Bernt Rostad / Flickr. Tòa nhà Đu-ma tại Mát-xcơ-va
Cập nhật ngày 08/07: Tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông qua một bộ luật chống khủng bố, đặt những giới hạn chặt chẽ hơn trên các hoạt động truyền giáo và truyền giảng.
Ngày hôm qua, bất chấp những lời cầu nguyện và phản đối từ những lãnh đạo tôn giáo và các nhà hoạt động vì nhân quyền, Điện Kremlin đã thông báo chấp thuận của tổng thống Putin. Bộ luật chống lại việc chia sẻ đức tin tại nhà riêng, trên mạng xã hội hoặc bất cứ nơi nào ngoài hội thánh sẽ có hiệu lực kể từ ngày 20/07.
Theo Forum 18 News Service, một tờ báo Cơ Đốc địa phương, mặc dù những người phản đối bộ luật này hy vọng có thể kháng cáo tại tòa án hoặc bổ nhiệm những người làm luật để sửa đổi, họ đã bắt đầu giúp cộng đồng sẵn sàng cho cuộc sống dưới bộ luật mới.
(Tin từ ngày 29/06)
Dự Thảo Luật Của Nga: Không Truyền Giảng Bên Ngoài Hội Thánh
Các tín đồ Tin Lành phản đối bộ luật hạn chế địa điểm và phương thức chia sẻ Tin Lành của Cơ Đốc nhân.
Kate Shellnutt
Nếu bộ luật theo dõi và chống khủng bố mới nhất của Nga được thông qua, Cơ Đốc nhân tại Nga sẽ không được phép gửi email mời bạn bè đến hội thánh hoặc truyền giảng tại nhà của chính mình.
Dự thảo luật mới đặt nhiều giới hạn với công tác truyền giáo, bao gồm cả giảng dạy và tham gia vào bất cứ hoạt động nào liên quan tới việc lấy thêm người vào một nhóm tôn giáo nào đó.
Để chia sẻ đức tin của mình, công dân Nga phải được sự cho phép của chính phủ thông qua một tổ chức tôn giáo được cấp phép, đồng thời cũng không được truyền giảng ở bất cứ đâu, ngoài hội thánh và các địa điểm tôn giáo khác.
Tuần trước, số tín đồ Tin Lành ít ỏi tại Nga – ước tính khoảng 1% dân số – đã cầu nguyện, kiêng ăn và gửi đơn kiến nghị đến Tổng thống Vladimir Putin, là người có quyền chấp thuận hay bác bỏ dự luật này trước khi chúng trở thành luật chính thức.
Sergey Rakhuba, chủ tịch Hội Truyền Giáo Âu-Á, trước đây là một người thiết lập hội thánh cho biết: “Phần lớn các tín đồ Tin Lành – các lãnh đạo từ tất cả 7 hệ phái – đã bày tỏ mối quan ngại của mình. Họ đang kêu gọi cộng đồng Cơ Đốc toàn cầu cầu nguyện để Putin can thiệp và Chúa làm phép lạ trên tiến trình này.”
Sau một làn sóng tuyên truyền về chủ nghĩa dân tộc, bộ luật đã được thượng viện thông qua với đa số phiếu thuận tại Duma ngày 24/06 và được hạ viên thông qua gần đây vào ngày 29/06 tại Hội đồng Liên bang. Trong một lá thư ngỏ, Oleg Goncharov, người phát ngôn của nhánh Âu-Á của hệ phái Cơ Đốc Phục Lâm đã viết: “Nếu bộ luật này được ban hành thì tình hình tôn giáo trong nước sẽ thêm phức tạp và nhiều tín đồ sẽ thấy mình như bị trục xuất và trở thành đối tượng bị trả đũa vì cớ tin Chúa.”
Trong một lá thư gửi Tổng thống Putin đăng trên trang Portal-Credo, Sergei Ryakhovsky, người đứng đầu các Hội thánh Tin Lành tại Nga và một số các lãnh đạo Tin Lành khác gọi bộ luật này là một điều xâm hại tới quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng cá nhân. Dưới đây là trích dẫn một phần bức thư:
“Việc bắt mọi tín đồ phải xin phép chính phủ trước khi rao truyền niềm tin của mình, phát chứng đạo đơn và các tài liệu khác ngoài nơi thờ phượng và các tòa nhà sử dụng vì mục đích tôn giáo không những là một việc làm lố bịch và xúc phạm, mà còn khiến các tín đồ bị bắt bớ dữ dội vì vi phạm luật này trong tương lai. Lịch sử Xô-viết cho chúng ta thấy rằng biết bao người với nhiều niềm tin khác nhau đã bị bắt bớ vì Lời của Đức Chúa Trời. Bộ luật này đưa chúng ta trở lại một quá khứ đáng hổ thẹn.”
“Những cấm đoán tôn giáo thời Stalin – cấm các hoạt động tôn giáo ngoài nhóm Chúa nhật trong các nhà thờ được phép, đồng thời cấm cha mẹ dạy đức tin cho con cái – được duy trì cho tới tận khi Liên bang Xô-viết sụp đổ”.
Một số người đặt câu hỏi rằng liệu chính phủ có thể kiểm soát các hoạt động tôn giáo trong nhà riêng của Cơ Đốc nhân hay không.
“Bạn không thể đánh giá quá cao mong muốn kiểm soát của chính phủ Nga. Nếu lịch sử là một dấu hiệu thì dự luật này chỉ ra rằng Nga đang ở trong đi vào vết xe đổ chuyên chế tàn ác”, Aikman trả lời Christianitytoday.
Bộ luật có tên gọi Anh Cả (Big Brother) này cũng giám sát rộng rãi các hoạt động trực tuyến, bao gồm yêu cầu các ứng dụng mã hóa trao cho chính phủ quyền giải mã và ấn định hình phạt nặng nề hơn cho chủ nghĩa cực đoan cùng chủ nghĩa khủng bố.
Một tổ chức nhân đạo vì Nhân Quyền trả lời tờ Guardian rằng dự thảo luật này “xâm phạm đến quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng và quyền riêng tư,”
Nếu được thông qua, bộ luật chống truyền giảng này định ra mức phạt lên đến 780 USD (hơn 17 triệu VNĐ) đối với cá nhân và 15,500 USD (345 triệu VNĐ) đối với tổ chức vi phạm. Các du khách nước ngoài phạm luật sẽ bị trục xuất.
Nga đã và đang có những động thái ngăn chặn các giáo sĩ nước ngoài. Luật “người đại diện nước ngoài” ban hành năm 2012 yêu cầu các nhóm người nước ngoài phải đệ trình các giấy tờ và bị chính phủ kiểm tra và khám xét bất ngờ. Kể từ thời điểm đó, theo số liệu của chính phủ, các tổ chức phi chính phủ tại Nga đã giảm đến một phần ba.
Trước đó, Rakhuba cũng trao đổi với Christianitytoday rằng: “Tại Mat-xcơ-va, chúng tôi phải dùng chung văn phòng với 24 tổ chức khác. Hiện tại, ở đó không còn một tổ chức truyền giáo nước ngoài nào. Họ không thể làm mới visa. Xin cấp phép cho một tổ chức nước ngoài trong thời điểm hiện tại là một điều gần như bất khả thi.” Theo Rakhuba, tín đồ Tin Lành tại Nga vẫn đang cầu nguyện để bộ luật này được sửa đổi và bãi bỏ, tuy nhiên, trước đây họ đã từng hoạt động ngầm thì bây giờ họ sẵn sàng làm như vậy.
Rakhuba viết: “Họ cho biết: Nếu mọi chuyện đến nước đó thì cũng không gì có thể cản chúng tôi thờ phượng Chúa và chia sẻ đức tin của mình. Đại Mạng Lệnh không chỉ dành cho thời tự do.”
– Nguồn: christianitytoday.com –
– Tác giả bài viết: Kate Shellnutt –
– Người dịch: Nguyễn Hằng –