Các khám phá trong lĩnh vực khảo cổ học được công bố vào năm 2015 cho chúng ta biết thêm nhiều thông tin mới về những con người và sự kiện trong Kinh thánh. Dưới đây là Top 10 khám phá qua những công cuộc khai quật quan trọng trên các vùng đất trong Kinh Thánh. (Danh sách này mang tính chủ quan và dựa trên thông tin báo chí)
10. Đầu tượng thần tại thành Bết Sê-mết
Vào khoảng giữa tháng mười một, trong khi đang đi dã ngoại cùng gia đình tại khu tàn tích của thành phố Bết Sê-mết – một thành được ghi lại trong Kinh thánh, một bé trai người Israel đã tìm thấy một thứ khá nhỏ, giống đầu của một bức tượng và đưa nó cho hướng dẫn viên du lịch người Israel. Người hướng dẫn viên khuyến khích cậu mang nó đến Cơ Quan Quản Lý Cổ Vật Israel và cậu bé đã làm như vậy. Họ xác định đó là đầu của một nữ thần sinh sản, rất có thể là A-sê-ra, có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 8 TCN.
9. Tranh khảm trai mô tả đèn nhiều nhánh tại nhà hội thời La Mã, Horvat Kur
Cuộc khai quật nhà hội từ thời La Mã tại Horvat Kur, phía trên Biển Ga-li-lê đã phát hiện một bức tranh khảm trai mô tả chiếc đèn nhiều nhánh có thiết kế đèn dầu độc đáo. Dự án này là một trong số những nhà hội được khai quật gần trung tâm chức vụ của Chúa Giê-su, đưa đến một cái nhìn sâu sắc hơn về đời sống thờ phượng của con người vào những thế kỷ sau thời Chúa Giê-su.
8. Cung điện vua Hê-rốt
Vào đầu năm 2015, các nhà khảo cổ học thông báo công khai các cuộc khai quật nhà tù Thổ Nhĩ Kỳ tại Cổng Jaffa, thành Giê-ru-sa-lem qua các tua du lịch. Người ta tin rằng địa điểm này là cung điện của vua Hê-rốt 2000 năm về trước, cũng có thể là địa điểm xét xử Chúa Giê-su trước mặt tổng trấn Phi-lát.
7. Cổng từ Thời Kỳ Đồ Sắt tại thành Gát
Qua 20 năm khai quật, các nhà khảo cổ của Tell es-Safi (Thành Gát của người Phi-li-tin) đã có nhiều khám phá mới. Tuy nhiên, năm 2015, họ đã tìm thấy chiếc cổng thành Gát đồ sộ từ thời Gô-li-át (cư dân nổi tiếng nhất trong thành). Đây là một trong những cổng thành lớn nhất từng được tìm thấy tại Israel, là chứng nhân cho tầm quan trọng của thành phố này 3000 năm trước đây.
6. Con dấu 3000 năm tuổi hiếm có tại khu đất đã qua sàng lọc của Núi Đền
Matvei Tcepliaev, một vị khách du lịch 10 tuổi đã tham gia vào Dự Án Sàng Lọc Khung Đền Thờ trong chuyến thăm Giê-ru-salem cùng gia đình. Giữa khu đất đá trọng điểm của dự án này – bị khai quật trái phép năm 1999 – cậu đã tìm thấy một con dấu từ thời Vua Đa-vít và Dân Giê-bu-sít khoảng 3000 năm về trước. Các nhà khảo cổ học gọi đây là một phát hiện hiếm có trong thời kỳ lịch sử này của Giê-ru-sa-lem.
5. Tên của Ếch-ba-anh tại Khirbet Qeiyafa
Năm vừa qua, các nhà khai quật đã công bố khám phá của mình tại Khirbet Qeiyafa vào năm 2012: một chiếc bình gốm 3000 năm tuổi khắc tên Ếch-ba-anh. Đây không phải là Ếch-ba-anh con vua Sau-lơ trong I Sử ký 8:33, nhưng lại là vật duy nhất nhắc tới cái tên này trong các văn tự cổ, cả hai đều từ cùng một thời kỳ.
4. Mảnh gốm có khắc ký tự Ca-na-an tại Lachish
Các cuộc khai quật tại Lachish năm 2014 đã lật lên một “ostracon” (mảnh gốm có khắc ký tự) có niên đại vào khoảng 1130 năm TCN. Tuy chín chữ cái Ca-na-an khắc trên mảnh gốm không có ý nghĩa rõ ràng nhưng các nhà khai quật cho biết, phát hiện này đã cung cấp thông tin quan trọng về sự phát triển của bảng chữ cái Ca-na-an, sau cùng là bảng chữ cái Hê-bơ-rơ, Hy-lạp và La-tinh.
3. Ấn của Vua Ê-xê-chia trên mảnh gốm
Vào năm 2009, các cuộc khai quật tại Ophel, vùng gần kề Núi Đền tại Giê-ru-sa-lem đã tìm ra một mảnh gốm có đóng ấn của vua Ê-xê-chia. Đại học Hê-bơ-rơ cho biết: “Đây là ấn đóng đầu tiên của người Israel hay của một vị vua Giu-đa được phát hiện tại chỗ trong một cuộc khai quật khoa học-khảo cổ học.”
Đây là một trong 34 “bullae” (ấn đóng) được tìm thấy tại chính địa điểm khai quật này. Phải đến nhiều tháng sau người ta mới đọc được chính xác những dòng chữ trong ấn: “Ấn này thuộc về Ê-xê-chia, [con của] A-cha vua Giu-đa.”
2. Căn nhà tôn nghiêm của Chúa Giê-su tại Na-xa-rét
Giáo sư Ken Dark thuộc Đại học Reading (Vương Quốc Anh) đã phân tích các kết quả bị lãng quên từ lâu của công trình khảo cổ học thực hiện năm 1936 và trước đó tại nữ tu viện Dòng Chị Em thành Na-xa-rét. Tuy khó có thể nói rằng phần còn lại của căn nhà là nhà của Chúa Giê-su thời niên thiếu nhưng Giáo sư Dark quả quyết: Các Cơ Đốc nhân thời La Mã tin rằng nơi đây là nhà của Chúa Giê-su.
1. Giải mã cuộc giấy da cháy thành than ghi lại sách Lê-vi Ký tại nhà hội Ein Gedi
Năm 1970, tại đống đổ nát của nhà hội từ thời La Mã tại Ein Gedi, dọc theo bờ phía tây Biển Chết, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra phần còn lại – đã cháy thành than – của một cuộn giấy da. Tại thời điểm đó, người ta không thể tưởng tượng rằng một mẩu than hình điếu thuốc lại mảy may hé lộ được nội dung gì.
Tuy nhiên, mùa hè vừa rồi, giáo sư Brent Seales thuộc Đại học Kentucky đã sử dụng phần mềm hình ảnh số do chính ông phát triển để phân tích tia X từ hình chụp X-quang của cuộn giấy trên máy tính. Các nhà khảo cổ người Israel đã rất kinh ngạc khi nhìn thấy tám câu đầu trong sách Lê-vi ký. Ngoài các Cuộn Giấy Da Biển Chết, cuộn giấy da 1500 tuổi tại Ein Gedi đã trở thành một cuốn sách cổ nhất của Kinh thánh được tìm thấy.
Khả năng giải mã ảnh chụp CT của đoạn ký tự cổ bị cháy thành than của giáo sư Seales có thể mở cửa cho khả năng phục hồi thêm nhiều tài liệu cổ, trong đó có toàn bộ thư viện của một căn biệt thự La Mã bị phá hủy trong trận núi lửa Đỉnh Vesuvius năm 73 SCN cùng các tài liệu giấy cói bỏ đi dùng để bọc xác ướp Ai Cập.
– Tác giả bài viết: Gordon Govier –
– Nguồn: Christianitytoday.com –
– Người dịch: Nguyễn Hằng –