tại, dường như chúng ta công khai chối bỏ nỗi xấu hổ, coi nó như kẻ thù hay một chướng ngại do Sa-tan tạo nên, là điều cần tránh và cần cầu nguyện để thoát khỏi. Tất nhiên chúng ta lý luận rằng sự bẽ bàng không phải là kế hoạch của Chúa cho chúng ta. Nhưng Lễ Thương Khó là một thách thức lớn đối với quan niệm đó. Thay vì coi xấu hổ và bẽ bàng là trở ngại trên đường đi, Lễ Thương Khó nhắc ta rằng đôi khi, sự xấu hổ và bẽ bàng lại đường đi.

Thực ra mối quan hệ giữa Cơ Đốc nhân và sự xấu hổ – cùng mọi sự chịu khổ – mang nhiều tầng bậc. Chúng ta vừa được bảo vệ và giải phóng khỏi nỗi xấu hổ, vừa được kêu gọi để bước vào đó. Tôi ngờ rằng kiểu xấu hổ xấu xa là kiểu xấu hổ buộc tội con người; nó gieo rắc sự nghi ngờ vào trong mối quan hệ của chúng ta với Chúa và với những người khác bằng việc ngờ vực quyền năng của ân điển Chúa. Nhưng có một kiểu xấu hổ và bẽ bàng khác – là kiểu xấu hổ giống như người sàng lọc hơn là kẻ buộc tội. Tish Harrison Warren xem kiểu xấu hổ sau giống như “nỗi đau trong thân thể chúng ta, một vật chỉ thị tự nhiên, một chiếc đèn kiểm tra động cơ báo hiệu sự méo mó về mặt thuộc linh.” Kiểu xấu hổ này phơi bày tội lỗi và những điều chúng ta đang thần tượng, cho chúng ta cơ hội để ăn năn đồng thời trở nên giống Đấng Christ hơn.

Chúa Giê-su chịu hổ ngươi không phải là vì tội lỗi Ngài, nhưng vì Ngài sẵn sàng chịu đựng nó như một hành động yêu thương. Cũng như vậy, Ngài thách thức chúng ta chịu đựng sự bẽ bàng của đời sống thường nhật là hành động yêu thương đối với những người khác, dù điều này nghe có vẻ vô lý. Tình cờ gặp một người bạn tại cửa hàng khi chưa trang điểm là cơ hội cho người đó thấy được con người thật của bạn; chào đón mọi người đến nhà bạn, hay bước vào cuộc đời bạn như những gì nó vốn có – giúp xua tan mọi sự so bì; chia sẻ nỗi đau của bạn với những người khác giúp xua đi bóng ma của sự hoàn hảo. Trong mỗi tình huống, dù lớn hay nhỏ, chúng ta có thể khiến chính mình trở nên nhỏ bé để không khiến người khác cảm thấy bé nhỏ.

Một hành động khiêm nhường như thể hiện sự không hoàn hảo của bản thân dường như không là gì so với mọi điều Chúa Giê-su phải chịu cho chúng ta. Thế nhưng chúng ta đang sống trong một nền văn hóa mà vẻ ngoài của một phụ nữ là vương quốc của cô ấy, và cách duy nhất để truất bỏ quyền lực của nó – cùng quyền lực sai khiến, ganh đua và so bì của nó – là tấn công ngay từ nền móng. Vui mừng chịu hổ thẹn là một cách để phá bỏ hoàn toàn thói hay lấn lướt người khác. Theo nghĩa đó, Lễ Thương Khó định hình lại sự bất an của chúng ta – dù lớn hay nhỏ – là những cơ hội để bước theo Chúa Giê-su. Chúng ta có thể coi những khoảnh khắc này như cách thức để làm chết đi cái tôi của mình và trở nên giống Đấng Christ hơn – không một câu thần chú nào có thể mang đến sự biến đổi giống như thế.

Bởi thế, lần sau, khi thấy ngượng nghịu hoặc bất an, hãy coi khoảnh khắc này như một công cụ trong bàn tay Đấng Cứu Chuộc. Biết đâu Ngài đang kêu gọi bạn khiến mình nên nhỏ bé để yêu thương người khác. Biết đâu Ngài đang tạo khoảng trống để sự cứu rỗi có thể tuôn đổ. Biết đâu điều này lại đánh dấu bước đi đầu tiên trên con đường phục sinh. Nhưng cũng hãy biết điều này: Khi chúng ta giấu giếm sự xấu hổ hoặc che đậy sự bất an của mình và bỏ lỡ cơ hội yêu Chúa và yêu người lân cận, Chúa vẫn mở rộng ân điển của Ngài. Khi Lễ Thương Khó đến, chúng ta không đơn giản chỉ nhớ đến Đấng Cứu Thế đã chịu chết, nhưng nhớ đến Đấng đã chịu nỗi xấu hổ và bẽ bàng của chúng ta – và chịu đựng nó một cách trọn vẹn – vì biết rằng chúng ta chẳng thể làm như vậy.

– Tác giả bài viết: Sharon Hodde Miller –

– Nguồn: christianitytoday.com –

– Người dịch: Nguyễn Hằng –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.