Search
Thursday 21 November 2024
  • :
  • :

“Cứ Đi Trong Khải Tượng Chúa Thì Đều Phước Hạnh Cả”

“Cứ Đi Trong Khải Tượng Chúa Thì Đều Phước Hạnh Cả”

 Loisusong.net xin được kể cho bạn đọc câu chuyện cuộc đời và sự hầu việc Chúa của mục sư Nguyễn Văn Mừng – một mục sư khá trẻ tuổi, hiện đang quản nhiệm điểm nhóm tại Thanh Xuân, Hà Nội. Vâng lời và bước đi theo khải tượng chung, đó là hai điều quý giá mà chúng ta có thể học được qua con người này.

2015-07-11 Muc su Mung (1)Mục sư Mừng trong một chuyến đi truyền giáo

Mục sư Nguyễn Văn Mừng sinhngày 27/11/1981 tại xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An trong một gia đình có tới mười anh chị em. Sống trong một vùng quê nghèo khó, cuộc sống gia đình lại càng chật vật, khó khăn. Lúc còn nhỏ, để con trai mình được học hành đầy đủ, người bố già phải buộc lòng cho hai cô con gái lớn thôi học và ở nhà làm lụng. Lớn lên, Mừng thi đậu vào trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Nghệ An, khoa cơ điện nông nghiệp. Ra trường, anh đi làm hàn xì trong các công trường với mức lương khá cao. Nhưng vì đủ thứ tệ nạn và thú vui nơi thành phố, tiền lương cũng chẳng đủ dùng, Mừng vẫn phải xin tiền bố mẹ.

Cuối năm 2005, nhà nước có cơ chế cho vay vốn để xuất khẩu lao động, anh cũng đi Malaysia, khao khát được đổi đời và kiếm chút vốn liếng trang trải cuộc sống sau này. Không ngờ đời sống anh thay đổi thật, nhưng là theo cách mà anh không hề nghĩ tới. Sang tới Malaysia, Mừng vẫn tiếp tục rượu chè tụ tập, lương làm vẫn không đủ sống. Chính lúc đó, anh được gặp gỡ Chúa Giê-su qua sự ân cần, tốt bụng và kiên trì của một mục sư người Việt. Ban đầu, Mừng đến hội thánh chỉ vì ở đó đông vui và làm anh khuây khỏa nỗi nhớ nhà. Nhưng càng học lời Chúa, Mừng càng vui thích và hiểu biết Ngài hơn. Trong tuần, anh chỉ mong sao cho chóng tới tối thứ năm để được học Kinh thánh, rồi lại chờ đến chủ nhật đến thờ phượng Ngài.

Khoảng 8 tháng sau, Mừng bỏ được thuốc lá. Lòng sốt sắng nhen nhóm, anh bắt đầu tham gia phục vụ trong hội thánh, từ lễ tân, phục vụ, dẫn chương trình tới hướng dẫn xe…, bất kể việc gì. Mới tin Chúa được một năm mà đi đâu, gặp ai Mừng cũng nói về Chúa và hướng dẫn họ tiếp nhận Ngài. “Đó là thời kỳ mà Chúa thăm viếng rất mạnh mẽ và thay đổi cuộc đời tôi,” mục sư Mừng chia sẻ.

Đến năm 2009 là hết hợp đồng lao động ba năm tại Malaysia. Người quản đốc công ty nơi Mừng làm việc cũng muốn giữ cậu công nhân chăm chỉ ở lại. Tuy nhiên, Chúa lại bày tỏ cho Mừng một hướng đi hoàn toàn khác, rất cụ thể và xác đáng: Về học Trường Kinh thánh Lời Sự Sống. Khi chia sẻ với tôi về vai trò của Trường Kinh Thánh đối với chức vụ của mình, mục sư Mừng tâm sự: “Việc học Kinh Thánh đối với tôi là rất quan trọng. Không có nó, tôi sẽ không thể phục vụ được. Trường cho tôi một nền tảng vững chắc là đức tin và giáo lý lành. Không những thế, tôi còn được đi thực tập, chia sẻ, thực hành giảng dạy và thấy mình được lớn hơn rất nhiều.” Tại trường Kinh thánh, chàng sinh viên Nguyễn Văn Mừng gặp được một tình yêu nữa của cuộc đời mình, nói theo lời anh là mối quan hệ đã “thay đổi cả cuộc sống lẫn chức vụ của tôi ngày nay”: chị Bùi Thị Châm, cũng sinh năm 1981. Hai anh chị lập gia đình vào ngày 08/01/2011, tới nay đã có hai cháu gái rất xinh xắn và ngoan ngoãn.

2015-07-11 Muc su Mung (2)Gia đình mục sư Nguyễn Văn Mừng trong dịp Giáng Sinh

Tới đây là khởi đầu cho những năm tháng phục vụ bởi sự vâng lời và sốt sắng làm công việc Ngài. Đôi vợ chồng trẻ về quê sinh sống và làm việc tại Nghệ An được ba tháng thì được kêu gọi ra Thanh Hóa. Đó cũng là thời gian hết sức khó khăn đối với gia đình: vợ đang mang thai con đầu lòng, đi thuê nhà thì bị người ta bắt bớ, chực đuổi đi. Nhưng bởi ân điển Chúa, mục sư đã bắt đầu buổi nhóm đầu tiên ở Thanh Hóa sau chỉ hơn một tuần chuyển đến. Công việc ở Thanh Hóa dần dần ổn định, anh em đang gắn bó, gần gũi và thương yêu lẫn nhau thì mục sư Phạm Tuấn Nhượng tới gặp và trao đổi về sự thiếu hụt nhân lực truyền giáo ở trung tâm. Cả gia đình lại khăn gói về Hà Nội phục vụ Chúa vào tháng tư năm 2013.

Lúc mới đầu ra Bắc, mục sư Mừng phục vụ trong trường Kinh thánh năm II: “Khi làm công việc mới này, thực sự tôi thấy mình vẫn bỡ ngỡ và non yếu. Tôi chỉ biết một điều, đó là cứ vâng lời Chúa, khi Chúa cần thì mình đáp ứng.” Anh quản nhiệm nhóm Sơn Tây được khoảng sáu tháng thì chuyển về điểm nhóm Thanh Xuân vào ngày 07/04/2014. Sau hơn một năm chăn bầy tại đây, công khó của người mục sư này đã sinh bông trái. Hội thánh ban đầu còn ít người và phải chuyển địa điểm nhóm, tới nay đã nhóm lại khoảng từ 30 đến 40 người.

Mục sư Mừng đã tâm tình với tôi một điều rất đáng để suy ngẫm thế này: “Khi mình quan tâm ở đâu hơn, tập trung ở đâu hơn, đầu tư ở đâu hơn thì công việc cũng tốt hơn. Tôi luôn cầu nguyện để ở Thanh Xuân được nhân thêm nhiều nhóm mới. Đây là thời điểm để mở rộng trại mình ra, không để bị chật hẹp. Khi cầu nguyện, tôi có cảm giác công việc lan từ nội thành ra ngoài rất mạnh mẽ. Đây là giai đoạn mới, tôi muốn ở đây thời gian dài hơn, gần gũi anh em nhiều hơn, biết được gia đình hoàn cảnh của nhiều người: ai có thể bước vào hầu việc Chúa, ai đang trong hoàn cảnh phải tranh chiến. Để tới khi nhân lên được nhiều nhóm mới, anh em tự chịu trách nhiệm được, thì lúc đó Chúa kêu gọi ở đâu, tôi cũng sẵn sàng. Bởi khải tượng nên tôi được điều đi hết nơi này nơi kia, bởi khải tượng mà tôi mới dám hy sinh, trả giá. Không quan trọng là ở đây hay ở kia nhưng cứ đi trong khải tượng Chúa thì đều phước hạnh cả. Thật sự là gia đình tôi rất được phước, rất thỏa lòng về sự phục vụ của mình.”

Hiện tại, mục sư Mừng cũng đang làm việc trong văn phòng truyền giáo, thúc đẩy đào tạo con gặt, là người cầu thay, kết nối và sai phái anh em ra đi. Tôi được biết là cha của mục sư đã về với Chúa, nhưng khi còn sống, ông vẫn luôn hãnh diện về con trai mình. Dù người ngoài có nói thế nào, ông vẫn luôn bênh vực và ủng hộ sự hầu việc Chúa của anh. Người cha đó có lý do để hãnh diện. Chặng đường hầu việc Chúa phía trước còn dài và lắm gian lao, nhưng “cứ đi trong khải tượng Chúa thì đều phước hạnh cả.”

– Nguyễn Hằng –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.