Search
Saturday 27 April 2024
  • :
  • :

Kiên Nhẫn Dạy Con

Kiên Nhẫn Dạy Con

Là cha của năm đứa con ở năm độ tuổi khác nhau (2, 12, 14, 18, 19), tôi đã học được một bài học quý báu: kiên nhẫn. Thật chẳng dễ chút nào với ông già nóng vội nhất nhì thế giới như tôi, nhưng qua nhiều năm, nuôi dạy con đã giúp tôi rèn luyện và làm mạnh thêm loại cơ bắp thuộc linh này. Tới nay, tôi tin rằng kiên nhẫn là nhu cầu cần thiết nhất của các bậc cha mẹ Cơ Đốc. Để tập tành sự kiên nhẫn, tôi đã (và vẫn đang) học sáu điều sau đây:

Đợi trí tuệ con phát triển dần dần

Giống như các bậc cha mẹ khác, mới đầu chúng tôi đã đặt kỳ vọng quá cao vào mấy đứa con, tới mức muốn chúng trở thành chuyên gia tiếng La-tinh, Hy-lạp, Hê-bơ-rơ và tiếng Xen-tơ khi mới lên ba.

Mấy cậu con lớn giờ vẫn nhắc lại cái thời tôi dạy chúng chia động từ quá khứ tiếp diễn trong tiếng Hê-bơ-rơ khi chúng mới lên bốn hay năm tuổi. Việc này quả có hơi cực đoan, nhưng đa phần các ông bố bà mẹ trẻ thường đánh giá quá cao khả năng tư duy của con mình và thúc ép chúng quá mức.

Có một số bài học mà chúng ta phải đợi cho tới khi các liên kết não bộ của con được hình thành, dù trẻ có đang ở độ tuổi thiếu niên. Nếu đã cố hết mức mà con bạn vẫn không nắm bắt được điều gì đó, hãy đợi thêm một vài tháng nữa rồi thử lại. “A! Con hiểu rồi!”, vậy là chỉ mất vài giây.

Đợi chờ có thể giúp bạn cùng các con tiết kiệm được nhiều công sức và tránh được nhiều sức ép.

Đợi tới khi con bắt đầu trưởng thành

Đôi lúc bạn nhìn vào mấy đứa trẻ ở tuổi thiếu niên và tự hỏi: “Đến bao giờ mới trưởng thành được đây?” Chúng rất hứng thú những điều vặt vãnh như trò chơi điện tử, sơn móng tay, quần áo hàng hiệu, dung tích động cơ xe, mạng xã hội… Chúng có thể rất buồn vì bị “comment” xấu, bị tẩy chay hay trêu chọc. Kỹ năng xã giao của chúng lại chẳng mấy khéo léo nữa.

Bạn hết dỗ dành đến thuyết phục, hết khuyên giải đến sửa trị rồi mắng mỏ mà con cái vẫn cứ như trẻ lên ba. Một hai năm sau, bạn bắt đầu thấy trẻ bỏ lại những thứ ngây ngô lại phía sau – không chỉ bỏ đồ chơi mà còn thôi giận dỗi vô cớ – rồi bắt đầu trưởng thành. Chúng bắt đầu thay đổi thứ tự ưu tiên, thậm chí còn nhìn thẳng vào mắt người lớn và nói chuyện với họ.

Đợi đến khi kỷ luật phát huy tác dụng

Trong các lĩnh vực rèn tập sự kiên nhẫn thì đây là lĩnh vực khó nhất. Chúng ta sử dụng mọi công cụ có thể – thước kẻ, gậy, thắt lưng, dép lê, roi da, cắt móng tay, giá để đồ, cấm dùng Facebook (nói thế thôi chứ Facebook thì cấm sao được) – hết tuần này sang tuần khác, tháng này sang tháng khác rồi năm này sang năm khác mà chúng vẫn không thay đổi.

Rồi tới một ngày chúng ta nhận ra rằng: “Ồ, lâu lắm rồi mình không phải dùng những thứ đó.” Giống như mọi bông trái, bông trái kỷ luật cần thời gian để lớn lên. Có khi vì kiêu ngạo mà con bạn không nhận lỗi hay thay đổi dù biết mình làm sai. Thay vào đó, chúng muốn tự làm điều này theo tốc độ của riêng mình. Lúc khác vì chúng thật lòng muốn suy nghĩ để nhận thức được lỗi lầm hơn là chỉ xin lỗi lấy lệ. Hãy nhớ: Giục tốc bất đạt.

Đợi đến khi con học được bài học đáng giá

Chúng ta cứ nhắc liên hồi rằng đừng lái xe nhanh quá, đừng dùng điện thoại khi đang lái xe…, thảy đều như nước chảy đầu vịt. Nhưng vụ tai nạn đầu đời với xe hỏng, người bị thương, bằng lái bị bấm lỗ… thường dạy chúng nhiều điều hơn là lời nói của cha mẹ. Chấn thương về mặt thân thể, tổn thất về mặt tài chính, hệ lụy về mặt luật pháp và xã hội thường là những người thầy hiệu quả nhất.

Đợi con xác định được mục đích cho mình

Ai cũng muốn con mình sống có mục đích, có hướng đi, chọn khóa học có ý nghĩa hoặc công việc đáng làm; nhưng chúng lại quanh co hết việc này tới việc kia, hết khóa học này tới khóa học khác, hết tham vọng này tới tham vọng khác, hết nhân dạng này tới nhân dạng khác, đôi khi là mất một vài năm.

Chúng ta chứng kiến điều này trong tâm trạng ngày một lo lắng và thất vọng, gây áp lực cho con, ép con phải tiến lên, phải kiểm soát cảm xúc của mình, cống hiến mình cho điều gì đó – bất cứ điều gì.

Tất cả dường như luống công cho tới khi phép lạ xảy ra: Chúng tìm thấy con đường của mình, chỗ đứng cho mình, nhân dạng và mục đích thật sự cho cuộc sống mình. Chúng có được năng lượng mới, hứng thú mới, sự tập trung mới, động lực mới. Mọi thứ rơi vào đúng quỹ đạo.

Đợi đến khi linh hồn con được cứu

Hơn hết mọi điều, chúng ta mong con mình biết Chúa Giê-su và xưng nhận Ngài là Chúa, là Chủ ngay từ khi còn nhỏ. Nhưng dẫu có thể làm nhiều điều cho con trong cương vị cha mẹ, đây là điều chúng ta không thể bắt ép. Đợi con xác định mục đích của đời mình, học được bài học cho mình đã khó; đợi con được cứu còn khó hơn hết – phần vì đó là ưu tiên số một của chúng ta, phần vì giá trả quá cao, phần vì nếu không có điều này, chúng ta sẽ cảm thấy mọi nỗ lực dạy con của mình đều đồ sông đổ bể.

Kiên nhẫn chờ đợi không miễn cho chúng ta trách nhiệm dạy dỗ, sửa trị, kỷ luật hay thúc giục con… nhưng kiên nhẫn chờ đợi chắc chắn giúp chúng ta tránh khỏi bực tức, mệt mỏi và kiệt sức.

– Tác giả bài viết: David Murray –

– Nguồn: headhearthand.org

– Người dịch: Nguyễn Hằng –




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.